Ngôi chùa toạ trên một khuôn viên không rộng nhưng cây cối xum xuê, không khí trong lành, yên tĩnh. Sáng sáng tiếng chim hót trên cây hồng xiêm trước sânlàm cho ngôi chùa càng thêm gần gũi.
Sinh thời bà nội tôi kể rằng, khi bà lên bốn, lên năm đã được sư cụ dạy đọc chữ. Sư cụ truyền lại câu chuyện: Sở dĩ chùa mang tên “Bà Già” bởi trên mảnh đất này, xưa lắm rồi, có ngôi chùa An Dưỡng tọa lạc. Do bị hư hại nặng, có hai chị em gái chuyên nghề buôn muối, đã phát tâm bồ đề bỏ tiền ra xây dựng, tu sửa lại chùa, tạc tượng Phật, dựng gác chuông đồng. Khi hai bà mất đi, để tỏ lòng biết ơn, dân trong vùng đã đúc tượng hai bà và rước vào chùa thờ, gọi là tượng hậu Phật, từ đó chùa được gọi là chùa Bà Già.
Được tận mắt ngắm hai pho tượng Bà Già mới thấy được nét đẹp, nét hồn nhiên với phong cách dung dị, trong tư thế ngồi rất đời thường của người phụ nữ Hà Nội xưa. Pho tượng bà chị được đúc to hơn, trong tư thế ngồi một chân gập, một chân chống, tay phải úp lên đầu gối, tay trái để vào lòng. Ngồi bên cạnh là bà em, ngồi xếp bằng, cả hai tay đều để trên lòng, trong tư thế một người mẹ luôn cầu mong cho mọi người an khang thịnh vượng, sẵn mở lòng nhân ái. Đặc biệt là khuôn mặt của hai bà tròn trịa, hiền lành, phúc hậu, nhưng không giấu nỗi suy tư.
Từ thời Lê, chùa Bà Già đã có qui mô bề thế và nổi tiếng kinh thành Thăng Long xưa. Đã có câu ca rằng: “Thứ nhất chùa Bà Đá” (quận Hoàn Kiếm), “Thứ nhì chùa Bà Đinh” (chùa Châu Lâm, phường Thuỵ Khuê), “Thứ ba chùa Bà Già”. Chùa được xây dựng trên một khu đất rộng, thoáng gọi là “Quy độ đầu”, thế đất hình con rùa đỗ ở phía Bắc của làng. Đây là điểm di tích khá hấp dẫn trong quần thể di tích chùa Kim Liên – Phủ Tây Hồ – Đình Vẽ – Đình Chèm.
Căn cứ theo tấm bia “Bà Già tự bi ký” dựng tại chùa cho biết, chùa được trùng tu lớn vào tiết xuân năm Dương Hoà 2 (1636) và bài văn trên chuông “Trùng tạo chú hồng Chung Bà Già Tự” niên hiệu Chính Hoà 16 (1665) cho thấy, chùa Bà Già được xây dựng trước năm 1636, khoảng thời tiền Lê. Chùa có bố cục mặt bằng kiểu chữ “công”.
Từ ngoài vào chùa có các công trình kiến trúc: Cổng Tam quan, Nhà tiền đường, nhà thiên hương, thượng điện, nhà thờ tổ, thờ mẫu và các công trình kiến trúc được bố cục hài hoà trong một không gian rộng thoáng, những cây xanh toả bóng bốn mùa tạo thêm vẻ u tịch tĩnh lặng nơi cửa thiền. Tam quan, gác chuông của chùa làm theo kiểu nhà mái chồng diêm, hai tầng tám mái theo lối kiến trúc truyền thống.
Nhà tiền đường gồm 7 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, bên trong bộ khung có tám bộ vì kiểu “chồng giường-giá chiêng” kết hợp vì xà nách bẩy hiên. Toà thượng điện ba gian nối với toà tiền đường tạo thành kết cầu kiểu chữ đinh, thượng điện có kết cấu kiểu dáng đơn giản vì chồng giường nhưng toàn bộ vì làm bằng gỗ lim bền chắc.
Hiện nay chùa còn bảo lưu bộ sưu tập di vật khá phong phú, trong đó có nhiều di vật có giá trị đặc sắc về nghệ thuật như tấm bia hậu Phật có niên đại Dương Hoà 2 (1636), hai pho tượng phỗng đá mang phong cách thế kỷ thứ 18, Một quả chuông đồng mang niên hiệu Chính Hoà 16 (1665), bộ tượng tròn gồm 46 pho tượng thuộc nghệ thuật thế kỷ thứ 18 -19, hai hương án thiếp vàng chạm khắc hình tứ quí, tứ linh, một đôi nghê và hai hạc thờ mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 17, cùng nhiều di vật khác như bát hương đồng, hoành phi, cuốn thư …
Quả là chùa Bà Già là một vốn cổ quí giá cần được trân trọng và bảo tồn. Nhằm tôn vinh những giá trị văn hoá cũng như tín ngưỡng sâu sắc mà chùa Bà Già để lại cho đến ngày nay, các nhà quản lý văn hóa đã công nhận và xếp bằng Di tích lịch sử văn hoá cho chùa từ năm 1996.
Với hệ thống giáo lý khuyến thiện trừ ác, chùa là trung tâm sinh hoạt văn hoá tinh thần của một cộng đồng dân cư, một địa chỉ văn hoá khá hấp dẫn về nội dung lịch sử và vẻ đẹp cổ kính thâm nghiêm với cái tên khá độc đáo – chùa Bà Già, góp vào nền văn hoá ngàn năm Thăng Long- Hà Nội.