Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Chùa Hàm Long – nơi nhốt nhiều “Trùng” nhất nước

Chùa Hàm Long – nơi nhốt nhiều “Trùng” nhất nước

1229

Thiền sư Như Trừng, đệ tử của Thiền sư Chân Nguyên kế thế tu hành tại đây. Ngài vốn tu tại chùa Liên Tông (sau đổi là Liên Phái), Hà Nội. Ngài có lập thêm chùa Hộ Quốc (Thọ Xương) và chùa Hàm Long (Bắc Ninh).

Trước khi thị tịch, Ngài đã chỉ định Thiền sư Tính Ngạn trụ trì chùa Hàm Long, Thiền sư Tính Dược trụ trì chùa Liên Tông, trung tâm của hệ phái do ông thành lập.
Nơi đây là một tổ đình Phật giáo lớn ở đất Bắc. Tổ Trịnh Thập (1696-?) là đệ nhất tổ được biết đến trong số 18 vị tổ sư được thờ tại đây.

Trong mấy chục năm lại đây, HT Thích Thanh Dũng, nay đã 80 tuổi, đương kim trụ trì chùa Hàm Long, Trưởng BTSPG tỉnh Bắc Giang đã duy tu, kiến tạo kiến trúc chùa cảnh cho được trang nghiêm, tố hảo.

Chùa Hàm long đã được trùng tu nhiều lần. Chính điện được thờ phụng tôn nghiêm. Đặc biệt có 4 pho tượng bằng đồng: tượng đức Phật Thích-ca (cao 2,10m), tượng A-nan và Ca-diếp (cao 1,86m), tượng Hoàng hậu Ma-gia (cao 1,58m) được đúc tại chùa khoảng ngót 100 năm trước.

Chùa Hàm Long nằm trên sườn núi, địa thế rất đẹp. Chùa có những cây cổ thụ cực to, và cũng là một trong những trường Hạ, là nơi đào tạo các nhà sư ở đất Bắc. 

Chùa có tên Hàm Long vì có núi Thần Long như một chiếc án thư che chắn cho ngôi chùa phía trước. Đường lên chùa đi qua những bậc đá chen giữa gốc cây, bụi cỏ rất thơ mộng.

Mái ngói nâu sẫm ẩn hiện sau những tán cây cổ thụ xanh mướt trông đẹp như tranh thủy mặc. Quanh chùa còn có nhiều tháp cổ xen giữa đá núi và những tán cây xanh um. Trong đó nổi tiếng nhất là tháp Hàm Long có kiến trúc bằng đá, cao trên 10m.

Khuôn viên chùa luôn mát rượi nhờ những bóng cây phượng, mít, bàng, rặng liễu rủ và các bồn hoa tươi. Đứng từ cổng chùa, nhìn ra xa thấy gần chân núi là những thôn xóm mái ngói đỏ tươi nổi bật giữa đồng lúa xanh non. Đây là ngôi chùa cổ u tịch nhất mà chúng tôi từng biết.

Dưới chân núi, cạnh chùa là thôn Thái Bảo, nơi có đình Thái Bảo cũng nổi tiếng một thời.

Hàng năm cứ vào ngày 15/2 âm lịch lệ hội chùa Hàm Long lại được tổ chức, hàng ngàn khách xa gần đã về đây làm lễ và ngắm cảnh.

Điều đặc biệt, nơi đây được coi là một trung tâm nhốt “Trùng” lớn nhất nước. Tương truyền, từ ngày xưa, các vị sư Tăng ở đây đã có những phương pháp trấn “Trùng” rất huyền bí mà hiệu quả.

Người ta lưu truyền về một nơi "nhốt trùng" an toàn nhất là chùa Hàm Long.

Theo tín ngưỡng dân gian, nhà có người chết trùng phải lập tức gửi người đó lên chùa, tuy nhiên không phải chùa nào cũng giữ được vong chết trùng. Nó phụ thuộc vào sự linh thiêng của chùa và mức độ cao tay của vị sư trụ trì.

Nếu trùng nhẹ các bạn có thể gửi lên một ngôi chùa nào đó gần nhà, các nhà sư sẽ hàng ngày đọc kinh niệm phật cho vong hồn siêu thoát (hay nói đúng ra là nhốt vong vào trong ngục, không cho đi lung tung kẻo quỷ sứ bắt được nó sẽ tra tấn và khai ra tên họ người nhà, càng những người hợp với vong chết trùng càng dễ bị bắt).

Nếu trùng nặng, thì phải gửi ngay vào chùa Hàm Long, nơi được coi là đệ nhất giữ vong ở trời Nam.

Từ trong Nam ngoài Bắc, gia đình nào có trùng tang đều đem về đó gửi.

Hàng ngày, vào buổi chiều, các sư ở đây cho nấu một nồi cháo to, cúng thí thực cho Trùng và vong bị nhốt ở đây. Vào buổi sáng, các nhà sư tụng kinh niệm Phật cúng vong rất cẩn thận.

Nghe nói, ở chùa Hàm Long có các lá bùa để gia đình đeo vào trong khoảng 3 năm để tránh tai hoạ, bùa một mặt là chữ nho một mặt là hình vẽ Phật bà.

Khi chúng tôi đến đó, vào một này thường mà đã thấy cả dãy dài ô tô từ khắp nơi đổ về. Khách đến thường là những người đi gửi vong chứ ít ai đi vãn cảnh chùa.

Có lẽ vì tâm lý đó là nơi giữ vong, mọi người đến thường xong việc đi luôn, chắc cũng vì sợ ở lâu chỉ thêm đau lòng do thương xót người đã mất.

Khi chúng tôi hầu chuyện HT Thích Thanh Dũng, Ngài lại cho rằng: Đối với Phật giáo thì sống chết là chuyện thường nhiên, do nghiệp lực của tự thân mỗi người chi phối. Sống và chết chỉ là hai hiện tượng trong tiến trình luân hồi bất tận. Nghiệp tuy có chung và riêng, song nghiệp riêng vẫn giữ vai trò chủ động, quyết định và có tính cách độc lập, không ai có thể thay thế cho ai.

Vì thế, Phật giáo không có quan niệm về ngày trùng tang, trùng nhật và hoàn toàn phủ nhận việc ngày giờ chôn cất của một người mà có thể ảnh hưởng đến sự sống chết của người khác.

Tuy nhiên, vì tập tục này ăn sâu vào tâm thức mọi người nên một vài nơi, trong tinh thần phương tiện, nhà chùa vẫn khuyên các Phật tử không an táng thân quyến vào những ngày trùng, nhằm giúp họ an tâm để chu toàn tang lễ đồng thời nỗ lực cầu nguyện, khai thị, làm phước hồi hướng cho hương linh.

Đặt chân đến chùa mới thấy hết cái cảm giác rờn rợn được đồn là nơi "nhốt vong chết trùng" lớn nhất cả nước. Từ ngàn xưa ấy, đồn rằng, nơi đây những vị cao tăng đã có phương pháp trấn yểm trùng huyền bí mà hiệu quả. Nơi đây còn có bộ ván in khắc phù giải "trùng tang liên táng" từ mấy trăm năm nay.

Người nhà đưa di ảnh của người quá cố lên chùa sẽ được các sư hướng dẫn cụ thể cách kiêng kỵ. Những người sống trong gia đình được giữ lá bùa trong ba năm để đề phòng tai hoạ.

Chuyện ly kỳ, bí ẩn, đầy màu sắc liêu trai thần bí ở tại chùa Hàm Long được người dân lan truyền mà chẳng biết kiểm chứng thực hư như thế nào? Kính mong các bậc cao minh chỉ giáo!

 Phattuvietnam.net xin trân trọng gửi tới độc giả một số hình ảnh ghi được tại chùa Hàm Long vào buổi trưa thứ 7 ngày 09/7/2011.