Ở đây, chúng ta bàn tới sự kiện này, tất nhiên, không giống như những cơ quan truyền thông khác, mà là vì, mới đây ngoài tên ngôi đền Preah Vihear lại xuất hiện thêm tên một ngôi chùa, chùa Keo Sikha Kirisvara của Campuchia.
Chúng ta không nói đến chuyện nước nào đúng nước nào sai, không miêu tả lại cuộc tranh chấp, mà tìm hiểu xem ngôi chùa Keo Sikha Kirisvara giữ vai trò gì trong cuộc xung đột xung đột biên giới này, ngôi chùa quan hệ với người Campuchia như thế nào, lý giải sự việc liên quan đến ngôi chùa.
Bên cạnh đền Preah Vihear, chùa Keo Sikha Kirisvara đã trở thành tiền đồn biên phòng của Campuchia.
Mấy ngày hôm nay, hình ảnh phía sau phát thanh viên một số kênh truyền hình của nhà nước và đảng cầm quyền ở Campuchia là hình ảnh đền Preah Vihear và chùa Keo Sikha Kirisvara, cắm cao quốc kỳ Campuchia, với những người lính biên phòng nghiêm trang hay cảnh sát đứng gác.
Trên các cơ quan truyền thông Campuchia, đền Preah Vihear và chùa Keo Sikha Kirisvara đã trở thành một bảo vật thiêng liêng tượng trưng chủ quyền đất nước.
Trường hợp đền Preah Vihear là một ngôi đền cổ Ấn giáo, được Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO (Cơ quan Văn hóa Khoa học và Giáo dục của Liên Hiệp Quốc) công nhận là thuộc lãnh thổ Campuchia và đưa vào danh sách di sản văn hóa nhân loại vào năm 2008, thì hầu như đã rõ ràng, không có gì đáng nói.
Nhưng chùa Phật giáo Keo Sikha Kirisvara, lại là trường hợp đặc biệt, thể hiện sự gắn bó giữa Phật giáo và đất nước Campuchia, đặc biệt trong việc giữ gìn lãnh thổ.
Chúng ta có thấy ở đây điều đặc biệt, ngôi chùa xây ngay trên vùng biên giới, nơi mà phía Thái Lan nói là không rõ ràng, còn phía Campuchia nói là lãnh thổ của họ.
Để khẳng định vùng đất biên giới đó thuộc lãnh thổ Campuchia, vào năm 1998, trong hoàn cảnh chính trí Campuchia lúc đó chưa ổn định, người dân Campuchia đã xây dựng một ngôi chùa, và đương nhiên, chùa có giá trị như là cột mốc đánh dấu lãnh thổ Campuchia.
Ở đây, chúng ta thấy tinh thần yêu nước thể hiện qua hoạt động tôn giáo. Ngôi chùa Keo Sikha Kirisvara vừa có tác dụng như một tiền đồn tinh thần, vừa có tác dụng như một xác định lãnh thổ Campuchia.
Ngôi chùa Phật giáo Campuchia đã nhận lãnh vào mình trách nhiệm thể hiện tinh thần yêu nước của người dân Campuchia. Đây là điều mà chúng tôi muốn nói, và từ nó là những bài học có thể rút ra.
Cũng cần nhắc lại, theo những nguồn tin nước ngoài, thì ngôi chùa Keo Sikha Kirisvara do người dân Campuchia tự xây dựng, không phải do chính phủ.
Và đến nay, thì điều mà người dân Campuchia dự kiến từ trước đã trở thành hiện thực. Ngôi chùa là một cột mốc đánh dấu lãnh thổ Campuchia cả về 2 mặt vật chất và tinh thần và đẩy phía Thái Lan vào thế yếu.
Tại ngôi chùa đó, chính phủ Hoàng gia Campuchia đã treo một lá quốc kỳ lớn và trình chiếu rộng rãi hình ảnh xúc động đó.
Phản ứng từ phía Thái Lan là yêu cầu hạ cờ và dời chùa. Tất nhiên đó là một yêu cầu khó thành hiện thực, vì đã có ngôi chùa ở đó, và tên chùa Keo Sikha Kirisvara trở thành sự thiêng liêng trong tinh thần dân tộc Campuchia. Thế của Campuchia ở trên “mào” phía Thái Lan, vì ngoài ngôi đền, lại có thêm ngôi chùa cột mốc và lá kỳ đài biên giới.
Chính phủ Hoàng gia Campuchia lại cho dựng bia đá với dòng chữ “Đây là lãnh thổ Campuchia”.
Theo RFI, bộ ngoại giao Chính phủ Hoàng gia Campuchia “cho biết theo bản đồ do Ủy ban Thái-Pháp vẽ hồi năm 1905 thì ngôi chùa Keo Sikha Kirisvara do dân Cam Bốt xây năm 1998 nằm trong vùng đất Cam Bốt, do đó lá cờ Cam Bốt treo cao trong chùa là hợp pháp”.
Bản đồ thì là một cơ sở khá mong manh để xác định chủ quyền quốc gia. Còn ngôi chùa là một cơ sở vững chắc, phục vụ lợi ích đất nước Campuchia trong việc xác định lãnh thổ.
Ở đấy, có thể có câu hỏi, liệu Phật giáo đã có bị lợi dụng trong việc khẳng định chủ quyền quốc gia bằng việc xây cất ngôi chùa?
Theo chúng tôi, nếu hiểu có sự lợi dụng, thì vẫn là một sự lợi dụng chính đáng, và Phật giáo, với truyền thống chung và xuyên suốt gắn liền một cách mật thiết với dân tộc bản địa, thì sẵn sàng chấp nhận việc, mà nếu khắt khe, người ta có thể coi là “lợi dụng” đó.
Phật giáo không bao giờ từ bỏ sự đóng góp cho lợi ích của đất nước nơi Phật giáo được truyền đến và trở thành một giá trị bản địa.
Ngược lại, nhân dân Campuchia cũng hết sức tin tưởng vào đạo Phật của mình, gửi gắm tinh thần gìn giữ biên cương trong việc xây dựng ngôi chùa. Vì vậy, chùa xây ở nơi nhạy cảm nhất trong tình tự dân tộc Campuchia mà không ở một nơi nào khác.
Để 13 năm sau, ngôi chùa vô danh miền biên giới được cả nước Campuchia và toàn thế giới biết tới, là tên gọi được nhắc đi nhắc lại trong văn kiện ngoại giao mà chính phủ Hoàng gia Campuchia giao dịch xung quanh vụ tranh chấp lãnh thổ, trở thành một kỳ đài biên giới của Campuchia.
Qua việc này, chúng ta thấy giá trị của một ngôi chùa, trong việc thể hiện tình yêu nước của một dân tộc.
Có lẽ chúng ta không đứng vào bên nào trong cuộc tranh chấp này, đó là việc của hai bên.
Nhưng chuyện ngôi chùa Keo Sikha Kirisvara là rất đáng suy nghĩ.
MT