Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Chùa Lý triều Quốc sư và thiền sư Minh Không

Chùa Lý triều Quốc sư và thiền sư Minh Không

107

Ngày nay chùa ở số 50 Lý Quốc Sư, quận Hoàn Kiếm. Theo sử sách, chùa được dựng từ năm 1131 theo lệnh của vua Lý Thần Tông (1128 – 1138).

Tấm bia "Trùng tu Thiên Thị từ ký" do tiến sĩ Lê Đình Diên soạn năm Tự Đức thứ 8 (1955) đặt ở đây đã ghi lại lịch sử của ngôi đền cũ. Đền Chợ Tiên ở huyện Thọ Xương là nơi thờ Quốc sư Minh Không, người đã có công chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông. Phía bên phải đền ngày xưa có tháp Báo Thiên, tương truyền do quốc sư dựng lên. Tháp ấy là một trong bốn vật báu của nước Việt Nam.

Tác giả văn bia cho biết thêm "Quan huyện họ Phan đến trị dân đã 6 năm. Dân xin quan giúp đỡ về việc sửa đền. Quan hết lòng khuyến khích, lại làm xoay đền về hướng đông như trước để nhân cơ sở cũ mở rộng thêm ra: Đền trong có 5 gian dọc, đền ngoài có 5 gian ngang, giải vũ hai bên tả hữu đều 3 gian, đằng trước mở cửa tam quan. Lấy hòn đá đục hình giao long uốn khúc ở trên đỉnh tháp cũ đặt trước nóc tam quan, đó là bảo tồn di tích cũ. Vì lâu năm, màu vàng sắc biếc của tượng thần bị phai mờ, nay đem thếp vàng cho đẹp hơn trước".

Căn cứ vào tấm bia dựng trong đền thì năm Nhâm Thân (1932) có vị thiền sư là Nguyễn Văn Định, hiệu là Quang Huy, trụ trì ở chùa đã bài trí thờ thêm tượng Phật nên đền thờ gọi là chùa từ đó.

Chùa Lý triều Quốc sư (quốc sư thời Lý) vừa mang dấu ấn của đền thờ nhân thần, vừa là chùa thờ Phật nên đã trở thành một nơi linh thiêng của các tín đồ Phật giáo. Ngôi chùa đã qua nhiều lần sửa chữa. Lần trùng tu lớn vào năm 1954 vì giặc Pháp đã phá hủy chùa vào những ngày cuối năm 1946, đầu 1947. Diện mạo, quy mô kiến trúc hiện nay của chùa là kết quả lần trùng tu năm 2000.

Tuy qua nhiều năm tháng đầy biến động của Thăng Long – Hà Nội, chùa Lý triều Quốc sư vẫn bảo tồn được di vật có giá trị lịch sử và nghệ thuật. Trong chùa có đầy đủ hệ thống tượng Phật, đáng quý là có nhiều pho tượng mang phong cách tạo tác của thời Lê.
 
Nhóm tượng Long nữ thiện tài được tạc bằng đá, trên cột cao 3 mét với cách trang trí hình cánh sen, hoa cúc dây, hoa thị, lá đề… vòng quanh thân cột. Đây là nhóm tượng có cấu trúc tròn, cân đối, mang đặc điểm nghệ thuật thế kỷ XVIII. Thực ra nhóm tượng này có muộn hơn cột đá. Cột đá này thực chất là một thiên thạch trụ, đạt chuẩn mực mỹ thuật, có thể sánh ngang với cột đá Tứ Kỳ ở Hải Dương (hiện vật đặt ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam).
 
Trong chùa còn có tượng thiền sư Giác Hải và thiền sư Từ Đạo Hạnh đang thiền định suy tư, tượng Từ Vinh, tượng Tăng Thị Loan (là mẹ của thiền sư Từ Đạo Hạnh); người quắc thước, người hiền từ, nét mặt vô cùng sống động. Đây là những tượng mang phong cách nghệ thuật điêu khắc thế kỷ XVII – XVIII. Các nhân vật kể trên đều sống ở thời Lý.
 
Chùa Lý triều Quốc sư có nhiều nguồn tư liệu và hiện vật phong phú, góp phần tìm hiểu lịch sử thời Lý – Trần.