Vì vậy, bài viết này được gởi đến quý độc giả trong sự thận trọng. Nếu nó chứa đựng những suy nghĩ, lo xa không cần thiết, thì mong bạn đọc xem nó chỉ là những “giả thuyết” tham khảo. Tuy nhiên, nếu cho rằng đây thật sự là vấn đề, thì mong quý độc giả cùng nhau lên tiếng, nhận diện một thách thức dối với Phật giáo Việt Nam.
TỪ MỘT VÍ DỤ
Hiện nay, truyền thông đại chúng đã đạt đến mức cực kỳ tinh vi trong kỹ thuật truyền tải lẫn kỹ thuật thực hiện nội dung. Các kỹ xảo nội dung nhắm tới việc tác động vào tiềm thức, vô thức được vận dụng triệt để, nhằm điều chỉnh nhận thức của đối tượng, thay cho những phát biểu trực tiếp, mà nhiều khi không hiệu quả.
Để người đọc dễ hình dung, chúng tôi xin nêu dưới đây một trường hợp ví dụ, cho thấy bây giờ người ta có những kỹ thuật tinh vi đến như thế nào để tác động lên đám đông, mà việc phát hiện những ý đồ thâm sâu ở đó không phải là chuyện dễ dàng.
Cách đây 10 năm, trong cuộc vận động bầu cử tổng thống Nga, một trong những ứng viên là Viện sĩ E. Primacov. Ông này đã từng là ngoại trưởng, là thủ tướng Nga. Ông mắc một chứng bệnh nhưng đã chữa khỏi bằng phẫu thuật. Sự tín nhiệm của cử tri dành cho ông khá lớn, không dễ gì đánh vào uy tín của ông.
Việc đả kích đối với ứng viên Primacov hầu như không đáng kể cho đến gần ngày bầu cử. Đột ngột một cuốn phim tài liệu khoa học về căn bệnh ứng viên này mắc phải được đưa lên truyền hình Nga. Điều đáng nói, đây là một bộ phim tưởng chừng như thuần túy phổ biến kiến thức y khoa, thuần túy là phim tài liệu khoa học, không liên hệ gì đến bầu cử. Thế nhưng, sau đợt chiếu bộ phim “tài liệu khoa học” này, sự ủng hộ đối với ứng viên Primacov suy giảm trầm trọng, trong khi số người đến khám tại bệnh viện vì nghĩ mình có thể mắc căn bệnh trên tăng lên. Chiến dịch truyền thông đã đạt kết quả.
ĐẾN CHUYỆN KHAI THÁC, “ỦNG HỘ” MÔ HÌNH CHÙA – NHÀ ĐÒN – NGHĨA ĐỊA
Quan tài, nghĩa địa, như đã phân tích trong một bài trước đây, là những biểu tượng mang màu sắc tử khí. Một bộ phận tu sĩ, cơ sở Phật giáo Việt Nam có những hoạt động liên hệ với những biểu tưởng này, như bán đất chùa làm nghĩa trang, kinh doanh (hoặc nói rằng làm từ thiện) quan tài, cung cấp dịch vụ chung sự khác…
Chúng ta nghĩ gì khi có những cơ sở truyền thông đại chúng lại quảng bá một cách đặc biệt hoạt động này của một thiểu số người trong Phật giáo Việt Nam một cách nhiệt thành đặc biệt. Đó là trường hợp các đài phát thanh nói tiếng Việt ở hải ngoại, mà hiện nay có thể phát “live” toàn cầu qua mạng internet. Mở nghe, thì đến phần thông báo quảng cáo, thì y như là nghe đến hoạt động chung sự của nhà chùa, với các từ và cụm từ như “mai táng”, “nghĩa trang”, “tang sự”, “quan tài”… Việc truyền thông dường như để nhắm tới việc gắn Phật giáo, chùa vào những khái niệm tử khí này. Để làm sao, cứ nghe nhắc tới chùa, là y như phải nghĩ ngay tới “an táng”, “quan tài”, “nghĩa địa”. Trong khi đó, công chúng truyền thông thì gồm nhiều đối tượng, đông hơn cả là lớp trẻ mà đa số chưa hiểu biết nhiều về Phật pháp. Gắn liền khái niệm “chùa”, “Phật giáo”… với “quan tài”, “nghĩa địa”, “mai táng”, chúng ta thấy dụng tâm của mục tiêu truyền thông, đặc biệt với giới trẻ, là gì rồi!
Những thông tin quảng cáo như thế, nghe qua, chừng như là để giúp đỡ hoạt động Phật giáo (có thể là nhà đài ở Mỹ miễn phí cho nhà chùa loại thông báo này, tạo điều kiện để nó xuất hiện thường xuyên, lặp đi lặp lại hàng ngày, có thể hàng giờ).
Cái tinh vi trong kỹ thuật truyền thông ở đây là sử dụng vô thức và ẩn dụ. Vô thức là một cái bẫy bọc nhung, mà người tiếp nhận thông tin không nhận ra hậu ý của phía tổ chức hoạt động truyền thông, không ý thức kết quả của nó, nhưng vẫn nhiễm.
Còn ẩn dụ, tức thiết lập so sánh, liên tưởng, nhưng không có chữ “như”, để tạo vẻ bề ngoài “khách quan”, không có ý đồ gì, không ai bắt bẻ được (tại Mỹ, ở cuộc bầu cử tổng thống trước đây, người ta có nói đến sự xuất hiện bất thường trên truyền thống đại chúng hình ảnh tinh tinh, đười ươi, dã nhân…, mà một số nhà phê bình đã nói đến mục tiêu ám chỉ).
Đó chỉ mới là phát thanh, còn nếu đến mức đánh vào công cụ tìm kiếm internet các từ khóa như “chùa”, “Phật giáo”, “cầu siêu”, lại xuất hiện đồng thời thông tin “nghĩa địa”, “quan tài”, “an táng”…, thì quả là hết sức tai hại!
Điều dễ thấy là những hệ quả ngoại vi đã có thể có, chẳng hạn tên ngôi chùa đầy quan tài ở xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An có thể bị quên đi, mà thay vào đó cụm từ, mà nói ra là ai cũng có ý niệm được ngay, là “chùa quan tài”!.
Còn các chùa ở Hải Phòng, có thể bỏ từ chùa trước tên gọi, mà thay bằng từ “nghĩa địa” cũng được, vì chùa đồng thời cũng là nghĩa địa.
Truyền thông khái niệm “chùa”, “Phật giáo”… gắn với “nghĩa địa”, “quan tài”, “mai táng” như là một cách giúp Phật giáo, thực ra là một cái bẫy đối với Phật giáo. Nhìn sâu, nhìn xa, có viễn kiến, chúng ta cần nhận rõ điều này. Khi mà những dấu ấn vô thức bất lợi cho Phật giáo đã hình thành thì khó mà gột rửa cho được.
Cũng cần đề phòng những sự cổ vũ, ủng hộ khác, mà xem ra là những cái bẫy bọc nhung dành cho Phật giáo, mà bản chất đại đa số tín đồ vốn rất chơn thật, đơn giản, không sâu hiểm, mưu mô.
MT