Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Chùa Dạm chìm trong quên lãng

Chùa Dạm chìm trong quên lãng

54

Chùa Dạm nằm trên dãy núi Dạm, còn gọi núi Đại Lãm, thuộc xã Nam Sơn, huyện Quế Võ, Bắc Ninh. Chùa xưa tháp cũ giờ không còn nữa nhưng quy mô nền móng, cột đá chạm rồng, gạch, ngói, đá kè, chân cột… cũng đã khẳng định chùa Dạm là trung tâm Phật giáo, đại danh lam thời Lý.


Theo Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam nhất thống chí, Lịch triều hiến chương loại chí có: Năm Quảng Hựu thứ 1 (1085) Thái hậu Ỷ Lan đi chơi, thấy nơi đây có núi sông cảnh đẹp và có ý muốn xây dựng tháp ở đó. Đến năm Quảng Hựu thứ 2 (1086), vua Lý Nhân Tông cho xây dựng chùa trên núi Đại Lãm.


Chùa được triều đình nhà Lý cho xây dựng với quy mô 8.000m2 trong suốt 8 năm liền. Năm 1087, vua đến thăm chùa, thiết yến bầy tôi, thân làm bài thơ Lãm Sơn dạ yến.


Năm 1094, chùa làm xong, vua đến thăm và ban tên chữ cho chùa và đến năm 1105 cho xây dựng 3 cây tháp đá ở chùa Đại Lãm. Việc xây dựng có quy mô đồ sộ biểu hiện lòng tự tin đối với cơ đồ độc lập của Nhà nước, mặt khác thể hiện sự đề cao Phật giáo và nhà vua. 


Ngôi chùa xưa có quy mô kiến trúc to lớn, với 4 lớp nền giật cấp bám lấy độ cao của núi Dạm. Các lớp nền đều được kè đá tảng lớn để chống xói lở. Các vách đá của các lớp nền cao từ 5-6m, mỗi viên đá rộng 0,50-0,60m. Nối các tầng nền với nhau là các bậc thềm lát đá.


Trên các tầng nền có gạch ngói thời Lý hoa văn hình rồng, phượng, sen dây, cúc dây; những chân cột bằng đá (0,75m x 0,75m) chạm nổi những cánh sen rất nghệ thuật.


Tại tầng nền thứ hai từ dưới lên (khoảng giữa cửa chùa) có 2 khối đất hình nấm nằm đối diện nhau, đều được kè đá chạm văn hình sóng nước nhô cao (thủy ba). Và khi chùa hoàn thành, huyền tích kể rằng chùa trăm gian cần phải có tới bảy gia đình dưới chân núi chuyên việc đóng mở cửa chùa hàng ngày mà vẫn không xong.


Chùa xưa là vậy, còn chùa nay sao hoang vắng, tiêu điều. Vẫn còn đó các lớp nền kè đá tảng. Vẫn còn đó vô số những mảnh gạch ngói hình rồng, phượng, sen, cúc, những chân cột bằng đá nằm chen với cỏ dại. Vẫn còn đó vài tấm bia đá lớn bị sứt vỡ chạm khắc tinh tế hình tứ linh: Long, Ly, Quy, Phụng. Vẫn còn đó sừng sững trên nền trời xanh cột đá khổng lồ, cao tới 5m.


Cột đá chạm rồng này gồm 2 phần: phần dưới là khối hình hộp, (cạnh 1,40m x 1,60m); phần trên là khối hình trụ có tiết diện tròn (đường kính 1,30m) được chạm nổi đôi rồng lớn quấn quanh cột, đầu rồng ngẩng cao, miệng ngậm ngọc, chầu vào hình mặt trời tỏa sáng. Đầu rồng có mào, bờm, tóc bay bốc lên cao như ngọn lửa. Thân rồng to, mập uốn khúc quanh cột. Hai chân phía trước của rồng có móng sắc, nhọn, giơ cao nâng viên ngọc dưới cằm.


Có thể nói toàn bộ tác phẩm điêu khắc cột đá chạm rồng chùa Dạm thể hiện sức mạnh tổng hợp của vương quyền và thần quyền nhà Lý-triều đại đầu tiên đặt nền móng cho kỷ nguyên dân tộc tự chủ và hưng thịnh về mọi mặt. Hình tượng cột tròn đặt trên bệ nổi hình sóng nước còn là Linga và Yoni, hai sinh thực khí biểu tượng phồn thực trong phật giáo ấn Độ.


Đây chính là minh chứng cho sự giao thoa văn hóa giữa văn hóa Chămpa và Đại Việt xưa. Và đây có lẽ cũng là ngôi chùa duy nhất ở miền Bắc có biểu tượng này. 


Vẫn còn đó ngòi Con Tên mà tương truyền đã được đào nối liền núi Đại Lãm với sông Đuống để vận chuyển vật liệu xây dựng chùa Dạm. Ngòi Con Tên giờ vẫn còn tuy không thông với sông nữa nhưng vẫn tạo thế núi, thế sông tuyệt mỹ cho ngôi chùa. 


Nhưng thời gian không đợi ai cả. Đại danh tự một thời nay đã là phế tích. Một ngôi chùa nhỏ bé, liêu xiêu được người dân dựng trên nền đổ nát. Một người vãi già mang gạo của nhà tới ở trong căn lán dựng tại vườn trước để trông nom chùa.


Bà Quyến tâm sự: “Tôi vừa rẫy hết đám cỏ dại trùm hết ba nền và tường đá. Còn rất nhiều việc phải làm để cảnh quan chùa gọn gàng hơn. Tôi mong có ngày, những người hảo tâm sẽ công đức dựng lại chùa, dù chẳng được như xưa thì cũng khang trang hơn nay”. 


Mỗi tháng bà Quyến nhận được khoảng 150.000 đồng tiền công chăm nom chùa. Số tiền chỉ đủ cho bà rau dưa hàng ngày, còn hàng tháng con bà vẫn phải mang gạo lên tiếp tế.


Nhưng tôi vẫn nhận thấy rõ niềm tin, niềm vui và lạc quan trong ánh mắt của người vãi già, trong công việc nhổ cỏ, quét dọn của bà mỗi ngày, dù dường như cỏ dại mọc quá nhanh so với sức vóc nhỏ yếu của bà. “Tôi tin lắm. Đã có nhiều vị sư về đây hứa sẽ trở lại dựng chùa. Tôi tin các vị ấy sẽ làm được điều đó”.