Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Chùa Bà Già của làng Phú Gia (Hà Nội)

Chùa Bà Già của làng Phú Gia (Hà Nội)

197

Làng Phú Gia (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội) còn lưu giữ tại đình làng pho sách cổ Bản xã thần ký (ghi lại thần tích của xã, cũng là của làng). Từ những năm 1980, một cố lão làng Phú Gia là Công Nghĩa Lẫm đã dịch cuốn sách này. Theo nội dung thần tích, thuở xưa xa, làng quê này có tên là Bà Già Hương (hương Bà Già).


Đến thời kỳ nước ta bị nhà Đường đô hộ (thế kỷ VIII), hương Bà Già được đổi gọi là An Dưỡng Phường. Thế kỷ XIII, vua Trần huy động dân phường An Dưỡng đến sửa chữa bến Đông Bộ Đầu và đắp thành Đại La để chống quân Nguyên xâm lược, vua đã cho đổi gọi là An Dưỡng thành Phú Gia.


Ở Phú Gia, từ thời Bắc thuộc đã có nhiều miếu thờ thổ thần và đền thờ. Có một đền thờ thổ thần từ lâu đời, đến năm Thiệu Long đời Trần Thánh Tông (1258-1272), thiền sư Văn Thao đã sửa lại đền, đổi thành chùa An Dưỡng. Sau, chùa bị hư hoại nhiều, đã dời về gò Con Quy.


Vẫn theo thần tích xã Phú Gia, vào thời Hồng Đức (1470-1497), nhà Lê, người Phú Gia có ông Nghĩa Đạt đã đỗ Nhất giáp Tiến sỹ, làm quan Phó đô ngự sử, đã hưng công cho chuyển ngôi đình làng từ chỗ giáp làng Quán La về thân đất, ông gọi là hình nhân bái tướng. Còn chùa An Dưỡng (chùa Bà Già) tọa lạc cạnh đình, trên gò Con Quy.


Về tên làng Phú Gia thời xưa xa, có một dấu vết để lại trong sách Đại Việt sử ký toàn thư, đoạn ghi lại việc năm 1330, về Chiêu Minh Đại vương Trần Nhật Duật: “Duật thích chơi với người nước ngoài, thường cưỡi voi đến chơi thôn Bà Già (thôn này hồi Lý Thánh Tông đánh Chiêm Thành, bắt được người Chiêm cho ở đấy, lấy tiếng Chiêm đặt tên cho là Đa Gia Ly, sau gọi chệch đi thành Bà Già)…”


Do chi tiết này, có nhà nghiên cứu đã coi chùa Bà Già là một hồi ức Chăm. Nhưng không hẳn như vậy, các thư tịch cổ có ghi chép, từ thời Lý, vua ta đi bình Chiêm vẫn thường mang tù binh và cả những người Chiêm xin theo, về cho ở mạn Tây bắc kinh thành Thăng Long.


Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Vua Lý Thái Tông (1028-1054) từ Chiêm Thành về… xuống chiếu cho các chiến tù đều ghép theo bộ thuộc cho ở từ trấn Vĩnh Khang thẳng đến châu Đăng, đặt hương ấp theo các danh cũ của Chiêm Thành”… Vĩnh Khang là miền Từ Liêm, Hoài Đức ngày nay; và “thẳng đến châu Đăng” là kéo thẳng lên vùng Quốc Oai, Quảng Oai, Tam Nông, Hưng Hóa ngày nay.


Tuy nhiên, cuốn Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên, làm quan trong chiều Trần Hiến Tông (1329-1341) chuyên coi giữ việc tế lễ, tham gia việc quản lý bách thần, viết: “Thời Khai Nguyên (713-739), nhà Đường, Thứ sử Quảng Châu là Lư Ngư (thần tích bản xã ghi là Lư Anh) sang làm Đô hộ sứ bên ta, đóng phủ thự ở An Viễn (thần tích ghi là An Dưỡng) khoảng giữa hai huyện Long Đỗ và Từ Liêm. Thấy chỗ đất này bằng phẳng, rộng rãi, cây cối tốt tươi, phía sau có sông Đà La (tên cổ của sông Thiên Phù), địa thế đẹp, Ngư sai lập dinh thự và dựng đền, giữa thờ thần vị Huyền Thiên Đế quân…, rồi lại dựng một đền thờ, đặt tượng thần thổ địa để nêu công đức. Đền ấy đặt tên là Đà La quán.


Đời Trần, năm Thiệu Long (1258), thiền sư Văn Thao sửa lại đền, đổi là chùa An Dưỡng…” Như vậy, Đà La quán (quán thờ của làng Đà La) đã có từ thế kỷ thứ VIII, và khi đó tên làng Đà La đã có rồi (cũng có thể sông Thiên Phù ở quãng này được gọi theo tên làng, là sông Đà La). Nếu biến âm trong từ Đà La thành Bà Già, thì vẫn phải ghi nhận hương Bà Già đã có từ trước thời Lý nhiều thế kỷ.


Chính vì gốc gác như vậy mà chùa An Dưỡng của làng Phú Gia còn có bức hoành phi cổ khắc ba chữ Bà Già tự, tấm bia Bà Già tự tân tạo khắc dựng năm Dương Hòa thứ hai 1636, và quả chuông đồng đúc năm 1665.


Ở địa phương lưu truyền câu chuyện kể rằng, khi chùa An Dưỡng bị thời gian, mưa nắng hủy hoại, có 2 bà già đã phát tâm bồ đề bỏ tiền riêng ra tu tạo chùa, dựng thêm tượng Phật, đúc chuông đồng, dựng gác chuông. Quả chuông đúc năm 1665 đó hiện còn lưu giữ tại chùa, có khắc chữ “Trùng tạo trú hồng chung”. Để ghi nhớ công đức của hai bà, dân làng có đặt tượng thờ tại chùa, gọi là tượng hậu phật.


Ngoài bức hoành phi, quả chuông và tấm bia, ở chùa làng Phú Gia hiện còn lưu giữ 58 pho tượng tròn, trong đó có 46 pho tượng Chư Phật, La Hán, Đế Thích và Phạm Thiên, được tạo tác công phu theo nghệ thuật Lê – Nguyễn, sơn thiếp lộng lẫy. Đó là những di vật lịch sử quý, giúp cho hậu thế hiểu được lịch sử sâu xa của một làng quê và vẻ đẹp thiền tịnh của chùa Bà Già.