Trang chủ Bài nổi bật Chùa Một Cột: Qua thăng trầm thời gian

Chùa Một Cột: Qua thăng trầm thời gian

826

Chùa Một Cột ngày nay là một quần thể gồm quần thể các đơn nguyên kiến trúc tam quan, tam bảo, hành lang giải vũ, tăng phòng, tháp tổ trong vườn, và kiến trúc một cột ở phía sau chùa.


Tôi từng cho rằng, “chùa Một Cột” không phải là chùa, mà chỉ là một đơn nguyên kiến trúc trong tổng thể tự viện chùa Diên Hựu. Việc “duy danh chủ nghĩa” theo kiểu dân gian: “thấy gì gọi thế”, tưởng chừng vô hại, nhưng lại có ảnh hưởng sâu sắc đến nhận thức lịch sử và văn hóa. Nhiều người từng ca ngợi rằng: đặc sắc của nó là xây dựng một ngôi chùa trên một cái cột.

Thực chất, đó chỉ là một Liên Hoa Đài như bức đại tự treo ở bên trong tòa lầu, và như nội dung câu đối ghi ở trong chùa. Theo hiểu biết của tôi, đó có lẽ chỉ là một kiểu stupa nhất trụ, là một tháp Phật ở trung tâm của ngôi chùa Diên Hựu, nó là một kiến trúc hoa sen mô phỏng một ngọn núi Tu Di nằm ở trung tâm của một mandala (một tiểu vũ trụ). Còn các nhận thức trước nay về kiến trúc một cột đó là khác nhau, do bối cảnh tri thức và bối cảnh lịch sử.

Kiến trúc một cột thời Lý và chùa Diên Hựu được khởi dựng vào năm 1058. “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi: “Mùa xuân, tháng 2, đổi niên hiệu Sùng Hưng Đại Bảo năm thứ 1. Mùa đông, tháng 10, dựng chùa Diên Hựu. Trước đây vua chiêm bao thấy Phật Quan Âm ngồi trên tòa sen, dắt vua lên tòa. Khi tỉnh dậy, vua đem việc ấy nói với bầy tôi, có người cho là điềm không lành. Có nhà sư Thiền Tuệ khuyên vua làm chùa, dựng cột đá ở giữa đất, làm tòa sen của Phật Quan Âm đặt trên cột đá như đã thấy trong mộng. Cho các nhà sư đi vòng lượn chung quanh tụng kinh cầu vua sống lâu. Vì thế gọi là chùa Diên Hựu.”

Văn bia Đại Việt quốc Lý gia đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Linh tháp bi (bia chùa Long Đọi, Hà Nam) do Thượng thư bộ Hình Nguyễn Công Bật soạn khắc năm 1121 có ghi: “Tôn sùng đạo Phật, hâm mộ mống lành. Noi Tây Cấm danh lừng thượng uyển; mở Diên Hựu gọi đó danh lam. Theo quy chế vốn có trước kia; ra mưu tính ý vua nay tỏ. Đào ao thơm mang tên Linh Chiêu; giữa ao kia cột đá vọt đứng. Đỉnh cột nở ngàn cánh hoa sen; hoa đặt vững một tòa điện tía. Trong điện đặt Thích Ca kim tướng; bên ngoài ao là hành lang vẽ bọc quanh. Ngoài hành lang có Bích Trì khơi vòng; đều bắc cầu vồng đi thông vào. Sân nơi cầu trước, tả hữu dựng tháp báu lưu ly…”.

Tư liệu gốc này cho thấy tôn tượng được dựng năm 1105 là Thích Ca. Điều này khác với ghi chép của “Toàn thư”. “Toàn thư” đã được chỉnh sửa qua nhiều đời, nên độ xác thực không bằng bi ký đương thời. Vậy thì việc thờ Quan Âm và câu chuyện cầu tự là chuyện của đời sau góp nhặt, chịu ảnh hưởng của văn hóa cầu tự và tín ngưỡng Quan Âm. Còn nguyên bản đời Lý (từ giai đoạn 1058) có lẽ chỉ có thờ phật Thích Ca. Theo văn bia 1121, các nghi lễ được thực hiện ở ngôi quốc tự hoàng gia này gồm có: múa Tứ Thiên Vương, lễ Phật Đản, nhằm để cầu trường thọ, và cầu cho mạch nước dài lâu. Điều này là hợp lý trong bối cảnh văn hóa Phật giáo được sử dụng như một phương tiện tâm linh hỗ trợ cho các thiết chế Nho giáo thời đó (như Viên Đàn, Văn Miếu, v.v.).

 

Chùa Một Cột bị đánh mìn vào ngày 9-11-1954.

Sang đến thời Trần, với tư cách là người đã thay thế nhà Lý, nhà Trần bắt nhà Lý phải đổi sang họ Nguyễn. Sử gia Lê Văn Hưu dựa trên nhãn quan Nho giáo của triều đại mình đã phê bình nhà Lý như sau: “Bậc vua sáng nghiệp, tự mình cần kiệm, còn lo con cháu xa xỉ lười biếng, thế mà Thái Tổ để phép lại như thế, chả trách đời sau xây tháp cao ngất trời, dựng cột chùa đá, điện thờ Phật, lộng lẫy hơn cung vua. Rồi người dưới bắt chước, có kẻ hủy thân thể, đổi lối mặc, bỏ sản nghiệp, trốn thân thích, dân chúng quá nửa làm sư sãi, trong nước chỗ nào cũng chùa chiền, nguồn gốc há chẳng phải từ đấy?”

Lê Văn Hưu, dù sống trong thời đại Tam giáo tịnh hành như Lý, nhưng đã từ lăng kính của triều đại chiến thắng để phê phán “tệ lậu xây chùa, thờ Phật xa hoa” của nhà Lý. Việc phê phán này có thể thấy rõ qua tư liệu khảo cổ: kiến trúc và điêu khắc Phật giáo nhà Trần thô mộc trong khi  nhà Lý thì quy mô, và đẽo tạc tinh vi hoa mĩ trên từng thớ đá.

Sang đến thời Lê sơ, khi Nho giáo (chính xác hơn là Tống Nho) đã lên chiếm vị trí tuyệt đối trong hệ thống chính trị, thì Hoàng đế và Nho sĩ đều nhìn về Diên Hựu và nghệ thuật Phật giáo thời Lý với con mắt khác lạ hơn nữa. Vua Lê Thánh Tông khi đi thăm chùa tháp Sùng Thiện Diên Linh, đọc văn bia đời Lý Nhân Tông bèn “phẫn nộ” làm bài thơ, cho khắc ngay sau bia, để phê phán rằng: thời Lý chỉ chuyên làm những chuyện quái gở. (Lý triều quái đản bi do tại). Cho rằng ông vua thông minh thì phải dựng tông miếu trước, chứ xây chùa nhiều như thế thì chỉ khoét mỡ dân. Sự phản biện này nhằm khẳng định rằng thể chế nhà nước Nho giáo thời Lê Sơ mới là oách xà lách.

Đến thế kỷ XVIII, các huyền thoại Đạo giáo lại tiếp tục phủ lên lịch sử của chùa Diên Hựu. Năm 1780, Trần Bá Lãm, trong “La thành cổ tích tân vịnh” ghi: “chùa ở tại xã Nhất Trụ, huyện Vĩnh Thuận. Thời xưa, đất ấy bỏ hoang chưa có xóm trại. Cao Biền khi sang đô hộ An Nam bảo đất ấy ở chỗ sườn rồng chạy, sai đóng cột đồng vào đây, cắt đứt long mạch. Về sau, dân đến ở thành xóm làng, gọi là xã Một Cột…

Vua Lý Thánh Tông tuổi đã cao chưa có con nối nghiệp nhà, đêm mộng thấy đến thôn Một Cột, thấy vị Quan Âm gọi vua bảo: “đất này rất linh, cột đồng làm thương tổn đến long mạch đã lâu rồi, nên kíp hủy bỏ đi thì vận nước lại lâu thêm mấy đời nữa, bằng không thì hết rồi đấy”. Nói xong, vời vua lên đài vàng, ẵm tiên đồng ban cho. Tỉnh mộng, vua sai xây chùa phía tây làng để thờ Quan Âm Bồ Tát, đổi niên hiệu làm Diên Hựu, hủy bỏ đồng trụ ám phù, năm sau sinh hạ Hoàng tử”.

Rõ ràng là những câu chuyện bùa yểm của Cao Biền là một kiểu thêu dệt của các Đạo lưu dân gian, nhằm đề cao các yếu tố phương thuật, trấn yểm, trừ tà của Đạo gia. Câu chuyện chùa Diên Hựu được đẩy lên đến tận đời nhà Đường. Những người kể chuyện dân gian đã cố lồng ghép câu chuyện cột đồng trấn yểm long mạch với chuyện hiếm muộn và cầu tự của vua Lý Thánh Tông. Phạm Đình Hổ còn ghi lại một chuyện dân gian khác rằng: “bùn đất trong ao lẫn vô số kể kim sắt…, người ta cho là nơi Cao Biền trấn yểm'”.

Sang đến thời Pháp thuộc, người Pháp nhìn vào phiên bản trùng tu thời Nguyễn chê cái kiến trúc ấy “như cái chuồng chim”. Đó là một cái nhìn ngộ nghĩnh của người bên ngoài, lấy Âu tâm luận làm nền tảng. Với tính u-mua sẵn có, có tờ báo Pháp còn “hí họa” bức tranh vẽ chùa Một Cột với huyền thoại về một vị vua cụt chân đang nhảy đầm. Tuy nhiên, trong khía cạnh học thuật, chùa Một Cột được nhiều học giả ghi chép, nghiên cứu.

Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp đã thực hiện một nghiên cứu cụ thể để trùng tu vào năm 1923. Lần đầu tiên kiến trúc một cột được vẽ kỹ thuật. Dựa trên bản vẽ này, Nguyễn Bá Lăng và nhiều kiến trúc sư sau này mới có cơ sở để trùng tu như dáng hình ngày nay. Cũng trong giai đoạn này, nhờ báo chí, hình ảnh chùa Một Cột được phổ biến rộng rãi, Nha bưu điện Ðông Dương nhiều lần phát hành tem hình Liên Hoa Đài. Hình ảnh kiến trúc Một Cột dần dần trở thành hình ảnh quen thuộc của cả quốc dân lẫn quốc tế.

Sau hiệp định Genève, quân Pháp rút lui khỏi Hà Nội và miền Bắc Việt Nam, có người đặt thuốc nổ phá Liên Hoa Đài vào ngày 11-9-1954 (Rằm tháng tám). Liên Hoa Ðài bị phá nát từ mặt sàn lên đến mái. Pho tượng Quan Âm chỉ bị rời mấy cánh tay. Có thuyết thì cho là các nhóm phản động, có thuyết khác lại quy cho là người Pháp làm. Dù sao việc đặt mìn phá Liên Hoa Đài, như một hành động phá hoại biểu tượng.

Năm 1955, sau khi tiếp quản Hà Nội, chính quyền tiếp quản quyết định phục hồi lại chùa và ủy nhiệm cho chuyên viên Sở Bảo Tồn Cổ Tích là Nguyễn Bá Lăng, nghiên cứu họa đồ và điều khiển công trường. Ngày 28-4-1962, chùa Một Cột được Bộ Văn hóa đã xếp hạng là Di tích Lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Kể từ đây, chùa Một Cột được coi là biểu tượng văn hóa nghìn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam. Hình ảnh một cột được quy định thành mẫu trong các sản phẩm văn hóa, được vẽ tranh cổ động, áp phích tuyên truyền, in trên tem, trên bao diêm, vỏ bao thuốc lá, mành tre trúc của các hợp tác xã, mà không được làm cái gì khác (theo Nhà  nghiên cứu Phan Cẩm Thượng).

Phỏng dựng chùa Diên Hựu thời Lý. (Nguồn: SEN Heritage & Trần Trọng Dương)

Sau năm 1979, bị ảnh hưởng bởi không khí chính trị và quan hệ ngoại giao Trung-Việt, các chính sách văn hóa và nghiên cứu văn hóa cùng nhất trí chuyển sang bài Hoa, giải Hoa. Chùa Một Cột được coi cái cột là cái linga, cắm trên một cái hồ Yoni như một sự đánh dấu cho nguồn gốc Nam Á, hay Champa, để khẳng định rằng kiến trúc thuần Việt này không liên quan gì đến văn hóa Trung Hoa….

Ý chỉ bản sắc dân tộc từ sau Đại hội VII đã thúc đẩy sự lan tỏa của thuyết linga, khiến toàn bộ học giới quên đi những cách giải thích khác, như mandala của Ngô Văn Doanh, Nguyễn Duy Hinh. Đến khi xây Bảo tàng Hồ Chí Minh, người ta định phá hủy ngôi chùa Diên Hựu cổ cho cảnh quan thoáng đãng, dễ thiết kế. Nghe nói, có người đã phải kể câu chuyện Bác Hồ từng biếu cụ bà ăn xin vài đồng trước cổng chùa, vì thế, ngôi chùa đồng thời cũng là di tích lịch sử cách mạng. Chùa đã được cứu nhờ những chi tiết như vậy!

Như vậy, tính hữu dụng của lịch sử được thể hiện khác nhau thông qua các diễn ngôn lịch sử khác nhau của các ông sử gia hay các nhà nghiên cứu văn hóa.  Và bây giờ đến lượt tôi nghiên cứu, tôi có đưa ra chủ kiến riêng như đã nêu, rằng chùa Diên Hựu với Liên Hoa Đài làm trung tâm là một loại hình kiến trúc mô phỏng tư tưởng thế giới quan Phật giáo.

Đối với tôi, đó là một nỗ lực tìm về một sự thực nào đó. Nhưng với tư cách là người làm nghiên cứu, tôi không dám cho rằng kiến giải của tôi là hoàn toàn chính xác, là một sử thực tuyệt đối đúng. Bởi biết đâu đấy, sau này, sẽ có một nghiên cứu khác thuyết phục hơn, hoặc thậm chí đánh đổ giả thuyết của tôi (nhất là khi chúng ta có thể triển khai một cuộc khai quật khảo cổ quy mô tại Diên Hựu). Biết đâu được đấy. Về lý thuyết, không có một sử thực tuyệt đối nào cả!


Trần Trọng Dương/ANTG