Trang chủ Văn hóa Chùa Phật Tích: Những câu hỏi đặt ra từ thực tế

Chùa Phật Tích: Những câu hỏi đặt ra từ thực tế

Linh thiêng, kỳ vĩ và đặc sắc

Ðã sắp tròn mười thế kỷ, đã nhiều lần tháp đổ, chùa tan, nhưng ký ức về ngôi chùa Phật Tích linh thiêng, quy mô kỳ vĩ vẫn còn rất đậm nét trong dân gian. Những tượng linh thú, phù điêu, tượng Phật và bệ tượng được tạo tác công phu, được trang trí cầu kỳ, tinh mỹ ngày nay còn nhìn thấy được đã chứng minh về một nền nghệ thuật điêu khắc trên đá ở mức tinh hoa.

Cây tháp cổ thời Lý ở chùa Phật Tích đã được biết đến từ tháng 12-1940 bởi những nhà khảo cổ học người Pháp. Nhà nghiên cứu người Pháp Lu-i Be-za-xi-ê phỏng đoán rằng tháp cao khoảng hơn 42 m – cũng gần đúng như chiều cao của ngôi tháp mà văn bia mô tả (tháp cao mười trượng – mỗi trượng khoảng 4,2 m). Dân gian từng truyền tụng: Ðứng ở Thăng Long (cách đó gần 20 km) cũng có thể nhìn thấy tháp chùa Phật Tích.

Tháng 11- 2008, sau gần 70 năm được phát hiện và khai quật lần đầu, toàn bộ chân móng của ngôi tháp lại được phát lộ khi trùng tu chùa. Móng tháp được xây dựng rất kiên cố, chất kết dính hoàn toàn là đất sét nhuyễn, nhiều cỡ gạch (trên 10 loại kích cỡ) được sử dụng…

Những điều này gây nhiều hứng thú cho các nhà nghiên cứu. Bên cạnh những giá trị về kiến trúc, từ hố khai quật chân móng tháp, các nhà khoa học cũng đã phát hiện được khá nhiều hiện vật có giá trị để hiểu thêm về lịch sử – văn hóa chung quanh ngôi chùa.

Kết hợp bảo tồn và xây dựng

Yêu cầu đặt ra với việc trùng tu chùa Phật Tích là vừa xây dựng ngôi chùa mới vừa phải bảo tồn những yếu tố gốc, lại kết hợp với việc bộc lộ, giới thiệu nền móng tháp gạch cho khách tham quan.

Ðể có thể vừa bảo vệ lâu dài tháp gạch, vừa có thể quan sát và tiếp cận khu vực quanh chân tháp, phương án được đưa ra là xây một tầng hầm bao quanh phần móng tháp, trên đó xây dựng ngôi chùa theo kiến trúc thời Lê.

Ðiểm nhấn của phương án này là có thể cho phép bảo tồn toàn bộ nền móng tháp đã được tìm thấy cho mục đích tham quan, nghiên cứu trong một hầm/ bảo tàng ngầm trong khi vẫn dựng được ngôi chùa mới, sửa sang mặt bằng cho nhân dân chiêm bái tượng Phật và tổ chức những lễ thức tâm linh. Kinh nghiệm loại hình bảo tồn này đã có ở nhiều nước trên thế giới nhưng ở Việt Nam thì đây là một ý tưởng táo bạo.

Với toàn bộ phần móng tháp xuất lộ đã được bảo quản bằng một hầm bê-tông kiên cố nhưng chưa thể mở rộng cho khách tham quan, điều đáng quan tâm nhất, và đang gây nhiều băn khoăn cho các nhà khoa học là vấn đề độ ẩm trong khu vực bảo tồn.

Ðộ ẩm cao dễ gây rêu mốc và làm hỏng cấu trúc của vật liệu. Thời gian đầu, trong thiết kế hầm bảo tồn để trống phía trên. Nhưng ý tưởng này bộc lộ bất cập khi chùa mới vừa dựng xong bởi nhiều người ‘vô tư’ thả tiền xuống lòng tháp. Lại phải ‘chữa cháy’ bằng cách lắp mặt kính kín toàn bộ và dựng lan can chung quanh. Việc này gây hậu quả là hệ thống thông gió, bốn quạt hút ẩm ‘có vẻ như’ đang phải hoạt động quá sức.

Khi làm đồ án xây hầm, các kiến trúc sư cũng đã thiết kế hai đường lên xuống dự kiến cho khách tham quan. Nhưng nếu tính đến chuyện mở rộng cửa cho khách xuống hầm tham quan lại phải tính thêm việc ‘đối phó’ với những thói quen xấu của những người vô ý thức. Ðiều này cũng khó lắm thay…