Những người nghệ sĩ về đây để cùng chung sức chia sẻ với nhau trong đời sống hàng ngày của người làm nghệ thuật. Nói như vậy để thấy những chủ nhân của chùa Nghệ Sĩ không chỉ đến đây để tìm nơi thanh tịnh, an nhàn của riêng mình.
Cách tu tập tại chùa Nghệ Sĩ là san sẻ nỗi nhọc nhằn của những người đã từng cùng gầy dựng cho sự phát triển của sân khấu. Có lẽ chính ý nghĩa ấy là cốt lõi, là trọng yếu cho niềm tự hào của những cụ già nơi chùa Nghệ Sĩ. “… Khởi sự thì người nghệ sĩ ít lo xa. Khi trẻ thì đi khắp nơi biểu diễn hoặc thỏa mãn nhu cầu bản thân mà không nghĩ đến lúc già yếu. Lúc đương thời thì hát đình ngủ đình, hát chợ ngủ chợ, hát rạp ngủ rạp đến ngày cuối đời thì chẳng biết nương tựa vào đâu, có khi chết bờ chết bụi không ai hay biết. Đó là nỗi trăn trở của bản thân tôi và giới nghệ sĩ Sài Gòn nói chung”, NSND Phùng Há tâm sự.
Ở chùa Nghệ Sĩ không cầu toàn trong kiến trúc nhưng vẫn tạo vẻ uy nghiêm cả bên ngoài và nội thất. Như tên gọi chùa Nghệ Sĩ gắn liền với những tên tuổi đã làm nên niềm tự hào sân khấu Sài Gòn. Trước đây niềm tự hào ấy gắn liền với ông Ba Thanh Tao, cô Sáu Nghếch, còn giờ đây là người nghệ sĩ tài sắc và đức độ bậc nhất của sân khấu miền Nam, NSND Phùng Há. 13 tuổi bà đã bước vào nghệ thuật sân khấu, cùng sánh vai với những nghệ sĩ tên tuổi: Năm Châu, Ba Du… Sự cống hiến đời mình cho nghệ thuật sân khấu của bà với những vai diễn để đời như: Lựu (Đời cô Lựu), Nguyệt (Tô Ánh Nguyệt), Bạch Thu Hà (Giọt máu chung tình), Bích Vân (Khúc oan vô lượng), Nữ Vương (Mộng hoa vương). Bà là cây cổ thụ của nghệ sĩ cải lương miền Nam; là ngọn cờ đầu của giới nghệ sĩ trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Giờ đây, mặc dù tuổi già nhưng bà vẫn là người đứng đầu khơi gợi tinh thần đùm bọc khi biết ở đâu đó bị thiên tai bão lũ.
Nghệ sĩ Nhân dân Phùng Há
Giới nghệ sĩ ra đi từ chùa Nghệ Sĩ để đến với cộng đồng rồi từ cộng đồng họ quay lại chùa. Vì vậy, chùa Nghệ Sĩ như thể là nơi lưu giữ những thâm tình. Mỗi khi đến chùa Nghệ Sĩ tôi cảm giác nơi đây luôn hiện diện cả hai thế giới đang cùng nhau chung sống. Thế giới bên này là những người đang sống trong chùa, còn ở bên kia thì có khá đông những nghệ sĩ đang cùng có mặt ấy là Nghĩa trang Nghệ Sĩ.
Ở Nghĩa trang Nghệ Sĩ dường như không phân chia địa vị và giàu nghèo. Những tên tuổi nằm nơi đây đã có một thời lừng lẫy của sân khấu cải lương như NSND Năm Châu, NSND Ba Vân, soạn giả Hoa Phượng, NSND Năm Đồ, danh hài Tư Lộc.., từng được đông đảo giới mộ điệu biết đến, cũng có thể là những tên tuổi cống hiến âm thầm như Sáu Tửng, Danh Cầm… tất cả đều an nghỉ nơi đây, cùng làm bạn ở cõi vĩnh hằng. Có người nói rằng, nghĩa trang và chùa Nghệ Sĩ là một biểu tượng nghĩa tình của giới sân khấu Sài Gòn.
Biểu tượng đó bản thân nó đã ôm ấp những tư chất và tính cách sáng tạo rất khác nhau của những người cùng làm rạng danh một thời cho sân khấu. Ở đó còn cả những người làm nên lịch sử của nghệ thuật sân khấu cải lương. Trong số những người nghệ sĩ nằm đây, một người mà chắc rằng khi nghe tiếng thì tất cả giới mộ điệu cải lương có thể gọi ngay tên ông – đệ nhất danh ca mà tên tuổi gắn liền với xứ sở – Út Trà Ôn, với bài ca “Tình anh bán chiếu” gắn liền cả một đời người. Nghĩa trang Nghệ Sĩ còn lưu dấu một tên tuổi tài sắc, sự sang trọng và quyến rũ bậc nhất ấy là Nghệ sĩ Thanh Nga. Một con người mà đến cả sự ra đi cũng gây biết bao nỗi xót xa, thương tiếc; người sinh thời mãi luyện một chữ tình.
Giờ đây, chùa Nghệ Sĩ đã in đậm vào lòng của mọi người dân thành phố và giới mộ điệu. Ở đó là nơi dừng chân của những nghệ sĩ khi về già, sống cũng như chết tề tựu để tôn vinh những quá khứ vàng son và ơn nghĩa thâm tình. Cái thâm tình đã trở thành truyền thống mà người nghệ sĩ đang tồn tại ở sân khấu, đang tá túc trong chùa hay ở cõi vĩnh hằng đều có chung một nẻo về. Vinh quang, cay đắng, ngọt ngào đều cùng có nhau trong một mái nhà chung của hai thế giới: nhân gian và cõi vĩnh hằng…