Trang chủ PGVN Cửa thiền Chùa Bửu Lâm với Bà mẹ Việt Nam anh hùng

Chùa Bửu Lâm với Bà mẹ Việt Nam anh hùng

117

Chùa do ông Đào Tiến Phát và thân phụ thiết lập năm 1903, trước đó ông tham gia tổ chức Thiên Địa Hội hoạt động chống Pháp tại Cái Bè, Tiền Giang, sau bị nội tuyến nên vị thủ lĩnh bị bắt, các hội viên bị truy lùng ráo riết nên ông cùng gia đình xuôi về lánh nạn tại Bạc Liêu và cất am tu hành chờ ngày khôi phục. Đến năm 1909, chùa được xây dựng lại có tên là chùa Bửu Lâm giữa rừng nước mênh mông trên trục giao thông thủy lộ tiếp giáp ba tỉnh Bạc Liêu, Cần Thơ, Kiên Giang. Ghe xuồng qua lại dưới tàng cây đước réo rắt tiếng đàn, hỏi ra mới hay có một nhà sư đang dạy lễ nhạc cổ truyền cho môn đệ, họ dừng chân bước vội lên chùa nhấp ngụm trà nóng và đặt tên là chùa Thầy Kéo bởi thầy tấn Phát mà kéo đàn cò thì khoan nhặt tuyệt vời! Cũng tại nơi đó một thời quy tụ nhiều nghệ sĩ là các nhà sư Phật giáo và nổi danh một thuở với những lễ hội mang đậm nét văn hóa của khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cũng đã có nhiều đóng góp cho nền lễ nhạc Phật giáo ở Nam Bộ.


 


Đến năm 1940, phụ thân thầy Tấn Phát qua đời; nghe con cháu kể lại ông với y hậu chỉnh tề cung kính bước lên Đại hùng bửu điện phổ lễ Tam bảo xong ngồi kiết già mà thâu thần tịch diệt; năm 1944 đến lượt thầy Tấn Phát viên tịch, các con và số đệ tử tiếp tiếp chăm nom công việc nhà chùa. Và rồi đến ngày toàn quốc kháng chiến, chùa Bửu Lâm trở thành đại bản doanh của Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phước Long, nuôi chứa bộ đội Vũ Đức, tiểu đoàn 124 và chùa đã bị tàn phá vào năm 1946 trong một trận càn. Năm 1955, chùa Bửu Lâm được khôi phục và cũng lại trở thành căn cứ địa cách mạng được dùng làm tiền trạm của Khu ủy khu 9 Tây Nam Bộ và cũng là nơi hội họp của Tỉnh ủy Bạc Liêu, Công an huyện Hồng Dân đóng tại đây và có cả Đảng ủy xã Ninh Thạnh Lợi; thời gian này có các cụ Sơn Vong, Maltha Thông, Huỳnh Cương về công tác và ở tại chùa; nơi đây còn in dấu chân của các cụ Lê Duẩn, cụ Vũ, các ông Năm Cừ, Sáu Dân… Trong vùng cơ sở cách mạng, địch cứ càn quét, chùa cứ bị phá hủy rồi dựng lại để làm chỗ dựa cho lực lượng giải phóng; tiếng chuông mõ hòa lẫn tiếng bom rơi, lời kinh hòa nhập vào nỗi đau của chiến sĩ đồng bào trong những tổn thất bởi hai cuộc chiến. Theo bước chân của những người anh hùng, bảy người con của thầy lần lượt tham gia cách mạng, người lãnh nhiệm vụ trên chiến tuyến, người ở lại chùa hoạt động hợp pháp trong lớp áo nâu sồng, trong bảy người thì đã có sáu là đảng viên và đặc biệt có hai người mẹ…


 


Mẹ Đòa Kim Huê tham gia trong thời kỳ kháng Pháp, năm 60 là tổ trưởng Phụ nữ Giải phóng, năm 69 bị lực lượng nhảy dù bắt, cuối năm 70 ra tù và tiếp tục hoạt động, người phụ nữ đảng viên ấy lại cống hiến cho sự nghiệp chiến đấu bảo vệ độc lập dân tộc với năm đứa con hy sinh trên chiến trường Nam Bộ và đã được Chủ tịch CHXHCNVN phong tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.


 


Còn mẹ Đào Kim Hoa là con gái thứ bảy của thầy Tấn Phát tham gia cách mạng từ năm 45, là Ủy viên Ban Chấp hành Phụ nữ huyện Hồng Dân, được kết nạp vào Đảng CSVN năm 61, quá trình đấu tranh đã nhiều lần vào tù ra khám. Chuyện kể lại trong lúc vận động thanh niên ra chiến trường, bà nhận được hung tin con là Đồng Thu Thảo, trung úy chính trị viên phó tiểu đòan Dương Tử hy sinh trong trận đánh vào khu quân sự Hồ Nước Ngọt tại Gia Hòa; chân bước thấp cao, kéo vạt áo lau vội dòng nước mắt, nén đau thương mà tiếp tục kêu gọi thanh niên lên đường bảo vệ Tổ quốc. Mẹ có 5 người con thì hết 3 là liệt sĩ, gia đình vợ chồng con cái đều tham gia cách mạng và mẹ cũng được phong tặng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.


 


Khi đất nước thống nhất, họ từ nhiều nẻo đường lưu lạc đổ về nưi chôn nhau cắt rốn, thăm lại chùa xưa giờ chỉ còn là nền cũ hoang phế. Bên mái lá xác xơ, họ ngồi lại điểm danh xem ai là kẻ còn người mất, trong pháp quyến chùa Bửu Lâm thì hai bà Kim Hoa và Kim huê hãy còn sống với 8 Bằng Tổ quốc ghi công, trong tộc họ với hàng chục thương binh. Họ lại bàn đến việc tu hành và ước muốn dựng lại chùa xưa nhưng mãi đến năm 1999 chùa Bửu Lâm mới được tái lập bằng vật liệu đơn sơ, đến năm 2003 thì được THPH Bạc Liêu công nhận tự viện thuộc GHPGVN. Chùa chưa có trụ trì, hiện do Ban hộ tự quản lý, Phật tử Đào Công Khanh được tộc họ giao nhiệm vụ chăm sóc chùa. Ngày 11-6-2005, đoàn của Thường trực BTS THPG Bạc Liêu sau khi làm việc với UBND và UBMTTQ xã Ninh Thạnh Lợi đã đến thăm chùa Bửu Lâm. Tiếp đoàn có các Phật tử Đào Công Thinh và Đào Công Khanh; cũng trong buổi gặp gỡ này các ông đã giao 4.140m2 đất cho chùa và hứa hẹn tương lai phát triển tự viện nếu cần các ông sẽ tiếp tục giao thêm đất, trong tộc họ và đồng bào Phật tử địa phương chỉ mong ngôi chùa Bửu Lâm sớm có trụ trì và có kế hoạch xây dựng lại cho xứng đáng với các giá trị lịch sử mà Bửu Lâm đã cống hiến qua hai cuộc chiến để đồng bào Phật tử địa phương có nơi lễ bãi và học Phật tu thân. Họ cũng muốn bảo tồn và phát huy mạch sống của dân tộc mà ở đó Phật giáo đã song hành với những người yêu nước chân chính và hôm nay, dưới ngọn cờ đại đoàn kết dân tôộ họ đang chung sức chung lòng để xây dựng một quê hương Bạc Liêu giàu đẹp…