Trang chủ PGVN Lịch sử PGVN Chúa Nguyễn Phúc Chu: Minh Vương – Bồ tát của Dân tộc...

Chúa Nguyễn Phúc Chu: Minh Vương – Bồ tát của Dân tộc và Đạo pháp

172

 

Riêng nước Đại Việt thời bấy giờ, từ cuộc chiến tranh do Thái Tổ Nhà Thanh phát động và lật đổ vương triều Nhà Minh, lên ngôi năm 1644, các phong trào “Bài Thanh phục Minh” nổi lên đó đây, và có không ít người trong các phong trào đó, do thất bại hay bị truy sát gắt gao của Nhà Thanh, đã hình thành những đợt sóng di dân kéo nhau sang lánh nạn ở Đại Việt.
 
Dù một mặt lo đối phó với cuộc nội chiến Trịnh Nguyễn phân tranh (với chúa Trịnh ở Đàng ngoài, các chúa Nguyễn ở Đàng trong) nhưng các chúa Nguyễn vẫn khôn khéo, linh hoạt, tận dụng nguồn nhân lực di dân này trong các kế sách khai khẩn mở mang bờ cõi, đồng thời dự phòng nguồn sức mạnh để có thể chống chọi với phía Chân Lạp.
 
Sự giao thông qua lại giữa các nước cũng đã được nghĩ tới. Khi đường bộ gần như không thể do phần lớn đều nằm ven biên giới phía Bắc thuộc phần lãnh thổ của Trịnh Lê Đàng ngoài, thì giao thông đường thủy là phương án tối ưu thời bấy giờ ở Đàng trong, và Hội An nghiễm nhiên trở thành thương cảng lớn, là cửa ngõ thông thương và thuận lợi nhất ở Đàng Trong lúc bấy giờ.
 
Theo các nhà nghiên cứu, đây cũng chính là giai đoạn thế lực Nho giáo ở Đại Việt suy tàn để nhường chỗ cho tư tưởng Phật giáo một lần nữa trở nên hữu ích cho các chúa Nguyễn gầy dựng cơ đồ. Những kế sách tận dụng nguồn nhân lực di dân, dẫn đến nhiều mối liên đới hữu ích khác, đã góp phần cho Phật giáo hồi sinh theo từng bước ổn định vương triều các chúa Nguyễn ở Đàng trong.
 
Chúa Nguyễn Phúc Chu (1675 – 1725) mà chúng ta đang nói đến chính là người tạo ra hình ảnh sáng đẹp cho vương triều nhà Nguyễn trong giai đoạn đầu. Người mà sau này còn được gọi là Bồ Tát – Minh Vương  (Từ đây xin đọc là Minh Vương) do chính tài đức và quyết đoán sâu sắc không chỉ riêng lãnh vực các sách lược kinh bang tế thế mà còn trong việc tôn trọng và giúp ích cho Phật giáo rất lớn.
 
Có thể nói, Minh Vương là một vị chúa hiền và có tài. Khi mới lên ngôi, ông quan tâm chiêu hiền đãi sĩ, cầu lời nói thẳng, nạp lời can gián, bỏ xa hoa, bớt chi phí, nhẹ thuế má giao dịch, bớt hình ngục. Ông còn cho xây dựng một loạt chùa miếu, mở hội lớn ở chùa Thiên Mụ, chùa Mỹ Am. Bản thân chúa cũng ăn chay ở vườn Côn Gia một tháng trời, phát tiền gạo cho người nghèo. Bờ cõi yên ổn do chiến tranh Trịnh – Nguyễn đã tạm dừng 30 năm (1).
 
Phần lớn trong sự nghiệp lừng lẫy của Minh Vương, từ dải đất Nam Trung Bộ đến tận dải đất cuối trời tổ quốc Cà Mau – Hà Tiên, tên tuổi ông luôn được nhắc đến với cả sự kính trọng và nể phục trong hành trình mở mang bờ cõi Đại Việt. Những thành tựu đáng kể nhất có thể một vài dẫn dụ như:
 
+ Đặt phủ Bình Thuận năm Đinh Sửu (1697) gồm từ Phan Rang Phan Rí trở về Tây.
 
+ Đặt phủ Gia Định.
 
+ Chia đất Đông Phố, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phúc Long, dựng dinh Trấn Biên (Biên Hòa).
 
+ Lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn, lập xã Minh Hương.
 
+ Năm Canh Thìn (1700) có thêm đất vùng Sông Bé, La Ngà, Tánh Linh.
 
+ Năm Mậu Tý (1708) có thêm đất Hà Tiên do Mạc Cửu dâng, được Minh Vương nhận và đặt thành trấn Hà Tiên, nhưng để thể hiện sự ân cần trọng dụng nhân tài trong sách lược đối với người Minh hương, ông đã khôn khéo giao trấn Hà Tiên cho Mạc Cửu trấn giữ.
 
Về những đóng góp cho Phật giáo Việt Nam xứ Đàng Trong của Minh Vương, đó là những thành tựu xuất phát từ tâm khởi của một người Phật tử rất đặc biệt này.
 
Minh Vương có pháp hiệu là Thiên Túng Đạo Nhân hay Hưng Long Cư Sĩ. Có thể nhìn nhận rằng từ bước khởi duyên được cho là nền móng ban đầu của Minh Vương cho đến hơn 200 năm sau của vương triều nhà Nguyễn, Phật giáo đã thật sự trở lại vị trí ban đầu của mình và nhanh chóng được trọng thị và phát triển từ nhiều phía.
 
Tuy nhiên, dựa trên nhận xét khách quan, chúng ta thấy rằng Phật giáo xứ Đàng trong tuy rất được coi trọng trong thời các chúa Nguyễn, nhưng do thời gian trước đó, tự thân không phát triển được nên việc đào tạo tăng tài cũng chững lại. Vì thế khi được hồi sinh và phát triển thì lâm vào thế hụt hẫng, tăng tài khiếm khuyết, không thể đảm đương được các vị trí lãnh đạo cũng như hoằng hóa.
 
Minh Vương ngay từ đầu đã thấy ra được những điều đó, nên bằng khả năng và quyền hạn của mình, ông không ngại ngần hai lần viết thư cung mời Hòa Thượng Thạch Liêm (tức HT Thích Đại Sán), ngoài việc giúp ý kiến cho chúa ở lĩnh vực trị nước, Hòa thượng còn giúp đỡ  rất nhiều trong việc trùng hưng lại đạo Phật (2).
 
Hải Ngoại Ký Sự – Quyển 2 có chép rằng: “…Ta bèn đem việc chính trị ra bàn luận mấy ngày nay, chép ra từng điều một, làm thành bản điều trần “Lập Quốc Chính ước” gồm 18 điều, đều là những chuyện thương lính, yêu dân, thông thương lợi quốc, kỷ cương pháp độ, chép từng chi tiết rõ ràng.
 
Vương đọc xong mừng rỡ, bảo Nội Quan Chưởng Sự rằng “Pháp độ, dân tình nước ta đều chưa được đứng đắn, nay nhờ lão Hòa Thượng đem phép lễ Trung Quốc chỉ dạy, liệt kê 18 điều, nên khắc yết lên cửa phủ, hiểu dụ quan dân điều biết, và khắc 24 thẻ bài, chia loại rõ ràng. Hễ ai làm trái điều lệ, phạm phép, cho kẻ bị thiệt hại cầm thẻ bài đến kêu. Bất kể là quân dân, hoàng thân quốc thích đều theo pháp luật mà trị tội. Vĩnh viễn lấy đó làm quốc chánh vậy …”.
 
Về lĩnh vực hỗ trợ Phật giáo, cũng được được chính Hòa thượng kể lại trong Hải Ngoại Ký Sự – tr.50:
 
“Lão Tăng từ phương xa đến, được Quốc vương cung kính, thân như cốt nhục. Vả lại thần dân trong nước thảy đều quy y Tam Bảo, thực là một quốc gia muốn làm lành, rất hiếm có …”.
 
Minh Vương đã cho mở trai đàn, thỉnh Hòa thượng Đại Sán thuyết pháp, đặc biệt là mở đại lễ truyền thụ giới Sa Di quy mô lần đầu tiên. Ngày lễ Phật Đản năm đó (mùng 8 tháng 4 â.l), Minh Vương lại cho khai đàn ở nội viện để Quốc mẫu, công chúa, hoàng thân, quốc thích được thọ Bồ tát giới.
 
Kế tiếp theo đó ngày mồng 9 tháng tư, Hòa thượng xuất tăng nhân hai hàng, thi lãnh hơn 1.400 giới đệ tử, mặc cà sa, cầm bình bát, cử hành lễ cổ Phật khất thực và tạ ơn Quốc chúa đã thành tựu công đức, sau đó Minh Vương cho mời tất cả các tăng nhân vào thiết cúng trai tăng, dải trà nhóm tân giới đệ tử, ban thêm 300 quan tiền, 100 thạch gạo sai lính gánh về chùa Thiền Lâm, lại đem tất cả giới điệp có đóng ấn triện của Minh Vương ban cấp cho tăng nhân và những người đã tham gia đại lễ trai đàn.
 
Ngày 14 tháng 4, Minh Vương cho mời 10 vị đệ tử của Hòa Thượng Thích Đại Sán để mở một lễ xưng tụng Đại Bi Tâm đà la Ni. Làm việc này vì Minh Vương nhớ lời Hòa thượng những việc cần nên làm rằng “Việc trai giới chẳng phải chỉ để giữ cho sạch miệng, sạch mình, sạch tư tưởng mà thôi. Việc trai giới của nhà vua, cần phải đem việc quốc gia trên giới thanh lý chỉnh tề, không một người nào chưa được yên sở, không một việc nào chưa được thỏa đáng, như thế mới gọi là viên mãn.
 
Nay trước hết nên thanh lý oan ngục, tha tù bị giam cầm, chẩn cấp kẻ nghèo thiếu, khởi dụng kẻ yêm trệ, bãi bỏ điều cấm nghiêm khắc, thương xót kẻ buôn bán, thi ân cho thợ thầy.
 
Nói tóm lại, nên đem tất các việc giúp người lợi vật, châm chước cử hành. Đến như nghi lễ đàn trường, tăng chúng y bát, vật dụng hư hao… sẽ kê đơn chế biện… (Hải Ngoại Ký Sự -sđd-tr.97).
 
Cũng theo gợi ý của Hòa thượng Thích Đại Sán, Minh Vương còn cho trùng tu nhiều chùa, đúc nhiều đại hồng chung tiến cúng. Đáng kể nhất là trùng tu chùa Thiền Lâm, gần phủ Dương Xuân là cung điện mùa đông của Minh Vương.
 
Năm Canh Dần (1710), Minh Vương cho khởi công đúc đại hồng chung chùa Thiên Mụ với bài minh khắc nói lên tâm nguyện của mình như sau: “Chúa Đại Việt Nguyễn Phúc Chu, nối dòng động thượng chánh tông đời thứ 30, pháp danh Hưng Long đúc chuông lớn này nặng 3285 cân, để vào chùa Thiên Mụ, cúng Tam Bảo lâu dài. Nguyện cầu gió hòa mưa thuận, nước thịnh dân an, chúng sinh trong pháp giới đều được vẹn toàn trí tuệ”.
 
Chùa Thiên Mụ là nơi gắn kết nhiều kỷ niệm trong mối thâm giao giữa Minh Vương và Hòa Thượng Thích Đại Sán. Đó là mối giao duyên giữa Thầy và Trò, giữa hai người bạn và giữa hai giềng mối văn hóa Phật giáo Đại thừa của hai nước Vệt Trung mà không bị ràng buộc hoặc ảnh hưởng bởi tình hình chính trị hai nước lúc bấy giờ.
 
Vì vậy chùa Thiên Mụ còn lưu lại nhiều chứng tích văn bia do Minh Vương viết để ghi nhớ về mối thâm giao đặc biệt này. Trong ý niệm về tình Thầy – Trò, Minh Vương đã có những dòng rất cảm động như: “Thầy ta đã đi rồi, ta cứ hoài thương nhớ vị cao tăng đã từng chống gậy vượt qua núi non, quan ải, dùng thuyền chở đạo, vượt biển, băng suối đi đến trời Nam, đem câu kinh kệ tuyệt diệu để ca tụng đạo mầu…”.
 
Minh Vương trong vai trò của mình đã biến cái không thể thành có thể, những điều mà trước đó, những vị Chúa Nguyễn khác đã không thực hiện được, đem lợi ích, vinh quang về cho Đại Việt và tạo nên nền tảng rất tốt đẹp cho Phật giáo Việt Nam từ đây có cơ duyên thuận lợi, làm sống lại truyền thống hai ngàn năm rực rỡ của mình.
 
Cũng chính nhờ đức độ và tài ba của Minh Vương, đã đưa Hòa thượng Thích Đại Sán đi vào một phần trang sử của Phật giáo Việt Nam chúng ta.
 
Điều này người viết rất đồng tình với nhận định của nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Vinh rằng “Sở dĩ H.T Thích Đại Sán nổi tiếng trong giới Phật giáo, được tôn sư cho tới bây giờ và được phụng thờ ở chùa Thiên Mụ chẳng phải hoàn toàn do tài đức hoằng pháp của sư đối với Đại Việt ta, nhưng vì sư có một người đệ tử tài ba, lỗi lạc và danh tiếng. Đó là Đại Việt Quốc chủ chúa Nguyễn Phúc Chu. Chúa Nguyễn Phúc Chu là người có công lớn trong công việc đại trùng tu chùa Thiên mụ dựng bia, đúc chuông lớn,còn lưu truyền cho đến ngày nay”.
 
Sự nghiệp giữ an cõi bờ giang san và hoằng hóa Phật pháp của Minh Vương Nguyễn Phúc Chu, đáng là bài học quý giá cho thế hệ ngàn sau noi theo chiêm nghiệm.
 
Trong một bối cành đất nước trong thì Nam Bắc phân tranh ngòai thì lăm le giặc dữ, Minh Vương vận dụng mọi tình huống trước mắt để biến nó thành những điều thuận lợi và biết giữ nó bền lâu. Một người sống nghĩa tình hết mực, chung thủy với sở nguyện và bền bỉ trau dồi đạo đức bản thân, người đó chăc chắn là một nhân tố tốt lành cho xã hội.
 
Chúa Minh Vương Nguyễn Phúc Chu là mẫu hình tiêu biểu đó, đã nâng ông lên thành một vị Minh Vương sáng chói; với Phật giáo ông còn là một vị Bồ Tát đúng nghĩa, đưa Phật giáo VN qua một trang sử mới, trang sử tiếp cận thời đại tiên tiến ngày nay.
 
Dương Kinh Thành – Ban Phật giáo Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam
 
1) Theo wikipedia tiếng Việt. Hải Ngoại Ký Sự -Thích Đại Sán. VDH Huế 1963. Đại Nam Nhất Thống Chí .
 
2)Thật ra chúa Nguyễn Phúc Chu không phải là người đầu tiên mời Hòa Thượng Thích Đại Sán sang Đại Việt, mà trước đó, từ thời vua cha là Anh Tông hoàng đế, tức là chúa Nguyễn Phúc Trăn (Thái) (1687 – 1691), đã từng sai Tạ Nguyên Thiều sang Quảng Đông mời Hòa thượng Thích Đại Sán. Chi tiết này lưu giữ ở văn bia chùa Quốc Ân (Huế), đời Lê Dụ Tông thứ 10 viết:\
 
“Hoán Bích Thiền Sư Tạ Nguyên Thiều ở chùa Hà Trung (Thừa Thiên) vâng lệnh chúa Nghĩa sang Quảng Đông mời Đại Sán Hòa thượng”.
 
Về nhân vật Tạ Nguyên Thiều, chúng ta dễ dàng tìm gặp đôi dòng về ông trong Đại Nam Nhất Thống Chí (Thừa Thiên) có viết : “Tạ Nguyên Thiều tên chữ là Hoán Bích, người gốc Triều Châu, tỉnh Quảng Đông, nhà Thanh. Xuất gia năm 19 tuổi. Qua Đại Việt thời Thái Tông Hoàng Đế (tức chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần), đến Quy Ninh (nay chính là Quy Nhơn) xây chùa Di Đà, hoằng dương Phật Pháp… Sau đó ra Thuận Hóa, xây chùa Quốc Ân. Tạ Nguyên Thiều vâng lệnh Anh Tông Hoàng đế sang Quảng đông mời cao tăng Thạch Liêm Hòa thượng. Khi về lại Thuận Hóa, ra trụ trì chùa Hà Trung. Khi mất Hiển Tông Hoàng Đế tặng tên thụy là Hạnh Đoan Thiền Sư”.
 
Nhưng dù vậy, theo nhận định rất có lý của nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Vinh thì:
 
“Nhưng Đại Sán, tức Thạch Liêm Hòa Thượng qua Thuận Hóa không phải là kết quả trực tiếp của chuyến đi của họ Tạ mà là do nhân duyên của chúa Nguyễn Phúc Chu với sư. Trong bài Tự (Tựa) do chúa đề tặng trên sách Hải Ngoại Ký Sự thì “Ta khi còn làm Thái Tử vẫn thường hay ngưỡng mộ Thầy Ta ở chùa trường Thọ. Vua cha Ta lúc trước đã gởi thư hai lần mời mà không được. Mùa thu năm Giáp tuất Ta muốn thọ Bồ Tát Giới nên nối chí vua cha, ta đưa người qua rước, may được Hòa thượng nhận lời mời”.
 
+ Ngoài ra bài viết còn tham khảo những tài liệu như :
– Những bài viết về chúa Nguyễn Phúc Chu –nhiều tác giả trước năm 1975, bản in roneo.
 
– Thanhung “Phật giáo thời chúa Nguyễn Phúc Chu (Tôn Châu Quân), phatgiaobaclieu.com .
 
– Nguyễn Hữu Vinh “Hòa thượng Thạch Liêm, chúa Nguyễn Phúc chu và chùa Thiên Mụ, http//dotchuoinon.com.