Từ trung tâm bưu điện Bờ Hồ, theo đường Tràng Thi, tới cửa Nam đi thẳng đường Điện Biên Phủ đến phố Lê Hồng Phong, xuôi về phố Ông Ích Khiêm nối với phố Đội Cấn đi tiếp qua ngã ba Đội Cấn – Giang Văn Minh khoảng 400m ta thấy bên phải đường có một ngôi chùa rêu phong cổ kính, trước cổng tam quan cỏ mọc um tùm xanh biếc.
Đó là chùa Bát Tháp nằm tại số 209 phố Đội Cấn, thuộc phường Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội. Ngôi chùa còn có tên là Vạn Bảo, cùng tên với trại Vạn Bảo (sau này là làng Vạn Phúc).
Chùa Bát Tháp là một di tích thuộc loại hình kiến trúc Phật giáo, nằm trên một khu đất cao theo hướng Nam, có một khuôn viên rộng rãi, thoáng đạt. Tam quan của chùa khá đồ sộ, xây hai tầng tám mái với lối vào được tạo dựng theo hai dạng thức khác nhau.
Cửa chính có bề mặt hình chữ nhật, phần dưới mở vòm cửa lớn trông thẳng vào Tiền đường. Tầng trên mở nhiều cửa nhỏ trông ra bốn phía. Hai bên cửa được xây giống nhau trên trổ những cửa tròn “sắc – không” theo giáo lý đạo Phật.
Tiền đường có quy mô lớn gồm có 7 gian, 2 dĩ và hàng hiên trước khá rộng do mái chảy dài. Ngoài hiên là hệ thống cột đá hình hộp chữ nhật được mài nhẵn, trên đá khắc những vế câu đối ca ngợi công đức nhà Phật và cảnh đẹp của chùa. Sau chùa là nhà thờ Tổ và một khu vườn rộng.
Hậu cung gồm 3 gian, được làm theo kiểu “chồng rường, giá chiêng”. Trên các xà thượng và hạ đều treo hệ thống y môn, cửa võng, hoành phi… góp phần cho ngôi chùa thêm vẻ lộng lẫy.
Các bộ vì đỡ mái được làm theo kiểu “thượng chồng rường, giá chiêng, hạ kẻ”. Ở đây, các con rường được chạm nổi hình lá ba chẽ, nét chạm sâu và nổi khối tạo cảm giác khoẻ, vững chãi cho kiến trúc. Trên những bức cốn, hình rồng cuốn thuỷ, rồng ổ, hổ phù cùng cây cỏ… được thể hiện với hình thức chạm nổi, phần nào đã làm giảm bớt vẻ khô cứng của khối kiến trúc gỗ.
Hệ thống tượng tròn trong di tích gồm hai loại khác nhau: tượng Phật và tượng Mẫu, được làm bằng chất liệu gỗ và đồng. Niên đại tạo tác cũng không đồng nhất, một số ít ra đời vào cuối thời Lê, còn đa phần là những tác phẩm thuộc thời Nguyễn. Có thể thấy, trong các pho tượng của chùa, nổi bật hơn cả vẫn là bộ Tam thế gồm ba pho tượng tương đối giống nhau cả về kích thước và hình thức thể hiện.
Những pho tượng này mang nhiều nét dân gian với cụm tóc kết hình ốc theo hàng ngang, mặt tượng có tính khái quát tượng trưng với đôi mắt khép hờ, sống mũi thẳng, nhân trung sâu. Tai tượng lớn, ngực nở và trên thân phủ áo hai lớp với những nếp chảy mềm mại, mang tính nghệ thuật cao.
Ngoài ra, di tích chùa Bát Tháp còn giữ gìn được khá nhiều di vật có giá trị như: đôi hạc đồng, bát hương, chuông đồng “Bát Tháp tự chung” đúc năm Gia Long thứ 2 (1803)… góp phần làm cho di tích thêm sống động, phong phú.
Kiến trúc chùa Bát Tháp đã thấy rõ cách tạo khối chắc khoẻ, gây được cảm giác mạnh mẽ đối với con người. Bên cạnh đó, những đầu đao cong vút cùng các đề tài trang trí điểm xuyết lại tạo nên sự nhẹ nhàng, bay bổng cho kiến trúc.
Nằm trong khu vực phân bố gồm nhiều di tích văn hoá có liên quan đến thành cổ và vùng “Thập tam trại” xưa, sự tồn tại cùng quá trình lịch sử lâu đời của chùa Bát Tháp là vật chứng quan trọng, góp phần không nhỏ vào việc tìm hiểu lịch sử của Thủ đô. Đó còn là một di tích kiến trúc nghệ thuật bề thế, hài hoà và có những vẻ đẹp ít thấy trong các di tích tôn giáo ở Hà Nội cũng như cả nước.