Trang chủ Diễn đàn Chùa không nên nhận quà tặng là Bảng chử bằng vàng (P.1)

Chùa không nên nhận quà tặng là Bảng chử bằng vàng (P.1)

225

Bạn đọc có gửi đến cho tôi xem hình ảnh trong một số cuộc lễ ở các chùa, những vị trụ trì, chức sắc Phật giáo nhận quà tặng những bảng chữ bằng vàng, với nội dung chúc tụng đề nghị tôi trao đổi ý kiến.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Ở đây, tôi muốn nói đến dạng quà tặng là những tấm bảng kích thước cỡ TV 21 inch, nền đỏ, lộng kiếng, chữ vàng.

Nội dung những dòng chữ là lời chúc mừng người được tặng bảng chữ vàng được tấn phong giáo phẩm, được suy cử giữ những chức vụ quan trọng, khánh thành chùa…

MINH THẠNH: Thế những dòng chữ vàng đó có làm bằng vàng thật hay bằng vàng giả. Có phải anh muốn bàn luận với tôi ở điểm ấy?

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Vâng, đúng vậy, vì tác giả Minh Thạnh gần đây có bài đặt vấn đề cúng dường quý kim. Tôi nghĩ là đã làm thành tặng vật trang trọng và quý giá như thế, không lẽ trao tặng đồ giả?

MINH THẠNH: Tôi nghĩ, vàng thật hay vàng giả là không quan trọng, vì như ông cảm nhận, và những người khác cũng cảm nhận đó là vàng thật. Còn để kết luận là vàng thật vàng giả, thì tất nhiên không thể dùng mắt quan sát mà nói.

Cái cảm nhận vàng thật đó mới quan trọng. Thế thì thành ra nhà chùa nhận vàng.

Tôi cho rằng nhận tặng vật bảng chữ bằng vàng là một chuyện, nhưng điều đáng nói hơn là tác động truyền thông của sự kiện đó.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Tôi thấy ông Minh Thạnh có phần “méo mó nghề nghiệp”. Việc tăng ni có phạm giới khi nhận tặng vật bằng vàng mới là quan trọng chứ?

MINH THẠNH: Tôi nghĩ, trong cuộc đối thoại này, hai bên đối thoại đều là Phật tử, vì thế không nên bàn luận vấn đề ở khía cạnh giữ giới của tăng ni, dù riêng tôi cũng không cho đó là điều tuyệt đối cấm kỵ, mà chỉ cần bàn luận ở khía cạnh truyền thông là đủ rồi.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Như vậy, sao ông còn nói tới vàng thật, vàng giả. Nếu giới hạn việc bàn luận, không đề cập tới việc nhận vàng, thì nhận vàng giả có sao đâu? Đồ chơi, đồ trang trí, rẻ tiền thôi. Ông nghĩ sao?

MINH THẠNH: Ngày nay, việc cúng tiền trực tiếp cho tăng ni, cho nhà chùa đã là việc bình thường, phổ biến. Do đó, không phải cúng tiền Đồng Việt Nam mà cúng Đô la, Euro, Yen… hay bằng những quý kim, có giá trị thanh toán, như vàng, hay đá quý như cẩm thạch, kim cương… thì cũng không nên bàn luận.

Còn hiệu quả truyền thông là cái tạo nên trong tình cảm và suy nghĩ của đông đảo công chúng, sau khi họ được truyền thông về sự kiện đó. Bàn về tác động truyền thông, hiệu quả truyền thông sẽ vừa phù hợp với thời đại, vừa không lấn cấn việc tín đồ bàn chuyện giữ giới của tăng ni.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Vậy ông hãy giải thích việc nhận bảng chữ vàng và việc truyền thông việc nhận bảng chữ vàng đó?

MINH THẠNH: Những bảng chữ vàng đó có tác động truyền thông rất mạnh.

Một Phật tử đem tới cúng dường cho vị tăng có đến vài chục lượng vàng, nhưng chỉ giữa người cho và người nhận biết, không nói ra cho ai, thì chuyện đó giới hạn trong việc giữ giới như ông nói. Chuyện giữ giới trong quan hệ Phật tử với tăng ni là rất quan trọng, nhưng nếu ai đó biết được, chụp hình, quay phim đưa lên mạng, bàn tán chuyện giữ giới, thì gian đoạn đó đã là truyền thông, nhưng cơ bản, người cúng và người nhận không có trách nhiệm về việc chủ ý truyền thông. Ở đây, nói về cơ bản, chứ không phải là hoàn toàn không có trách nhiệm gì.

Nhưng ở đây, nếu vị tăng nhận vàng quay phim, chụp hình việc cho-nhận đó, thông báo quảng bá rộng rãi việc cho-nhận, phía cho, phía nhận, trị giá, rồi còn chế tác ra những đồ trang sức, như nhẫn, vòng dây chuyền,… đeo lên để lại quay phim, chụp hình cho mọi người biết.

Chúng ta chỉ nên bàn về giai đoạn hai đó, đặc biệt là những tác hại của nó đối với Phật giáo?

Tôi đã phân biệt rõ như ý ông muốn. Một bên là sự kiện, một bên là truyền thông trong khi sự kiện diễn ra và sau sự kiện. Ngoài ra, có truyền thông trước sự kiện, là thông báo rộng rãi sẽ có diễn ra việc cho-nhận đó, mời gọi đến xem trực tiếp, hay xem qua livestreaming trên facebook chẳng hạn.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Tôi thấy cuộc đối thoại này đã trở nên quá phức tạp khi ông Minh Thạnh đưa ví dụ như vậy. Tôi vẫn có cảm giác là ông Minh Thạnh méo mó nghề nghiệp, gặp gì cũng thấy là truyền thông.

MINH THẠNH: Như vậy, tôi sẽ cố gắng giải thích thật tường tận và đó là những đóng góp bằng chuyên môn của tôi cho Phật giáo.

Những tấm bảng vàng mà ông thấy trao tặng trong những cuộc lễ hàng ngàn người hiện diện, chụp hình quay phim cho hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn người xem, treo trang trọng ở những nơi đông người thăm viếng tại các chùa, một nơi công cộng nối tiếp có hàng loạt người xem sau nhiều năm, nhiều chục năm, đó là những thông điệp truyền thông rất rõ ràng, bằng ngôn ngữ Việt, với các nội dung:

– Người hoặc cơ quan, chùa gửi.

– Người hoặc chùa nhận

– Nội dung gửi: Chúc mừng khánh chúc, chung vui đối với sự kiện cụ thể.

– Có thể có thời điểm gửi

Cái cách sử dụng vật liệu tạo chữ cách trao tặng, cung kính sẽ khiến mọi người nhìn thấy đều cho rằng những dòng chữ trang trọng, nghi lễ, lịch sử, quý phái đó không thể là vàng giả, kiểu suy nghĩ mà ông đã nói. Thậm chí, có người ước lượng trị giá số vàng tạo chữ: 5 phân? 1 chỉ?, 2 chỉ?, nửa cây?…

Hiệu quả truyền thông không phải chỉ đo bằng số người tiếp nhận thông điệp bảng chữ vàng, mà còn là thời gian tác động của nó. Chúng ta thấy điều này khi bảng chữ vàng được treo lên trong chùa cho không biết bao nhiêu người nhìn thấy, đọc và cảm nhận “tính chất vàng” của nó.

Khi đó, tấm bảng chữ vàng đó trở thành một thứ trang sức, mà điển hình nhất là trang sức cho chức quyền, với nội dung rõ ràng, chứ không phải nghĩa tiềm ẩn như nhẫn, dây chuyền…

Chữ trên bảng BẰNG VÀNG THẬT hoặc TẠO CẢM GIÁC BẰNG VÀNG THẬT nên ý nghĩa của nó khác rất xa nếu cũng những dòng chữ như thế in trên giấy A5, vẽ trên vải, thêu trên lụa…

Người tặng đã lựa phương thức làm bảng chữ bằng vàng, trên mạng gọi là khánh vàng, nên tất nhiên tác động của chữ phải khác chất liệu mực in, chỉ thêu hay giấy dán, mực tàu, sơn dầu, sơn mài…

Truyền thông bảng chữ vàng sẽ khác với truyền thông những dạng bảng chữ bằng những chất liệu khác.

Tới đây, chắc anh hiểu thế nào là sự kiện, truyền thông sự kiện và tác động của truyền thông sự kiện.

Sự kiện cho-nhận vàng tất nhiên là có tác động, nếu xét từ giới luật, nhưng chúng ta không động tới.

Còn truyền thông sự kiện là đưa sự kiện đó tới tim óc của số đông.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Tôi nghĩ là điều quan trọng là có cúng dòng vàng thật hay không, mà ở đây ông lại đề cập đến nội dung.

Nội dung gì đó thì có sao đâu.

MINH THẠNH: Vậy, ở đây chúng ta cần đi sâu hơn nữa mối quan hệ giữa nội dung và hình thức. Anh chỉ thấy vàng thật hay vàng giả, còn tôi thì không phải chỉ nói cái nội dung đó. Chuyện vàng thật hay không thật của anh là nhìn từ giới luật, còn tôi nhìn cái nội dung truyền thông trong quan hệ tạo cảm giác vàng thật ở số đông người.

NGƯỜI ĐỐI THOẠI: Không hiểu! Đã nói rằng không bàn chuyện vàng, nhưng xét mối quan hệ là sao?

(còn tiếp)