Bài viết “Vụ chùa Bồ Đề: Đưa chùa chiền lên truyền thông phê đấu” của tôi có một số phản hồi. Trong đó, có ý kiến nói bài viết khó hiểu, có ý kiến nêu câu hỏi người Phật giáo chân chất thì nên làm thế nào.
Trong khi đó, một vị tu sĩ, qua cũng một bài phỏng vấn, lại đưa ý kiến khác. Theo tựa đề và kết luận, thì qua vụ chùa Bồ Đề, “người khéo bắt chuột sẽ không làm vỡ các chén kiểu quý giá trong nhà”. Sự tổn thương của chùa Bồ Đề và cả Phật giáo Việt Nam như vậy chỉ là hậu quả phái sinh của một hành động có mục tiêu tốt (diệt chuột). Nói làm vỡ chén khi diệt chuột là nói hệ quả ngoài ý muốn, ngoài mục đích. Đây là một cách nhìn hoàn toàn khác với cách nhìn của chúng tôi.
Điều khác biệt cơ bản nằm ở chỗ: Trong khi chúng tôi coi vụ chùa Bồ Đề là một mưu toan cố ý, nằm trong chuỗi các sự kiện bôi bẩn Phật giáo Việt Nam đã diễn ra, theo cách nói “bắt chuột vỡ chén” thì đây không phải là một vụ bắt chuột, mà một vụ cố ý đập chén. Xin nhấn mạnh: đập thẳng vào chén, đập vỡ chén. Còn “bắt chuột” chỉ là một cái cớ, một lời hô hoán, một trò đóng giả để lừa bịp, nghi trang.
Còn ở ý kiến khác biệt, thì chén bị vỡ chỉ do là bắt chuột không “khéo”. Vì vậy, ý kiến này lưu tâm người làm công tác truyền thông “khéo bắt chuột sẽ không làm vỡ các chén kiểu quý giá”.
Vấn đề cần bàn luận ở đây rất rõ:
– “Bắt chuột”, không khéo làm vỡ chén.
– Hay đập thẳng vào chén, cho vỡ nát chén, rồi la lên giả vờ rằng chỉ “bắt chuột”.
Bàn luận về vấn đề này là trả lời câu hỏi của bạn đọc người Phật giáo chân chất, hiền lành thì nên làm gì.
Nhìn vụ chùa Bồ Đề chỉ là một vụ “bắt chuột vỡ chén” thì quả là tôi lo cho chư ni chùa Bồ Đề, tôi lo cho Phật giáo Việt Nam. Mọi việc chỉ đơn giản là một vụ có mục tiêu tốt: “bắt chuột” duy chỉ vì làm không “khéo” nên mới gây tổn hại cho chùa Bồ Đề, cho Phật giáo Việt Nam như vậy. Người làm cái việc “bắt chuột” đó hóa ra chỉ đáng trách ở chỗ “không khéo”, còn “vỡ chén” là hậu quả không mong muốn. “Vỡ chén”, người đâp chỉ chịu trách nhiệm nhẹ nhàng, đơn giản, hậu quả gì đó thì chỉ vì “không khéo”, ngoài ý muốn, vậy thôi! Nói tôi cho chư ni chùa Bồ Đề, cho Phật giáo Việt Nam là vì vậy.
Quan điểm chỉ “bắt chuột” không “khéo” nên “vỡ chén” là lời bào chữa cho việc làm “vỡ đồ” một cách khéo léo. Quan điểm đó không yêu cầu chấm dứt triệt để, chấm dứt tuyện đối việc làm có hại cho Phật giáo Việt Nam, mà chỉ yêu cầu “khéo” mà thôi.
Người Phật giáo chúng ta liệu có thể chia sẻ với một quan điểm như vậy?
Người đưa ra quan điểm chỉ là “bắt chuột” không “khéo nên “vỡ chén” đó có dẫn một số bài báo, nhưng không lưu ý đến văn phong hung hãn, dữ tợn, nanh ác của một tờ báo, cũng không lưu ý việc tổ chức kiểu phê đấu Phật giáo, kích động “đánh hội đồng” trên một số trang mạng.
Người đưa ra quan điểm “bắt chuột” không “khéo” mới “vỡ chén” có phải quá hiền lành, ngây thơ, đến ngu ngơ, ngờ nghệch, gián tiếp bào chữa cho những người đã làm tổn hại đến chùa Bồ Đề, đến Phật giáo Việt Nam không?
Coi vụ chùa Bồ Đề chỉ như một vụ “bắt chuột” không “khéo” làm “vỡ chén” là hoàn toàn không thấy được mưu toan có hệ thống của một số người muốn dùng truyền thông để triệt phá Phật giáo, là việc nối tiếp của những vụ việc như “nhà sư giựt hàng chục ngàn đô”, “nhà sư bị cảnh sát còng tay” (ở hải ngoại), “nhà sư tạc tượng mình”, “nhà sư ở biệt thự”, coi việc tụng niệm của Phật giáo là hành vi mất trật tự, vô văn hóa… trên truyền thông hải ngoại và trong nước.
Coi vụ chùa Bồ Đề chỉ như một vụ “bắt chuột” không “khéo” làm “vỡ chén” là đưa Phật giáo Việt Nam vào tình trạng nguy hiểm, dễ dàng gánh chịu hậu quả của những vụ tập kích truyền thông tương tự, vì không hiểu được thực chất chuyện gì đã xảy ra. Nếu ai đó lại đưa chùa chiên lên phê đấu gây tổn thương cho Phật giáo, thì ê, “xí”, chỉ là “bắt chuột” không “khéo” mà thôi.
Coi vụ chùa Bồ Đề chỉ là việc “bắt chuột” không “khéo” làm “vỡ chén” là trúng kế của những kẻ vừa đập “vỡ chén” vừa la làng “bắt chuột”. Những người đập chén, những kẻ muốn làm lung lay niềm tin của người Phật tử vào tăng bảo, những kẻ muốn ngụy tạo trên truyền thông hình ảnh một đạo Phật Việt Nam suy thoái, hủ hóa, nhằm mục tiêu cải đạo tín đồ Phật giáo chỉ muốn như thế. Họ nấp dưới vỏ bọc “bắt chuột” và nay lại được có người từ chính Phật giáo xác nhận như thế “bắt chuột” là việc tốt mà, “vỡ chén” đâu phải là ý của họ.
Coi vụ chùa Bồ Đề chỉ là vụ “bắt chuột” không “khéo” làm “vỡ chén” là mở đường cho những vụ tương tự tái diễn. Vì đó chỉ là “bắt chuột” thôi, đâu phải cố ý làm hại ai đâu, có phải chịu trách nhiệm gì đâu! Những người muốn làm tổn thương Phật giáo chỉ cần một vỏ bọc “bắt chuột” như vậy để lại “bắt chuột” nữa khi họ tìm ra chỗ sơ hở của Phật giáo, lôi Phật giáo lên truyền thông.
Coi vụ chùa Bồ Đề chỉ là vụ “bắt chuột” không “khéo” làm “vỡ chén” là đưa ra một cách lý giải bản chất vụ việc có hại cho chùa Bồ Đề và cho Phật giáo Việt Nam. Khi đó, chùa Bồ Đề và Phật giáo Việt Nam chỉ là những cái chén bị vỡ bên lề của một vụ “bắt chuột”, không phải là đối tượng mưu hại của những con sâu trong giới truyền thông.
Coi vụ chùa Bồ Đề chỉ là vụ “bắt chuột” không “khéo” làm “vỡ chén” là nhìn nhận sai tầm quan trọng của không gian truyền thông, môi trường sẽ diễn ra những vấn đề tôn giáo phức tạp. Không như dưới thời Pháp, Mỹ, thời mà người ta bắt cải đạo bằng cách phá dỡ chùa chiền, dùng vũ khí hay tù tội bắt ép người Phật tử cải đạo.
Bây giờ, người ta dùng truyền thông, tổ chức phê đấu chùa chiền khi có cơ hội, dập tắt những điểm sáng từ thiện Phật giáo, bôi nhọ những con người biểu tượng cho lòng từ bi Phật giáo, gây hoang mang, ngờ vực cho Phật tử đối với hoạt động từ thiện nhân đạo của Phật giáo, cô lập, tiến tới từng bước triệt tiêu hoạt động từ thiện nhân đạo Phật giáo. Truyền thông, như thế, vừa là môi trường, vừa là công cụ cho việc làm như trên. Sao gọi đây chỉ là “bắt chuột”?
Chùa Bồ Đề, hình ảnh Phật giáo Việt Nam trong mắt công chúng truyền thông không phải là những cái chén, mà “bắt chuột” không “khéo” làm “vỡ chén” thì thôi, hốt bỏ là xong.
Đưa vụ chùa Bồ Đề và hình ảnh Phật giáo Việt Nam vào sự so sánh như vậy là đánh giá hoàn toàn sai lạc tầm mức sự việc. Những mãnh vỡ hình ảnh chùa Bồ Đề, hình ảnh Phật giáo Việt Nam, trong đó đáng kể nhất là hình ảnh người tu sĩ và hoạt động từ thiện xã hội, dứt khoát không phải chỉ là miểng chén của một vụ “bắt chuột” không “khéo”. Tác hại của vụ chùa Bồ Đề cần được đánh giá đúng mức, đúng thực chất, lấy làm bài học kinh nghiệm xương máu đau xót cho cả tu sĩ tín đồ Phật giáo Việt Nam.
Nguy cơ đối với chùa Bồ Đề nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung không phải là nguy cơ những cái chén có thể bị vỡ do vụ “bắt chuột” không “khéo”, mà chính là mục tiêu nhắm tới để đập vỡ, của trước hết từ truyền thông hải ngoại chịu sự chi phối của những thế lực cải đạo, và từ một bộ phận của truyền thông trong nước, nhất là các trang mạng bên lề, nơi trà trộn của những người luôn nhìn Phật giáo Việt Nam với con mắt đỏ cách đố kỵ, thù hằn, căm ghét.
Chúng ta hãy một lần nữa đọc lại những tin, bài và nội dung thảo luận phản hồi trên truyền thông quanh vụ chùa Bồ Đề, phân biệt giữa một bên lời lẽ dè dặt, cẩn trọng, trách nhiệm, khách quan, tôn trọng Phật giáo với một bên lời lẽ hung hãn, thô bạo, chủ quan, cay độc, đanh ác, tàn nhẫn với Phật giáo, cứ như là phải bắt giữ lấy ni sư thì họ mới vừa lòng hả dạ!
Cứ đọc kỹ văn của họ thì sẽ biết tâm của họ, hiểu họ muốn gì, từ đó lý giải những gì đã xảy ra. Cái giọng văn nằng nặc muốn làm tình, làm tội nhà tu hành, điển hình trong công tác từ thiện xã hội Phật giáo, dứt khoát không phải là tâm của những người chỉ “bắt chuột”.
Bài viết này là cậu trả lời đối với câu hỏi người Phật giáo chân chất phải làm gì. Đó là phải nhìn thật chính xác chân thực, toàn diện trong mối quan hệ nhân duyên, trong tiến trình vận động những gì đã diễn ra, đánh giá đúng bản chất của nó để có sự đề phòng và phản ứng thích hợp, hiệu quả. Tuyệt đối, không thể lầm lẫn kẻ chủ tâm đập phá với người “bắt chuột”, không chấp nhận Phật giáo Việt Nam, một ngôi chùa nào hay một vị tăng ni nào là mảnh chén vỡ của một vụ “bắt chuột” mà thôi.
MT
Thông tin, thảo luận, phản hồi riêng và các bài tranh luận đặc biệt: [email protected], vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh.