Vì đâu nên nỗi?
Bản tính tò mò muốn tìm hiểu câu nói kỳ lạ của dân gian đã thôi thúc tôi tìm về chiêm bái “Bảo Sơn Tự” (tên chữ của chùa bà Đanh). Cũng như bao ngôi chùa khác ở vùng đồng bằng Bắc Bộ là thờ Phật, chùa Bà Đanh còn tín ngưỡng thờ Tứ Pháp (mây, mưa, sấm, sét) một tín ngưỡng thờ thiên nhiên rất gần gũi với đời sống nông nghiệp ở nước ta. Câu chuyện về gốc tổ Tứ Pháp được hình thành từ mẹ Phật Man Nương đã lan truyền khắp vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Người dân nơi đây tin rằng, từ khi thờ Tứ Pháp, vùng đất Bắc Ninh hưởng mưa thuận, gió hòa, phong đăng hòa cốc, mùa màng bội thu. Trước đây, ở vùng đó luôn gặp mưa to, gió lớn nên việc sản xuất gặp nhiều khó khăn, mùa màng thất bát gây ra cảnh đói kém triền miên. Do vậy, dân làng Đanh bèn họp nhau lên xứ Bắc Ninh để xin chân nhang về thờ. Dân làng Đanh đang có ý định đi xin chân nhang ở Bắc Ninh về thờ thì xảy ra một câu chuyện lạ. Một cao niên trong làng nằm mộng thấy một người con gái trẻ trung, xinh đẹp, đoan trang, khuôn mặt phúc hậu, vầng trán và đôi mắt thông minh hiện ra nói rằng: “Ta được thần cho về đây để chăm nom” và chỉ khu rừng đầu làng làm nơi dựng chùa. Nơi ấy bấy giờ là vạt rừng rậm rạp có nhiều cây cổ thụ, sát bờ sông là một hòn núi nhỏ, nhô mình ra mặt nước, trong rừng rộn rã tiếng chim, quang cảnh thật là thần tiên. Vậy là người dân nơi đây quyên góp, bỏ công ra xây dựng nên ngôi chùa.
Chùa Bà Đanh ban đầu chỉ là những tranh tre nứa lá đơn sơ, đến năm Vĩnh Trị, đời vua Lê Hy Tông, khu rừng mới được mở mang quang đãng để xây chùa lại cho khang trang. Khu vực này cấm người dân làm nhà ở nên cảnh chùa càng thêm trang nghiêm, vắng vẻ. Ngôi chùa được xây dựng ít lâu thì có một cây mít cổ thụ ở cạnh chùa tự dưng bị gió to quật đổ. Khi đó, xuất hiện ở đâu một khách thập phương tìm đến chùa nói rằng mình làm nghề tạc tượng và được báo mộng đến đây. Người khách tả hình dáng và dung nhan người con gái đã báo mộng thì thấy giống hệt vị thần đã báo mộng cho cụ già trong làng. Năm ấy gặp mùa mưa lũ, nước sông dâng cao, tạc tượng gần xong thì dưới bến nước trước chùa có vật lạ, nửa nổi, nửa chìm, không trôi theo dòng nước, đẩy ra mấy lần lại thấy trôi trở lại. Thấy chuyện lạ, dân làng vớt lên xem hóa ra đó là một cái ngai bằng gỗ bèn rước ngay vào chùa. Thật lạ lùng, pho tượng tạc xong thì đặt vừa khít vào ngai. Từ đó trong vùng mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, tiếng đồn Thánh Bà Bảo Sơn linh ứng lan truyền khắp nơi.
Đến năm 1994, chùa Bà Đanh được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đem truyền thuyết huyền bí cùng lời thắc mắc hỏi trụ trì chùa Bà Đanh, Thích Đàm Đam và các vị cao niên trong làng Đanh Xá, tôi nhận được lời bộc bạch chân thành: Trước đây, dân cư thưa thớt, địa thế chùa lại nằm cách biệt bên kia sông, gần núi xa làng, muốn sang tham quan phải đi bằng thuyền nên chùa rất vắng khách. Mặt khác, lệnh cấm xây nhà gần chùa được duy trì trong một thời gian dài khiến cảnh đìu hiu bao trùm lên chùa.
Cây cầu kiên cố này khiến chùa Bà Đanh không còn vắng khách |
Trang sử mới cho chùa Bà Đanh
Lịch sử vắng khách dài đằng đẵng bao trùm lên chùa Bà Đanh giờ đã được cởi bỏ. Đầu xuân Canh Dần vừa rồi, ngôi chùa cổ tọa lạc nơi ngã ba sông đã liên tiếp đón nhận những niềm vui mới. Đầu tiên là dự án tôn tạo, tu bổ nâng cấp chùa Bà Đanh trở thành một trong những ngôi chùa có quy mô bậc nhất của tỉnh Hà Nam. Với kinh phí hỗ trợ trên 16 tỷ đồng, chiếc cầu sắt kiên cố nối liền chùa với quốc lộ 21B đã thông dầm nối nhịp. Con đường bê tông dọc sông Đáy kéo dài 2km từ thị trấn Quế tới chùa Bà Đanh qua các làng nghề truyền thống cũng được xây dựng xong. Một bến thủy lát bằng đá xanh giật ba cấp cho thuyền, bè cập bến trước cửa chùa cơ bản hoàn thiện càng khiến ngôi chùa vừa có nét tôn nghiêm, vừa hữu tình thơ mộng.
Hiện nay, việc đến tham quan chùa Bà Đanh trở nên thuận tiện, dễ dàng hơn bao giờ hết. Ngay trong khu nội tự, một dãy nhà khách làm nơi nghỉ chân cho khách thập phương mới được khánh thành cách đây ít tháng. Ông Lê Văn Đoàn, Trưởng phòng Văn hóa huyện Kim Bảng cho biết: “Huyện đang triển khai kết hợp mô hình giữa du lịch sinh thái và văn hóa tâm linh để tìm lối ra cho di tích lịch sử này. Bên cạnh đó, việc quảng bá hình ảnh về chùa Bà Đanh sẽ được UBND huyện đặt lên hàng đầu”.
Điều vui mừng nhất mà chúng tôi cảm nhận được khi đứng trước ngôi chùa cổ này đó là việc tôn tạo, trùng tu, mở rộng khuôn viên chùa Bà Đanh nhưng cảnh sắc, kiến trúc của ngôi chùa vẫn được giữ nguyên nét truyền thống của kiến trúc Phật giáo Việt Nam. Cùng với đó, đường đi lối lại đã trở nên thuận tiện hơn nên lượng khách đến tham quan chùa ngày một đông vui nhộn nhịp hơn. Trong tương lai không xa, chùa Bà Đanh cùng với đền Trúc, Ngũ Động thi Sơn cùng với hệ thống các bến thủy dọc sông Đáy, sông Châu, sông Nhuệ và Khu du lịch sinh thái Tam Chúc-Ba Sao sẽ tạo nên một tua du lịch nội địa đầy hấp dẫn cho mảnh đất ngã ba sông này. Bây giờ, câu ca “Vắng như chùa Bà Đanh” có lẽ sẽ mang một ý nghĩa khác với người dân Hà Nam.