Các em được nuôi dưỡng ở đây phải chịu thiệt thòi hơn chúng bạn bởi không những phải chịu kiếp mồ côi, bị cha mẹ bỏ rơi, mà còn mang trong người các chứng bệnh nan y (bại não, thần kinh, dị dạng, mù, câm, điếc, nhiễm chất độc da cam…và gần đây còn có cả thêm các em mắc HIV dương tính hoặc đã phát triển thành AIDS cũng gia nhập vào cái tập thể trẻ bất hạnh ấy).
Đến đây, bạn sẽ được chứng kiến sự hy sinh thầm lặng, những tấm lòng vàng, những trái tim nhân ái của những con người đã cưu mang, chia sẻ, giành giật với bệnh tật, với tử thần, giúp hồi sinh cho những đứa trẻ chịu nhiều thiệt thòi trở về với cuộc sống bình thường, tái hòa nhập dần với cộng đồng.
Người trụ trì và cũng là người sáng lập ra cơ sở đào tạo và hướng nghiệp cho cô nhi khuyết tật và Phòng khám từ thiện Tuệ Tĩnh Đường mà không ít người biết đến là Thượng tọa Thích Thiện Chiếu. Ông vốn là công dân gốc của thành phố, sinh ra ở vùng An Phú Đông (Quận 12). Đi tu từ thuở thiếu thời (năm 10 tuổi), đến sau 1975 về trụ trì ở chùa Kỳ Quang II này. Sau chiến tranh, không chỉ vùng đất của phường 17 nơi cư ngụ của ngôi chùa mà cả Quận Gò Vấp lúc bấy giờ còn rất hoang sơ, sình lội, là nơi tập trung cư ngụ của những người lao động nghèo.
Với tấm lòng nhân hậu và mong muốn thực hiện tâm nguyện của chư Phật Thích Ca là “cứu khổ, cứu nạn kiếp nhân sinh”, sư thầy Thích Thiện Chiếu đã biến chùa Kỳ Quang dần trở thành mái ấm tình thương, nơi trú ngụ của các em mù, nghèo mồ côi ngày ngày phải lang thang đi ăn xin. Chúng mách cho nhau và những đứa trẻ khác cùng chung số phận cứ kế tiếp nhau kéo đến xin ở nhờ ngày càng đông.
Từ năm 1994, được phép của chính quyền địa phương, một Trung tâm từ thiện chăm sóc cho các em khuyết tật được thành lập. Lúc đầu là 20 em, sau này đã lên đến con số hàng trăm. Nhiều trường hợp thật thương tâm bởi chính tay cha, mẹ không muốn nuôi dưỡng đứa con tật nguyền đã mang đến chùa bỏ lại đứa con thơ mới chỉ hai tháng tuổi, phó thác những sinh linh bé bỏng cho nhà chùa. Hiện trong số 205 em đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm thì có tới 110 em khiếm thị; số nhiễm chất độc da cam chiếm tới 40 em; số còn lại bị bại não, chậm phát triển, câm điếc…và chỉ có 20 em là bình thường. Trong số 4 em bị nhiễm HIV do cha, mẹ di truyền, có 2 trường hợp mặc dù đã cố gắng nhưng cũng không thể cứu chữa. 17 bà mẹ nuôi cùng hòa thượng (nhiều cô có chuyên môn dạy trẻ khuyết tật), các tăng, ni ngày ngày dạy giỗ, nuôi dưỡng, đùm bọc, chia sẻ nỗi đau và sự thiếu thốn tình cảm với các em. Không chỉ được nuôi, dạy, các em còn được học nghề, được hướng dẫn luyện tập để phục hồi chức năng. Thượng tọa đã mời các thầy, cô trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu về dạy các em khiếm thị từ lớp 1 đến lớp 5 bằng chữ Braille. Tốt nghiệp tiểu học, các cháu có năng lực sẽ được chuyển đến trường THPT học cùng các em bình thường. Nhiều em đã được phẫu thuật mắt, được phục hồi thị giác; không ít em bị bại liệt, câm, điếc đã ngồi dậy, có em còn tập đi và có thể phát âm và nói được. Ngoài các lớp khuyết tật, Chùa còn mở thêm 5 lớp học tình thương tiểu học cho các cháu nghèo, không có điều kiện đến trường. Các cháu đựơc cấp đồng phục, sách vở, và học theo chương trình phổ thông.
Với sự ủng hộ nhiệt tình của các cấp chính quyền, sự đóng góp, giúp đỡ chí tình của Phật tử trong và ngoài nước, những người hảo tâm, nhất là nhờ tấm lòng nhân ái của Thượng tọa Thích Thiện Chiếu – người cha gần gũi, yêu thương của tất cả các con, nhiều em đã trưởng thành, không ít người đã trở về với cuộc sống đời thường. Có những đệ tử của Thượng tọa nguyện theo nghiệp tu hành, nhiều trò đã tốt nghiệp phổ thông trung học hoặc cao đẳng Phật học, trở thành trợ tá đắc lực cho thầy trong điều hành hoạt động của Trung tâm; có đệ tử còn nỗ lực phấn đấu, vinh dự được nhận bằng Tiến sĩ Phật học tại Ấn Độ.
Không chỉ có các lớp trẻ tình thương, Tuệ Tĩnh Đường của chùa Kỳ Quang còn đón khách thập phương đến khám, chữa bệnh 3 ngày trong tuần. Tại đây, các lương y, nhân viên phòng khám xem mạch, khám bệnh, phát thuốc, chữa trị (châm cứu, bấm huyệt…) bằng phương pháp Đông y cho các bệnh nhân nghèo. Ngày làm việc của họ bắt đầu từ rất sớm và kết thúc khi trời đã tối mịt. Mỗi ngày có tới khoảng hơn 300 lượt người tới khám, chữa bệnh. Riêng năm 2004, đã có hơn 24 nghìn lượt bệnh nhân tới khám, chữa; giá trị số thuốc được phát lên tới 180 triệu đồng. ”Tiếng lành đồn xa”, không chỉ bệnh nhân của TP HCM và các tỉnh miền Nam tới chữa trị mà ngày càng có nhiều bệnh nhân ngoại tỉnh, cả từ miền Trung và miền Bắc cũng tới khám, chữa. Nhiều trường hợp bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, có người đã nhiễm căn bệnh quái ác HIV/AIDS sau một thời gian điều trị cũng có tiến triển khá hơn.
Ba mươi năm đã trôi qua kể từ ngày đất nước thống nhất. Với nhiều người, chiến tranh đã trở thành quá khứ, nhưng cũng với không ít cuộc đời, nỗi bất hạnh, hậu quả nặng nề của chiến tranh vẫn còn hiện diện, đeo bám và tiếp tục hủy hoại cuộc sống. Bộ mặt của Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay đã đổi khác rất nhiều, nhưng trong cuộc sống hòa bình hôm nay, nét đẹp, bản lĩnh và sức lan tỏa của những con người đã vai kề vai đi qua suốt hai cuộc chiến tranh giữ nước vẫn còn giữ nguyên giá trị. Thành phố Hồ Chí Minh và Việt Nam hôm nay càng đẹp lên, sáng ngời thêm bằng những địa chỉ vàng mà chùa Kỳ Quang II là một trong những số đó.