1. Bạn đọc có nêu câu hỏi với tôi, đại ý, chùa Ba Vàng chỉ là một chùa làng, sao quan tâm đề cập?
2. Bạn đọc hỏi rất có lý, vì chùa Ba Vàng khởi thủy là một chùa làng, ở một vùng rừng núi thưa thớt dân cư, của một tỉnh biên giới.
Nhưng chính cái khởi thủy chùa làng chuyển thành hiện trạng như hôm nay: một chùa Ba Vàng quy mô, bề thế, đại lễ tập trung hai mươi ngàn người, thuộc hạng hàng đầu cả nước chính là cái để mà để nói.
Nếu Ba Vàng là chùa mới xây, theo quy hoạch nào đó, cũng không phải đáng nói. Chính cái tiến trình Ba Vàng không còn là một chùa làng nữa mới là điều đáng nói.
Vì vậy, câu hỏi của bạn đọc về Ba Vàng chùa làng là một gợi ý rất hay. Ba Vàng không phải là một chùa làng nữa và chúng ta nói về cái đó. Sự kiện, hiện trạng là đã rõ, chúng ta tập trung vào ý nghĩa và tác động của nó.
3. Ba Vàng là một ngôi chùa điển hình của việc chấn hưng Phật giáo Việt Nam tại miền Bắc sau năm 1975, đặc biệt là sau Đổi mới 1986.
Trong chiến tranh, nhiều chùa làng ở miền Bắc bị tàn phá vì bom đạn, bị đổ nát vì không người trông coi, người dân ít đi chùa. Chùa làng miền Bắc trở thành như một loại miếu, phục vụ nhu cầu khấn vái của một số ít người khi hữu sự. Như thế, người đi chùa cũng chẳng mấy người biết đến giáo lý Phật giáo.
Dù thế nào đi nữa, thì cũng không thể phủ nhận hiện thực Phật giáo miền Bắc trở nên suy vi do chiến tranh.
Không được nói ra một cách chính thức, nhưng từ khi đất nước thống nhất, tiến trình chấn hưng Phật giáo miền Bắc đã được bắt đầu. Điều đó trước hết là do nhu cầu tự thân của Phật giáo miền Bắc, cái nôi của Phật giáo cả nước, và nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo gia tăng sau khi hòa bình.
Quá trình chấn hưng Phật giáo đó còn đến từ Phật giáo miền Nam, nơi do những lý do riêng, Phật giáo một số nơi có điều kiện phát triển hơn, tăng chúng đông hơn, mặt bằng đào tạo Phật học phát triển hơn, một số tông phong có truyền thống tu tập quy củ. Những điều đó đương nhiên có tác động tích cực đến tiến trình chấn hưng Phật giáo miền Bắc sau khi non sông liền một dải.
Chùa chiền miền Bắc được xây dựng lại, người xuất gia tăng dần, nhiều tu sĩ tìm về phía Nam học Phật rồi trở về gầy dựng đại chúng Phật tử, thuyết giảng, phổ cập giáo lý, tổ chức nhiều hình thức tu tập mới.
Đó thực chất là tiến trình chấn hưng Phật giáo, không lý luận, không chương trình, không kế hoạch, không tên gọi. Nhưng nó diễn ra trên một phạm vi không phải nhỏ và ở nhiều trường hợp là rất thành công.
Chùa Ba Vàng đã là một trường hợp điển hình cho tiến trình chấn hưng Phật giáo miền Bắc và trở thành một điểm sáng thành quả tiêu biểu của tiến trình chấn hưng Phật giáo ở quê hương của Phật giáo Việt Nam.
Từ một ngôi chùa làng, nhỏ bé, hiu hắt, quạnh quẽ như nhiều ngôi chùa làng ở miền Bắc, Chùa Ba Vàng đã được xây dựng với tầm cỡ một ngôi chùa lớn, quy mô, bề thế ở hàng những ngôi chùa có kiến trúc hoành tránh và mỹ thuật vào loại hiếm có.
Ở miền Bắc cũng có những ngôi chùa lớn như thế, nhưng điều đáng ghi nhận ở chùa Ba Vàng là chùa vốn là thành quả nỗ lực của tăng chúng của chùa, chứ không phải từ một sự đầu tư nào.
Quá trình xây dựng chùa Ba Vàng đồng bộ với quá trình hình thành tăng chúng và hình thành chúng Phật tử, trước hết là Phật tử vùng Quảng Ninh, chốn tổ thiêng liêng của Phật giáo Việt Nam.
Ba quá trình xây dựng nhân sự tăng chúng, xây dựng cơ sở tự viện, xây dựng chúng Phật tử cơ hữu của chùa được tiến hành đồng bộ. Đối với số lượng tăng chúng, bạn đọc có thể tìm hiểu thông tin từ chùa Ba Vàng. Còn số lượng Phật tử cơ hữu, con số có lẽ lên đến khoảng hai mươi ngàn người, ứng với số lượng người tập trung ở chùa mừng Phật Đản dịp Vesak 2019.
Ngoài ra, ở đây còn có thành quả tổ chức hoạt động tu tập, phổ cập giáo lý.
Tôi là người ở xa, không liên lạc với chùa Ba Vàng viết về chùa Ba Vàng với các số liệu e không chính xác. Nhưng điều có thể chắc chắn là các quá trình như trên được tiến hành đồng bộ, với các kết quả cũng đồng bộ, cụ thể, sinh động, dễ dàng định tính, rất rõ ràng hiển nhiên.
Quá trình ĐỒNG BỘ đó cần được nhấn mạnh, vì có những hiện tượng không đồng bộ. Có chùa xây dựng lớn, nhưng số lượng tăng chúng chưa phù hợp với quy mô kiến trúc. Có chùa có thể tập trung số lượng Phật tử đến cúng bái trong một dịp nào đó, nhưng chỉ tập trung một vài thời điểm.
Có chùa thì số lượng Phật tử cơ hữu (chúng ta thường gọi là bổn đạo) chưa phù hợp với quy mô. Có chùa thì cũng đông đảo bổn đạo, nhưng thiên về cúng bái; mặt tu tập, phổ cập giáo lý không được chú trọng đúng mức.
Cho nên chùa Ba Vàng từ chùa làng, không phải chỉ tiến lên chùa huyện, chùa thành phố, chùa tỉnh, mà đã là chùa tiêu biểu cho chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc và là một trong những ngôi chùa có sinh hoạt tu học phát triển mạnh mẽ vào loại bậc nhì, bậc nhất ở Việt Nam, với những đợt tu học tập trung nhiều ngàn người.
Về quy mô kiến trúc, có lẽ nếu Vesak lại được tổ chức ở miền Bắc theo thông lệ chọn những ngôi chùa bề thế, hoành tráng, khang trang để giới thiệu bộ mặt của Phật giáo Việt Nam với thế giới, thì sau chùa Bái Đính, Tam Chúc, có lẽ không ứng cử viên nào là chùa miền Bắc chói sáng hơn chùa Ba Vàng.
Hiện nay, Phật tử ở nhiều địa phương miền Bắc cũng tu họp về sinh hoạt tại chùa Ba Vàng. Chùa Ba Vàng đã là trung tâm sinh hoạt Phật giáo của toàn miền Bắc, một thắng cảnh hành hương tâm linh của toàn miền Bắc và cả nước trong bối cảnh gắn liền với di tích Yên Tử.
Tuy nhiên, như đã nói, cái cần được quan tâm hơn thành quả hiện tại là quá trình phát triển. Chính quá trình đó mới là kiểu mẫu cho quá trình chấn hưng Phật giáo miền Bắc, xây dựng chùa làng trở thành chùa tỉnh, chùa miền, rồi chùa tầm cỡ cả nước.
Hơn nữa, vùng đất ngôi chùa tọa lạc, vẻ đẹp kiến trúc và khung cảnh thiên nhiên của ngôi chùa, thế mạnh diện tích khuôn viên và kiến trúc của ngôi chùa tạo tiềm năng to lớn để phát triển ngôi tự viện này, thu hút đông đảo hơn số lượng Phật tử, mở ra những hoạt động mới như trung tâm quy tụ những nhà nghiên cứu Phật học và khoa học xã hội, trung tâm nghiên cứu khoa học cận tâm lý, trung tâm truyền thông Phật giáo…
Khả năng tại chùa Ba Vàng tổ chức những buổi lễ hàng năm mươi ngàn người đến một trăm ngàn người như có tôn giáo vẫn thường tổ chức là điều chư tăng, Phật tử chùa Ba Vàng và toàn Phật giáo Việt Nam có thể nghĩ đến. Đó là một tiến trình trong tay khi nhìn lại tiến trình chùa Ba Vàng cất cánh từ một ngôi chùa làng.
Bài này viết về chùa Ba Vàng nhưng không phục vụ cho chùa Ba Vàng, mà điều tôi muốn hướng đến là tiến trình đã diễn ra ở chùa Ba Vàng cũng sẽ là tiến trình diễn ra ở nhiều ngôi chùa ở miền Bắc và trên toàn cõi đất nước Việt Nam.
MT