Trang chủ PGVN Cửa thiền Chùa Tây Linh (TP. Huế) và vị Ni sư phụng đạo –...

Chùa Tây Linh (TP. Huế) và vị Ni sư phụng đạo – giúp đời

938

Người nữ tu đa năng


Chùa Tây Linh tọa lạc tại số 1, đường Thôn Thất Thuyết, phường Thuận Lộc, thành phố Huế, một ngôi chùa yên tĩnh được bao gọc bởi một mảnh vườn xum xuê cây trái. Trong những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, nơi đây chỉ là khuôn hộ nhỏ của một niệm Phật đường, cơ ngơi sơ sài. Mãi đến năm 1977, khi NS TN Như Minh về đảm trách trụ trì, chùa Tây Linh mới từng bước định hình, với nhiều công tình xây dựng kiên cố, phòng ốc khang trang. Từ nhiều năm qua, nới đây còn là một cơ sở dạy nghề miễn phí cho con em các gia đình Phật tử nghèo, trong đó đặc biệt chú trọng đến đối tượng trẻ khuyết tật, bao gồm tàn tật và câm, nhằm giúp các em này có điều kiện hội nhập với cộng đồng xã hội.


Trải qua những ngày tháng ban đầu khó khăn, mày mò, chật vật và sau một quá trình hoạt động gần 5 năm, vừa dạy vừa xây dựng vừa phát triển, cơ sở dạy nghề chùa Tây Linh đến nay đã có được 3 lớp học, chuyên dạy về các ngành nghề may, thêu, đan (cả bằng máy dân dụng, lẫn kỹ thuật vi tính) với một phân xưởng dành cho học viên thực tập cũng như sản xuất.


Không chỉ đào tạo tay nghề, nhà chùa còn tổ chức cho các em ăn ở nội trú. Với 136 em (học sinh nữ), tổng số học viên của khóa 9 (mỗi khóa 6 tháng), việc chăm lo đời sống cho các em và Ni chúng (gồm 15 đệ tử) tại chùa, cả thể lực lẫn trí lực, không phải là một việc làm nhẹ nhàng. Điều này đòi hỏi sự đảm đang, khéo léo và khả năng điều hành của Ni sư viện chủ chùa Tây Linh kiêm Hiệu trưởng cơ sở. Cùng giúp việc cho Ni sư Hiệu trưởng, để cho guồng máy chạy đều, còn có một thành phần nhân sự (làm việc hưởng lương), gồm một thầy giáo, 3 cô giáo và một bếp nấu ăn.


Tại phân xưởng thực tập, các em gái tuổi từ 12 đến 20 đang tíu tít quây quần bên các Ni cô trẻ, thực hiện các sản phẩm thêu hình con bướm, con rồng… Một nhóm khác đang cặm cụi bên khung thêu, tỉ mỉ đi từng mũi kim, cố diễn đạt cái “thần” vào bức tranh thuê, sao cho trông sống động không khác chi bức tranh nguyên mẫu. Nhìn tận mắt sự miệt mài lao động của các học viên, khách tham quan không khỏi thán phục nét tài hoa lẫn sự nhẫn nại, cần cù của người phụ nữ Việt Nam.


Không chỉ có thế, bà con Phật tử và các nhà mạnh thường quân hảo tâm xa gần còn ngưỡng vọng chùa Tây Linh, bởi nơi đây là điểm xuất phát thường xuyên các chuyến đi cứu trợ không chỉ ở địa bàn thành phố Huế, mà còn lan tỏa đến tận các vùng hẻo lánh xa xôi. Lúc thì ở trại phong Quỳnh Lập, H. Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, có khi thì đến làng cùi nằm cô lập dưới chân đèo Hải Vân heo hút, cũng có khi NS. TN Như Minh làm chuyến đi xa, ra tận các vùng quê miền núi xứ Bắc. Ni sư cho chúng tôi biết: “Ni sư đã sớm tham gia vào công tác này từ những ngày trước năm 1975. Lúc ấy Ni sư còn là một nữ tu làm phụ tá cho hai Sư bà Thể Quán và Cát Tường, khi hai vị này tham gia vào các công tác TTXH của Phật giáo tỉnh Thừa Thiên – Huế”.


Cái Tâm của người thi sĩ


Điều thích thú mà mọi người có thể cảm nhận khi có dịp tiếp cận NS. TN Như Minh là tài thuộc nhiều thơ và tài làm thơ chớp nhoáng của Ni sư. Dưới cơn mưa tầm tã tại Trại phong Lăng Cô, ở chân đèo Hải Vân, trong một chuyến đi cứu trợ nhọc mệt, giữa khung cảnh hoang sơ và những người bệnh tật, Ni sư chợt đọc một lúc hai bài thơ do một thi hữu gởi tặng. Với giọng Huế nhẹ nhàng, nhiều âm sắc, tiếng thơ làm mọi người tạm quên đi những nỗi nhọc nhằn. Yêu thơ nên Ni sư làm rất nhiều thơ, nhưng không phải để xuất bản tạo thành danh trên văn đàn mà chỉ “lưu hành nội bộ” bởi một mục đích duy nhất là vì yêu thơ. Cũng như HT. Thích Nhất Hạnh đã viết trong lời tựa tập thơ “Dấu ấn thời gian” của NS TN Như Minh, ấn hành đầu năm 2004: “Từ ngàn xưa, đạo đã có trong thơ, thơ đã có trong đạo. Các thiền sư xưa ai mà không làm thơ? Và bài thơ nào nhập thần mà không có đạo? Ni sư Như Minh là một nhà thơ, điều này cố nhiên không phải là một điều lạ. Yêu đạo là yêu thơ. Yêu thơ thì phải biết yêu đạo…”.


Cố Ni trưởng TN. Trí Hải thời còn sống cũng ghi nhận về Ni sư Như Minh như sau: “Thơ của Ni sư nói lên sự chan tình tự nhiên của mọt tâm hồn trong sáng. Ni sư nhập đạo từ bé, đã trải qua nhiều gian nan trên đường tu, nhưng tâm Bồ đề không chuyển hướng, nhờ đức nhẫn nhục và hồn thơ lai láng…”. Phải chăng sự chân tình tự nhiên với một tâm hồn trong sáng của một tu sĩ và một nhà thơ đã giúp cho Ni sư luôn có sự cảm thông và chia sẻ với bao nỗi bất hạnh của người cùng khổ trong cuộc đời.