Trang chủ Diễn đàn Hộ Pháp Chùa Ba Vàng có lừa đảo, chiếm đoạt tài sản?

Chùa Ba Vàng có lừa đảo, chiếm đoạt tài sản?

Một số luật sư tên tuổi cho rằng việc thỉnh vong tại Chùa Ba Vàng có dấu hiệu phạm tội cưỡng đoạt tài sản hoặc tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

1867
Ảnh trên phóng sự của báo Lao động

Một số luật sư tên tuổi cho rằng việc thỉnh vong tại Chùa Ba Vàng có dấu hiệu phạm tội cưỡng đoạt tài sản hoặc tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Một vị chức sắc trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng “rất bức xúc”, đồng quan điểm với những luật sư “có tâm” đó, và tuy không phân biệt nổi “điều” với “khoản” nhưng vẫn đọc vanh vách Bộ luật hình sự trong một buổi giảng pháp để chỉ điểm tội lỗi của Chùa Ba Vàng.

Thậm chí, Báo Lao động còn khẳng định việc thỉnh vong tại Chùa Ba Vàng là “tội ác”.

Theo chúng tôi, Chùa Ba Vàng không gây “tội ác” và không phạm các tội chiếm đoạt tài sản.

Chùa Ba Vàng không phạm tội cưỡng đoạt tài sản

Theo quy định tại Điều 170 Bộ luật hình sự, tội cưỡng đoạt tài sản có một trong hai hành vi: hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc hành vi khác uy hiếp tinh thần với mục đích nhằm chiếm đoạt tài sản.

Thứ nhất, hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực là hành vi dọa sẽ gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ. Chùa Ba Vàng không hề có hành vi nào dọa đánh hoặc giết người thỉnh vong.

Thứ hai, hành vi khác uy hiếp tinh thần là hành vi dọa gây thiệt hại về tài sản, danh dự, uy tín. Chùa Ba Vàng cũng không hề có bất kỳ hành vi nào dọa gây thiệt hại về tài sản, danh dự, uy tín của người thỉnh vong.

Hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực và hành vi khác uy hiếp tinh thần phải có khả năng khống chế ý chí của người bị đe dọa thì mới cấu thành tội phạm.

Chùa Ba Vàng không có khả năng khống chế ý chí của người thỉnh vong vì Chùa Ba Vàng không gieo rắc sự sợ hãi như một số luật sư và chức sắc Phật giáo phát ngôn. Chính người thỉnh vong do sợ hãi trước bệnh tật và những khổ đau khác trong cuộc sống mới tìm đến Chùa Ba Vàng để được cứu giúp.

Nhiều người đã khỏi một số bệnh nan y, bỏ được tệ nạn, sống đạo đức, an vui và có trách nhiệm hơn với gia đình và xã hội. Đây là đóng góp lớn của Chùa Ba Vàng cho một đất nước còn nhiều vấn nạn về sức khỏe và đạo đức xã hội.

Theo tài liệu “Hướng dẫn tu tập chuyển hóa nghiệp” của Chùa Ba Vàng, người thỉnh vong phải tu tập 49 ngày trước khi thỉnh để hiểu về giáo lý nhân quả. Việc người thỉnh vong xem các video của Chùa Ba Vàng chỉ nhằm tìm hiểu giáo lý nhân quả một cách cụ thể và sinh động hơn những bức tranh nhân quả treo đầy ở các chùa khác.

Trước khi thỉnh vong, tín chủ đều cam kết: “Tôi tin đạo Phật. Tôi tin có kiếp trước, kiếp sau. Tôi đã tìm hiểu Phật pháp tại Chùa Ba Vàng. Tôi tha thiết cầu thỉnh chư Tăng Chùa Ba Vàng giúp cho tôi biết kiếp trước tôi đã tạo nghiệp gì để tôi sám hối tu tập chuyển nghiệp”. Đây là chứng cứ Chùa Ba Vàng không khống chế ý chí của người thỉnh vong.

Chứng cứ có giá trị chứng minh sự vô tội này của Chùa Ba Vàng đã được chính Báo Lao động “phun trời ướt mặt” để lộ ra ở phút 03:54 trong clip có tính chất “buộc tội” mang tên: “Gọi vong” chùa Ba Vàng – bí ẩn nguồn thu trăm tỉ”.

Cam kết nói trên cho thấy người thỉnh vong đã hình dung trước, có sự chuẩn bị, mong cầu và tự nguyện chấp nhận tất cả những gì xảy ra trong quá trình thỉnh vong. Việc viết cam kết là hoàn toàn tự nguyện.

Thứ ba, mục đích phạm tội của tội cưỡng đoạt tài sản là nhằm chiếm đoạt tài sản. Việc thỉnh vong tại Chùa Ba Vàng không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.

Theo tài liệu “Hướng dẫn tu tập chuyển hóa nghiệp” của Chùa Ba Vàng, mục đích của thỉnh vong là để tín chủ được “thuận duyên trong các công việc để an ổn tu tập theo pháp của người Phật tử tại gia”, tín chủ và các vong linh “từ nay cho tới vô lượng kiếp về sau cùng tu tập theo giáo pháp của Phật cho tới ngày được thành Phật”.

Như vậy, mục đích thỉnh vong của Chùa Ba Vàng là hướng mọi người đi đến giác ngộ, giải thoát (thành Phật), chứ không phải nhằm chiếm đoạt tài sản.

Trước khi thỉnh vong, tín chủ đều cam kết: “Sau khi biết nghiệp, tôi tin hay không tinquyền của tôi. Không có sự ràng buộc với Chùa Ba Vàng. Tôi không phải đóng góp bất cứ lệ phí nào đối với việc này”. Đây là chứng cứ Chùa Ba Vàng không có mục đích chiếm đoạt tài sản.

Chứng cứ có giá trị chứng minh sự vô tội này của Chùa Ba Vàng cũng được Báo Lao động “ngược gió tung bụi” để lộ ra ở phút 03:54 trong clip có tính chất “buộc tội” nói trên.

Cam kết trên cho thấy việc cúng dường Tam Bảo là hoàn toàn tự nguyện. Cúng dường cũng được, không cúng dường cũng được, Chùa Ba Vàng không quan tâm.

Nếu người thỉnh vong cúng dường thì việc nhận cúng dường của Chùa Ba Vàng là phù hợp với quy định tại Điều 7 Luật tín ngưỡng, tôn giáo, theo đó Chùa Ba Vàng có quyền nhận tài sản hợp pháp do tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tự nguyện tặng cho.

Nếu người thỉnh vong không cúng dường thì Chùa Ba Vàng cũng không có bất cứ hành vi nào để buộc họ phải đưa tiền một cách trái ý muốn.

Chùa Ba Vàng không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản  

Theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm hai hành vi khác nhau. Đó là hành vi lừa dốihành vi chiếm đoạt. Hành vi lừa dối là điều kiện để hành vi chiếm đoạt có thể xảy ra.

Thứ nhất, hành vi lừa dối là hành vi cố ý đưa ra thông tin không đúng sự thật nhằm để người khác tin đó là sự thật. Nói cách khác, hành vi lừa dối là hành vi đưa ra những thông tin giả; người phạm tội biết đó là thông tin giả nhưng mong muốn người khác tin đó là sự thật.

Những thông tin về nguyên nhân trong quá khứ dẫn đến kết quả ở hiện tại mà Chùa Ba Vàng đưa ra là dựa trên thuyết về sự tác động của “thế giới vong linh” được thừa nhận trong kinh điển Phật giáo nguyên thủy cũng như Phật giáo phát triển, dựa trên giáo lý nhân quả và dựa trên khả năng nhận biết từ sự tu tập của Chùa Ba Vàng.

Chùa Ba Vàng tôn trọng niềm tin của người thỉnh vong. Trước khi thỉnh vong, tín chủ đều cam kết: “Sau khi biết nghiệp, tôi tin hay không tinquyền của tôi”.

Như vậy, việc thỉnh vong tại Chùa Ba Vàng là một thử nghiệm tâm linh. Thông tin về nguyên nhân trong quá khứ dẫn đến kết quả ở hiện tại mà Chùa Ba Vàng đưa ra là thông tin có tính chất tham khảo đối với người thỉnh vong. Đây là chứng cứ Chùa Ba Vàng không có hành vi lừa dối.

Trong khi sự tồn tại và tác động của thế giới vô hình đối với suy nghĩ, hành vi và môi trường sống của con người là một hiện tượng có thật trong thế giới khách quan, được thừa nhận trong kinh điển Phật giáo nguyên thủy cũng như Phật giáo phát triển, Giáo hội Phật giáo Việt Nam không phủ định còn khoa học chưa giải thích được và cần phải nghiên cứu mà đã kết luận Chùa Ba Vàng có hành vi lừa dối là vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội.

Nguyên tắc suy đoán vô tội đòi hỏi: khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội thì phải kết luận người bị buộc tội không có tội (Điều 13 Bộ luật tố tụng hình sự).

Hơn nữa, nếu ra sức chứng minh Chùa Ba Vàng có hành vi lừa dối còn có nguy cơ vi phạm nhân quyền, cụ thể là quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo quy định tại Điều 18 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, theo đó, Chùa Ba Vàng có quyền tự do tin, thực hành và giảng dạy về giáo lý nhân quả, trong đó có lý thuyết về sự tồn tại và tác động của vong linh đối với suy nghĩ, hành vi và môi trường sống của con người. Quyền này luôn được cộng đồng quốc tế theo dõi một cách chặt chẽ, bảo đảm thực hiện và trừng phạt nghiêm khắc nếu có vi phạm.

Thứ hai, hành vi chiếm đoạt là hành vi chuyển dịch bất hợp pháp tài sản của người khác thành của mình. Chùa Ba Vàng không có hành vi chiếm đoạt vì cúng dường là tự nguyện như đã phân tích ở trên. Do tự nguyện nên việc chuyển dịch tài sản của người thỉnh vong thành tài sản của Chùa Ba Vàng là hợp pháp, được pháp luật bảo hộ. Báo Lao động cũng như bất kỳ ai không có lý do “nhòm ngó”, đặt câu hỏi về tài sản hợp pháp đó.

Tóm lại, Chùa Ba Vàng hoàn toàn không phạm tội cưỡng đoạt tài sản cũng như tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Những người có quan điểm Chùa Ba Vàng có dấu hiệu phạm các tội chiếm đoạt tài sản là do người đó thiếu hiểu biết pháp luật hoặc do bị “đầu độc” bởi những thông tin một chiều, thiếu khách quan, toàn diện và đầy đủ.

Rồi đây, Báo Lao động có nguy cơ đứng trước khiếu nại do đã trót “nói cho sướng mồm” rằng việc thỉnh vong tại Chùa Ba Vàng là “tội ác”, tức là đã “xử” Chùa Ba Vàng thay cho Tòa án, vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội.

Nguyễn Mai

P/S: Trong bài này, cụm từ “Chùa Ba Vàng” được hiểu là “các cá nhân có liên quan tại Chùa Ba Vàng”.