Trang chủ Diễn đàn Chấn hưng Phật giáo Chùa Trúc Lâm Thanh Lương trong bước tiến chấn hưng PGVN

Chùa Trúc Lâm Thanh Lương trong bước tiến chấn hưng PGVN

117

Trong nỗi băn khoăn khi độc giả “Hoang Tri” đề nghị bổ sung khu vực Bắc Trung Bộ (tức các tỉnh khu IV cũ, gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình) vào danh sách các vùng trắng Phật giáo Việt Nam, thì chúng tôi đọc được bản tin “Hà Tĩnh: Khánh thành, bổ nhiệm trụ trì chùa Trúc Lâm Thanh Lương” trên Phattuvietnam.net.

Nỗi vui mừng được nhân lên nhiều lần, vì tin vui đến trong nỗi băn khoăn tôi xin có bài viết này, thay lời tán thán công đức quý Tôn đức tăng ni, cư sĩ Phật tử đã có công trùng tu ngôi Tam Bảo ở miền đất mà việc chấn hưng Phật giáo đang là một yêu cầu cấp thiết.

Trùng tu chùa ở Hà Tĩnh, đó là điều đáng quý đầu tiên.

Chùa xây hay trùng tu ở đâu trên đất nước Việt Nam đều tốt, nhưng tốt hơn là ở vùng đất mà người dân khát ngưỡng Phật pháp nhưng chỉ còn lại hay mới có rất ít chùa. Hà Tĩnh là một nơi như vậy. Cho nên, công đức của tăng ni, thí chủ thiện tín tăng lên bội phần.

Qua những bức ảnh mọi người chúng ta đều hẳn là rất hoan hỷ, vì chùa trùng tu khang trang, nhưng vẫn giữ được nét cổ kính của chùa chiền miền quê xứ Bắc.

Tháp Phật nhỏ mà thanh. Chính điện u tịch, ấm cúng, trang nghiêm. Một ngôi tùng lâm như thế, lại ở Hà Tĩnh, quả thật, trước đây chỉ là ước mơ.

Do vậy, lễ khánh thành chùa Trúc Lâm Thanh Lương tất nhiên phải có sự hiện diện của Đức Pháp chủ, đầy đủ chư tôn hòa thượng Thượng tọa trong Nam ngoài Bắc.

Phía chính quyền, cũng là một nhân duyên đặc biệt, với sự tham dự của ông Bí thư tỉnh ủy.

Điều này là tín hiệu cho thấy phía chính quyền đã thấy được giá trị và ảnh hưởng tích cực của Phật giáo trong việc giữ gìn, phát huy truyền thống dân tộc, trong sự nghiệp xây dựng đất nước.

Trong buổi lễ, phía quan khách cũng đều chắp tay thành kính như các Phật tử thuần thành.

Lần khánh thành chùa này thật đáng mừng, hơn mọi lần khánh thành chùa khác.

Nó đánh dấu một tầng nấc mới, một bước tiến mới trong sự nghiệp chấn hưng, phát triển Phật giáo Việt Nam.

Sau hàng bao nhiêu năm chiến tranh, dâu bể, tiếng kinh kệ lại vang lên dưới mái chùa mới nguyên, tươi rói, ở nơi mà cách đây không lâu, chùa chiền còn là điều mong ước.

Những vùng trắng Phật giáo từng bước thu hẹp làm người con Phật và tất cả những người Việt yêu nước cảm thấy an tâm hơn, lạc quan hơn.

Tuy nhiên, điều chúng tôi muốn chia sẻ trong dịp lạc thành hoan hỷ này, là có chùa, có Phật, có tăng, chỉ mới là bước đầu trong việc hoằng pháp ở những miền đất mà Phật giáo trong bước đầu chấn hưng.

Chùa là một khía cạnh của sự chấn hưng, bên cạnh đó, còn là tứ chúng tu học nghiêm cẩn, tinh tấn.

Cụ thể, thiết nghĩ, hàng lãnh đạo Phật giáo Việt Nam tiếp tục có một sự ưu đãi đặc biệt đối với những vùng Phật giáo truyền bá bước đầu hay trong giai đoạn hồi phục (Tây Bắc, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ).

Thuận duyên để hình thành một tăng đoàn, từ người dân địa phương, cần được chú ý đặc biệt nhất là ở các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên chẳng hạn.

Chúng ta thấy những cuộc lễ quy y đông đảo cho đồng bào Tây Nguyên, nhưng, dường như, chưa có, hay chỉ mới có rất ít, tăng sĩ là người tại chỗ xuất gia tu học.

Vì vậy, tôi nghĩ, sau chùa, ở những nơi như Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ là những trường Phật học. Việc ưu đãi tăng ni là người địa phương từ những miền đất như trên đã nói đến lưu học tại Hà Nội, Huế, TPHCM, vì sự hưng thịnh của đạo Pháp, nên được hoàn chỉnh trong một chính sách nhất quán.

Đối với những vùng như vậy, việc tuyển chọn tăng ni sinh vào các trung tâm đào tạo lớn của Phật giáo không nên căn cứ vào mặt bằng trình độ chung của cả nước, mà bước đầu nên theo hoàn cảnh địa phương, mặt bằng trình độ địa phương.

Gia tăng ưu đãi tài chính, học bổng (nếu đã có) cho tăng ni sinh những vùng nói trên, nếu chưa có thì cứu xét tài trợ thích đáng so với tăng ni sinh đến từ những nơi khác là việc, thiết tưởng, cần tính đến.

Có thể Phật giáo Việt Nam chúng ta sẽ sớm có được chư vị đại đức là người địa phương Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh…, nhưng sẽ khó hơn nhiều để có những vị đại đức người dân tộc miền cao ở Tây Nguyên, Tây Bắc, mà pháp danh được đặt bằng tiếng của chính tiếng dân tộc nơi địa phương quý vị đã sinh ra và trưởng thành.

Ý chúng tôi muốn nói, là cùng với chùa phải là người.

Hiện nay, nghe những vị tôn đức, tăng ni nói tiếng theo giọng Huế, giọng Hà Nội, giọng Bình Định, Phú Yên hay giọng Sài Gòn thỉ là điều bình thường. Nhưng nghe một vị tăng, vị ni nói giọng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, chắc chắn chúng ta sẽ xúc động lắm.

Càng xúc động hơn nữa khi nếu có một vị tăng nói giọng đồng bào miền núi, thuyết pháp không phải bằng tiếng Kinh mà bằng tiếng dân tộc miền núi.

Có như thế, thì trong từng bước tiến chấn hưng Phật giáo, kết quả mà chúng ta đạt được mới trọn vẹn.

MT