Ngôi chùa này đã ghi dấu ấn trong sử sách là nơi bà Phạm Thị – thân mẫu của vua Lý Công Uẩn – đã cư ngụ và nghe giảng đạo trong một thời gian dài, cũng là nơi các vị vua nhà Lý thường đến bái yết Thánh mẫu…
Nhiều cuộc khảo sát nghiên cứu, nhiều cuộc bàn tròn của các nhà khoa học đã mở ra vì lịch sử, sự hình thành và dấu ấn của triều đại nhà Lý ở chùa Diên Phúc, nhất là khi Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long đang đến gần.
Bởi chùa Diên Phúc là một ngôi chùa cổ được xây dựng từ thời Lý, là nơi thờ Phật và cũng là nơi thờ bà Phạm Thị – mẹ vua Lý Công Uẩn. Chùa là một công trình nghệ thuật mang đậm phong cách thời Lý.
Hiện ngôi chùa còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý như chuông, tượng Quan Âm, tượng Đức Thánh Trần và hơn 2.000 bộ kinh khác nhau…
Trong suốt quá trình tồn tại gần 1000 năm, ngôi chùa đã bị xuống cấp nghiêm trọng, ngoài bị thiên nhiên phá huỷ, ngôi chùa còn bị chiến tranh tàn phá.
Năm 1992, khi Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia, dân làng Thái Bình đã vận động và quyên góp kinh phí di chuyển chùa và đình Thái Đường từ bên ngoài đê chuyển vào vị trí hiện nay.
Sư thầy Thích Minh Thịnh, Trưởng ban đại diện Phật giáo huyện Đông Anh, trụ trì chùa Diên Phúc, đã nói: “Đây là một ngôi chùa cổ, sự ra đời của ngôi chùa gắn liền với sự phát triển của vương triều nhà Lý, một trong những triều đại mà Phật giáo phát triển rất hưng thịnh, Phật giáo đã trở thành Quốc Giáo.
Trong chùa còn lưu giữ nhiều văn bia rất có giá trị liên quan đến nơi phát tích của dòng họ Lý, điều này một lần nữa khẳng định giá trị lịch sử của chùa Diên Phúc”.
Trong cuộc toạ đàm “Những phát hiện khảo cổ học ở Đông Anh và những vấn đề về quê hương nhà Lý” cách đây không lâu, GS – TS Nguyễn Quang Ngọc, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển đã đưa ra ba dẫn chứng quan trọng chứng tỏ chùa Diên Phúc gắn liền với sự phát triển của Vương triều nhà Lý qua 8 đời vua trị vì – một vấn đề được rất nhiều các học giả, các nhà nghiên cứu sử học quan tâm: Nội dung khắc trên tấm bia đá “Lý Gia Linh Thạch” ở chùa Tiêu Sơn (Từ Sơn, Bắc Ninh) ghi: “Bấy giờ có Phạm Mẫu người Hoa Lâm, Đông Ngàn hay qua vãn cảnh chùa”; Câu đối ở hậu cung đình Thái Đường, nay là thôn Thai Bình, xã Mai Lâm, Đông Anh, Hà Nội ghi rõ: “Lý Triều Quốc Mẫu cố hương tại”; Trong “Việt sử thông giám cương mục” đã giải thích rõ ràng: “Thái Đường: Tên thuộc huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh chỗ này là hành cung nhà Lý trước”. Chùa Diên Phúc là một trong những di tích lịch sử giá trị của vùng Hoa Lâm – Thái Đường, nơi phát tích vương triều nhà Lý, một vương triều rất thịnh trị trải qua hơn 125 năm với 8 vị vua anh minh.
Để gìn giữ và phát huy giá trị của di tích, nhà chùa cùng nhân dân và các phật tử gần xa đã đóng góp rất nhiều công sức, vật chất, tiền bạc để khôi phục và xây dựng lại ngôi chùa khang trang như ngày hôm nay xứng đáng là một địa danh lịch sử của Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn vật.
Ngày 10/4 vừa qua, nhà chùa đã làm lễ đúc tượng đồng Quan Thế Âm thiên thủ thiên nhãn, cao 3,2m, nặng hơn 4 tấn và chuông chùa cao 2,53m, nặng 2 tấn.
Kinh phí đúc chuông và tượng là hơn 14 tỷ đồng, từ nguồn xã hội hóa.
Đây cũng là một hoạt động hướng đến Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.