Với triết lý nhân sinh quan Phật giáo, người nông dân Khmer bằng lòng với cuộc sống bình dị trong những nếp nhà tranh đơn sơ, dành tất cả tiền của, công sức cho việc xây dựng ngôi chùa sao cho thật khang trang lộng lẫy, như một lời hẹn ước đảm bảo cho cuộc sống đầy đủ ở kiếp sau, nơi cửa Phật. Bởi vậy, ngôi chùa là bộ mặt, là niềm tự hào của mỗi phum sóc Khmer, là công trình kiến trúc duy nhất cất giữ và trưng bày các tác phẩm điêu khắc, mỹ thuật của các nghệ nhân dân gian Khmer.
Mỗi sóc hay phum lớn của người Khmer thường có một chùa. Ngôi chùa Khmer thường được toạ lạc trên một khu đất rộng, xung quanh chùa trồng nhiều loại cây to như Dầu, Sao, Thốt nốt…tạo thành một khu rừng nhỏ. Toàn cảnh chùa là một “không gian tâm linh”, mà vào những ngày thường bao giờ cũng yên tỉnh, khoáng dã, trầm mặc. Mỗi ngôi chùa bao gồm nhiều khu vực kiến trúc như: chính điện, sa la, các dãy nhà tăng, nhà thiêu, những tháp để cốt. Trong đó toàn bộ giá trị của nghệ thuật kiến trúc tập trung chủ yếu nhất ở ngôi chính điện.
Chính điện là ngôi nhà dùng để thờ phụng Đức Phật, nằm ở chính giữa khuôn viên chùa, trên nền được xây cao hơn mặt đất khoảng 1m. Chính điện bao giờ cũng quay mặt về hướng Đông, vì người Khmer quan niệm Đức Phật ở hướng Tây quay mặt về hướng Đông để cứu độ chúng sinh.
Điểm độc đáo nhất của kiến trúc ngôi chính điện là hệ thống cấu trúc cấp mái. Bộ mái của ngôi chính điện gồm 3 cấp, mỗi cấp lại chia thành 3 nếp. Nếp “Bẩng” ở giữa lớn nhất và được nâng cao hơn, 2 nếp phụ ở 2 bên. Hai nếp mái ở cấp trên cùng hợp với nhau thành một góc 60 độ. Trên mỗi đỉnh góc mái thường được đắp một khúc đuôi rắn dài, cong vút, uốn mềm mại. Hai khoảng trống ở hai đầu hồi được bịt bằng hai tấm gỗ hình tam giác, chạm khắc rất công phu người Khmer gọi là “ Hô cheang”. Trên các bờ dãy giáp mi của các nếp mái thường được đắp các tượng rồng. Đó là loại rồng Khmer, đầu rồng ở dạng kép nằm ở ngay vị trí các góc đao của mái, thân rồng nằm xoãi dài theo bờ dãy với hàng vi lưng được tỉa rõ từng cái, uốn cong ngược lên như những ngọn lửa. Sự kết hợp giữa đầu, thân và đuôi rồng tạo nên hình ảnh những chiếc thuyền đua bơi.
Trong Phật tích mà người Khmer thường kể lại thì rồng là con vật thiêng tự biến thành thuyền đưa Phật vượt bể đi giảng kinh cứu độ chúng sinh. Đưa rồng lên mái chùa, người Khmer cầu mong Đức Phật dừng chân lại ở ngôi chùa của họ để ban phúc cho mọi người. Ở một số chùa, trên chính giữa nóc chùa còn dựng thêm một tháp nóc. Tháp nóc hình quả chuông úp, gồm nhiều tầng, trên đỉnh đặt tượng đầu thần bốn mặt (Ma-ha-pơ-rum). Đó là vị thần đại biểu cho sự thông minh, bốn mặt nhìn ra bốn phía để biết hết mọi việc trên đời. Trên đầu tượng là một tháp nhọn, cao vút như một mũi tên cắm vào không trung.
Với hệ thống cấu trúc 3 cấp mái. Các mái vừa so le vừa có độ dốc không đều nhau được trang trí thêm bằng những tượng rồng cùng với một tháp nóc nhọn, cao vút. Tất cả đã tạo nên một vẻ đẹp riêng rất độc đáo của ngôi chùa Khmer. Một dáng vẻ đồ sộ, lộng lẫy, nhưng không nặng nề mà như một sự vươn cao, thanh thoát.
Khác với Phật Giáo Đại Thừa thờ nhiều Phật và các vị Bồ Tát khác nhau, Phật giáo Tiểu Thừa chỉ thờ duy nhất một Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Vì vậy, trong gian chính diện của chùa Khmer bài trí khá đơn giản. Ở vị trí chính yếu là bệ thờ tượng Phật Thích Ca. Bệ tượng là một tòa sen chia thành nhiều cấp, trang trí rất tỉ mỉ. Trên tòa sen là tượng Phật đặt ở chính giữa. Về mô típ tượng Phật, phổ biến nhất là tượng thể hiện chủ đề Phật đắc đạo ngồi tham thiền (đất chúng giám).
Tượng Phật ngồi theo tư thế kiết già, đầu đội một chỏm nhọn – đặc trưng cho trí tuệ, quyền lực và sự vĩnh hằng cao cả-dưới là ha lớp tóc đen và xoăn. Mặt tượng có trán rộng, gương mặt đầy đặn, đôi lông mày cong, đôi mắt khép hờ, mũi thẳng, miệng rộng, đôi môi hơi dày, đôi tai to và dài gần chấm vai, đôi khi tượng phảng phất gương mặt người Khmer hiện đại. Phần thân mình, tượng có ức nở, lưng thẳng, bụng thon, hai cánh tay tròn trịa. Tay trái trong thế ấn Tam muội, tay phải tì qua chân, bàn tay úp chỉ các ngón xuống đất. Tượng Phật mặc áo cà sa choàng kín một bên vai trái, vai phải để trần nhằm biểu hiện kinh pháp. Đây làmô típ được rút ra từ Phật tích, truyền lại rằng: sau 49 ngày ngồi tham thiền, khi Đức Phật vừa mới đắc đạo thì Ma Vương đem binh tới chống phá, đòi Phật phải minh chứng. Đức Phật chỉ tay xuống, lấy đất làm chứng cho mình. Thần đất (hêng prô-át-thô-ni) chấp thuận, hiện hình lên, buông tóc tuôn thành dòng nước cuốn trôi lực lượng tà ma.
Loại mô típ phổ biến thứ hai là tượng Phật cứu độ chúng sinh. Tượng thể hiện Đức Phật trong tư thế đứng thẳng, nhưng gương mặt và cơ thể Phật lại mang dáng vẻ nữa. Tượng mặc áo cà sa buông thõng, phủ kín lưng như một tấm áo choàng. Tay phải của Phật buông xuôi bên hông, tay trái đưa về phía trước ngực, lòng bàn tay hướng ra, các ngón tròn, dài thẳng lên trên. Trong lòng bàn tay thường có một đường xoắn ốc là quí tướng của Phật.
Trong gian chính điện còn có nhiều hình vẽ gần kín các mặt tường. Chủ yếu là các hình vẽ kể lại cuộc đời của Đức Phật từ lúc sơ sinh cho đến khi thành đạo. Hầu như các tranh đều được lấy mẫu từ Aán Độ, vì vậy những nhân vật trong tranh thường phảng phất gương mặt của người Aán. Trên trần của chính điện cũng thường được vẽ kín. Các hình vẽ tả lại cảnh giao đấu giữa các Tiên nữ và Chằn, cảnh Tiên làm lễ, cảnh Aùpsara dâng hoa…
Trang trí mặt ngoài của chùa là các hình đắp nổi, tượng tròn hoặc chạm khắc, thể hiện các hình tượng Rea –hu (Hổ phù), Tiên nữ, chim thần Kâyno, Chằn (Yeak)…Nhìn vào lớp hình tượng trang trí này, người ta dễ nhận ra những tàn dư của lớp tín ngưỡng dân gian và Bà-la-môn, vốn là những tín ngưỡng và tôn giáo có trước đạo Phật trong đời sống tâm linh của người Khmer.
Đặc biệt nhất trong những hình tượng này là mô típ trang trí Rea-hu và mô típ Chằn. Rea –hu được thể hiện là mặt một quái vật hung dữ với đôi mắt trợn trừng, đe dọa, vành miệng rộng, nhe hai hàm răng nhọn lởm chởm, đang nuốt mặt trăng. Rea –hu được trang trí ở nhiều nơi: trên cổng vào chùa, trên vòm mặt tiền ngôi chính điện, trên vòm cửa ra vào và thậm chí ở ngay cả bệ tượng Phật.
Mô típ Chằn cũng là đại biểu lực lượng tà, phá hoại Phật Pháp. Chằn được thể hiện dưới dạng một người to lớn, khoẻ mạnh, vẻ mặt dữ tợn, mình mặc giáp trụ, tay cầm chày vồ đứng gác ở cổng chùa.
Đưa hai mô típ Rea –hu và Chằn vào trang trí nơi cửa Phật, người nghệ nhân Khmer như ngụ ý muốn tôn lên cái ý nghĩa sâu sa của triết lý nhân đạo cao cả Phật Giáo: cái xấu, cái ác cũng không phải là một lực lượng đáng sợ, đáng loại trừ. Với quyền năng tuyệt đối, vô biên, với tấm lòng nhân đạo cao cả của Đức Phật thì cái xấu, cái ác cũng vẫn được cải biến, để trở về phục vụ cho cái thiện, cái có ích.
Tư tưởng chủ đạo của phong cách nghệ thuật kiến trúc cũng như trang trí trong ngôi chùa Khmer là tư tưởng nhân sinh quan Phật Giáo. Nó được tạo tác bằng những bàn tay tài hoa của các nghệ nhân dân gian Khmer mà hầu hết họ được truyền nghề từ trong thời gian tu học tại chùa. Thế nhưng trong tạo tác, người nghệ nhân không chỉ rập khuôn, tuân thủ theo các mẫu cổ điển. Những tác phẩm của họ được thổi vào hơi thở của một nguồn cảm hứng, phản ánh nhân sinh quan của từng lớp tư duy, nhận thức của người nghệ sĩ.
Chính vì vậy nó tạo nên nét độc đáo, đặc sắc của nghệ thuật tạo hình Khmer. Làm cho phong cách nghệ thuật ấy, tuy mang nội dung Phật giáo, nhưng trong đó đã bao hàm bản sắc văn hoá dân tộc. Góp phần làm giàu thêm sự phong phú của kho tàng văn hoá dân tộc Việt Nam, mà đòi hỏi chúng ta cần phải biết trân trọng.