Còn cách Vesak 2014 đến những mấy tháng, sao lại đặt vấn đề truyền thông ở đây? Thực ra, bây giờ, đặt vấn đề truyền thông Vesak 2014 thiết tưởng đã là muộn, vì đã bỏ qua một dịp người đến chùa đông đảo là Tết Nguyên đán, tức là đã bỏ qua cơ hội có được một số lượng công chúng truyền thông rất đông đảo.
Đây là điều hết sức đáng tiếc, vì trong hoạt động truyền thông hiện đại, công chúng truyền thông là trung tâm. Khâu tiếp nhận truyền thông là khâu quan trọng hàng đầu. Cùng một hoạt động, nếu số lượng công chúng tiếp nhận lớn, là thành công rực rỡ. Và dĩ nhiên thất bại, nếu không còn bao nhiêu công chúng tiếp nhận truyền thông.
Vì vậy, lẽ ra, dịp người lễ chùa đông đảo đầu năm là cơ hội vàng truyền thông cho đại lễ Vesak 2014. Nếu thế, hoạt động truyền thông cổ động cho Vesak 2014 phải được tiến hành trên toàn quốc từ khi có tin chính thức về việc đăng cai Vesak 2014 của GHPGVN.
Giáo khoa truyền thông gọi giại đoạn truyền thông dẫn vào sự kiện chính này là truyền thông tiền sự kiện, có tác dụng quảng bá cho sự kiện trước khi khai mạc.
Về mặt lễ hội tôn giáo, giáo hội Ca tô La Mã rất chú ý đến truyền thông tiền sự kiện, nói đúng hơn là kéo dài việc truyền thông để duy trì không khí lễ tôn giáo có thể đến cả năm trời. Do đó, họ dùng hình thức năm, với 3 điểm nhấn thời gian:
– Khai mạc năm lễ (đầu năm)
– Ngày lễ chính thức (tùy theo lễ)
– Bế mạc năm lễ (cuối năm hay gần cuối năm)
Khai mạc năm lễ thực chất là bắt đầu hoạt động truyền thông về lễ trong năm, tăng dần cho đến ngày lễ chính. Giai đoạn sau đó là truyền thông hậu sự kiện, nhưng vẫn chưa kết thúc lễ, mà phải chờ cuối năm.
Mà không phải chỉ là truyền thông giai đoạn trước ngay lễ chính có thể tổ chức nhiều sự kiện phụ dẫn vào sự kiện chính, vừa là truyền thông, vừa là bộ phận của sự kiện, gọi là sự kiện tiền sự kiện.
Phật giáo chúng ta chưa biết đến việc tổ chức lễ theo đơn vị năm, tức cũng còn yếu trong hoạt động tổ chức sự kiện. Các cuộc lễ tôn giáo lớn, một số tôn giáo khai thác theo đơn vị năm để đưa ngày lễ trải ra trong phạm vi thời gian rất dài, nhằm tăng cường tác động của cuộc lễ, tổ chức nhiều sự kiện phụ hỗ trợ cho sự kiện chính lễ.
Trong dịp kỷ niệm 50 năm pháp nạn, chúng tôi đã đề nghị tổ chức theo đơn vị năm lễ, nhưng không được xem xét.
Đối với Vesak 2014, tuy thời gian là vào tháng 5/2014, nhưng có thể huy động thời gian, nhiều tháng trước đó, đặc biệt là Tết Nguyên đán, thời gian nhiều người đến chùa để truyền thông, cổ động cho đại lễ.
Nay dịp tết đã qua, nhưng vẫn còn lễ hội tháng giêng. Tuy khách đến chùa không tập trung như Tết Nguyên đán, nhưng vẫn là đông hơn nhiều tháng trong năm, dù là dàn trải. Vì vậy, các chùa, nhất là chùa ở thành phố lớn như TPHCM, nên ra sức tận dụng thời gian nay để cổ động, truyền thông cho Đại lễ Vesak 2014.
Cụ thể, nên treo băng rôn với nội dung thích hợp dẫn vào Vesak 2014. Đồng thời, tận dụng các hình thức trực quan khác như pa nô (bảng lớn), áp phích (bích chương), lồng đèn Phật đản, bảng chữ điện tử.
Mục tiêu là làm sao cho khách đến chùa trong lễ hội tháng giêng biết đến đại lễ Vesak 2014, cảm thấy đại lễ Vesak 2014 đang đến, hân hoan chào mừng đại lễ Vesak 2014, tìm biết về đại lễ Vesak 2014, ủng hộ tịnh tài cho việc tổ chức.
Các chương trình ca nhạc Phật giáo tại các chùa có thể tổ chức rải ra trong suốt tháng giêng âm lịch, qua tháng 2 đến vía Quan Thế Âm Bồ tát, với chủ đề chào đón đại lễ Vesak 2014, hát mừng đại lễ Vesak 2014.
Ở đây, còn là vấn đề tiết kiệm. Truyền thông sớm về đại lễ Vesak 2014, vừa tác động đến nhiều người, vừa tăng thời hạn phục vụ của các phương tiện trực quan như băng rôn, pa nô, áp phích lên vài tháng. Sau cuộc lễ, tháng 5, các phương tiện này vừa cũ, thích hợp gỡ bỏ. Nếu gần lễ mới treo lên, thì các phương tiện truyền thông trực quan có thời gian phục vụ ngắn, rất lãng phí.
Truyền thông, cổ động cho sự kiện có vai trò quan trọng đối với việc tổ chức sự kiện. Vì vậy, đối với đại lễ Vesak 2014 nên tổ chức truyền thông cổ động sớm, khai thác điểm nhấn lễ hội tháng giêng, giúp đông đảo tăng ni Phật tử sớm nhận thức về ngày lễ trọng đại này.
MT