1. Vị trí:
Bên cạnh quốc lộ 14, cách trung tâm Tp. Buôn Ma Thuột 13km về hướng Đông, thuộc thôn 4, xã Hòa Thuận (Đạt Lý). Với cổng tam quan cao hiên ngang và một “rừng” tượng lộ thiên đó là Chùa Nam Thiên. “Nam Thiên” là một tên ghép của hai tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên, vì trước đây Phật tử góp công sức tạo dựng ngôi chùa phần lớn là bà con tín đồ hai tỉnh này.
2. Duyên khởi thành lập:
Ngày 16/6/1957 (19/5/Đinh Dậu) 32 gia đình di dân đợt I từ Thừa Thiên vào định cư lập nghiệp theo đạo luật 10/59 của chính quyền Ngô Đình Diệm, địa danh bấy giờ là nông trường Buôn Kroa. Trong đoàn người di dân đó có một ông cụ khoảng 60 tuổi, tay ôm cái rương nhỏ bằng gỗ, tay kia xách cái giỏ đựng hành trang cá nhân, cái rương luôn được ông trân trọng và thường đặt ở nơi cao, sạch sẽ.
Tôn tượng Bồ Tát Quán Thế Âm lộ thiên tại chùa Nam Thiên (ảnh: Đăng Huy)
Đó là cụ Phan Địch, bấy giờ mọi người phải ở tạm trong lều bạt, đợi 3 tháng làm nhà xong mới cho dân ra ở riêng. Nhưng cụ Phan Địch đã xin phép cho cụ được che tạm một lều tranh dưới gốc cây cổ thụ để ở một mình. Khi tạm ổn, chiếc rương gỗ đã được mở ra và vật quý trong rương được cụ đem ra trang trí trên một liếp tre đặt trên bốn khúc củi thành cái bàn.
Đó là bức tượng giấy Đức Bổn sư được chụp từ một tượng đồng, cái chuông, cái mõ nhỏ và cuốn Nhật tụng song ngữ Hán – Việt. Từ đó, hằng đêm dưới ngọn đèn dầu hiu hắt, trước bàn thờ tạm, cụ Địch đã nhị thời khóa tụng trong không khí âm u tịch mịch của núi rừng và trước bao sự ngạc nhiên và tò mò của thiên hạ. Thảo am, bàn thờ Phật bằng liếp tre, pháp khí và nhị thời khóa tụng của cụ Địch là hạt nhân đầu tiên của Chùa Nam Thiên sau này.
Thảo am của cụ là điểm không hẹn mà đến của nhiều bà con nông dân có tín tâm Phật giáo, ngày họ đi nương rẫy, đêm về tụ tập nghe kinh và chia sẽ tâm sự nỗi niềm xa quê như tâm trạng một nhà thơ đã bày tỏ.
Mai này tôi bỏ quê hương
Nhớ trăng nhớ gió, chao ôi nhớ Chùa.
Nguyễn Bính
Cổng tam quan chùa Nam Thiên ngày nay ( ảnh Đăng Huy)
Cứ thế, niềm ao ước ngày một nhân lên trong tâm thức những người có cùng tín ngưỡng bước đầu tha phương lập nghiệp. Khát khao có được một nơi để nương tựa tinh thần, ao ước có một Niệm Phật Đường để tắm gội tâm linh. Âm vang lời kinh tiếng mõ đã khởi duyên bao người mộ đạo, nên vào tháng Chạp năm Đinh Dậu (1957) với sự khởi xướng tiên phong của các ông: Phan Địch, Phan Thế, Nguyễn Thanh Biền và Phan Bá Bí… là Ban vận động thành lập Chùa đầu tiên và được nhiều bà con hưởng ứng tham gia kiến tạo.
3. Quá trình xây dựng và phát triển:
A. Từ năm 1957 đến 1975:
Sau hơn 10 tháng vừa liên hệ xin phép Tỉnh hội Phật học Đắk Lắk, vừa chuẩn bị các mặt khởi công kiến tạo, đến tháng 10 năm Mậu Tuất (1958) một ngôi Chùa bằng vật liệu thô sơ, cây rừng bốc vỏ, mái tranh vách nứa chính hiệu được tôn tạo trên lô đất diện tích gần ba sào, ở đầu xã Đạt Lý bây giờ, chùa quay mặt xuống suối, hướng Tây Bắc.
Ngày 15/10 Mậu Tý, phái đoàn Ban Trị sự Tỉnh hội, Phật học Đắk lắk về chứng minh lễ khánh thành và trao quyết định chính thức thành lập “Khuôn Hội Phật Học Nam Thiên” gồm có:
– Đại đức Thích Từ Mãn: Trụ trì chùa Sắc Tứ Khải Đoan
– Cụ Hoàng Trọng Quang: Chánh Hội trưởng Tỉnh Hội Phật Học Đắk Lắk
– Cụ Trần Hữu Song: Hội phó, cụ Mười Trọng thủ quỹ và ông Mạc Như Phong thư ký.
Chùa Nam Thiên ngày nay, nhìn từ cổng vào. Công trình đang hoàn thiện dai đoạn cuối hoàn thành ( ảnh Đăng Huy)
Và gần 30 vị trong Ban trị sự, Ban nghi lễ, và Ban Đại diện các Chùa A Dục, Kỳ Viên, Vương Xá và Phổ Minh. Nam Thiên lúc bây giờ là ngôi chùa thứ 6 của tỉnh Đắk Lắk và là ngôi Chùa đầu tiên ở ngoại ô thị xã Buôn Mê Thuột. Điều cảm động nhất của bà con Phật tử nơi chốn âm u hoang dã này là được phái đoàn tỉnh Hội lo sắm cho đầy đủ từ bảo tượng, pháp khí đến hương đăng hoa quả, bánh trái cho khóa lễ an vị lạc thành.
Năm 1961 do phát triển dân cư về hướng Tây của xã nên Phật tử Ấp Nam Sơn và Nam Bình đi Chùa quá xa, lại nữa, diện tích khuông viên, chùa quá hẹp, nên Chùa Nam Thiên được dời đến địa điểm hiện tại trên khu đất gần 09 sào do ông Bùi Thái hiến đổi. Chùa vẫn xây mặt hướng Tây Bắc, được làm bằng gỗ xẻ, mái và vách bằng tôn, có tiền đường rộng rãi. Năm 1961 cũng là năm Gia đình Phật tử Nam Thiên sau hơn 2 năm thử thách được công nhận chính thức là Gia đình Phật tử trong tổ chức Gia đình Phật tử Việt Nam.
Mùa Pháp nạn 1963, Nam Thiên được vinh dự đón các vị lãnh đạo phong trào đấu tranh bất đạo động như: Đại Đức Thích Quảng Hương, trụ trì Chùa Sắc Tứ Khải Đoan, Cố vấn Giáo hạnh của Gia đình Phật tử Đắk Lắk; Đại đức Thích Đạo Dung, hiệu trưởng và Đại đức Thích Nguyên Hạnh, giáo sư trường Bồ Đề Huệ Năng… về phổ biến đường hướng đấu tranh với chính quyền Ngô Đình Diệm, đòi thực thi 5 nguyện vọng của Phật giáo.
Hạng mục cuối cùng lợp ngói lưu ly mái chùa Nam Thiên đang gấp rút hoàn thành… ( ảnh Đăng Huy)
Năm 1964, sau khi chính quyền Diệm bị lật đổ, Phật giáo phát triển khá mạnh, nhu cầu sinh hoạt tu học của Chùa Nam Thiên còn hạn chế. Chùa Nam Thiên lại bị chính quyền cho nằm ngoài ấp chiến lược, Phật tử không thể sinh hoạt lễ bái vào ban đêm, nên bác Đặng Ngọc Khái đại diện cho Phật tử Nam Sơn và Nam Bình. Thông qua Ban đại diện, xin phép Ban trị sự cho thành lập thêm một ngôi Chùa mới, thay vì thành lập Niệm Phật Đường của Vức trực thuộc chùa Nam Thiên. Nguyện vọng đó đã được Thượng Tọa Thích Đức Thiệu, Chánh Trị sự Phật giáo Đắk lắk cho phép và ký quyết định thành lập Chùa Liên Trì. Khi Liên Trì tách khỏi Nam Thiên gần 3/4 phật tử lên xây dựng và sinh hoạt Chùa mới. Đầu năm 1966, do nhu cầu phát triển Chùa Nam Thiên lại quay hướng chính ra vị trí hiện tại, tường được xây bằng gạch và diện tích được nới rộng. Đến năm 1970 Chùa được tôn tạo tiền đường, lầu chuông, trống và cổng Tam quan bằng bê tông.
B. Từ năm 1975 đến 2005:
Những năm tháng đầu sau ngày đất nước mới thống nhất, hậu quả khủng khiếp của bao năm chiến tranh để lại, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội chưa được ổn định, nhất là khu vực Tây Nguyên, kinh tế đang trong thời kỳ bao cấp nên sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo cũng bị ảnh hưởng và hạn chế rất nhiều mặt. Chùa Nam Thiên có những năm tháng vắng vẻ hiu quạnh, cảnh vật có lúc có nơi đã rêu phong phủ kín, mỗi tháng chỉ lễ bái vào hai buổi sáng mồng một và rằm, có hôm dầu không đủ sáng, nhang không đủ thắp và lui tới Chùa chỉ vỏn vẹn có 4, 5 bác trong Ban Hộ Tự. Mãi đến năm 1986, chính sách của Nhà nước đổi mới. Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Đắk Lắk nhiệm kỳ I cũng vừa tổ chức.
…dự kiến đại lễ Khánh thành chùa Nam Thiên sẽ được tổ chức vào cuối năm 2016 này (ảnh: Đăng Huy)
Nhờ có sự hướng dẫn trực tiếp của Ban trị sự, nhất là khi Nghị định 69/HĐBT được ban hành, nên năm 1992 Ban Đại diện Chùa đã xin phép cơi nới mặt sau Chùa, xây mới phần Chánh điện, được UBND tỉnh cho phép vào tháng 9 năm 1992, đầu năm 1993 Chùa tiến hành xây dựng. Nhờ sự hoan hỷ Chư Tôn Đức Tăng Ni, sự phát tâm của Phật tử gần xa nên vào ngày 6-4 Quý Dậu (26-5-1993) lễ khánh thành ngôi Chánh điện Chùa Nam Thiên được tổ chức trang nghiêm, long trọng và quy tụ gần cả ngàn phật tử, đây là buổi lễ quy mô nhất của Phật giáo tỉnh Đắk Lắk từ sau ngày giải phóng… Về chứng minh tham dự có: Hòa thượng Thích Xung Huy, HT Thích Giác Dũng, Chư tôn Đức Tăng Ni, ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh, ông Trưởng Ban tôn giáo tỉnh, ông phó chủ tịch Mặt trận tỉnh, chính quyền địa phương và linh mục tôn giáo bạn, Ban đại diện và phật tử trong toàn tỉnh.
Với niềm hân hoan phấn khởi của phật tử trước sự phát triển của Giáo hội và đất nước từ năm 1993 đến năm 2005 tại Chùa Nam Thiên đã có những phát triển về cơ sở thờ tự và tổ chức tu học.
a. Cơ sở sinh hoạt, thờ tự:
Trên khu đất rộng hơn 8000m2, Chùa được xây dựng liên kết thành một quần thể khép kín, Chánh điện – Niệm bát đường – Hội trường – nhà Tổ – nhà Trù với tổng diện tích sử dụng trên 500m2. Riêng Chánh điện và bái đường là 200m2. Trên Chánh Điện, giữa thờ Đức Bổn Sư, bên hữu là Đức Quán Thế Âm và bên tả Ngài Địa Tạng, phía sau là bức vẽ cảnh núi non hùng vĩ thể hiện phong cách lúc Đức Thích Ca thành đạo. Trước Chánh Điện có hai câu đối bằng quốc ngữ.
Nam Thiên Nhất Niệm Am Văn Kiến
Tây Trúc Thiên Trùng Dược Thủy Triêm
Tương truyền hai câu đối này được Đại lão Hòa thượng Thích Từ Mãn tặng Chùa Nam Thiên trong lễ An vị chùa năm 1958.
Tổ đường là ngôi nhà ba gian lợp ngói, ở giữa thờ Đạt Ma Tổ Sư, cố Hòa thượng Thích Quang huy. Hai bên tả hữu thờ các vị tiền bối hữu công và chư hương linh nam nữ quá cố, căn hồi là thư viện Gia đình phật tử, căn trong là kho và nối kết hạ thấp xuống là nhà trù khá rộng. Liên kết giữa Bái đường và tổ đường, phía trước là một hành lang lợp ngói, cổ lầu, phía sau là một hội trường rộng trên 100m2. Gần nhà tổ, kế tường rào phía Đông là một sâu khấu hoành tráng rộng hơn 100m do Gia đình phật tử xây dựng để diễn văn nghệ.
Thời điểm này tín đồ của Nam Thiên có khoản 200 gia đình với trên 1.000 người, có trên 350 phật tử đã quy y, gần 60 giới tử đã thọ Thập Thiện và Bồ Tát tại gia. Thành lập chúng Bồ Tát thập thiện Kiều Trần Như. Gia đình phật tử Nam Thiên có hơn 200 người, vừa Huynh trưởng và Đoàn sinh, trên 20 Huynh trưởng đã thọ cấp, thanh lập Đoàn Tâm Minh có trên 60 anh chị, bên cạnh có Ban Bảo trợ GĐPT là điểm tựa hỗ trợ tinh thần, vật chất cho GĐPT. Ban nghi lễ của Chùa được củng cố phát triển hơn 50 vị. Hằng năm Ban Đại diện cung thỉnh Chư tôn Đức Tăng về chứng minh truyền giới và giảng pháp trên vài chục lần, hằng tháng Ban Đại diện tạo thuận duyên cho giới tử Bồ Tát và thập thiện về Chùa Tỉnh hội Bồ Tát vào các ngày Sóc – Vọng. Đây là thời kỳ (1987-2005) các Đạo tràng tổ chức đoàn thể, ban ngành và Phật tử của Chùa sinh hoạt tu học nề nếp, tinh tấn và đoàn kết hòa hợp, tôn ti trật tự trong Chùa rất mẫu mực.
C. Từ năm 2005 đến năm 2011:
Sau bao năm Ban đại diện và Phật tử Chùa Nam Thiên mong cầu được cung thỉnh Chư Tôn Đức Tăng Ni về Chùa để hướng dẫn Phật tử tu học hoằng truyền chánh Pháp. Nhân duyên hội đủ, ngày 02 tháng 5 năm 2005 Ban Đại diện Chùa và Phật tử các giới đã ký đơn đệ trình các cấp giáo hội, chính quyền và Hòa thượng Bổn sư để xin thỉnh Đại Đức Thích Giác An, nguyên quán Thăng Bình – Quảng Nam, là đệ tử của Hòa Thượng Thích Minh Nghĩa trụ trì Tổ Đình Giác Nguyên, Quận 4, Tp. Hồ Chí Minh về trụ trì Chùa Nam Thiên. Qua gần 5 tháng lo thủ tục pháp lý. Ngày 09/10/2005 (07/09 Ất Dậu) PL 2549 lễ Bổ nhiệm Đại Đức Thích Giác An chính thức đảm nhận chức vụ Trụ trì chùa Nam Thiên đã được tổ chức vô cùng trang trọng, quy mô. Chứng minh lễ có Đại Lão Hòa Thượng Thích Thiện Bình, Phó Thư ký HĐCM GHPGVN. Hòa thượng Thích Minh Nghĩa, bổn của thầy tân Trụ trì, Chư tôn giáo phẩm BTS PG Tỉnh Đắk Lắk. Chư tôn Đức Tăng Ni trong và ngoài tỉnh. Các vị lãnh đạo chính quyền có ông Phó chủ tịch thường trục UBMTTQ Tỉnh, các vị lãnh đạo Thành phố Buôn Ma Thuột và địa phương xã Hòa Thuận, và gần năm ngàn Phật tử gần xa về dự.
Từ ngày có thầy Trụ trì, Chùa Nam Thiên dã thay đổi và phát triển rất nhiều trong 6 năm qua như:
a. Kiến thiết xây dựng:
Bảo điện Quán Thế Âm Bồ Tát, nhà sàn, xây thành cao bao bọc khuôn viên Chùa, xây dựng Hội trường, nhà Trù, nhà ở cho chúng điệu, khu sinh hoạt vệ sinh. Xây mới cổng Tam Quan đồ sộ, xây thêm 2 cổng phụ hai bên, kiến thiết hòn non bộ. Tôn tượng lộ thiên Phật A Di Đà, Phật Di Lặc, tượng thập bát La Hán, Tứ Thiên Vương, Tôn trí lại tượng Đức, Bổn Sư trong Chùa. Mua trống lớn, đại hồng chuông hơn một tấn, mở phòng phát hành kinh sách.
Nói cụ thể, chỉ hơn 5 năm thầy Giác An lãnh đạo và trụ trì, Chùa Nam Thiên về cơ sở vật chất đã phát triển gần 50 lần đối với Ban đại diện và Phật tử Chùa đã tu tạo trong 50 năm từ ngày thành lập. Khi bài viết này lên khuôn, ngôi Chùa Nam Thiên mới với diện tích trên 1800m2 sử dụng, với quy mô hai lầu, một trệt. Cổ lầu, mái đúc bê tông mang vẻ đẹp trang nghiêm, hùng vĩ, vừa hiện đại, vừa cổ kính theo kiến trúc văn hóa Á Đông, lễ động thổ, đặt đá khởi công ngày 25/3/2010 (10/2/Canh Dần). Buổi lễ quy mô hoành tráng với hơn bảy ngàn Tăng Ni và Phật tử tham dự, dưới sự chứng minh của chủ tôn giáo phẩm HĐTS TW và nhiều tỉnh bạn đến dự.
Về phía chính quyền có cả lãnh đạo MTTQVN và Ban tôn giáo Chính phủ về dự. Hy vọng đến năm 2014, 2015 có thể toàn cảnh Chùa Nam Thiên sẽ thành tựu viên mãn. Nam Thiên sẽ là một cảnh quan du lịch tâm linh cho thập phương phật tử và là trung tâm tổ chức tu học cho đồng bào dân tộc ít người và thanh thiếu niên phật tử vào các dịp hè hằng năm.
b. Về sinh hoạt tu học:
Khi ngôi Chùa có sự hướng dẫn tu học của thầy Thích Giác An. Hằng tháng có tổ chức khóa Tu niệm Phật. Mỗi năm vào dịp hè có khóa tu mùa hè cho TTN phật tử, Thầy còn thỉnh nhiều vị danh Tăng về thuyết pháp cho Phật tử trong tỉnh quy tụ về nghe Pháp. Phát quà từ thiện cho đồng bào nghèo, phát quà và thưởng cho các cháu học sinh vào dịp trung thu và Tết Nhi đồng 1/6.
Một góc sân chùa Nam Thiên 06/2016 ( ảnh: Đăng Huy)
Nói chung không khí sinh hoạt tu học tại Chùa Nam Thiên từ 2005-2010 khi có Chư Tăng vệ trụ xứ được xiển dương rất tốt. Nhưng từ ngày khởi công đại trùng tu chánh điện, tất cả các khóa tu và thuyết giảng đều tạm ngưng. Tuy nhiên chúng ta có quyền hy vọng và tự hào một ngày không xa tại ngôi chùa Nam Thiên uy nghi hoành tráng, mọi Phật sự cho sinh hoạt tu học và hoành dương chánh pháp sẽ phát triển hơn, để đem lại an lạc, hạnh phúc cho số đông hiện tại và tiến bước trên con đường giải thoát giác ngộ.
Kim thân tôn tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đồng, cao 3,2m, nặng 5 tấn được tôn thờ tại chánh điện chùa Nam Thiên (ảnh: Đăng Huy)