Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Chùa Duệ Khánh và pho tượng Phật Thích Ca sơ sinh bằng...

Chùa Duệ Khánh và pho tượng Phật Thích Ca sơ sinh bằng đồng

150

Cổ Châu Tự cách chùa Tiêu không xa, và cùng nằm bên bờ sông Tiêu Tương thuở xưa, vết tích sông Tương còn sót lại ngày nay là một chiếc ao nhỏ trong chùa.


Toàn bộ kiến trúc chùa cổ đã không còn, vì thời chiến tranh nhân dân đã tiêu thổ kháng chiến. Từ năm 1999, Ni sư Thích Đàm Niệm về trụ trì, chùa mới bắt đầu được xây dựng lại, và Ni sư đã thỉnh pho tượng Bồ tát Quan Âm bằng đá sa thạch xứ Đà Nẵng tôn trí trước sân chùa.



Dấu tích của ngôi chùa xưa hiện còn là chiếc giếng Thụ Tiên ngọc nữ cùng một văn bản tên “Hương đài thạch trụ” bằng chữ Hán. Ni sư Đàm Niệm đã dịch văn bản này ra Quốc ngữ, nội dung kể về sự tích ngôi chùa, trong đó nhắc đến cây hương đá và chiếc giếng hiện tồn.


Bản “Hương đài thạch trụ” được viết năm Vĩnh Thịnh thứ 2, đời vua Lê Dụ Tông, ghi: Trong đám quần tiên trên thượng giới có nàng Thụ Tiên ngọc nữ, nguyên hóa thân từ một gốc mận già. Một hôm, Thụ Tiên ngọc nữ phạm lỗi khiến Thánh Tiên vương mẫu vô cùng tức giận, giáng chỉ đày nàng xuống hạ giới.


Từ biệt cung mây, bước đi vô định trên con đường mải miết, nàng dừng bước trước một vùng đất lạ. Phong cảnh nơi đây đẹp như tranh vẽ, cây cối tốt tươi, lá cành rậm rạp phủ kín dòng khe trong mát, tiếng chim hót véo von hòa cùng những cánh bướm lượn bay thanh thoát giao hòa trong làn hương hoa ngào ngạt.



Nàng quyết định ở lại nơi đây, dựng lên  một am nhỏ để ở và thờ Phật cầu mong giải thoát. Nàng tự mình bái tạ Thánh Mẫu, ăn năn tội lỗi và nguyện “nhất niệm nhất cú” tuân theo lời Phật.


Vua Lý Thái Tông biết chuyện nàng Thụ Tiên ngọc nữ, bèn xuống chiếu cho nhân dân địa phương dựng chùa thờ Phật tại nơi Thụ Tiên ở. Thụ Tiên ngọc nữ ẩn cư trong am chuyên chú niệm Phật sám hối thân mình, ngày đêm cầu phúc cho dân, khuyến dân bỏ ác theo thiện.


Một đêm sau buổi đọc kinh, nàng bước ra khỏi am, lững thững đi dạo mát, chẳng may viên ngọc đỏ mà nàng vẫn mang theo từ khi rời khỏi thiên cung bỗng nhiên rơi xuống đất. Viên ngọc tỏa ánh hào quang và ngay tức khắc, mảnh đất trước mặt nứt thành cái giếng sâu đầy nước trong vắt.


Quanh năm chùa thờ Phật lung linh đèn nến, có giếng ngọc đầy nước trong xanh, cỏ cây tươi tốt. Dòng sông Tiêu Tương bình lặng chảy càng khiến phong cảnh nơi đây trở nên đẹp đẽ vô cùng.


Nhưng rồi năm tháng chảy trôi, thời gian sương gió khiến ngôi chùa thờ Phật dần xuống cấp, tiêu điều. Nhân duyên thay, một hôm có quan tri phủ Nam Sách là Nguyễn Quảng nhân vì công việc đi qua vùng này, nhìn quang cảnh lấy làm xót xa. Ông bèn vào gặp dân làng nhắc nhở mọi người sửa chữa lại chùa và hứa giúp đỡ.


Nhân dân trong xã vui mừng khôn xiết, cùng hồ hởi hưởng ứng. Gia đình xã trưởng xã Nội Duệ là Nguyễn Hữu Thời và hội chủ của làng là Nguyễn Đình Tương cùng đứng ra chủ trì việc tu bổ chùa. Chùa Cổ Châu (châu ngọc đỏ) hưng công lại mười phần tươi tốt, xa gần đều biết là ngôi chùa rất linh ứng. Dân làng Duệ Khánh thiết lập thạch trụ hương đài để cúng Phật và ghi khắc tích chuyện truyền cho đời sau”.


Năm 2004, trong một lần nạo vét giếng Thụ Tiên Ngọc Nữ, Ni sư Đàm Nhiệm đã phát hiện được một pho tượng Phật cổ bằng đồng và hai chiếc chuông nhỏ bằng sắt.


Ni sư đã cho thếp vàng lại pho tượng. Cùng thời gian đó, người ta đưa pho tượng nhục thân Thiền sư Như Trí của chùa Tiêu Sơn về chùa Duệ Khánh để phục chế.


Trong những ngày làm việc tại chùa Duệ Khánh, GS.Nguyễn Lân Cường (Viện Khảo cổ học) khi biết được nhà chùa vừa tìm thấy tượng Phật bằng đồng dưới đáy giếng đã bắt tay vào nghiên cứu pho tượng này, và tỏ ý tiếc vì pho tượng đã được thếp vàng làm mất đi vẻ đẹp nguyên thủy.



Ni sư Đàm Niệm và quả chuông bằng sắt tìm thấy dưới giếng chùa Duệ Khánh


Theo GS.Nguyễn Lân Cường, đây là pho tượng Phật Thích Ca sơ sinh. Tượng tạc cởi trần, mặc váy và có giải thắt nút trước bụng. Hai tai rất lớn, mắt mở to, miệng cười tủm tỉm với má lúm đồng tiền rất rõ ở hai bên, trông rất ngộ nghĩnh. Tay phải giơ lên, khuỷu tay gập lại, hai ngón tay trỏ và giữa duỗi thẳng, còn các ngón khác quặp lại. Tay trái duỗi thẳng và chỉ xuống đất, các ngón tay cũng trong tư thế giống bàn tay phải. Chân thẳng song song với hai vai…


Pho tượng cao 31cm, đứng trên một bông sen đường kính 11,5cm, cao 7cm. Chu vi lớn nhất của gương sen là 36cm. Ở trên mặt, có 12 hạt sen nhú lên. Có 9 cánh hoa ở lớp trên cùng, lớp giữa cũng có 9 cánh, lớp dưới cùng 8 cánh. Pho tượng bên trong là sắt, bên ngoài bọc một lớp đồng. Sau lưng có một lỗ yểm hình vuông mỗi chiều 2,3cm.



Ni sư Đàm Niệm và quả chuông bằng sắt tìm thấy dưới giếng chùa Duệ Khánh


Theo Ni sư Đàm Niệm, khi mới tìm được pho tượng thì bông sen được gắn vào một cái cuống khá dài, nhưng vì không thể đặt đứng được, nên sau đó nhà chùa đã gắn pho tượng vào một đế vuông bằng xi măng.


Pho tượng Phật Thích Ca sơ sinh này đã được giới thiệu tại Hội nghị những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2004. Hiện nay pho tượng vẫn đang được lưu giữ và phụng thờ tại chùa Duệ Khánh.