Chùa Quán Sứ (Hà Nội) ngày hôm nay (Rằm tháng 7 – ngày lễ sá tội vong nhân) sặc sỡ hơn so với ngày thường. Ngoài Quốc kỳ Tổ quốc được kéo lên ở trong sân chùa, lá cờ Phật cũng được treo một cách trang nghiêm ở cổng chính. Các phật tử của chùa khá vất vả từ sáng sớm vì hôm nay ngày chính lễ, lại trùng với ngày làm việc nên khách đến hành hương rất đông từ sáng sớm.
Các sư thầy ở chùa Quán Sứ còn thực hiện phát sách miễn phí nhằm tuyên truyền không đốt vàng mã.
Chùa Trấn Quốc rực rỡ trong ngày đại Lễ Vu Lan |
Tại chùa Trấn Quốc (Hà Nội), từ cửa đi vào đã được trưng những tấm băng rôn sặc sỡ với lời răn dạy của Phật “Vui thay hiếu kính với cha”, “Tâm hiếu là tâm Phật”…
Cầu mong những điều tốt lành |
Do ngày chính lễ Vu Lan không trùng với ngày nghỉ nên nhiều khách hành hương tranh thủ đến viếng chùa từ sáng sớm. Chị Dương Thị Hiền, khách hành hương ở chùa Quán Sứ cho biết: “Hôm qua tôi được nghỉ nhưng phải về quê với ông bà. Hôm nay, tôi tranh thủ thời gian sớm đến viếng cửa chùa”. Chị Hiền giãi bày: “Đi chùa vào ngày lễ Vu Lan thì lời khẩn cầu dễ đến được Đức phật, để cầu xin Đức phật đại xá cho những tội lỗi của mình, cũng là để tích đức cho con cháu”.
Còn tại chùa Phúc Khánh (phố Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai-Hà Nội), hôm nay tổ chức lễ cầu siêu cho hơn 200 vong hồn nên thu hút được khá đông khách đến hành hương. Đa số họ đều có người nhà được gửi gắm trong chùa hoặc đều lễ cầu siêu để mong cho linh hồn của người thân được thanh thoát.
Các tăng ni phật tử chùa Phúc Khánh làm lễ cầu siêu cho hơn 200 vong hồn |
Chị Phạm Thị Thúy (quận Hoàng Mai, Hà Nội) tâm sự: “Tôi đến nhờ nhà chùa cầu siêu cho vong hồn của bố. Mấy năm trước gia cảnh của chúng tôi khó khăn, nay khá hơn thì bố không còn nữa. Mấy năm nay khi nào cũng vậy, cứ đến 15/7 âm lịch (Đại lễ Vu Lan), tôi lại làm lễ cầu siêu để mong độ cho linh hồn của bố tôi ở bên kia thế giới không sống khổ cực như ở trần gian. Có như vậy tấm lòng của những người con như tôi mới thanh thản”.
Đã hơn 80 tuổi nhưng năm nào, cứ đến ngày “xá tội vong nhân”, bà Dương Thanh Nga (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) lại đến cửa chùa làm lễ cầu siêu. Bà Nga kể: “Tôi mới ra ở với con được gần 5 năm nay, nhưng năm nào đến dịp này tôi cũng đến chùa làm lễ cầu siêu”. Bà tâm sự, con trai bà hy sinh trong tuyến lửa Quảng Trị nhưng mãi mấy năm gần đây mới tìm thấy mộ. Bà cho đấy là điều may mắn, được Đức Phật phù hộ. Nên năm nào bà cũng đến chùa cầu siêu, vừa để cho linh hồn con được siêu thoát, vừa để cầu siêu cho những đồng đội của con trai mình ở thế giới bên kia được thanh thản./.