Trang chủ Văn hóa Chùa Núi Vàng – kiệt tác nhân văn

Chùa Núi Vàng – kiệt tác nhân văn

80

Tĩnh lặng đến mức từng giọt nước rơi rất nhẹ cũng được nghe thấy, tâm hồn con người trở nên thanh thoát hơn khi đến chùa Kyaikhtiyo.


Vùng đất của sự huyền bí


Đến Myanmar là bước vào một thế giới khác với hương vị, cảnh quan, và cảm giác hết sức quyến rũ, với một bầu không khí thật sự khác thường.


Yangon, thủ đô của Myanmar, là một nơi kết hợp hài hoà giữa truyền thống và hiện đại, giữa một bên là một nền văn hoá Miến Điện thực thụ hoà cùng với những di sản thời thuộc địa sót lại, vẫn còn tồn tại hàng thập kỷ sau khi Anh quốc rút lui.


Nhịp đập của thành phố hoà nhịp cùng những con đường rộn rã của nó, tạo nên một nét rất riêng của đất nước: người Myanmar.


Bạn sẽ rất hứng khởi khi chứng kiến những cuộc diễu hành rất nghiêm trang của các nhà sư trong bộ áo choàng màu vàng nghệ và tím, những ni cô đang tìm của bố thí, và những phụ nữ Myanmar sang trọng điểm xuyết cho mình những món trang sức giả kim vàng óng.


Kẻ trẻ, người già thích kéo dài cuộc tán gẫu trong những phòng trà, trên môi với điếu xì gà truyền thống thơm ngát, trong những bộ trang phục truyền thống theo kiểu longyi và htamein đã có từ hàng thế kỷ qua.








Để đến chốn linh thiêng, du khách phải vượt qua hơn 20 lối


Những bãi biển của Myanmar có lẽ là những nơi độc nhất vô nhị trên trái đất này chưa bị ngành du lịch khai phá, và điển hình nhất có lẽ là bãi biển mang tên Ngapali.


Nơi ấy, khách du lịch có thể thư giãn dưới bóng râm của hàng cọ, thả bộ trên dải cát bàng bạc, ngắm nhìn ngư dân đánh cá buổi sớm tinh sương, hay chỉ đơn thuần là để cho những cơn gió từ vịnh Bengal thổi vào làm cho trí não được tuệ minh.


Chốn ẩn dật linh thiêng


Chùa Kyaikhtiyo là một trong những ngôi cổ nhất và nổi tiếng nhất trong tất cả các ngôi chùa ở Myanmar. Chùa Kyaikhtiyo toạ lạc gần thị trấn Kyaikhto, quận Thaton và nhiều người tin rằng nó được xây dựng trong thời gian Đức Phật còn sống, trên 2.500 năm trước.


Theo truyền thống của đạo Phật, tên ngôi chùa này được bắt nguồn từ “Kyaik” có nghĩa là “chùa” và “yo” có nghĩa là “ngự trên đầu của nhà ẩn dật”; còn trong tiếng Pali thì “ithi” nghĩa là “một nhà ẩn dật” và vì thế Kyaikhtiyo hàm ý “ngôi chùa mang đầu của nhà ẩn dật”. Bởi vì truyền thuyết kể rằng sau khi một người tu hành xuống tóc vì Đức Phật thì không còn quyến luyến gì trần đời và toàn tâm đi tìm miền cực lạc.


Nơi đây có một tảng đá thiêng, được bao bọc bởi những lá bằng vàng dát mỏng, nằm cheo leo trên bờ một vách đá. Truyền thuyết kể rằng, sở dĩ tảng đá giữ vững được vị trí của nó là nhờ có một sợi tóc của Phật Tổ được đặt ở một vị trí chính xác trong một cái tháp thờ cao đến 7,3m nằm trên khối đá này.








Phu khuân vác cõng người lên núi  Đường lên chùa Kyaikhtiyo 


Ngôi chùa được xây dựng trên một tảng đá tròn, hình quả trứng rất to lớn trên độ cao 1.100m so với mặt biển. Đây là một công trình kiến trúc tôn giáo nổi tiếng thế giới, một di sản văn hoá khổng lồ của nhân loại.


Trước khi tới Yangon, những người nước ngoài đều đã có khái niệm sơ bộ về kỳ quan này qua sách báo, phim ảnh hoặc lời kể. Điều đáng nói là khoảng cách giữa khái niệm và thực tế là rất lớn, điều này tạo ra niềm hứng thú và cảm phục cho mọi người như khi chính ta đang đứng trước Angkor vĩ đại. Quần thể kiến trúc to lớn này toạ lạc trên đỉnh một khu đồi lớn với nhiều hệ thống bậc thang trải dài xuống tận chân đồi và một hệ thống thang máy hiện đại.


Từ dưới chân núi, bạn chỉ nhìn thấy duy nhất chởm đá nhô ra phía ngoài; nhưng khi lên đến đỉnh, cảnh quan diễn ra trước mắt là một quần thể kiến trúc thống nhất.


Ngôi chùa Kyaikhtiyo cao gần đến 30mét với vô vàn tượng Phật được đặt khắp ngóc ngách, đặc biệt có một số tượng Phật được trang điểm bằng hàng nghìn viên đá quý, hàng trăm viên kim cương với hàng trăm chiếc chuông vàng.


Toàn bộ khuôn viên chùa vàng có kích thước hình chữ nhật, cao hơn mặt bằng thành phố 20mét. Từ 4 hướng chính có 4 dãy cầu thang có mái ngói che phủ. Dãy cầu thang dài nhất có 175 bậc, dãy ngắn nhất 104 bậc. Hai bên các dãy bậc thềm là hàng loạt các nhà nghỉ cho khách hành hương.


Để leo lên đến được đỉnh núi dài 12km tính từ vùng Kimmunsakhan, du khách phải leo bộ qua 20 trạm nghỉ khác nhau với các quán cóc nhỏ phục vụ đầy đủ các loại nước giải khát và trái cây.


Tuy nhiên, điểm hấp dẫn mọi người nhất là trong suốt quãng đường dài như thế, không một tia nắng nào có thể ảnh hưởng đến vì các tán lá cây rộng lớn có thể che mát mọi người.