Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Chùa Tích Sơn (Vĩnh Phúc) – Di tích lịch sử văn hóa...

Chùa Tích Sơn (Vĩnh Phúc) – Di tích lịch sử văn hóa quốc gia

120

Theo cứ liệu Lịch sử:


– Thế kỷ VII – X: Tích Sơn thuộc huyện Tân Xương – Phong Châu.


– Thời Lý (XI – XII): Tích Sơn thuộc phủ Đại Thông.


– Thời Trần (XIII – XV): Tích Sơn nằm trong huyện Dương (tức Tam Dương)


Tích Sơn (錫 山) xưa kia nghĩa là dãy núi hình cây gậy Tích Trượng của Nhà Phật (dãy núi này còn gọi là núi Phượng Hoàng hay Phượng Lĩnh).


Chùa toạ lạc ở phần cao nhất của ngọn núi hình đầu gậy, có vị trí địa lý rất đẹp và thơ mộng, có đầm nước bao bọc xung quanh, bốn mùa mát mẻ rất thích hợp cho động thực vật phát triển phồn thịnh, cây liền cây, lá ken lá tầng tầng lớp lớp trải rộng bao la xanh mướt mịn màng như một bức thảm nhung đung đưa theo làn gió nhẹ.


Có thể nói thiên nhiên đã ban tặng cho Tích Sơn nơi đây một phong cảnh đẹp tự nhiên quyến luyến lòng người. Danh lam Chùa Tích còn được lưu truyền qua bài thơ:


“Tam Đảo danh san bán lạc san


Huy hoàng vạn trạng tổng nhân quan


Tam Dương động lý khai danh thắng


Ngũ Phúc môn tiền phóng nhãn quan.


Địa hiệp tràng san huỳnh tĩnh độ


Thiên kềnh tràng độ ngặt trần gian


Đăng lâm hữu hạnh y quan khách


Hạnh đắc nang tâm bậc nhất nhàn”


Đến năm 1890, Thực Dân Pháp đến chiếm đóng tại Chùa, lấy đất Chùa xây dựng tòa nhà Quan Chánh xứ và thành lập tỉnh lỵ Vĩnh Yên nên Chùa phải di chuyển về vị trí hiện nay. Lúc đầu Chùa được xây dựng quy mô hoành tráng gồm có Tam Quan, gác chuông, 7gian tiền đường, 3gian hậu cung, hành lang chữ Vi theo lối kiến trúc “nội Công ngoại Quốc”.


Trong kháng chiến chống Pháp đến nay, Chùa đã từng được sử dụng làm nơi hội họp bí mật, làm trường học phổ thông, làm trụ sở Ủy Ban Nhân Dân, làm sân phơi HTX, làm trụ sở HTX nông nghiệp, làm nhà trẻ Mẫu Giáo. Cho đến nay vẫn còn một số công trình (Trường Mẫu Giáo, Nhà Trẻ, HTX nông nghiệp) còn tồn tại trên đất Chùa.


Hiện nay, Chùa Tích Sơn đang được UBND tỉnh cho phép lập dự án quy hoạch tổng thể nhằm trùng tu tôn tạo di tích. Chùa tọa lạc trên một khu đất cao ráo, bằng phẳng có hình thế đẹp nằm trong khu vực trung tâm của thành phố Vĩnh Yên.


Chùa quay theo hướng Đông Nam, gần quốc lộ số 2 cách Hà Nội khoảng 60km về phía Tây Bắc. Cách thành phố Việt Trì 24 km, cách danh thắng Tam Đảo 20km cho nên rất thuận tiện cho du khách thập phương có thể tới thăm quan.


Xung quanh chùa đều được xây tường bao loan kín đáo, từ cổng chính đi qua một khoảng sân rộng, đến giữa sân là nơi đặt cây hương đá, đi tiếp vào trong chùa là nhà bái đường, toà đầu tiên của chùa chính, nhà bái đường gồm 5 gian 2 dĩ, gian giữa dài và 2 gian bên thu hẹp hơn, được nối tiếp với nhà bái đường là chính điện, trên câu đầu phía trước thượng điện có treo bức đại tự “Ngũ Phúc Tự” là nơi thờ chính của chùa.


Bên trái tiếp giáp với chùa chính là nhà Tổ cũng quay theo hướng Đông Nam.


Trong chùa hiện nay còn thờ nhiều tượng Phật bài trí chủ yếu trong hậu cung, các pho tượng đươc bầy nhiều lớp cao dần về phía trong thượng diện, tượng trưng cho từng bước lên cõi Niết Bàn của Phật.


Ngoài ra trong chùa còn có môt số di vật bằng đồng, bằng đá như: chuông đồng, khánh đồng… và một số đồ vật khác có giá trị lịch sử rất cao.


Trong những thời kỳ lịch sử đánh đuổi giặc ngoại xâm, chùa Tích Sơn còn là nơi cất dấu vũ khí, nuôi dấu cán bộ cách mạng, là nơi hội họp của các cơ sở cách mạng.


Chùa Tích Sơn được tạo dựng đồ sộ, kiến trúc phù hợp với chức năng, giá trị nghệ thuật tạo hình điêu khắc được tập trung thể hiện trên các pho tượng và các di vật còn lưu giữ được ở trong chùa.


Cùng với các di tích vùng Vĩnh Yên, Tam Đảo, chùa Tích Sơn cũng đã góp phần to lớn vào giá trị văn hoá dân tộc của vùng đất Tổ thêm phong phú.


Để nhớ ơn các bậc tiền nhân đã dày công gây dựng và tôn tạo Chùa trong nhiều giai đoạn trải qua các thời kỳ, hàng năm ngày mồng 2 tháng giêng nhân dân phường Tích Sơn lại mở tiệc Chùa và ngày 10 tháng giêng mở hội Chùa, nhân dân và khách thập phương xa gần lại nô nức tới dâng hương lễ Phật, tưởng niệm chư vị Tổ Sư của Chùa, tạ ơn Trời Đất.


Những hoạt động truyền thống này đã làm cho giá trị và bản sắc dân gian lễ hội ở Chùa Tích ngày càng thêm phong phú.


Trong tương lai Chùa Tích Sơn sẽ được trùng tu khang trang hơn, góp phần xây dựng nếp sống văn hoá ở địa phương, góp phần tôn vinh giá trị những di tích lịch sử Quốc Gia, phục vụ đất nước phát triển phồn vinh – thịnh vượng.