Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Chùa giữa miệng núi lửa

Chùa giữa miệng núi lửa

65

Đảo Lý Sơn gồm năm ngọn núi vươn lên giữa biển, khum khum như những cái bếp than đá khổng lồ đã tắt. Người dân địa phương bảo trong số đó chỉ mới có bốn ngọn từng nổi trận lôi đình, để lại những cái miệng há rộng đầy nham thạch.


Một trong số những ngọn đó, ngọn Thới Lới, miệng phễu rộng đến một cây số vuông, được chính quyền sở tại dự định xây thành một cái hồ chứa nước để cứu khát cho cả đảo trong 4 tháng mùa khô hàng năm.


Du khách mới đến lần đầu chắc sẽ có cảm giác rờn rợn vì đang đứng ngay trong miệng núi lửa. Những khối nham thạch lớn bị hất tung lên, bắn ra phía biển nay vẫn còn nằm chơ vơ. Lên cao hơn nữa là những ngôi chùa lẩn sâu vào trong các khe núi, cỏ cây lơ thơ.


Người Lý Sơn nâng niu gìn giữ thế giới tâm linh của mình rất kỹ. Dinh thờ, miếu mạo chỗ nào cũng được tô điểm, thờ phụng với một quy chế cực kỳ nghiêm ngặt. Mỗi sáng sớm có thể bắt gặp ngư dân nào đó dừng thuyền trước con đường dẫn lên dinh Âm hồn biển để cúng một con gà luộc và đĩa trái cây tươi để an ủi những linh hồn còn lạc loài ngoài biển, cầu cho chuyến biển đêm nay yên lành.


Đường lên chùa Hang, một danh thắng được Bộ Văn hoá – thông tin cấp bằng công nhận di tích văn hoá, được rải một lớp đá tròn nhỏ, chạy loanh quanh giữa cánh đồng bắp xanh rờn. Trên cánh đồng, các thôn nữ cười nói náo nhiệt. Nhưng cứ hễ khách đến gần và giơ máy ảnh, họ sẽ e lệ bỏ chạy, hoặc kéo chiếc khăn che nắng lên để gương mặt khuất lấp sau vành nón.


Chùa Hang nằm sâu trong lòng khối nham thạch khổng lồ hình dáng ở thế đang phun trào. Chùa rộng 480 mét vuông, chỉ cao có 3,2 mét. Tiền thân của chùa là một ngôi đền Chăm cổ. Những tượng Chăm đã bị người Pháp đưa đi từ đầu thế kỷ 20, và dân đảo thay thế bằng bàn thờ Phật và thờ các tiên hiền của 3 tộc lớn nhất đảo.


Hàng ngày vào buổi chiều, tiếng cầu kinh của vợ các ngư dân có chồng đang rong ruổi trên biển cất lên, kéo dài cho đến tận hoàng hôn, buồn da diết. Trong chùa, thỉnh thoảng lại có một giọt nước mát trên vòm hang nhỏ xuống, rồi tan giữa câu kinh.


Một ngôi chùa khác, chùa Đục, cũng là một kiến trúc độc đáo ngay trên mép một nhánh nham thạch đang trào ra phía biển xanh. Điểm lạ lùng ở Lý Sơn là chỉ những người đàn ông tộc Trần đi tu mới được quyền trụ trì ở những ngôi chùa trong miệng núi lửa này.


Hầu hết du khách đến đây đều vãn cảnh chùa rất lâu, ngắm không biết chán phong cảnh hùng vĩ trên những triền núi và dưới biển xanh, nơi vẫn còn đầy những tảng nham thạch khổng lồ nổi trên mặt nước.


Cách dinh này 300 mét cũng lại có một am thờ những âm hồn trên cạn. Tất cả đều náu mình dưới tán những cây cổ thụ trên hai trăm tuổi.


Rồi còn lớp lớp những dinh thờ Bà Thiên Y Ponaga, thờ cá Ông, đình làng… và đặc biệt là Âm Linh tự, nơi triều đình nhà Nguyễn tổ chức lễ tế sống những người lính được giao nhiệm vụ đi Hoàng Sa và Trường Sa cắm mốc giữ đất, thu hồi sản vật cho triều đình. Vào những ngày đầu xuân, người dân trên đảo vẫn giữ lệ cũ, tổ chức tế lễ, cầu siêu cho họ.


Mùa xuân ở Lý Sơn đang là thời điểm thu hoạch tỏi. Hòn đảo lúc nào cũng hăng hăng mùi tỏi tươi mới nhổ, phơi trắng con đường duy nhất chạy quanh đảo. Tỏi một tép ở đây được coi là đặc sản hiếm có.


Lý Sơn còn hấp dẫn du khách bởi những hàng quán bình dân với những đĩa thức ăn được chế biến từ hải sản, mà đặc biệt là từ 14 loại ốc biển khác nhau, mang những cái tên rất kỳ dị như ốc nhảy, ốc đụn, ốc cừ, ốc hương, ốc voi…


Viếng cảnh chùa, ngắm những ngọn núi lửa đang ngủ yên giữa trùng dương, rồi sau đó vào quán thưởng thức một đĩa mực thả mới vớt từ biển lên, uống một ly nhỏ rượu tỏi và nhìn hoàng hôn trôi dần về đất liền cách đó 20 hải lý. Lý Sơn trong tim du khách lúc đó có thể sẽ khác, mặc dù tiếng kinh cầu từ chùa vẳng ra vẫn đang còn buồn da diết.