Trong chính điện của ngôi chùa ấy, người ta kê chín quan tài lớn, màu hồng. Mỗi ngày, đã có hàng trăm người xoay vòng lần lượt vào nằm bên trong những cỗ quan tài ấy trong phút chốc, trong khi lời kinh tiếng kệ cầu nguyện của các nhà sư vang lên.
Sau đó, một hiệu lệnh phát lên, những người nằm trong những cỗ quan tài ấy bước ra với tâm trạng dường như đã rũ bỏ sạch quá khứ, – họ tin như vậy.
Trên đây là hình thức tái sinh trong thời đại của chúng ta khi mà những khó khăn kinh tế gần đây đem đến những bất chắc, và người ta nỗ lực đi tìm giải pháp khắc phục tình trạng khó khăn kinh tế ấy trong cuộc sống.
Càng ngày càng có đông người từ khắp Thái Lan tìm đến ngôi chùa ấy để tham gia vào cái mà nó vốn dĩ đã trở thành dây chuyền công nghệ tái sinh.
Ekchai Uekrongtham, phụ trách kịch bản bộ phim “Quan Tài”, hiện đang trình chiếu tại Thái Lan với cốt chuyện xoay quanh chủ đề tang lễ trong đời sống, nói: “Khi kinh tế suy thoái, chúng tôi hiểu ra rằng, nên đặt hy vọng vào những sức mạnh siêu nhiên”.
Nual Chaichammi, 52 tuổi, làm nghề xoa bóp, vừa đến đó gần đây nói: “Khi tôi bước vào nằm bên trong cỗ quan tài ấy, tôi cảm thấy ấm cúng”, và cô ta còn nói, cô ta thích cảm giác ấy đến mức mà cô ta đã thực hiện nó đến sáu lần.
Nual Chaichammi kể thêm: “Khi nằm trong đó và lắng nghe lời kinh tiếng kệ của các nhà sư, tôi cảm thấy tâm mình buông xả và nhẹ nhàng. Khi đứng dậy bước ra, tôi nghĩ về điều thiện, nghĩ về hình ảnh đức Thế Tôn trong chính điện. Và tôi cảm thấy an lạc.”
Phật giáo tại Thái Lan có thể có những hình thức đột phá đến không ngờ, trong đó có cả mê tín dị đoan, lẫn những thực hành có tính thần bí, và tinh thần bao biện của nhiều nhà sư thâm niên. Nhiều người Thái nói rằng, tinh thần chân chính của đạo Phật đang biến mất dần.
Pradap Butcharerm, 69 tuổi, một người đã tham dự vào sinh hoạt trên nói rằng, ngôi chùa này có tên tự là Wat Promamnee, tọa lạc cách thủ đô Bangkok khoảng 105km về hướng đông bắc, đã cung cấp dịch vụ tái sinh hằng ngày hiếm có ấy hơn ba năm rồi.
Vào những ngày cuối tuần, có đến 700 người tham gia 1 ngày. Họ phải trả 180 bạt ( khoảng 80.000 VNĐ) cho mỗi lượt xin lễ tái sinh ấy, và trên 180 bạt cho những lá bùa hộ mệnh được bán đấu giá bởi những người phụ giúp trong chùa. Họ la toáng lên: “Chúng tôi chỉ có 50 bạt, một biểu giá ấn định, ông/bà ra giá quá cao. 20 bạt, 50 bạt, phải chăng tôi đã nghe nói đến 300 bạt dành cho một ai đó đang đi tìm vận may?”.
Khi số lượng khách hành hương tham gia trở nên quá tải, thì sự tắm mình trong siêu nhiên của họ trở nên máy móc nhiều hơn nữa; bấy giờ, một nhà sư với chiếc loa phóng thanh cầm tay sắp xếp những người sùng bái ấy đứng theo hàng trước các cỗ quan tài, và cứ chín người một lượt.
Giống như danh hề Charlie Chaplin đứng trên dây chuyền công nghệ ngoài vòng kiểm soát, họ tuân theo hiệu lệnh của một nhà sư: bước vào quan tài, nằm thẳng lưng, nhắm mắt, khâm liệm bắt đầu, khâm liệm dứt, cầu nguyện tốc hành, trỗi dậy bước ra ngoài, bắt đầu cuộc sống mới.
Toàn bộ tiến trình này diễn ra một phút rưỡi. Sau đó, nhóm 9 người kế tiếp khác bước vào.
Một bảng hiệu cảnh báo khách hành hương không được đứng sau quan tài, nơi mà bất thiện nghiệp đã trút ra từ những người ngoan đạo “đang chết” có thể còn đang phảng phất ở quanh đó.
Suwannan Sathata-Anand, phó giáo sư Triết học tại Đại Học Chulalongkorn, Bangkok, nói: “Nghi lễ tái sinh là một nghi lễ hiếm có, nhưng không có gì đáng ngạc nhiên. Ngày nay, nhiều người trong xã hội Thái đang tạo nên các loại nghi lễ và cách thực hành mới để thích ứng với bất cứ mục đích gì mà họ muốn.
Với hệ thống tổ chức Phật giáo chậm thích nghi với những thay đổi của thời đại như vậy , thì người ta đang tìm kiếm phương cách thể hiện của riêng họ về đạo Phật mà có thể liên quan đến đời sống của họ.”
Tôn giáo quá khứ cùng với trào lưu của lối sống tư bản hiện tại đã chi phối hình ảnh người Thái khi đất nước họ phát triển nhanh chóng trong 3 thập niên qua.
Cách đây 2 năm, Thái Lan đã bị mắc vào cơn cuồng loạn vì một lá bùa hộ mệnh mang tính ma thuật có tên là Jatukam đã được bán ra dưới nhiều dạng danh xưng mờ ảo khác nhau như: “Siêu Giàu”, “Giàu Trong Chớp Nhoáng”, “Giàu không cần biết lý do”, “Giàu Kỳ Lạ”.
Người ta đến thực hành tái sinh tại chùa Wat Prommanee đang tìm kiếm sự cứu giúp, vì nhiều người trong số họ bệnh tật và khao khát sống.
Jirapat Winarungruang, 37 tuổi, làm nghề luật sư, đã đến đó vào một ngày gần đây để hoàn tất việc hoán cải mà anh ta đã bắt đầu cách đây 4 năm, khi anh ta tiến hành thay tên đổi họ từ cái tên Suthep Wina, – nghĩa là ít có triển vọng, – sang thành một cái tên mới Jirapat Winarungruang. Tên mới của anh ta có tiếp vĩ ngữ là ‘rungruang’, nghĩa là sự thịnh vượng.
Ông Jirapat nói: “50% vận mệnh của con người được định đoạt bởi danh tánh, và 50% còn lại của con người được định đoạt bởi ngày sinh. Khi tôi bước ra khỏi quan tài để tái sinh trở lại thì vết tích cuối cùng của cái tên cũ Suthep Wina của tôi hẳn đã bay đi mất ”.
Woraphot Sriboonyang, 30 tuổi, là một kỹ sư nói, anh ta đã đi cùng với ông Jirapat và bốn người khác trong gia đình của anh ta để tự giải phóng khỏi cái nghiệp bất thiện của chính anh ta. Woraphot nói, chỉ trong vài tuần mà anh ta đã vừa bị vỡ nợ lại vừa gặp tai nạn ô tô tồi tệ. Anh ta muốn thoát khỏi vận rủi ấy bằng cách chấm dứt ngay tại hai vận đen này.
Sangkhom Thani, 37 tuổi, người bán thực phẩm đã được trợ giá thay cho chính phủ, nói rằng, anh ta hy vọng được buôn may bán đắt và gặp cơ may cái lưng và cái chân đau nhức của anh thuyên giảm .
Sau khi đã khảo giá một lá bùa hộ mệnh mới với cái giá cắt cổ, Sangkhom nói:“Nếu tôi nằm dài trong cỗ quan tài ấy, thì nó sẽ cho tôi một cơ may được hưởng sức khỏe tốt hơn trước trong cuộc sống”.
Chalida Muansawang, 33 tuổi, làm nghề uốn tóc, dẫn cô con gái 12 tuổi tên là Saksithorn trong niềm hy vọng rằng, với phút chốc ngắn ngủi trong quan tài có thể giúp chữa trị tính hiếu động của cô con gái của cô ta.
“Cháu hồi hộp và hơi hoang mang”, cô bé nói sau khi đã dũng cảm tiến lên theo trình tự lần lượt xoay vòng để bước vào nằm trong cỗ quan tài sát cạnh cỗ quan tài mà mẹ của cháu đang nằm.
Khi nghi lễ tái sinh buổi sáng kết thúc thì đã có một hàng dài người chờ sẵn cho ca tái sinh buổi chiều.
Trong số những người mới đến, có nguyên cả đội 36 cầu thủ túc cầu Quân đội Hoàng gia Thái Lan trong trang phục đỏ tươi, đang chuẩn bị cho trận thi đấu ngày mai.
Nippon Khamthong, 22 tuổi, một trong số các cầu thủ túc cầu nói: “Chúng tôi sẽ nằm trong những quan tài; sau đó chúng tôi sẽ đi tập luyện”.
Điều mà cầu thủ này hy vọng vào sự tái sinh sẽ mang đến cho anh ta là: “Chúng tôi muốn chiến thắng trong trận thi đấu ngày mai”.
Thích Minh Trí dịch