Trang chủ Tin tức Chủ tịch nước Nguyễn Xuân phúc lắng nghe ý kiến Ủy viên...

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân phúc lắng nghe ý kiến Ủy viên Ủy Ban MTTQ Việt NAM TPHCM, các vị nhân sĩ, trí thức, chức sắc các Tôn giáo

106

Chiều 21/6, ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước cùng các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM tiếp xúc cử tri là ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, các vị nhân sĩ, trí thức, chức sắc các tôn giáo, người có uy tín, tiêu biểu trong đồng bào dân tộc, giới văn nghệ sĩ tại TPHCM.

Các ĐB dự tiếp xúc cử tri gồm: Nguyễn Thiện Nhân; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn; Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM…
Thông tin kết quả kỳ họp Quốc hội vừa qua, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP HCM cho biết, kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV đã xem xét một khối lượng công việc rất lớn không chỉ riêng năm 2022 mà cho cả giai đoạn đến 2025 và những năm tiếp theo.
Trong đó, Quốc hội thông qua các nội dung quan trọng liên quan đến Luật Điện ảnh; Luật Kinh doanh Bảo hiểm; Luật Thi đua Khen thưởng; Luật Sở hữu Trí tuệ (sửa đổi, bổ sung); Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Ngoài ra Quốc hội cũng cho ý kiến về 6 Dự án Luật.

Chủ tịch nước đã bày tỏ sự quan tâm và rất mong muốn được lắng nghe ý kiến tâm huyết của đại biểu là các vị nhân sĩ, trí thức, chức sắc các tôn giáo, người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào, dân tộc, giới văn nghệ sĩ…Theo Chủ tịch nước, đây là dịp để Đoàn ĐBQH TP HCM lắng nghe và ghi nhận thêm những ý kiến chuyên sâu, đầy tâm huyết của các nhân sĩ, trí thức, là những người có uy tín và trình độ kiến thức cao trong xã hội.

Với tinh thần “lắng nghe là chính”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các ĐBQH TPHCM đã dành thời gian lắng nghe rất nhiều ý kiến cử tri, với nhiều ý kiến được phân tích sâu, đưa giải pháp cụ thể.

Góp ý cho Luật Khám chữa bệnh mà Quốc hội vừa thảo luận lần đầu tại kỳ họp vừa qua, Anh hùng lao động, GS.TS. Trần Đông A phân tích nhiều vấn đề của luật, trong đó có vấn đề đấu thầu tại bệnh viện. Nguyên tắc là cứ giá rẻ bệnh viện mới được mua. Trong khi có những lĩnh vực chuyên sâu như ghép tạng, bệnh viện không có thuốc, người nhà phải mua thuốc bên ngoài. Đấu thầu giá rẻ, nhưng thực tế là gạc giá rẻ có rất nhiều xơ, gây ra tắc ruột nếu mổ ở bụng. Trong khi với bệnh nhân là trẻ em, mổ nhiều lần sẽ ảnh hưởng cả cuộc đời cháu bé.

Theo GS Trần Đông A, những hạn chế của ngành y tế bộc lộ rõ ràng khi đại dịch bùng phát: Y tế cơ sở vừa thiếu vừa rất yếu, Y tế cơ sở còn nhiều lỗ hổng, y tế theo mô hình tháp ngược khi đa số bác sĩ đều muốn làm bác sĩ chuyên khoa.

Tháng 11-2016, Bộ Y tế đưa ra mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 80% các tỉnh thành trực thuộc TW có mô hình bác sĩ gia đình. Đây là chiến lược đúng dù chậm so với thế giới nửa thế kỷ. Tại Mỹ, 35% bác sĩ là bác sĩ gia đình, Cannada 50%, Philippines, Malaysia cũng đã thực hiện. Chiến lược đề ra rất đúng, vì bác sĩ gia đình là các bác sĩ đa khoa có trình độ toàn diện, chăm sóc sức khỏe ban đầu, có kỹ năng tư vấn tâm lý để chẩn đoán, tiên lượng, hướng dẫn cho người bệnh, dự phòng bệnh tật qua tư vấn dinh dưỡng, vệ sinh phòng dịch. Đây là mẫu mà bác sĩ tuyến đầu chống dịch đã được yêu cầu thực hiện nhưng thực hiện thiếu và không đồng đều.

GS Trần Đông A đưa ra nhận xét: đang thừa chiến lược và thiếu cơ chế thực hiện. Việc xây dựng chính sách là quan trọng nhất và cần bắt tay làm ngay.

Luật sư Trương Thị Hòa kiến nghị Chủ tịch nước quan tâm, chỉ đạo thực hiện các chính sách đối với người khuyết tật, người cao tuổi, quan tâm việc chăm sóc sức khỏe tâm thần của người dân, bởi nước ta có khoảng 10% dân số người cao tuổi, trên 7% dân số là người khuyết tật. Luật sư cũng đề nghị cần quan tâm hơn đến chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân dân. Hiện nay, Việt Nam cũng chỉ có khoảng 2% ngân sách quốc gia dành cho sức khỏe tâm thần, ở các nước có thu nhập thấp chỉ có khoảng 12% người có vấn đề về sức khỏe tâm thần được điều trị.

Góp ý về vấn đề cán bộ, cử tri Huỳnh Văn Minh, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM cho rằng, người được đề nghị bổ nhiệm chức vụ cao hơn phải được một tổ chức và một cá nhân của đơn vị đó đề nghị, bảo lãnh, theo dõi, giúp đỡ cả nhiệm kỳ cho người được bổ nhiệm. Việc này phải thực hiện nghiêm, tương tự như giới thiệu người kết nạp Đảng theo điều lệ Đảng quy định…

Trong khi đó, ông Trần Đình Thắng, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, Chủ tịch Viện văn hóa & giáo dục Việt Nam tại Mỹ nêu nhiều giải pháp thú vị về vấn đề giao thông. Chẳng hạn, để giảm kẹt xe, nên khuyến khích người dân đi chợ 1 tuần/lần như các nước tiên tiến, thay vì 1-2 lần/ngày; khuyến khích thực hiện hồ sơ trực tuyến tránh ra đường nhiều…

NSƯT Trịnh Kim Chi trăn trở khi văn học nghệ thuật chưa được quan tâm đầy đủ, tương xứng. Đầu tư còn mang tính bình quân, dàn trải. Văn nghệ sĩ do mưu sinh phải làm nhiều nghề, mất dần đi tính chuyên nghiệp. Một bộ phận văn nghệ sĩ có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống gây bất bình trong xã hội. Từ đó, bà nêu nhiều giải pháp để xây dựng thêm các thiết chế văn hóa, văn học nghệ thuật đồng bộ, xứng tầm; phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.

Liên quan lĩnh vực điện ảnh, Phó Chủ tịch Hội điện ảnh TPHCM Nguyễn Công Hậu đề xuất cần đào tạo một đội ngũ ê kíp trẻ: đạo diễn, diễn viên, biên tập, thiết kế quay phim, âm nhạc… có trình độ ngoại ngữ, có đam mê, tài năng, tố chất thực sự để đưa đi du học ở nước ngoài để mở mang và cập nhật cái mới, hay, lạ nhất là kỹ xảo điện ảnh 3D, 4D về phục vụ đất nước.

Cũng trong lĩnh vực văn hóa, Hòa thượng Danh Lung, trụ trì chùa Candaraṅsī cho rằng chính sách xây dựng không gian sinh hoạt văn hóa cho các cộng đồng khác nhau cần được xem xét cho phù hợp. Đối với người Khmer thay vì xây dựng nhà văn hóa, thì nên đầu tư cho xây dựng Sa la tean (lễ đường), xây dựng chùa nơi có người Khmer sinh sống thì tốt hơn. Vì người Khmer theo Đạo Phật hơn 90%, chùa còn là trung tâm văn hóa của tộc người này. Cho nên nơi không có chùa thì không có nơi tập trung để sinh hoạt văn hóa, để học tập.

Từ các ý kiến cử tri, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chia sẻ một số vấn đề cử tri quan tâm. Với ngành y tế, ngay sau khi TPHCM có dấu hiệu kiểm soát được dịch, TPHCM đã xây dựng chương trình phục hồi phát triển kinh tế, trong đó xác định chiến lược về y tế là trụ cột, tiên quyết để phục hồi phát triển. Trong chiến lược này, TPHCM xác định lại mô hình y tế cơ sở, chính sách cho y tế cơ sở, đầu tư để đào tạo nhân lực.

Về vấn đề văn hóa, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết TPHCM đã xây dựng các kế hoạch để trong tháng 7 sẽ tổ chức hội nghị văn hóa, theo đó bàn việc đầu tư các thiết chế văn hóa, phát triển nhân lực, các loại hình kết hợp truyền thống, hiện đại.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cũng tiếp thu ý kiến cử tri về mở rộng nhà ga sân bay Tân Sơn Nhất, chuyển đổi số, phát triển và quản lý đô thị… để cụ thể hóa trong quá trình chỉ đạo điều hành, xây dựng chiến lược phát triển TPHCM.

Phát biểu tiếp thu ý kiến cử tri, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ cảm động khi các vị nhân sĩ trí thức, chức sắc tôn giáo, văn nghệ sĩ dù ở cương vị, thành phần nào cũng rất tâm huyết với đất nước, với TPHCM.

Theo Chủ tịch nước, những phát biểu này không chỉ nêu lên những trăn trở, mà còn đưa ra nhiều biện pháp, đề xuất hết sức cụ thể, ở nhiều lĩnh vực của đời sống. Những giải pháp chỉ ra vai trò của đào tạo nhân lực, yếu tố con người, vận động các nguồn lực xã hội cùng tham gia phát triển, mong muốn được TPHCM và Trung ương đặt hàng để nghiên cứu, ứng dụng…

“Có những vấn đề cần nghiên cứu, nhưng cũng có những vấn đề có thể vận dụng được ngay…”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận xét. Đơn cử như những trăn trở của GS Trần Đông A, Chủ tịch nước cho rằng vấn đề bác sĩ gia đình được đưa ra sớm, nhưng thực hiện rất chậm. TPHCM phải chăng có thể đi trước một bước.

Nhắc nhớ lời dạy của người xưa, hiền tài là nguyên khí quốc gia, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vai trò của đội ngũ nhân sỹ trí thức, văn nghệ sĩ trong kiến thiết, xây dựng quốc gia hùng mạnh. Trong thời gian dịch bệnh vừa qua, vai trò đó càng được phát huy, rất đáng trân trọng. Chủ tịch nước đề nghị TPHCM có chính sách đột phá với nhân sỹ, trí thức.

TPHCM đang bộn bề công việc, khẩn trương phục hồi phát triển sau dịch, muốn phát triển xứng tầm có rất nhiều việc phải làm, trong đó có những ý tưởng lớn, trước hết cần hiệu lực, hiệu quả thực thi. Theo Chủ tịch nước, TPHCM là trung tâm kinh tế, văn hóa của cả nước, bất kỳ điểm nghẽn nào mà TPHCM gặp phải đều có nguy cơ ảnh hưởng mục tiêu chung quốc gia. Chủ tịch nước mong muốn các vị nhân sỹ trí thức, văn nghệ sĩ sẽ tiếp tục ủng hộ để TPHCM phát triển đúng tầm.

Trong những công việc cần tập trung, Chủ tịch nước đề nghị TPHCM ngay bây giờ đảm bảo cung ứng dịch vụ y tế giáo dục, ổn định giá cả, khơi thông bất cập trong đấu thầu mua sắm thuốc, giải bài toàn thiếu thuốc và vật tư tiêu hao. Trong khi chờ Chính phủ tháo gỡ, thì TPHCM trong phạm vi trách nhiệm của mình, cần chủ động tháo gỡ để bảo vệ sức khỏe nhân dân. Về lâu dài, TPHCM cần xác định lại mô hình chăm sóc sức khỏe nhân dân, mô hình bác sĩ gia đình phải quyết liệt hơn, trước mắt phải ngăn chặn sự khủng hoảng hệ thống y tế TPHCM, có chương trình đào tạo trung và dài hạn hiệu quả hơn.

Chủ tịch nước cũng bày tỏ mong muốn TPHCM tiếp tục đối thoại với doanh nghiệp, đặc biệt tháo gỡ vướng mắc của nhiều dự án, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công. Trong đó đặc biệt chú ý các lĩnh vực kinh tế có tính chất đòn bẩy, có tính lan tỏa như hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, viễn thông.

Với đội ngũ cán bộ công chức, Chủ tịch nước đề nghị TPHCM cần củng cố niềm tin, tinh thần động lực làm việc của đội ngũ. Có chính sách để cán bộ yên tâm, có trách nhiệm hơn, sai đúng rõ ràng, không có tình trạng sợ trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Chủ tịch nước cũng đề nghị Đoàn ĐBQH cần giám sát hiệu quả, có cảnh báo kịp thời để các cơ quan điều chỉnh, trên tinh thần không coi thường “những đốm lửa nhỏ”.

Chủ tịch nước tin tưởng, các vị nhân sỹ trí thức, văn nghệ sĩ, chức sắc tôn giáo sẽ tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, cùng vận động nhân dân toàn TPHCM thực hiện tốt chính sách pháp luật, không ngừng đoàn kết, xây dựng TPHCM phát triển xứng đáng vai trò đầu tàu.

PV