Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Chùa Hội Khánh – Nơi hình thành bộ phim Duyên trần thoát...

Chùa Hội Khánh – Nơi hình thành bộ phim Duyên trần thoát tục

144

Chùa được Thiền sư Đại Ngạn (dòng Lâm Tế) khai sơn năm 1741, đời Lê Hiển Tông, ở trên một ngọn đồi cao. Năm 1868, đời Tự Đức, do chùa bị hư hỏng nặng, Hòa thượng Chánh Đắc cho xây dựng chùa mới dưới chân đồi. Chùa tọa lạc ở đấy cho đến nay.


Chùa đã được tôn tạo nhiều lần, nhưng vẫn giữ nét kiến trúc cổ. Giảng đường và đông lang được sửa chữa năm 1917, tây lang được xây lại năm 1984. Gần đây nhất, từ năm 1990 đến năm 1992, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đã tổ chức đại trùng tu ngôi chùa.


Năm 2002, chùa đã tôn trí một Phật đài Thích Ca lộ thiên bằng đá cao 5,1m, trong đó, tượng đức Phật cao 2,5m, ngang gối 1,8m. Năm 2007, chùa đã hoàn thành công trình xậy dựng ngôi bảo tháp thờ Phật 8 tầng cao 30m ở sân trước.


Ở chính điện, hầu hết tượng các vị Phật, Bồ-tát … đều được tạc bằng gỗ, sơn son thếp vàng. Đặc biệt, bộ tượng thập bát La-hán, mỗi tượng cao khoảng 0,86m, được nhóm thợ nổi tiếng ở địa phương tạc vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Ba tấm bao lam chạm khắc tứ linh, tứ quý, cửu long và thập bát La-hán có giá trị nghệ thuật cao.


Hòa thượng Thích Từ Văn, vị trụ trì đời thứ 6, đã được phong Tăng thống Hội Phật giáo Nam Kỳ. Ngài đã xây dựng ngôi chùa Hội Khánh tại Pháp năm 1920. Hiện nay, trụ trì chùa là Thượng tọa Thích Huệ Thông, Phó Trưởng ban thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bình Dương.


Chùa đã được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia. Chùa hiện đặt văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bình Dương.


Nằm giữa một khu đất rộng rãi, yên tĩnh, nhiều cây cao bóng cả, chùa Hội Khánh là ngôi cổ tự danh tiếng vào bậc nhất ở miền Nam.


Đặc biệt, bộ phim Duyên trần thoát tục đã hình thành từ ngôi chùa này qua ý tưởng của Thượng tọa trụ trì và diễn viên Việt Trinh là Phật tử của chùa. 


Bộ phim là thông điệp gửi đến mọi người về đạo lý nhân quả của đạo Phật. Phim được Công ty cổ phần Điện ảnh công nghệ giải trí Senafilm thực hiện với kinh phí hơn 4 tỷ đồng với các cảnh quay ở Ấn Độ, Nê Pan và một số địa phương ở Việt Nam. Nhiều diễn viên nổi tiếng đã tham gia như Việt Trinh, Phi Hùng …


Bộ phim đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục năm 2008 là Bộ phim cổ trang Phật giáo sản xuất quy mô lớn nhất Việt Nam.     



Cổng chùa


Mặt tiền chùa


Bảo tháp 8 tầng


Chính điện








Diễn viên Việt Trinh và Nguyễn Phi Hùng








Bài và ảnh: Võ Văn Tường