Tương truyền rằng đỉnh Yên Sơn (nơi đặt chùa Đồng) trước kia được gọi là “núi thiêng” – nơi có thể cầu mưa, hô phong hoán vũ. “Trăm năm tích đức tu hành/ Chưa đi Yên Tử chưa thành quả tu” – Yên Tử linh thiêng là thế và cũng hấp dẫn mọi người vì thế. Từ giờ trở đi, du khách thập phương đến Yên Tử sẽ được chiêm ngưỡng một “bông sen vàng” độc nhất vô nhị trên đỉnh trời. Những câu chuyện ly kỳ, huyền bí về chùa Đồng sẽ tiếp tục được truyền tụng bởi giờ đây, chùa Đồng đã trở thành “ngôi chùa của những kỷ lục”…
Kỷ lục công đức: 1 tỉ đồng và 10kg vàng
Có lẽ chiếc khánh và quả chuông ở chùa Đồng là hai vật được các con nhang phật tử xoa, sờ nhiều nhất. Mọi người bảo, trong quả chuông và khánh tại chùa Đồng có rất nhiều… vàng ròng. Ngày đúc chuông, khánh, du khách thập phương tụ hội về đông chẳng kém trảy hội Yên Tử. Có những người đã thả vào mẻ đúc cả chục kilôgam vàng bốn số chín. Nhiều người đeo vòng, lắc hoặc nhẫn vàng cũng thi nhau công đức trực tiếp vào chuông, khánh. “Phúc đức lắm bà con ạ!” – một đệ tử nhà phật tay vừa xoa chiếc khánh vừa nói chậm rãi. Cách công đức độc đáo này khiến nhiều người nghĩ rằng, phúc đức sẽ được truyền lại cho muôn đời con cháu.
Về chuyện đóng góp hảo tâm xây dựng chùa Đồng, Đại đức Thích Thanh Quyết “bật mí”: “Có thí chủ công đức cho nhà chùa 1 tỉ đồng!”. Theo thống kê sơ bộ, ngay trong ngày khánh thành chùa Đồng (12 tháng chạp, năm Bính Tuất), lượng tiền công đức đã lên tới hơn 2,5 tỉ đồng. Theo Đại đức Thích Thanh Quyết: “Công đức 1 tỉ đồng, 500 triệu, hay 100 nghìn đồng… đều được hưởng phúc như nhau cả. Tiền công đức cho nhà chùa là tuỳ thuộc vào khả năng của từng người, chứ hoàn toàn không có chuyện công đức nhiều thì hưởng phúc lớn hơn công đức ít”. Trong tổng kinh phí 21,2 tỉ đồng xây dựng chùa Đồng thì số tiền công đức của con nhang phật tử là hơn 11 tỉ. Điều này chứng tỏ mức độ “xã hội hoá” của công trình này được coi là tiêu biểu, mẫu mực cho chủ trương xã hội hoá các công trình tâm linh cũng như quan điểm về tự do tôn giáo, tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước ta.
Kỷ lục… “sét đánh không chết!”
Để ngôi chùa Đồng có thể toạ lạc một cách vững chãi trên đỉnh núi cao nhất dãy Yên Tử, công việc tạo mặt bằng không hề đơn giản. Từ khoảnh đất chỉ rộng có 2m2 những người công nhân xây dựng đã tạo được một mặt bằng rộng 19m2 để làm móng đỡ chùa. Nền đá cứng bị phong hoá lâu năm khiến cho việc đập, khoan vào lòng núi trở thành một thử thách cam go. Máy khoan vượt núi phục vụ làm việc rất hạn chế nên đập đá bằng tay phổ biến và thông dụng hơn.
Gạch đá, cát sỏi, ximăng để xây dựng các hạng mục như nhà ghi công đức, sân hành lễ, am hoá sớ, móng và sân chùa… hầu như đều được vận chuyển theo đường bộ. Lực lượng lao động địa phương thạo đường núi phải gùi vật liệu từ chân núi lên tận đỉnh núi. Những lúc thi công cao điểm, có tới 80-90 người gánh thuê với mức tiền công là 3.000 đồng/kg. Nói ra có lẽ không nhiều người dám tin: “Lực sĩ” khoẻ nhất có thể gùi tới 71kg/chuyến, còn trung bình cũng phải 30-40kg. Đơn vị chịu trách nhiệm thi công các hạng mục kể trên là đội thi công số 2 (Cty cổ phần tư vấn xây dựng dân dụng- công nghiệp – TP.Hạ Long) có những lúc đã phải huy động tới 45 công nhân lên núi làm việc.
Ban đầu, họ phải ở trong những lán, trại tự tạo trên đỉnh núi. Cả đội còn nhớ một kỷ niệm vừa vui, vừa kinh hoàng là trận mưa đá hồi tháng 11. Họ nằm trong lán mà đá rơi trúng cả vào đầu, chiếc lán che nắng che mưa thì bẹp rúm. Nhưng đâu chỉ có vậy, hết mưa đá lại đến sét đánh khiến mấy chục anh em giật nảy người, may mà mọi người chỉ bị ù tai và không ai hề hấn gì. Anh em bảo nhau, không có Phật tổ phù hộ chắc không may mắn được như vậy.
Khắc nghiệt không ngại bằng thiếu thốn, ở trên đỉnh núi thiếu nhất là nước sinh hoạt phục vụ những nhu cầu tối thiểu. “Có đợt anh em chúng tôi 20 ngày không được tắm vì nước uống còn thiếu nữa là…” – anh công nhân Nguyễn Phú Hanh (43 tuổi) tâm sự. Đây có lẽ là “kỷ lục”… “lười” tắm của những công nhân xây dựng chùa Đồng. Từ chân núi lên đến đỉnh, giá mỗi lít nước là 1.300đ. Đã có tuần anh em phải ăn cá khô triền miên vì thức ăn không tiếp tế kịp. Có du khách lên chùa Đồng, nhìn thấy anh em làm việc đã phải thốt lên: “Đúng là những anh hùng!”. Còn đối với họ, được xây dựng một công trình có ý nghĩa tâm linh cao cả và thiêng thiêng như chùa Đồng là một niềm vinh dự và tự hào lớn lao.
Kỷ lục 70 tấn và 6.000 chi tiết
Đã có rất nhiều phương án thi công được đưa ra khi UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt dự án tôn tạo di tích chùa Đồng. Làm thế nào để có thể chuyển những chi tiết chùa từ mặt đất lên đỉnh núi và lắp ghép lại? Các phương án vận chuyển bằng đường bộ, dây cáp ròng rọc, thậm chí cả máy bay trực thăng đều đã được tính tới. Cuối cùng, phương án vận chuyển bằng dây cáp ròng rọc do Cty TNHH Trường Thịnh (TPHCM) tư vấn và thiết kế đã được coi là phương án khả thi nhất. “Bông sen vàng trên đỉnh núi thiêng” nặng hơn 70 tấn và được hợp thành từ 6.000 chi tiết khác nhau cũng đạt thêm một kỷ lục về sự phức tạp khi lắp ghép. Anh Phạm Trung Hiếu – một thợ thiết kế và lắp ráp – cho hay: “Từ những viên ngói, gạch lát nền cho đến những cây cột, kèo lớn đều được cân, đo, đong đếm từng ly để bảo đảm về mặt thẩm mỹ giống như trong thiết kế ban đầu”.
Lắp ghép các chi tiết tại chùa Đồng là công việc vô cùng phức tạp, bởi sự chênh vênh, treo leo giữa đỉnh trời của ngôi chùa này. Từ chùa Đồng, nhìn xuống là vực thẳm nên công tác bảo đảm an toàn lao động được đặt lên hàng đầu. Chưa có sự cố đáng tiếc nào xảy ra khi xây lắp chùa Đồng nhưng có những câu chuyện rất khó tin. Âậy là khi chùa Đồng sắp hoàn thiện, công đoạn đánh bóng dự tính sẽ tốn nhiều thời gian nhưng thật kỳ lạ, chùa Đồng phát sáng rực rỡ trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Ngay sau đó, chùa Đồng đã được bọc vải lụa đỏ để chuẩn bị cho ngày lễ cắt băng khánh thành.
Trong số 30 thợ đúc đồng thường xuyên làm việc trên đỉnh núi cao đã không ít người tâm sự rằng, họ thấy con người mình thư thái, bớt cáu gắt, nóng giận, còn tâm hồn thì thanh thản, nhẹ nhàng hơn sau khi hoàn thành công trình này. Có thể, niềm tin đã tạo ra cảm giác “kỳ lạ” như… ảo giác đó. Song, về mặt tâm linh, sự linh thiêng kỳ diệu ấy có lẽ chỉ tìm thấy được trên đỉnh cao Yên Tử.
Đây là ngôi chùa Đồng thứ tư được xây dựng trên đỉnh núi Yên Tử. Ngôi chùa Đồng đầu tiên được xây dựng từ thời Vua Cảnh Hưng (hậu Lê, năm 1780). Ngôi chùa Đồng đầu tiên này bị thiên nhiên làm hư hại, sau đó bị kẻ gian lấy cắp. Ngôi chùa thứ hai bằng bêtông cốt đồng được dựng năm 1930, do bà Bùi Thị Mỹ (chùa Long Hoa) thiết kế. Ngôi chùa thứ ba được dựng năm 1993 từ đóng góp hảo tâm của ông Nguyễn Sơn Nam (Việt kiều Mỹ). Nhà nghiên cứu Phật giáo Trần Ngọc Hằng (Giáo hội Phật giáo VN) đánh giá: “Chùa Đồng giá trị không chỉ ở chất liệu đồng. Đồng ở đây còn phải được hiểu là chữ “đồng” trong quan niệm người Việt – đồng lòng, đồng nhất, đồng chí, đồng tâm hiệp lực. Trong thời đại mới, chữ “đồng” với ý nghĩa “đại đoàn kết” vẫn luôn là bài học của cả dân tộc. Với ý nghĩa to lớn như vậy, chắc chắn ngôi chùa Đồng lần này sẽ trường tồn cùng dân tộc”.