Trước đó, tối ngày 27 tháng 11 năm 2015, nhằm ngày 16 tháng 10 năm Ất Mùi, Hòa thượng trụ trì cùng chư tôn đức Tăng và đại diện Phật tử Đạo tràng Pháp Hoa đã làm lễ niêm hương bạch Phật, yết Tổ và thực hiện nghi thức sái tịnh đàn để khai mạc Pháp hội Dược Sư PL2559 – DL2015.
Sáng ngày 28 tháng 11 năm 2015, nhằm ngày 17 tháng 10 năm Ất Mùi, tại chùa Bằng (Linh Tiên tự) đã trang nghiêm Khai mạc Pháp hội Dược Sư truyền thống 7 ngày (lần thứ 10 PL2559 – DL2015) để cầu nguyện cho quốc thái dân an, thế giới hòa bình, nhân dân an lạc. Đồng thời, đây cũng là ngày tu Bát Quan Trai tháng 10 năm Ất Mùi của bản tự.
Đúng 7h30’, Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm đã làm lễ niêm hương bạch Phật, truyền giới Bát Quan Trai cho hàng Phật tử.
Sau đó, là thời khai kinh Dược Sư được đặt dưới sự chủ lễ của Hòa thượng trụ trì cùng chư tôn đức Tăng Ni đến từ các chùa trong địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo chương trình của Pháp hội, các đạo tràng sẽ luân phiên trì tụng kinh Dược Sư hai thời vào buổi sáng, một thời vào buổi tối và trưa cúng ngọ. Còn các buổi chiều trong 7 ngày Pháp hội, Thượng tọa Thích Tiến Đạt – Ủy viên thường trực HĐTS TW GHPGVN, Phó trưởng Ban Pháp chế TW GHPGVN, Phó trưởng ban kiêm Chánh thư ký BTS GHPGVN Thành phố Hà Nội sẽ quang lâm và thuyết giảng cho đại chúng nội dung, ý nghĩa của Kinh Dược Sư.
Buổi trưa, hàng Phật tử thực hiện nghi thức Cúng Quá Đường, dùng cơm trong chính niệm.
Buổi chiều, Thượng tọa Thích Tiến Đạt – Ủy viên thường trực HĐTS TW GHPGVN, Phó trưởng Ban Pháp chế TW GHPGVN, Phó trưởng ban kiêm Chánh thư ký BTS GHPGVN Thành phố Hà Nội đã quang lâm, thuyết giảng cho đại chúng hiểu rốt ráo về “đề kinh, khảo cứu về phiên dịch và căn cứ vào kinh văn để giảng giải từng câu từng chữ” trong Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bản Nguyện Công Đức.
Thượng tọa chia sẻ “Như chúng ta biết, trong Phật pháp có rất nhiều các đức Phật. Song, có 3 vị Phật mà chúng ta ai cũng biết tên. Đó là Đức Phật Thích Ca, Đức Phật Dược Sư và Đức Phật A Di Đà. Ba vị Phật này là biểu thị cho ba vị Thầy. Ở thế gian, chúng ta thấy có 3 người được tôn xưng làm Thầy, đó là Thầy thuốc, Thầy giáo và Thầy chùa. Ba người thầy thế gian ấy chính là những người thi hành công việc, hay nói theo Phật pháp là những người thực hiện sứ mệnh của ba vị Phật Thích Ca, Phật Dược Sư và Phật A Di Đà. Thầy giáo chính là người khai mở trí tuệ, và người thầy muôn đời của hết thảy chúng sinh đó là Đức Bản Sư Thích Ca Mâu Ni. Cho nên chúng ta gọi Ngài là Bản Sư Hòa thượng. Bản Sư là Thầy tôi, Hòa thượng là thân giáo sư. Người thầy gốc, người thầy căn bản của Tam giới lục đạo. Người đó chính là người khai mở trí tuệ cho chúng ta nên đó là biểu tượng của Thầy giáo. Người thầy thứ hai của chúng ta chính là Đức Phật Dược Sư biểu tượng cho người Thầy ở ngoài đời đó là Thầy thuốc. Con người ta sinh ra trên đời có 2 thứ vốn quý nhất là sức khỏe và trí tuệ. Sức khỏe của chúng ta phải được bảo vệ, được chăm sóc bởi những vị Thầy thuốc cho nên gọi là Dược Sư. Trí tuệ của chúng ta được khai mở bởi những vị Thầy giáo nên chúng ta gọi là Bản Sư. Có được 2 vốn này chúng ta mới có căn bản để có cuộc sống, nhưng quan trọng hơn nữa, chúng ta không chỉ có sức khỏe và trí tuệ, mà còn phải có cuộc sống tâm linh. Do đó, phải có bậc Đạo Sư. Đức Đạo Sư của chúng ta đó chính là Đức Phật A Di Đà – Tiếp dẫn Đạo sư A Di Đà Phật. Vì vậy biểu tượng của chúng ta ở chùa có Thầy chùa, là thầy hướng dẫn tâm linh. Thầy thuốc chăm sóc cho chúng ta sức khỏe, thầy giáo khai mở trí tuệ, thầy chùa hướng dẫn đạo đức tâm linh”.
Trong bài giảng, Thượng tọa đã giải thích về sinh đề của kinh. Người xưa nói, nếu chúng ta nắm được tên đề kinh có nghĩa là chúng ta nắm được điều cốt yếu của một bộ kinh. Danh đi với thực, tên gọi là nói một cách tóm tắt toàn bộ nội dung của kinh.
Thượng tọa nhấn mạnh “Con người chúng ta có hai phần chính là Sắc và Tâm. Sắc thuộc về tứ đại. Sắc – thụ – tưởng – hành – thức bao gồm cả Sắc thân và thức ấm. Tức là vật chất và tinh thần. Do đó chúng ta cũng có 2 loại bệnh là bệnh về thân thể vật chất và bệnh về tinh thần. Vì vậy, ở đây cũng cần có hai thứ thuốc để chữa bệnh về thân và tâm. Vậy bệnh do đâu sinh ra? Theo Kinh Phật, nguyên nhân sinh ra bệnh có: do khí huyết sinh (ngày nay gọi là bệnh di truyền), do hoàn cảnh môi trường sinh bệnh, bệnh do nghiệp sinh – nghiệp báo – nghiệp chướng, bệnh do oan gia trái chủ…Bình thường nhìn chúng ta mạnh khỏe. Nhưng nhìn bằng con mắt Phật pháp, thì chúng sinh từ lúc sinh ra cho đến khi chết đi luôn luôn đắm chìm trong bệnh Khổ – Hoặc – Nghiệp. Không lúc nào chúng ta không có bệnh. Nói rộng ra, tất cả những nhu cầu trong cuộc sống của chúng ta đều là bệnh, và những thứ đáp ứng được nhu cầu ấy trong cuộc sống đều là thuốc”.
Đặc biệt, trong buổi tối ngày đầu tiên của Pháp hội Dược Sư này, đôi bạn trẻ Nguyễn Hải Linh – pháp danh Minh Tính và Nguyễn Hà Phương – pháp danh Diệu Hương đã xin quý Thầy hứa khả làm chủ lễ hằng thuận, nhờ vào công đức tu tập của toàn thể đại chúng trong Pháp hội ngày hôm nay để chúc phúc cho đôi tân lang tân nương này.
Dưới sự chứng minh của mười phương chư Phật, sự chủ lễ của Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm cùng chư tôn đức Tăng bản tự, và sự hiện diện của họ hàng hai bên gia đình, đôi bạn trẻ sinh năm 1991 này đã kết duyên vợ chồng.
Trước khi cử hành nghi lễ hằng thuận, Hải Linh và Hà Phương đã được Hòa thượng trụ trì cùng chư Tăng tác pháp quy y Tam Bảo và trao truyền Ngũ Giới để làm kim chỉ nam cho cuộc sống hiện tại.
Đôi tân lang tân nương đã được lắng nghe Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm giảng giải về đạo nghĩa vợ chồng trong kinh Thiện Sinh. Hòa thượng khuyến tấn đôi tân lang, tân nương phải sống trọn vẹn bổn phận làm vợ và làm chồng, làm dâu hiền, rể thảo cùng xây dựng hạnh phúc gia đình.
Tiếp theo, Hòa thượng trụ trì cùng chư tôn đức và toàn thể đại chúng đã thành kính làm lễ niêm hương bạch Phật.
Cuối buổi lễ, đôi bạn trẻ đã đối trước chư tôn đức mà đọc lời thệ nguyện.