Trang chủ Quốc tế Chùa Nam Thiếu Lâm – Nơi hàm dưỡng tinh thần Thiền –...

Chùa Nam Thiếu Lâm – Nơi hàm dưỡng tinh thần Thiền – Võ song tu

74

Đồng thời, chùa Nam Thiếu Lâm là di sản văn hoá Thiền tông Phật giáo và cũng là vùng đất phát nguyên của võ thuật Nam quyền Thiếu Lâm.

Tiền thân của của chùa Nam Thiếu Lâm là “Lâm Tuyền viện”, toạ lạc dưới chân núi Cửu Liên trong dãy non xanh trùng điệp, bắt đầu xây dựng vào năm đầu niên hiệu Vĩnh Định nhà Trần thời Nam Triều (557).

Vào năm đầu đời nhà Đường, tức sau khi Lý Thế Dân lên ngôi, Phụ Công Hữu tướng quân cậy tài chiêu mộ binh sỹ ở miền Đông Nam duyên hải nổi loạn, hống hách, quấy phá dân lành.

Tông tích tên vô lại này rất lợi hại, tụ tán vô thường, nếu triều đình phái đại quân đến vây quét thì chẳng khác nào dùng nắm đấm đánh đám bọ chét, phí sức dân tốn tiền của mà chẳng có tác dụng gì.

Đường Thái Tông bèn phong cho Phương trượng chùa Thiếu Lâm là Pháp sư Đàm Tông làm Đại tướng quân để trừng trị bọn cướp vùng ven biển.

Đàm Tông phái một trong mười ba võ Tăng là Đạo Quảng thống lĩnh 500 Tăng binh tiến về đất Mân để dẹp loạn.

Sau khi bình định xong, nhân dân vùng duyên hải muốn giữ những vị Tăng mang hạnh nguyện Bồ-tát cứu khổ cứu nạn này ở lại để phò nguy diệt ác. Đường Thái Tông ân niệm công lao cứu nguy của những vị võ Tăng này mà xây dựng một ngôi chùa ở Phúc Kiến để Đạo Quảng nuôi Tăng binh, tham gia chính sự.

Lúc bấy giờ, Lâm Tuyền viện nằm trên một ngọn núi nhỏ mà xung quanh được bao bọc bởi chín ngọn núi khác, làm thành một vòng tròn khép kín như chín cánh hoa sen vây quanh một đài sen. Ngôi chùa nằm ở vị trí trung tâm của hoa nên gọi là Cửu Liên sơn Thiếu Lâm tự, mà người đời thường gọi là chùa Nam Thiếu Lâm.

Đến đầu đời nhà Thanh, các chí sỹ, võ lâm, tuấn kiệt nườm nượp kéo đến chùa Nam Thiếu Lâm vốn có truyền thống võ thuật lâu đời để họp bàn chính sự, xem đây là căn cứ địa để hoạt động nhằm mục đích phản Thanh phục Minh. Mưu đồ bại lộ, chùa Nam Thiếu Lâm bị binh lính nhà Thanh vây hãm, Tăng chúng phần nhiều bị giết hại, tự viện bị phóng hoả thiêu rụi thành bình địa.

Năm 1986-1987, di chỉ chùa này mới được các nhà khảo cổ phát hiện. Năm 1992, chính quyền nhân dân tỉnh Phúc Kiến chính thức phê chuẩn trùng kiến chùa Nam Thiếu Lâm và cung thỉnh Pháp sư Thích Học Thành- Phó hội trưởng kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, Hội trưởng hiệp hội Phật giáo tỉnh Phúc Kiến, Phương trượng chùa Quảng Hoá trấn Bồ Điền làm phương trượng chùa Nam Thiếu Lâm.

Năm 1998, công trình bắt đầu khởi công xây dựng giai đoạn một gồm 10 hạng mục như: Đại hùng bảo điện, Thiên vương điện, lầu chuông trống, Tăng xá, cổng Tam quan… Năm 2006, mới chính thức khôi phục lại nơi sinh hoạt tôn giáo.

Năm 2007, lần đầu tiên cử hành long trọng “Đại hội công diễn võ thuật Nam Bắc Thiếu Lâm Trung Quốc” tại chùa Nam Thiếu Lâm với sự tham gia của đông đảo các võ Tăng chùa Thiếu Lâm và các tự viện tỉnh Phúc Kiến.

Năm 2008, thành lập trung tâm huấn luyện võ Tăng, chiêu sinh các khoá huấn luyện, thu hút đông đảo thành phần tham gia gồm tu sĩ xuất gia và cư sĩ tại gia đến luyện tập võ thuật. Trải qua hơn một ngàn năm gió táp mưa sa, sao dời vật đổi, đến thời điểm này ngôi cổ tự Nam Thiếu Lâm mới được hồi quang khởi sắc.

Pháp sư Học Thành hiện nay đang nỗ lực xây dựng cơ sở vật chất theo quy hoạch tổng thể của ngôi tự viện hoành tráng này nhằm khôi phục phong khí Thiền học xưa, trùng hưng phong thái hào hùng một thuở của Nam Thiếu Lâm, hoằng dương tinh thần dân tộc “tự cường không nghỉ” của nền võ thuật truyền thống Trung Hoa.

Những ngày cuối Đông, tôi có duyên được đến với ngôi chùa này để hoà mình cùng với đại chúng tu tập. Trong chùa hiện có hai chúng tu tập là chư Tăng xuất gia và Cư sỹ. Trong lớp cư sỹ ấy, có người là công nhân viên chức, giáo viên, học sinh đủ mọi lứa tuổi nhưng chiếm đa số vẫn là nam thiếu niên từ 8 đến 15 tuổi.

Trẻ em từ khắp các tỉnh thành trong nước được bố mẹ chúng gửi đến đây tu học, ban ngày học văn hoá ở trường, tối về nghỉ lại ở chùa học võ. Những ngày lưu lại chùa này, tôi thật xúc động và thấm thía với những lời chư Tổ đã dạy về oai nghi tế hạnh được chúng Tăng thực hành triệt để.

Chùa Nam Thiếu Lâm nằm ở độ cao hơn 600 mét so với mặt biển nên về đêm khí trời rất lạnh, có khi ngoài trời nhiệt độ xuống âm độ C.

Đúng 4 giờ sáng, cả đại chúng được đánh thức bởi tiếng mộc bảng do một vị Tăng quản chúng cầm đi gõ khắp các hành lang, đến mỗi cửa phòng gõ một tiếng. Lúc này mọi người thức giấc, có thể ngồi Thiền tại chiếc đơn cá nhân của mình, sau đó đánh răng rửa mặt chuẩn bị cho thời công phu sáng.

Đến 4 giờ 45 phút, tất cả đại chúng đều đắp y tề tựu trước Học đường để cùng nhau người lớn kẻ nhỏ tề chỉnh sắp theo hàng ngũ lên chánh điện tụng kinh.

Tụng kinh xong cũng sắp hàng về lại Học đường trước đó, đứng thành hai hàng ngay ngắn, đối diện chắp tay vái nhau rồi sau đó ai nấy trở về phòng mình. Một ngày hai bữa ăn sáng và trưa, chư Tăng phải đắp y chỉnh tề vào Trai đường tụng kinh theo nghi thức trước khi thọ trai. Bữa ăn chiều thì mặc áo nhật bình để thọ dược thực.

Không khí tại Trai đường cũng trang nghiêm không khác gì những thời khoá tụng kinh trên chánh điện. Đúng như lời khen ngợi của một nhà Nho nọ khi quá bước đến cửa Thiền: “Từ thời Tam đại đến giờ, ba ngàn oai nghi mà Thánh nhân thường dạy, đúng là nằm ở đây!

Điều đáng nói ở đây là, không những các vị Tỳ-kheo, Sa-di đều thức giấc tụng kinh mà các em nhỏ cũng phải dậy sớm vào thời gian đó để chuẩn bị ra sân luyện tập võ thuật.

Tuổi nhỏ hành điệu của tôi đã trải qua thời gian huấn luyện tương tự như vậy, nên khi nhìn những tấm thân bé bỏng của các em nhỏ, tôi không khỏi chạnh lòng thương mến vì khí hậu khắc nghiệt như thế mà các em vẫn thức khuya dậy sớm đúng giờ để rèn luyện.

Những đường quyền điêu luyện của các vị Giáo luyện viên phía trước, các em sắp hàng phía sau tập theo trông thật đẹp mắt. Có những tư thế rất phức tạp, như chống hai tay xuống đất trồng chuối ngược; ưỡn bụng di chuyển bằng tứ chi… nhưng các em vẫn thực hiện nghiêm túc, không một chút tuỳ tiện.

Qua những bài tập ở đây, tôi mới thấy thấm thía hai chữ “công phu” mà giới võ thuật truyền thống Thiếu Lâm vận dụng.

Nó không đơn thuần ở những động tác của thân thể mà còn mang ý nghĩa nhẫn nại ở ý chí con người. Ở tuổi như các em, thức dậy lúc 4 giờ sáng để luyện tập công phu quả không phải là chuyện dễ làm so với trẻ em thành phố hiện nay, nhưng các em ở chùa Nam Thiếu Lâm coi đó như là trách nhiệm và bổn phận hằng ngày của mình ở chốn Không môn.

Tôi hỏi một em trong số đó: “Ở đây xa ba mẹ, con có buồn không?” Em trả lời với vẻ đầy cao hứng: “Con ở đây được học võ là một thú vui rồi!”

Trong khi tập luyện, nếu thấy một vị thầy nào đi ngang qua, chúng đều chắp tay đồng thanh vái chào, trông thật dễ thương và xúc động.

Không những siêng năng chịu khó tập võ mà trong sinh hoạt hằng ngày, chư Tăng cũng dạy chúng biết sống tự lập, chăn màn tự xếp gấp, quần áo tự giặt giũ. Hai ngày cuối tuần, ngoài việc tập luyện võ thuật, chúng còn phải tập trung tại giảng đường học giáo lý đạo Phật và học thuộc những kinh điển của Nho gia như Hiếu kinh, Luận ngữ…

Bằng phương pháp giáo dục này, các vị giáo thọ ở đây mong muốn các em học Phật để biết tránh điều ác làm điều thiện, học Nho để giữ vững khí tiết và nuôi dưỡng tinh thần thượng võ.

Hạt giống được gieo trên ruộng đất phì nhiêu sẽ đem lại bội thu cho người nông phu; con người được giáo dục ở môi trường tốt sẽ mang lại lợi lạc cho đời. Tôi tin rằng, những em nhỏ được huấn luyện ở đây, trong tương lai có thể chịu đựng và vượt qua những áp lực của cuộc sống một cách nhẹ nhàng.

Đến với chùa Nam Thiếu Lâm, tôi không sao quên được hình ảnh ngôi chùa thiêng liêng ẩn hiện trong sương mù phiêu bạt vào những buổi bình minh trong tiết Đông lạnh giá.

Nơi đó đã vang vọng lời kinh tiếng kệ trầm hùng trong đêm khuya thanh vắng, những hình ảnh võ Tăng với uy nghi đĩnh đạc ngày này qua ngày khác đào luyện nên những mầm non mang chí lớn vào đời.

Ngôi chùa gắn liền với bao chiến tích oai hùng của lịch sử Trung Hoa này sẽ được phát huy nhờ vào sức tu học và hoằng truyền văn võ của các vị Tăng trẻ nơi đây.

Chùa Nam Thiếu Lâm là trung tâm hoằng dương tinh thần Phật pháp nhập thế, thể hiện tinh thần dấn thân làm lợi ích chúng sinh của Phật giáo Trung Hoa.