Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Chùa Hương và lễ hội chùa Hương

Chùa Hương và lễ hội chùa Hương

362

Chỉ biết đời vua Lê Thánh Tông (1460-1497) đã có am thờ dựng trên đất Thiên Trù. Một bia văn nói đến niên đại sớm hơn nữa. Theo tài liệu “Hương Sơn Thiên Trù thiên phú” (?) thì: Chùa Hương được xây dựng từ đời Lê Hy Tông, niên hiệu Chính Hoà (1680-1705). Bia văn chùa ghi: Nền đất, bậc đá, kim dung bảo điện tạo lập năm 1686. Pho tượng Quán Thế Âm của chùa chính đúc vào năm 1767. (Tài liệu của giáo sư Louis Bezacier ghi: Chùa dựng hậu bán thế kỷ XVII)


Hội chùa Hương được khách thập phương từ trong nước cũng như từ  ngoài nước về tham dự. Lễ này bắt đầu đón khách thập phương từ ngày rằm tháng giêng và cứ thế kéo dài cho đến ngày rằm tháng ba âm lịch. Tuy nhiên, khách vãn cảnh chùa để tìm những hương sắc nổi tiếng thì quanh năm suốt tháng tưởng không bao giờ dứt cả. Hội chùa Hương được đánh giá là lễ hội và diễn xướng về tôn giáo được ngưỡng mộ hơn hết. Đã vậy, không gian của cảnh quan chùa Hương rất rộng lớn bên cạnh vùng sông Đáy bao la. Tuy nhiên lễ chính thức thì được cử hành từ ngày 15 cho đến ngày 20 tháng 2 âm lịch. 


Theo những chi tiết được ghi trong Tự Phả của chùa Trong thì ngày 19 tháng 2 âm lịch chính là ngày sinh và ngày 18 tháng 2 âm lịch là ngày hoá của bà Chúa Ba (mà dân chúng thường quan niệm là hóa  thân của đức Quan Thế Âm Bồ Tát), cho nên trong hai ngày này không khí trong suốt dặm đường dài từ ngoài vào trong náo nức hơn bao giờ hết. Hàng năm ngày 6 tháng giêng là lễ Mở cửa rừng, sau khi chuẩn bị xong mọi cuộc chỉnh đốn cần thiết để đón khách thập  phương. 


Lễ Mở cửa rừng: Lễ này được khai sinh từ năm 1762, còn được gọi là Lễ Khai Sơn do Thiền Sư Huệ Đăng tổ chức hồi đó. Lễ được tiến hành ở đền Trình  (tức là Ngũ Nhạc). Ngôi đền Trình vì điạ thế cho nên không lớn  lắm, được kiến trúc (1755) theo kiểu chữ “tam”, với vị thế phong thủy mang hình ảnh của “thượng sơn lâu đài, hạ sơn lưu thủy”, có đủ sơn triều, thủy tụ, tiền án, hậu chẩm.   Đền toạ lạc phía trước núi và được gắn một phần sâu vào lưng núi.


 Tương truyền thì vùng đất này trường kia thường có nhiều cọp dữ về, cho nên tại đó lại có thêm đền thờ Sơn Thần (Thần hổ), theo tập tục tín ngưỡng  thời nguyên thủy. Về sau thì Sơn Thần đã được chuyển hoá dần để   trở thành Nhân Thần và được ghi chép theo Thần phả đầy đủ.


Thần phả tại đây còn cho biết thêm rằng; Hùng Lang, một trong những vị tướng của Thánh Dóng đã vào đây tổ chức phục kích và giết được Thạch Linh, tướng của nhà Ân.  Như đã nói, lễ Mở cửa được tổ chức vào 5 giờ sáng ngày mồng sáu  tháng giêng, với một nghi lễ khác đặc biệt: sau lễ Mộc dục thì  tiếp theo lễ tạ chúa Rừng (Ông Hổ), lễ Thần núi, lễ Cầu mùa, rồi đến lễ Cầu an.  Vì tính chất của những lễ này liên quan đến sinh  hoạt của dân chúng trong vùng cho nên dân trong bốn xã lân cận  đều đến tham dự rất đông đúc. Sau ngày lễ này thì dân chúng trong vùng mới được phép vào khu rừng phía sau để săn bắn hay khai thác những thổ sản.


Lễ Nhập đền: Vì đền Trình là ngôi đền đầu tiên nằm trong hệ thống những đền chùa trong toàn cảnh Hương Tích, cho nên khi lễ Mở cửa rừng được cử hành thì đó cũng là lễ Khai trương cho toàn chùa chiền vùng này. Dân chúng khắp nơi chờ đợi sẵn sau ngày lễ để có thể đi vào các tuyến đến những ngôi chùa danh tiếng trong vùng này.  


Lễ hội: Lễ hội chùa Hương được trải dài trọng mùa Xuân từ sau ngày Mở Cửa Rừng cho đến cuối tháng ba. Rồi sau đó những ngày lễ Phật Đản, lễ Trung Nguyên, lễ Trùng Cửu, lễ vía Liễu Hạnh Thánh Mẫu, lễ Bà  Chúa Thượng Ngàn, lễ Vân Hương Thánh Mẫu, bất cứ lễ hội nào cũng  được thập phương đến cúng bái. Trong những ngày đó, từ bến Yếnthuyền tấp nập chen chúc nhau đi vào, từ bến Trò thuyền ra;  khách lên, khách xuống hết chùa này sang động khác, trên bến dưới thuyền nườm nượp. Những nơi có lên đồng bóng thì con công đệ tử ở  lại lâu hơn, và trong những trường hợp này thì lễ hội lại càng nghiêm trang, đa dạng hơn.  Đi lần từ bến Trò, dọc theo những con đường đất để leo lên chùa Thiên Trù (bếp trời) miên man nào là nhang đèn, vàng mã, những hàng quán nhỏ bán trầm hương, trầu cau, quán cơm, thậm chí có những ngôi quán bán loại “gậy lụi” để khách hành hương dùng đểchống leo núi chùa Hương.


Con đường từ chùa Ngoài vào chùa Trong vào khoảng 2km, nhiều dốc cao, mấp mô; tuy nhiên không vì thế mà khách hành hương bỏ cuộc. Họ nối đuôi nhau thành một suối người liên tục, từng lớp, từng nhóm từng đôi, từng đoàn, lên lên, xuống  xuống.  Khách thập phương chỉ mong tham quan lễ bái cho cùng khắp các  chùa chiền trong vùng; mỗi khi vào hội, mọi chùa, đền, hang, động thì mọi người như bừng tỉnh hẳn. Họ chuẩn bị những lễ vật cúng bái rất tươm tất, xin xăm bói quẻ cầu mong gặp nhiều may mắn, an   khang, thịnh vượng. Dù những ngôi chùa xa xuôi, trong hang động, nhưng toàn thể hương án, điện thờ, đồ thờ đều được lau chùi sạch sẽ, đèn nến sáng trưng, khói hương nghi ngút. 


Đi chùa Hương là để lễ Phật và như vậy, đất Hương Sơn như bao nhiêu khách thập phương gọi cảnh quan toàn vùng là “đất Phật”.  Những vị tăng sĩ đảm trách công việc trông nom hương khói, cúng bái trong chùa là chư Hoà Thượng hay Thượng Tọa dù trong thời chiến hay thời bình.  Hương Sơn tiếp nhận khách thập phương cho nên nguồn tín ngưỡng nơi đây mang tính chất dân gian; sự pha trộn giữa Phật Giáo và  Lão Giáo không thể nào tránh được, theo nhu cầu thờ phượng của quần chúng.


Trong chùa, ngoài việc thờ Tam Tôn, Tam Thế Phật, cũng đã tiếp nhận thêm những tín ngưỡng cổ của địa phương; chẳng hạn như nhiều ngôi chùa của quần thể này có tục dùng bái giới tự  nhiên (thờ thần đá, tín ngưỡng phồn thực), tín ngưỡng thờ Thần bản mệnh, đạo Tứ Phủ. Đi lễ chùa ở đây, sẽ gặp sự hỗn dung của các cách thờ cúng dân gian. Tại ngôi chùa chính, bức tượng đức Quan Thế Âm Bồ Tát Chuẩn đề có nhiều đường nét điêu khắc theo kiểu dáng nghệ thuật đời Hậu Lê, bên cạnh đó là một hệ thống các tượng Phật như ở nhà Tam Bảo thuộc chùa Ngoài.


 Trong động chúa Tiên có 5 pho tượng bằng đá: đó là tượng Cửu Thiên Huyền Nữ, tượng Phạm Thiên, Đế Thích, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát. Sự hỗn dung trong tín ngưỡng này khiến cho thập phương cảm thấy gần gủi hơn trong tín ngưỡng và lễ bái, cầu khẩn. Tại chùa còn có quả chuông đồng ghi rõ “Bảo Đài Hương Tích Sơn Hồng Chung” có niên đại vào 1655.


Qua những bia văn, di tích lịch sử kể cả những di vật khảo cổ học khai quật được, là dấu ấn hoạt động văn hoá – tôn giáo. Bia cổ nhất là  “Thiên Trù Tự Bi Ký” dựng lên năm 1686. Giáo sư Nguyễn Văn Huyên khi viết về thờ cúng Hương Sơn nhấn  mạnh: “(…) Con người sinh sống ở đây trong vùng đồng bằng, xa dần rừng núi,  cho nên Nhạc Phủ (Mẫu Thượng Ngàn vùng rừng núi) đã mờ nhạt đi  nhiều.  Thiên Phủ thì do triết lý âm dương nỗi trôi, cho nên đã chuyển   thành thờ Cửu Thiên Huyền Nữ. Địa phủ, Thủy phủ được tôn thờ, do đó quyền năng cai quản đất đai thuộc về các bà Chúa Xứ, bà Chúa Hòn,Chúa Động, kể cả bà Mẹ xứ sở người Chăm – Pa trở thành bà Chúa Ngọc, bà Hồng, cô Hồng. Về ý nghĩa thiêng liêng tôn thờ, là tiếp tục tôn thờ triết lý sáng tạo âm dương ngũ hành, cho nên có Ngũ Hành Nương Nương, Bà Thủy, bà  Hoả.  Về ý  thức nhớ lại  nguồn ở việc  thờ bà Chúa Tiên  (Liễu Hạnh) ở bà Thiên Hậu (Tứ Vị Nương Nương), bà mẹ Thai Sinh (ở người Hoa).  Thành thử ý niệm thiêng liêng về triết lý thờ Mẫu ở Nam Phần Việt Nam, cũng như trong tín ngưỡng thờ thần, đã được sự hỗn dung từ nhiều nguồn, nhiều phía. Như thế, vừa giữ được tính chất truyền thống trong tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu, lại vừa có tinh thần sáng tạo nữa…”. 


Việc tổ chức nơi thờ cúng của  miền  Bắc cũng không giống nhau. Nếu ở Bắc Phần Việt Nam, thờ Mẫu thường được tổ chức ở những phủ, những đền cũng như những đạo quán và thông thường là chiếm một phần trong các chùa chiền, thì ở đây trước tiên thường thấy phổ biến Mẫu ngự ở các đình làng. Việc thờ này thường chung với các thần ở trong chính tẩm hay có miếu thờ riêng ở sân  đình làng.


Thông thường, để thể hiện biểu tượng thiêng liêng về Thánh Mẫu ở Hương Sơn bằng cách viết chữ Hán trên bài vị: Cửu Thiên Huyền Nữ, Ngũ Hành Nương Nương, Chúa Tiên, Chúa Ngọc…Ngoài động Hương Tích, du khách còn có thể rẽ qua khu rừng Mơ, để đến lễ bái chùa Hinh Bồng, rồi từ đó men theo con suối Tuyết để vào đền Mẫu Hạ thờ Vân Hương Thánh Mẫu và bà Chúa Thượng Ngàn; từ đây một quần thể khác gồm có: núi Thuyền Rồng, núi Con Phượng, hòn Đầu Sư Tử, vách đá Kỳ Sơn Tú Thủy; từ đây xuống bến Tuyết  để đi vào một thắng cảnh khác: chùa Bảo Đài.   Leo lên núi này cho đến Bạch Tuyết Môn, vào điện Cô, du khách tới thăm chùa Tuyết Sơn còn có tên là Ngọc Long Động. Nơi đây vào năm 1770, chúa Trịnh Sâm có  khắc vào bài thơ “Đăng Tuyết Sơn Hữu Hứng”.


 Viết về di tích chùa Hương, Nguyễn Đình Thi cho rằng: “


 


Dẫy núi Hương Sơn ở bên sườn đông của dẫy núi đá vôi chạy từ Phong Thổ, Lai Châu, Sơn La, Mộc Châu xuống đến Hà Tây, Hoà Bình, Ninh Bình, Thanh Hoá, hang động bao bọc Hương Sơn ở phía tây Nam sông Ðáy (một phụ lưu cấp 1 của sông Hồng) chạy theo hướng Bắc – Ðông. Giữa sông núi  là cả một hệ khe, nối suối ngầm (Suối Tuyết, Suối Yến) dẫn nước qua lại cung cấp cho Thung Dâu, Thung Mơ….  phơi trải nước của các hang động. Nhũng khe núi này là nguồn cung cấp nước cho sông Ðáy. Trước khi vào vãng cảnh Chùa Hương, mọi du khách đều phải đến bến Ðục  và từ đây mọi người mới xuống đò  đi dọc theo suối Yến. ( có người gọi là suối Mơ).   Núi  Ðụn còn  là đuôi của một con rồng, dẫy núi Hàm Rồng. gần múi Ðụn là núi Soi, giống như con Kỳ Lân, còn gọi là núi Lân, gần núi Soi là núi Ái, là núi Phương đang rộng cánh. Gần núi Bưng là núi Voi”.


Chúa Trịnh Sâm là người đã nổi tiếng hay chữ và sành sỏi các thú du ngoạn xưa kia đã không phẩm bình Hương Sơn là một chốn “Sơn thuỷ hữu tình” (chữ đề bên suối Yến). Hay “Kỳ sơn tú thủy” (chữ đề bên suối Tuyết), phong cho Hương Sơn là “Nam Thiên Ðệ Nhất Ðộng”.   Trải qua hàng chục thế kỷ trước đây cho đến ngày nay, các nhà khảo cổ vẫn chưa tìm hiểu nhiều về vùng đất Hương Sơn, nhưng những cảnh quan sinh thái và di tích  đã phát hiện trên đất Hà Tây được biết, trên đất Hương Sơn xưa kia đã sớm có dấu tích của con người. Nhưng nhận biết ra Hương Sơn như một cảnh quan thẩm mỹ và tâm linh, người ta nói nhiều đến truyền thuyết về một bộ tướng của Vua Hùng đời thứ 16 (Hiển Quan) đến xây Hương Tích, Bếp Trời  (Thiên Trù).  


Theo sách “Hương Sơn Ký” của Nguyễn Uông người làng Thanh Oai (Hà Tây) làm đốc học Nam Ðịnh thì đến (khoảng đời Hồng Ðức – 1470-1496) con đường vào Hương Sơn mới được mở…. Chính sức hấp dẫn của cảnh quan thiên nhiên Hương Sơn đã bồi đắp cho danh thắng này một giá trị lịch sử và đã trở thành nơi hội tụ của những danh nhân lịch sử về văn hoá dân tộc của những bậc đế vương còn lưu lại nơi các bia đá với những nét chữ để đời và những bài thơ Nôm hay Hán của Tĩnh Ðô Vương Trịnh Sâm vào năm Canh Dần (1770) người ta đã biết đến dấu tích của các bà Chúa, vợ của Trịnh Căn đã góp công, của để xây dựng các Chùa. (theo Nguyễn Đức Can – Chùa Hương)


Các tao nhân mạc khách đến với Hương Sơn thường  có những bài thơ còn   lưu truyền như : Chu Mạnh Trinh, Ngô Thi Sĩ, Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Cao, Cao Bá Quát, Bùi Di, Bùi Kỷ,… rồi đến thế hệ Tản Ðà, Xuân Diệu, Chế Lan Viên. Tản Ðà đã diễn tả trong “Phong cảnh chùa Hương” :


Chùa Hương trời điểm lại trời tô


Một bức tranh tình trải mấy thu.


Xuân lại, Xuân đi bao dấu vết


Ai về, ai nhớ vẫn thơm tho.


Chu Mạnh Trinh đã viết trong Hương Sơn Phong Cảnh Ca:


Bầu trời cảnh Bụt


Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay.


Kìa non non, nước nước mây mây


“Ðệ nhất động” hỏi là đây có phải?


Thỏ thẻ rừng mai chim cùng trái


Lững lờ khe Yến cá nghe kinh


Thoảng bên tai một tiếng chày kình     


Khách tang hải dật mình trong dấc mộng !


Này suối Giải Oan, này chùa CửaVõng


Này am Phật Tích, này động Tuyết Kinh


Nhác trông lên ai khéo vẽ hình.


Ðá ngũ sắc long lanh như gấm dệt


Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt


                                                        Gập ghềnh mấy lối uốn thang mây


Chừng giang sơn còn đợi ai đây?


Hay tạo hoá khéo ra tay xếp đặt.


Lần hạt tràng niệm : Nam mô Phật!


Cửa từ bi công đức biết là bao


Càng trông phong cảnh càng yêu.


Khi đến Hương Tích, Trịnh Sâm đã diễn tả như sau:


Trời vừa hé sáng, bước lên thuyền


Khoan mái chèo lan, ghé bến tiên


Phong nguyệt thờ ơ bầu ngọc đúc


Giang Sơn bỡ ngỡ, bức tranh in


Kìa kìa qui phượng ngong kinh bối


Nọ lân lòng lắng gió thiền


Cảnh lạ thú màu khôn xiết kể


Thanh kỳ đệ nhất chốn Nam thiên.


(Tâm thanh tồn duy thi tập)


Theo một số tài liệu  khảo cứu (Trần Văn Giáp) thì: Vào đời Lê Thánh Tông thế kỷ thứ XV, có 3 vị Hoà thượng chống tích trượng tới đây tu hành; hàng ngày vào động Hương Tích lễ tụng, toạ thiền, tối lại ra khu vực Thiên Trù ngủ nghỉ. Hồi đó, Thiên Trù là một thung lũng hoang vu, 3 vị Hoà Thượng lần lượt dựng lên một thảo am để trú ngụ  tránh mưa nắng, sau một thời gian 3 vị Hoà thượng viên tịch thì nơi đây gián đoạn trụ trì. Tên tuổi các ngài cũng không ai nhớ rõ. Di tích của các ngài để lại đến nay chỉ còn lại là 2 ngôi mộ cổ bằng đá xanh, được đục đẽo thô sơ trong vườn tháp Thiên Trù. Ngày khoa cúng cổ ở Hương Sơn cũng chỉ gọi là “Kị Tổ Bồ Tát” và các ngài thuộc giòng phái nào cho đến nay vẫn chưa ai biềt rõ.  Ðến năm 1687 – niên hiệu Chính Hoà mới có Hoà Thượng Trần Ðạo Viên Quang ở Ty Tăng Lục (thời Lê lập ra Ty Tăng Lục để coi sóc và quản lý các vị tu hành) chống thiền trượng tới đây mới lập cảnh Phật ở Hương Sơn, tiếp theo là các vị Hoà Thượng Viên Quang, trụ trì khoảng 20 năm, Ðaị Sư Thông Lâm thuộc giòng Thiền Lâm Tế, Hoà Thượng Thanh Quyết, HT Thanh Hữu…HT Thanh Quyết là một vị danh tăng đương thời, học thức uyên bác, phẩm hạnh thanh cao. Các nho sĩ bấy giờ đã tôn là “Tăng Trung Hào Kiệt”.   Tiếp theo là các vị HT Thích Thanh Tích, Ðại Sư Thanh Tích tu tập Ðại bi Chân Ngôn và trì tụng đại Bát Nhã, hoàng truyền Phật Pháp đồng thời đã đào tạo hàng trăm đệ tử danh tăng như các HT Tố Liên, Thanh Chân, Thanh Uẩn, Thanh Khánh, Thanh Nga, Thanh Châu….