Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Chùa cổ Thiên Ấn

Chùa cổ Thiên Ấn

96

Nói đến Hà Nội, không thể không nói đến Khuê Văn các, chùa Trấn Quốc, hồ Gươm, hồ Tây. Nói đến xứ Huế ta không thể bỏ qua sông Hương núi Ngự, các thành quách lăng tẩm. Nói đến Quảng Nam lại không thể quên di tích Mỹ Sơn, phố cổ Hội An…

Còn nói đến Quảng Ngãi là nhắc đến núi Ấn – sông Trà, Ba Tơ, Ba Gia, Vạn Tượng…Đặc biệt, núi Thiên Ấn – sông Trà từ lâu được xem là biểu tượng của Quảng Ngãi và có sức thu hút mạnh mẽ đối với khách phương xa đến tìm xem và thưởng ngoạn.




Ngôi chính điện của chùa Thiên Ấn.


Chùa Thiên Ấn nằm ở tả ngạn sông Trà Khúc, cách TP Quảng Ngãi 3,5km về hướng đông, thuộc thị trấn Sơn Tịnh, thường được người xưa xem là “đệ nhất thắng cảnh” của tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa Thiên Ấn được khởi công xây dựng vào năm 1694 và hoàn thành vào cuối năm 1695 (năm Chính Hòa thứ 15, đời chúa Nguyễn Phúc Chu ở Đàng Trong). Tổ khai sinh chùa là thiền sư Pháp Hóa (1670 – 1754), tục danh Lê Diệt, hiệu Minh Hải Phật Bảo, gốc người tỉnh Phúc Kiến, Trung Hoa, thuộc dòng thiền Lâm Tế.

Lúc đầu chùa chỉ là một thảo am tĩnh mịch, sau đó được dần trùng tu mở rộng thu hút được nhiều tăng ni phật tử và trở nên nổi tiếng.




Khu vườn Thượng uyển mới xây trong khuôn viên chùa.





Năm Vĩnh Thịnh thứ 11 (1717, đời vua Lê Dụ Tông), chúa Nguyễn Phúc Chu đã ban cho nhà chùa biển ngạch Sắc Tứ Thiên Ấn Tự. Tấm biển này sau đó bị hư hại và được thiền sư Hoàng Phúc tái tạo vào năm 1946. Từ khi khai lập đến nay, chùa đã có 15 đời sư trụ trì, trong đó có 6 vị được suy tôn là sư tổ, gọi chung là lục tổ.

Chùa cũng đã trải qua 5 lần trùng tu, vào các năm 1717, 1827, 1910, 1918, 1959. So với các ngôi chùa cổ trong Nam ngoài Bắc, kể cả chùa Ông Thu Xà, chùa Thiên Ấn không nổi bật lắm về kiến trúc nội thất, trừ nhà phương trượng được xây dựng theo kiến trúc nhà rường, vốn là bộ khung mua lại của đình làng Phú Nhơn. Bù lại, chùa được xây dựng ở một vị trí có một không hai, đó là đỉnh đồi Thiên Ấn – một thế đất thiêng trong tâm tưởng của người dân Quảng Ngãi.

Không những đông đảo tăng ni phật tử tôn xưng ngôi vị tổ đình, mà đối với người dân, ngôi chùa này có một sự gắn bó bền chặt trong tâm linh, tình cảm, thể hiện qua các giai thoại như giếng Phật, chuông Thần và nhiều câu ca dao sâu nặng nghĩa tình được truyền miệng từ đời này qua đời khác.




Chuông Thần trong chùa.




Giếng Phật.


Tại chùa Thiên Ấn có khu viên mộ, nơi an táng của các vị sư tổ và các thiền sư trụ trì, nằm tiếp phía đông Thiên Ấn tự, với những ngôi bửu tháp được xây dựng nhiều tầng theo số lẻ (3,5,7,9) và tượng hình hoa sen. Chính những khu viên mộ này là nơi gìn giữ bảo thân của 6 vị thiền sư nổi tiếng đã có công mở rộng, gìn giữ ngôi chùa cũng như mang giáo lý từ bi, hỷ xả các Đức Phật đến với đông đảo tín đồ trong tỉnh.




Bên trong tháp là nơi chôn giữ di hài.




Ngôi tháp mới xây của chùa Thiên Ấn.


Cách ngôi chùa không xa, chếch về hướng tây nam là mộ nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng với tấm bia mộ màu trắng, cao thanh thoát, có thể nhìn thấy từ phía xa xa. Kết hợp hài hòa kiến trúc hiện đại và truyền thống lăng mộ Đông phương, ngôi mộ vừa có đường nét đơn giản, vừa có được sự trang trọng nghiêm kính, gắn bó hữu cơ với tổng thể cảnh quan Thiên Ấn.

Trong những dịp lễ lớn, số người đến viếng Thiên Ấn và mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng lên đến hàng vạn, trong đó có không ít người phương xa về. họ có thể là tín đồ phật giáo về đây lễ Phật và cầu nguyện, cũng có thể là người không theo đạo nhưng yêu mến cảnh chùa muốn đến đây để chiêm ngưỡng một thắng cảnh hàng đầu của tỉnh Quảng Ngãi, dành một khoảng thời gian để lòng mình tĩnh lặng, để tẩy rửa tâm hồn, suy ngẫm nhiều điều về cuộc đời và vũ trụ.




Bia mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng.


Chùa Thiên Ấn và mộ cụ Huỳnh đã được Bộ Văn hóa Thông tin cấp bằng công nhận Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia vào ngày 2/3/1990.

Con đường đi lên chùa, men theo sườn núi từ phía nam theo hình xoắn ốc chiều kim đồng hồ, lòng đường rộng, độ dốc không lớn, có thể dùng xe các loại lên xuống một cách thuận tiện. Ngoài ra, còn có con đường tắt, kè đá thành những bậc cấp, dùng cho người đi bộ.



Đứng trên đỉnh núi Thiên Ấn, du khách nhìn xuống bao quát một vùng không gian rộng lớn với những ruộng đồng, đồi núi, làng mạc, sông nước, hợp thành một bức tranh phong cảnh hữu tình.




Toàn cảnh thành phố Quảng Ngãi
nhìn từ nơi đặt mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng.