Sau này tôi có đến thăm một số ngôi chùa ở nhiều vùng trên đất Bắc, và ở những nơi đó tôi đều có cảm nhận là cửa chùa luôn đóng quanh năm, cơ duyên để tiếp xúc với các nhà sư thật là khó khăn.
Trong thời gian sống ở phố Moutain, thành phố Sydney, Australia tôi luôn có cơ hội đến nhà thờ Tin Lành ngay đầu con phố mỗi sáng Chủ nhật. Ở nhà thờ Tin Lành tôi được nghe mục sư giảng đạo, được nghe hát Thánh ca, được nghe mọi người chia sẻ. Những bài giảng của mục sư rất sinh động và cuốn hút. Những lần cầu nguỵện cho một vài con chó của người nào đó bị thương, cho người thân của ai đang bị bệnh, hay cho linh hồn nào vừa qua đời,… đã gây cho tôi những ấn tượng đẹp đẽ.
Tôi rất thích những bữa tiệc trà đơn sơ do mục sư chủ động mời một nhóm người ở lại trao đổi tâm tình với ông trong khu vườn rộng và đẹp phía sau nhà thờ vào cuối những buổi sinh hoạt. Tôi đã mơ ước, phải chi đạo Phật cũng tổ chức cho Phật tử những buổi sinh hoạt như vậy; chắc chắn những cuộc tập họp ấy sẽ vô cùng bổ ích cho chúng tôi, những doanh nhân luôn chịu sức ép của công việc.
Cũng cuối năm 2003 tôi về Việt Nam và tiếp tục công việc của mình – phó giám đốc Trung tâm chuyên về Đề án và Chuyển giao Công nghệ của 1 tập đoàn FPT.
Tình cờ có người tặng tôi 1 đĩa pháp thoại mag nội dung là bài nói chuyện của 1 vị thiền sư diễn giảng tại chùa Đình Quán nhân dịp đầu năm mới. Bài nói chuyện thật hấp dẫn khiến tôi phải tìm ra địa chỉ và lần đến chùa. Tại đây tôi đã được một vị Ni sư tiếp chuyện, và tôi nhận ra rằng các vị Ni nơi đây không xa lạ, không khác biệt và không khó thân cận như hầu hết các vị Tăng, Ni ở phần lớn các ngôi chùa khác trên miền bắc mà tôi đã từng đến chiêm bái. Đấy chính là 1 duyên lành để đến nay tôi đã có được ngôi nhà thứ 2 của mình – chùa Đình Quán.
Sau lần tiếp xúc ấy, tôi đã trải qua tại đây 2 khóa tu, mỗi khóa 7 ngày do các sư thầy từ Làng Mai, Pháp và các thầy chùa Từ Hiếu, Huế hướng dẫn. Trong lúc tham dự khóa tu, ngay cả những hôm thật bận rộn, tôi cũng cố gắng sắp xếp để có mặt trong chùa ít nhất một nửa ngày.
Tiếp theo, trong 1 thời gian dài tôi đã dành tất cả những ngày Chủ Nhật của mình để đến chùa tu tập. Tại đây, tôi lại được gặp một người bạn lớn – ông Daisuke, phó đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, người đã dạy cho tôi một bài học vô cùng lớn lao và quý báu.
Hôm ấy, tôi hỏi ông, làm thế nào mà một người bận rộn như ông, với cương vị Phó Đại sứ của một nước phát triển lại có thể có thời gian vào chùa tu tập hàng tuần.
Chỉ vào tấm danh thiếp của tôi, ông ta hỏi có phải tôi làm phó giám đốc của một công ty lớn của Việt Nam hay không. Tôi xác nhận. Ông ta lại hỏi tôi có bận không. Tôi trả lời có.
Ông ta lại hỏi tiếp tôi có ăn cơm, uống nước mỗi ngày không. Tôi trả lời rằng dĩ nhiên là có. Ông ấy bảo ông ấy cũng vậy. Mỗi chủ nhật, ông ấy đến chùa để ăn. Việc tu tập mỗi chủ nhật của ông chính là việc ông nạp năng lượng. Giống như chiếc pin điện thoại hay máy tính. Cần phải nạp năng lượng. Việc tu tập mỗi Chủ nhật của ông chính là cách ăn tuyệt vời nhất. Sau này tìm hiểu ra tôi mới biết rằng ăn đâu chỉ có đoạn thực – ăn bằng miệng. Và chúng tôi – tôi và ông Daisuke trở thành đôi bạn thân thiết.
Chùa Đình Quán nấu đồ ăn chay rất ngon. Bạn bè của tôi – cả người Việt Nam lẫn người ngoại quốc – không ai là không khen các món ăn giản đơn mà vô cùng ngon miệng nơi này. Các món xôi, chè, đậu phộng rang,… ngon tuyệt. Tương ở đây thơm đến lạ thường. Tôi mê nhất là bánh chưng chay. Tết nào tôi cũng đặt mua cả 100 chiếc vừa để nhà dùng vừa làm quà cho người thân, bạn bè và đồng nghiệp.
Mỗi chủ nhật tôi vào chùa để thiền hành, để hát, để nghe pháp thoại, để ăn chay, để tự mình rửa chén, để thiền buông thư, để tọa thiền, để chia sẻ, và để yêu thương. Tôi mong mau đến chủ nhật để vào chùa. Ở đây tôi đã tìm thấy gia đình thứ 2 – gia đình tâm linh chứ không phải gia đình huyết thống của mình. Ở đây tôi đã tìm thấy ngôi nhà thứ 2 để yêu thương và nương tựa. Tôi đã có thêm nhiều nguời anh, người chị, người em. Tôi đã có được các thầy và các cô. Tôi đã biết quay về, nương tựa Tam bảo.
Chùa Đình Quán – ngôi nhà thứ 2 của tôi nằm ở thôn Đình Quán, xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội. Đây là 1 ngôi chùa cổ được xây dựng trên khu đất cao, hướng tây bắc. Nếu đi trên quốc lộ 32, ở cây số 12, nhìn lên chùa ta sẽ thấy và có cảm giác chùa xây trên 1 quả đồi thấp hình con rùa. Chùa trông uy nghi và lộng lẫy. Trong khuôn viên của chùa có rất nhiều bưởi Diễn (vì đây chính thực là vùng đất của bưởi Diễn nổi tiếng).
Chùa có tên cũ là ”Bà Bông Tự” sau đổi thành Phúc Quang Tự, xây theo kiểu chữ đinh. Chùa có quả chuông đồng lớn đúc từ năm Gia Long thứ 18 (1819). Chùa Đình Quán đã được trùng tu trong các niên hiệu vua Quang Hưng (1578-1599), Chính Hòa (1680-1705), Gia Long (1802-1819). Chùa có bài văn bia của trạng bùng Phùng Khắc Khoan (1527-1613).
Có 1 chi tiết rất quan trọng là vào tháng 3 năm 1983 cách chùa vài chục mét về phía bắc (có thể xưa là đất nội tự) người làng đào ao đã tìm thấy ngôi mộ cổ trong quan ngoài quách được phủ 1 lớp than dày 0,4m. Quách được làm bằng gỗ quý. Đồ tùy tùng chủ yếu là đồ trang sức. Theo tư liệu và hiểu biết của hơn chục ngôi mộ cùng loại, các nhà khoa học cho rằng ngôi mộ trên có niên đại từ thời Trần (thế kỷ 13-14).
Người ta đoán rằng có 1 công chúa con vua Trần đã xây ngôi chùa này và tu ở đó đến khi mất. Đến thời Lê sơ (thế kỷ 15) có 1 bà vãi quê làn Bông Cời, huyện Thanh Oai, Hà Tây (nay là Hà Nội) lên ở chùa, bỏ tiền ra tu sửa, mua 3 mẫu ruộng hậu vào chùa rồi ở chùa đến khi mất.
Người dân địa phương nhớ ơn bà đã đổi thành chùa Bà Bông, tạc tượng bà và thờ phụng ở phía bắc trong tam bảo.
Cuối thế kỷ 16 chùa lại được trùng tu, khởi công năm 1588 và khánh thành năm 1592. Đến thời vua Gia Long (1819) đúc quả chông còn lại đến nay và ghi là chùa Bà Bông.
Tự nhận mình là phật tử (mặc dù chưa quy y) tôi thấy mình đã có duyên lành để tìm ra cho mình ngôi chùa thân yêu. Tôi quyết định viết ra những dòng chữ này sau buổi chiều vào lễ Phật và thả hồn nơi ngôi nhà thứ 2 của mình. Tôi cũng đã vào chùa Đình Quán để ăn, để nạp năng lượng cho 1 tuần làm việc tới, bắt đầu từ ngày mai.
Tôi cũng không quên bài minh trong chùa đã viết rằng:
“Chùa tại Phú Diễn
Bảng yết Bà Bông
Lòng thành các vãi
Xuất của góp công
Hoàn thành chùa quý
Sừng sững bia cao
Muôn đời còn mãi
Vạn phúc quay về”
Nguyễn Mạnh Hùng
Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty sách Thái Hà