Đến Sóc Trăng khi trời còn chưa sáng hẳn, trên đoạn đường gồ ghề vào Tịnh xá Ngọc Châu Như tại Vĩnh Châu, Sóc Trăng – nơi phát quà cho đồng bào dân tộc Khmer, chúng tôi nghe thoảng mùi hăng hắc của cũ hành, một loại thực vật phổ biến nơi đây, là kế mưu sinh nhưng cũng lấy đi của nhiều người hạnh phúc được nhìn thấy ánh mặt trời mỗi buổi bình minh.
Trời vừa sáng, từng tốp người níu áo nhau đi thành hàng tiến vào cổng Tịnh xá và ngồi dưới sân đá để chờ nhận quà. Người đi sau phải níu chặt áo người đi trước, bởi họ không thấy đường. Những người dân nghèo khổ này vì suốt ngày tiếp xúc với cũ hành, lâu ngày làm mắt hư đi, chỉ thấy ánh mờ mờ, đục đục. Những đứa trẻ mới sanh ra cũng đã nghe mùi hành nên rất nhiều em bị mắc các chứng bệnh về mắt.
Hỏi tại sao biết hành độc hại như thế mà không tìm việc khác để làm, 1 bà cụ buồn bã nói: ở đây chỉ có làm hành với nuôi tôm sú thôi. Nuôi tôm thì phải có vốn nhiều, phải biết cách nuôi chứ không thì đổ nợ, còn đi lượm hành không cần vốn, tụi tui nghèo thì chỉ biết lượm hành thôi.
Nhìn những đứa trẻ đen thui thủi đưa tay xin tiền mà chúng tôi tự hỏi tuổi thơ của em liệu có hay không? Bởi cái nghèo cái đói dạy các em biết giá trị của đồng tiền từ rất nhỏ. Các em chỉ khoảng 9, 10 tuổi ốm o không đến trường, cũng không thích bánh kẹo như những đứa trẻ bình thường khác mà chỉ xin tiền mua gạo.
Đến giờ tập trung, sư Trụ trì hướng dẫn mọi người ngồi vào hàng. Có sẵn nhóm Tình nguyện viên dẫn đường, đưa những người bệnh yếu lên xe đẩy. Chỉ toàn người già và trẻ em, hầu như họ đều là dân tộc Khmer, nói tiếng Việt lơ lớ và không nhìn thấy ánh sáng cuộc đời. Những người già và trẻ em này chủ yếu sống bằng tình thương của những tấm lòng từ thiện của khách thập phương.
Những cụ già dù không thấy đường, nhưng khi được hướng dẫn, các cụ cất cao giọng niệm danh hiệu Phật rất thuần thành. Sau khi SC. Hạnh Minh – Trụ trì chùa Phật Quang đại diện đoàn có vài lời khuyên nhắc các cụ sống lạc quan và cố gắng niệm Phật để tiêu trừ nghiệp chướng hiện tại, đạt được an lạc trong tương lai, bà con cô bác lại đáp lại bằng danh hiệu Phật Di Đà vang rền cả một góc chùa.
Quà gồm có gạo, mì gói, bột ngọt, đường, dầu ăn, dầu xanh, mùng, quần áo, trà xanh 0 độ, bánh kẹo và tiền mặt lần lượt được trao cho từng tốp 5 người, bởi họ không đủ sức khiêng, nên phải để lên xe đẩy và đi thành từng nhóm để tiện cho tình nguyện viên dẫn đường.
Nhìn khung cảnh thê lương đó, nhiều Phật tử đi chung đoàn không cầm lòng được, cứ dấm duối cho thêm tiền những người bị dị tật nặng. Họ nương nhau đến nhận quà rồi dắt tay nhau về. Đứng nhìn cảnh đó, lòng chúng tôi cảm giác như ai đó thắt ruột mình lại, cảm nhận sâu sắc niềm hạnh phúc được làm người, lục căn đầy đủ mà đức Phật đã từng dạy. Thấy mình cần phải có trách nhiệm hơn đối với cuộc đời mình, cuộc đời này, để san sẻ phần nào khó khăn cho những mãnh đời kém may mắn.
Xin giới thiệu một vài hình ảnh mà chúng tôi ghi nhận được trong chuyến đi.