Sở dĩ có cái tên ấy là do nơi đây đang nuôi dưỡng, giáo dục, cưu mang 70 mảnh đời trẻ em mồ côi cha lẫn mẹ và không có người thân, chớ thật ra ngôi chùa ấy có tên Bửu Trì nằm bên cầu Rạch Ngỗng, thuộc phường Xuân Khánh, quận Ninh kiều – TP Cần Thơ.
Tiếng chuông chùa cứ thong thả ngân nga trong chiều mưa tạo không khí trầm mặc. Tiếng trẻ con khóc có, cười giỡn có như một bức tranh tương phản giữa hai cuộc sống hoàn toàn biệt lập rất lạ thường. Vừa dổ dành một đứa trẻ nằng nặc không chịu bú sữa, sư cô Trần Cam Kết, pháp danh Tâm Niệm, quê ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang hiện đang trụ trì chùa kể lại “… trước đây đã có nhiều vụ trẻ em mới sinh bị bỏ rơi, thậm chí còn quăng xuống sông Rạch Ngỗng rất thương tâm, từ năm 1990 tôi về đây xây dựng mô hình nuôi trẻ mồ côi nầy, đến nay không còn xảy ra tình trạng ấy nữa, đứa nhỏ nầy bị bỏ trước cổng chùa mới mấy tháng qua, mô phật, tội nghiệp…”
Sư cô còn kể thêm : cứ mỗi khi nghe tiếng xe hon đa thắng trước cổng và tiếng vổ cửa chùa là lại có thêm một trẻ bị bỏ rơi không để lại một dòng địa chỉ về tên họ đứa trẻ, thân nhân, quê quán…, nghe công an địa phương kể lại, cha mẹ chúng thường là tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, lỡ mang thai sanh rồi là vứt bỏ, khổ nỗi chỉ biết vậy chớ có cách nào khác, thôi thì tới đâu hay tới đó vậy, còn nước còn tát.
Lúc chúng tôi tới thăm, sư cô đang bận nghe điện thoại dặn dò từ một nữ mạnh thường quân từ nước Pháp xa xôi gọi về thăm hỏi sức khoẻ, việc học hành của các cháu môt côi. Mắt sư cô cứ rưng rưng vì xúc động đến nghẹn lời.
Đưa chúng tôi tham quan cơ ngơi đang trong giai đoạn xây dựng mới sau khi giải toả, sư cô Tâm Niệm phấn khởi nói “… trước đây chúng tôi gặp khó vì cơ ngơi chùa phải di dời để thi công cầu Rạch Ngỗng 2, thầy trò đang lúng túng thì được anh Lê Trọng Thùy, một mạnh thường quân tại quận Ninh Kiều ủng hộ xây dựng nơi thờ tự lẫn nơi nuôi dạy trẻ rất khang trang trị giá trên 3 tỷ đồng, mừng lắm ….”.
Thật xúc động trước nghĩa cử của các tấm lòng nhân ái như anh Thùy và nhiều mạnh thường quân khác nữa. Và chúng tôi lại càng đau đáu nỗi lo nếu mai nầy nguồn hỗ trợ ấy không còn thì không biết cuộc đời các sinh linh bé nhỏ ấy về đâu ?
Chúng tôi quá nao lòng trước cảnh tượng hàng chục trẻ em từ vài tháng đến vài tuổi bị bỏ rơi đang được những tấm lòng nhân ái đùm bọc thương yêu như chính người thân trong gia đình họ. Trong gian phòng rộng, thoáng mát ở lầu một, các chị bảo mẩu “ không chuyên” đang dổ dành các cháu, có chị đang thu xếp quần áo từng cháu vào các giỏ xách rất gọn gàng, có chị ẳm cùng lúc đến ba cháu đang nũng nịu đòi bế rất thơ ngây.
Chỉ một giờ đứng quan sát công việc quá tất bật của các chị, chúng tôi tự hỏi vì sao họ lại có một sự chịu đựng quá phi thường đến như vậy ?
Chị Lê Ngọc Ánh quê xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang tự nguyện làm việc từ thiện ở đây đã nhiều năm cho biết “…Thấy tụi nó đứt từng khúc ruột chú ơi, bỏ sao đành, thôi thì thu xếp chuyện nhà tới đây sống chung với chúng, vắng một ngày là chịu không nỗi đâu…” Nói xong chị đã rươm rướm nước mắt vì xúc động.
Cùng suy nghĩ như chi Ánh, chị Nguyễn Thị Hạnh, ngụ huyện Phong Điền – TP Cần Thơ đã có “ thâm niên công tác” tại đây trên mười sáu năm. Chị đã có gia đình và đã có hai con trưởng thành. Dù kinh tế gia đình ổn định, chị thuyết phục chồng con để sáng tinh mơ đã có mặt tại chùa và chỉ ra về khi trời tối mịt. Chị kể “…mới đầu ổng cũng cự nự dữ lắm, sau đó ổng tới tận nơi thấy tui làm việc từ thiện và thấy mấy đứa nhỏ mồ côi quá tội nghiệp, ổng nín thinh rồi lẳng lặng mỗi sáng chở tui tới đây, tối đón về với cái cười thông cảm, vậy là êm re…”.
Hôm chúng tôi đến thăm chùa có cả người con gái của chị đến thăm mẹ và tiếp giúp công việc chăm sóc trẻ rất lăng xăng. Các cháu nhỏ thấy người lạ liền xúm xít vây quanh chúng tôi đòi bế, có đứa ôm cổ, đứa rờ má, đứa ôm bụng không cho đi như sợ mất người thân làm chúng tôi vô cùng xúc động. Nhiều cháu nhỏ khá xinh đẹp, bụ bẫm đề nghị chúng tôi chụp ảnh và giới thiệu cả tên họ hẳn hoi “… con tên Trần Thị Mai, Trần Thị Thảo, Trần Văn Nhi…”
Thấy chúng tôi thắc mắc, chị Hạnh giải thích một mạch do chúng nó không cha mẹ nên sư cô đều làm khai sinh lấy họ Trần, đó cũng chính là họ của sư cô trụ trì Trần Cam Kết.
Đang tiếp chuyện với các cháu thì cô giáo Lê thị Ngọc Điệp, hiện công tác ở trường mầm non Ngôi Sao, quận Ninh Kiều về đến. Lũ trẻ nhao nhao chạy đến ôm chầm lấy cô, đứa nào cũng muốn cô ẳm bồng, đứa không được bồng bế thì dãy nẫy giận hờn khóc òa lên nức nở. Bế một lúc ba cháu trên tay, Điệp vui vẻ kể “ …em mồ côi sống ở đây từ bé, mấy đứa nhỏ nầy em đã quen hơi, quen từng tính nết mỗi đứa, vắng em thì tụi nó “ quậy” tưng bừng đó…”.
Vậy là sau giờ công tác cô lại trở về với mái ấm của mình để vui chơi, chăm sóc các cháu như một nghĩa cử trả ơn cưu mang của nhà chùa đối với thân phận mồ côi của mình năm xưa. Tôi hỏi “… quyến luyến như vậy lỡ mai mốt em có chồng thì sao …? Đang vui với xấp nhỏ bỗng giọng Điệp chùn xuống và rơi nước mắt “…ai mà không muốn có một mái ấm riêng tư hạnh phúc, nhất là những số phận bất hạnh như chúng em, nhưng mà…em không bỏ chúng được, nhiều cơ hội lập gia đình may mắn đã đi qua từ sự chối từ đó…” Điệp khẻ khàng đáp.
Mà đâu chỉ riêng Điệp, có rất nhiều mảnh đời lớn lên ở ngôi chùa nầy, nay đã trưởng thành có việc làm ổn định vẫn từ chối hạnh phúc riêng tư để mỗi đêm lại quây quần cùng những mảnh đời bất hạnh như cô giáo Trần Xuân Đào hiện đang công tác tại Trường mầm non tư thục Phan Đình Phùng, có người là công nhân viên công ty, xí nghiệp…vẫn mỗi đêm trở về với ngôi chùa “ mồ côi ” ấm áp nầy.
Chị Hạnh nói thêm: khó khăn nhất là hiện nay chúng tôi có đến 28 cháu trong độ tuổi được đi nhà trẻ, mẩu giáo đúng qui định, vì vậy chúng tôi phải thay nhau chuẩn bị sách vở, quần áo, dụng cụ học tập để đưa các cháu đến trường lúc 6 giờ sáng và đón cháu lúc 17 giờ 30. Dù nắng, mưa, lũ, bão chúng tôi duy trì đều đặn công việc nầy, chủ yếu không để các cháu mặc cảm là trẻ mồ côi bị xã hội kỳ thị, bỏ rơi, rất mừng là 100% cháu tại đây đều khỏe mạnh, không bị tật nguyền và không bị thiểu năng trí tuệ.
Dù chị Hạnh không nói ra như một sự kể công, nhưng chúng tôi hiểu có được kết quả ấy là cả một quá trình liên kết yêu thương giữa những con người rất đời thường nhưng cũng rất phi thường . Một cuộc chạy đua để dành lại sự sống cho hàng trăm trẻ thơ đã là điều quá khó, nhưng giáo dục, chăm sóc, rèn luyện trí và thể lực, hướng chúng nên người hữu ích, không mặc cảm, tự ti lại là điều khó hơn gấp nhiều lần. Vậy mà họ đã làm được rất nhẹ nhàng, thanh thản, bao dung.
Tiếp xúc với em Trần Vân Anh 13 tuổi học sinh giỏi 7 năm liền, hiện học lớp 7 trường THCS Lương Thế Vinh. Với đôi mắt lanh lợi đầy ắp niềm lạc quan, em kể : “…em bị bỏ rơi từ hai tháng tuổi, vô chùa từ ấy đến nay, em rất mang ơn sư cô, các cô, chú đã cưu mang em, em không mặc cảm nữa và sẽ học thật giởi để làm nhà văn, truyện ngắn đầu tay em sẽ viết về ngôi chùa “ mồ côi ” nầy…
Mỗi ngày sau giờ đến lớp, các em lớn sẽ trông coi chăm sóc các em nhỏ hơn, làm những công việc nhẹ nhàng như phơi phóng, thu xếp quần áo, đưa em ngủ, dạy em học, làm đồ chơi cho các cháu nhỏ… Tuyệt nhiên không có việc cãi vả, đánh nhau, giành đồ chơi, quà bánh của nhau. Nhìn chúng âu yếm, tận tình săn sóc bảo ban nhau như anh em ruột thịt trong nhà, chúng tôi đã có người không cầm được nước mắt. Có lẽ trong sâu thẳm tâm hồn, chúng đã linh cảm và bắt đầu nhận ra tài sản quý báu và duy nhất trên đời mà chúng có được là mái chùa mồ côi cùng với những tình cảm đang quấn quýt bên chúng hôm nay và cả mai sau.
Chia tay với chúng tôi trong sự luyến tiếc khôn nguôi. Em Nguyễn Đức Hải 16 tuổi, đang học lớp 7 bổ túc văn hóa trường Đoàn Thị Điểm dặn dò chúng tôi “…tụi con lớn rồi, thiếu thốn chút đỉnh cũng hổng sao, mấy cô chú nhớ xin sữa Đi a lắc an pha cho mấy đứa em con, càng nhiều càng tốt nghe, lỡ thiếu tụi nó suy dinh dưỡng tội nghiệp lắm…”. Nói xong Hải cười sằng sặc rất phấn khích như quên đi một điều : em cũng là đứa trẻ mồ côi trong ngôi chùa ấm áp nầy. Cạnh đó hàng chục cháu nhỏ đang ê a đánh vần rành rọt trong tiếng chuông chùa trầm mặc, trong ánh đèn nê ôn đang vụt sáng lên.
Trời đã tạnh mưa. Chúng tôi ra về trong không khí khá nặng nề, căng thẳng. Tương lai các em sẽ về đâu ? Liệu hạnh phúc có thực sự đến với những mảnh đời bé bỏng đáng thương ấy suốt cả cuộc đời? Liệu có còn những sanh linh bé nhỏ bị bỏ rơi trước cổng chùa Bửu Trì sau tiếng xe hon đa ôm phóng đi vội vã trong đêm vắng bên dòng kênh Rạch Ngỗng ?.
Họ, những con người rất kiệm lời, không ai kể về sự hy sinh lặng thầm rất đời thường và cũng rất phi thường của chính họ. Chỉ lung linh thoang thoảng đầu đây những tấm lòng nhân ái đang tỏa ánh hào quang tiềm ẩn như tấm lòng dung dị của đức Phật từ bi.
Cần lắm những tấm lòng nhân ái đến với lũ trẻ ở chùa “ Mồ Côi ” mà chúng tôi thì nhỏ nhoi bất lực vô cùng.