Phật giáo được truyền bá vào Việt Nam từ khoảng những năm đầu Công nguyên và trở thành một trong những tôn giáo lớn ở nước ta. Ngay từ khi mới vào Việt Nam, Phật giáo đã nhanh chóng thâm nhập vào tâm hồn, nếp nghĩ, lối sống của người dân, góp phần tạo nên bản sắc văn hoá của dân tộc Việt.
Nhiều tư tưởng của Phật giáo khi vào Việt Nam đã được Việt hoá, hoà đồng với những phong tục, tín ngưỡng dân gian tạo nên những nét riêng biệt của Phật giáo Việt Nam. Trong số đó, phải kể đến quan niệm về “Tâm” trong Phật giáo.
“Tâm” được xem là một trong những phạm trù quan trọng, cơ bản của Phật giáo. Có thể khái quát thành 6 cấp độ về “Tâm” Phật giáo như sau:
1: “Tâm” là trái tim bằng xương, bằng thịt (Phật giáo không để ý tới nghĩa này);
2. “Tâm” là thức (vijnàna) và theo một nghĩa nào đó, nó chính là ý thức thông thường của con người;
3. Không chỉ là ý thức, “Tâm” còn là toàn bộ thế giới bên trong, cái chủ quan, tâm hồn, tình cảm, ý đồ, tinh thần, tâm lý. “Tâm” không chỉ là lý mà còn là tình. Cái “Tâm” này chính là “manas”;
4. Ở góc độ “Tâm” là thức thứ tám, thì nó bao gồm cả tiềm thức,
5. “Tâm” còn là sự tổng hợp của tất cả cái “Tâm” theo nghĩa thứ hai, thứ ba, thứ tư;
6. Trong Phật giáo, “Tâm” còn là bản thể vũ trụ, đó chính là tâm thể, chân tâm.
Khi vào Việt Nam, hầu hết nghĩa của chữ “Tâm” vẫn được giữ lại. Vốn có cảm tình và ưa chuộng đạo Phật, nên người Việt Nam rất đề cao chữ “Tâm”.
Không phải ngẫu nhiên trong cuộc sống, người ta luôn khuyên nhau, hay câu cửa miệng của mọi người khi thấy người khác lo lắng thì nói hãy “yên tâm”, “an tâm”.
Mọi người đều biết rằng, nếu nôn nóng, giận dữ thì đều làm cho cái “Tâm” không yên thì sẽ mất khôn. Cho nên, muốn an “Tâm” thì phải sống chính trực ngay thẳng, trong sáng. Đây chính là phép an tâm trong Phật giáo.
1. Quan niệm về chữ “Tâm” trong Phật giáo Việt Nam
Một là, cái “Tâm” bác học. Nội dung của nó bao gồm cả 6 cấp độ như đã được trình bày ở trên. Cách hiểu về “Tâm” theo khuynh hướng này chịu ảnh hưởng trực tiếp từ quan niệm “Tâm” của Phật giáo Trung Hoa.
– Chữ “Tâm” viết theo tiếng Hán có hình một trái tim (một vùng trăng khuyết, ba sao trên trời). Chữ này có nghĩa khá rộng vừa chỉ tinh thần, ý thức, lại vừa chỉ tình cảm, lý trí; vừa là trái tim lại vừa là tên chung để chỉ những phẩm chất của trí óc. Ngoài ra, nó còn chỉ những cái ở giữa (trung gian, trung tâm).
Khi Phật giáo du nhập vào Trung Quốc, chữ này có nội hàm và ngoại diên càng mở rộng. Ngoài nghĩa trên nó còn chỉ tám thức (bát thức): nhãn thức, nhĩ thức, thiệt thức, thân thức, tị thức, ý thức, mạt na thức (thức thứ bảy), Alạida thức (thức thứ tám) và kết hợp với nhau giữa chúng.
Trong Phật giáo còn có một cái “Tâm” nữa, đó là tự tính thanh tịnh “Tâm” (Kiên thực tâm) hay Như Lai Tạng tâm (Chân như). Như vậy, trong Phật giáo có tới 10 “Tâm”.
– “Tâm” được hiểu là nơi cư trú của hoạt động tinh thần của con người. Nó còn mang ý nghĩa là lương tâm đạo đức, tấm lòng, lòng bao dung, nhân ái độ lượng, vị tha, thương người như thể thương thân.
“Tâm” còn biểu hiện là sự cảm thông, biết chia sẻ với người khác lúc hoạn nạn, khó khăn. “Tâm” là tâm tính, tâm can, tâm tư, tâm khảm, là toàn tâm toàn ý cho công việc cho sự nghiệp, lý tưởng của mình. Trong đời sống tinh thần cái “Tâm” bác học cũng ảnh hưởng nhiều tới con người Việt Nam.
Hai là, cái “Tâm” bình dân, nó góp phần hình thành nên nền Phật giáo dân gian ở Việt Nam. Đây chính là một trong những biểu hiện sự biến đổi của Phật giáo khi vào Việt Nam để hoà hợp với đời sống và sự nhận thức của người dân nơi đây. Trong sáu cấp độ “Tâm” nói trên, ở Việt Nam, Phật giáo, đặc biệt là Phật giáo dân gian nhấn mạnh mặt chủ quan tình cảm trong khía cạnh thử ba trong khái niệm “Tâm”
Hiểu theo cách này, “Tâm” chính là lòng, bụng, dạ, ruột… là phần bên trong của cơ thể con người, là cái quan trọng nhất, dễ nhận biết được. “Tâm” là tâm lực, là sự tập trung cao độ của sức lực con người. Ở mỗi người, ai cũng tồn tại cái “Tâm” trong mình. Vì thế, trong cư xử giữa con người với con người, điều quan trọng là tấm lòng, là thành “Tâm”, thực bụng sống hết lòng vì nhau.
Vì thế, với người Việt Nam, người ta thường sử dụng chữ lòng thay cho chữ “Tâm”. Điều này được phản ánh đậm nét trong kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam, trong các câu chuyện cổ dân gian… Theo kết quả khảo cứu của GS.TS Nguyễn Hùng Hậu:
“Trong cuốn “Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam” của Vũ Ngọc Phan (in lần thứ tám, NXB Khoa học Xã hội, 1978), trừ phần các dân tộc miền núi, ta thấy tần suất xuất hiện những chữ này như sau (theo nghĩa đen): Lòng (khoảng 120), dạ (32), ruột (12), bụng (8), tâm(7). Nếu gộp cả lòng, bụng, dạ, ruột vào làm một thì tần suất xuất hiện chữ lòng lớn gấp 26 lần tần suất xuất hiện chữ “Tâm”.
Nhưng ngược lại, trong các văn bản thành văn bằng chữ Hán trước năm 1282, tức trước khi có chữ Nôm thì ta chỉ thấy có chữ “Tâm”, và sau này mới thấy chữ lòng. Đọc thơ văn Trần Nhân Tông, ông dùng cả hai chữ “Tâm” và lòng. Điều này lại dẫn ta tới một kết luận cao hơn: người Việt dùng chữ lòng là chủ yếu, dùng chữ lòng nhiều hơn chữ “Tâm”.
Phần lớn những người tri thức có tinh thần độc lập tự chủ về sau họ thường dùng chữ Nôm, tức chữ lòng thay cho chữ “Tâm”, mặc dù cách viết hai chữ này như nhau. Qua đây ta thấy chữ lòng xuất hiện và xuất phát từ chữ “Tâm”.
Có thể thấy rõ, trong suy nghĩ của người Việt Nam, cái “Tâm” bắt nguồn tử trong chính bản thân chúng ta. Bụng chúng ta nghĩ gì, thì hành động của chúng ta sẽ như vậy. Cho nên, muốn trở thành người tốt thì cẩn phải có cái “Tâm”, tức là chúng ta phải sống bằng cả tấm lòng của mình, mọi cư xử, hành động phải từ đáy lòng mình mà ra. Phải luôn giữ cho mình sự ngay thẳng trong “Tâm” mới mong có sự ngay thẳng trong cuộc đời. Cho nên cha ông ta mới dặn dò cháu con rằng:
Dù ai nói ngả, nói nghiêng
Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân.
Ở sao cho vừa lòng người
Dù ai giục đứng, giục ngồi mà nao.
Ngay trong cách thể hiện tình cảm lứa đôi, người Việt Nam cũng lấy bụng, lòng, dạ, ruột…ra bộc bạch tình cảm của mình, coi đó là sự thành tâm của mình đối với người mình thương, mình yêu. Chỉ có những tình cảm được khơi mạch từ trong sâu thẳm cõi lòng mỗi con người mới là tình cảm chân thành, đáng quý, đáng được trân trọng, nâng niu. Cho nên mới có hình ảnh sau:
Thương anh bụng sát tận da
Anh thì không biết tưởng là đói cơm.
Thương anh, anh chẳng nói ra
Trong ruột thì héo, ngoài da thì vàng.
Trong gia đình, tình cảm của con cái đối với cha mẹ mình cũng được bắt nguồn từ trong ruột, bụng, dạ… mỗi người:
Vẳng nghe chim vịt kêu chiều
Bâng khuâng nhớ mẹ, chín chiều ruột đau.
Chiều chiều xách giỏ hái rau
Ngó lên mả mẹ, ruột đau như dần.
Tấm lòng của người con hướng về cha mẹ mình đến mức “ruột đau như dần” cho thấy một sự hiếu đễ rất lớn của người Việt Nam đối với bậc sinh thành ra ta.
Không chỉ trong tình cảm, mà trong cả việc đánh giá, nhìn nhận về con người người Việt Nam cũng dựa bào yếu tố bụng, dạy lòng… coi đó như thước đo để căn cứ vào đó mà phán xét:
Sông sâu còn có kẻ dò
Lòng người nham hiểm, ai đo cho vừa.
Dao vàng cắt ruột máu rơi
Ruột đau chẳng mấy bằng lời em than.
Như vậy, cái “Tâm” trong cách hiểu của người Việt Nam theo dân gian là lòng, bụng, dạ, ruột… Cách hiểu này thật dân dã, chân chất như bản tính con người Việt Nam, khiến ai cũng hiểu được, nhận ra được cái Tâm trong mỗi con người và biến nó trở thành hành động của bản thân mình.
Cái “Tâm” ấy thấm đẫm hồn Việt, tính nhân văn, nhân đạo trong đó. Đồng thời, nó cũng tạo ra một màu sắc riêng trong quan niệm về “Tâm” của Phật giáo Việt Nam.
2. Một số biểu hiện “Tâm” trong Phật giáo Việt Nam
“Tâm” trong Phật giáo Việt Nam có thể khái quát thành một số biểu hiện cơ bản sau:
Thứ nhất “tâm” là sự biểu hiện của lòng thành, sự thành tâm, không gian dối, sống chân thật, đúng mực, có trách nhiệm.
Với người Việt Nam, “Tâm” chính là tấm lòng là sự chân thành, thành tâm với lời nói, cử chỉ, việc làm của mình. Con người sống trên đời phải có tấm lòng, có trách nhiệm với nhau, trách nhiệm với công việc, với hành động của mình. Thiếu trách nhiệm trong công việc, trong mối quan hệ với nhau, tức thiếu đi sự thành tâm thì mọi việc sẽ không thành, hậu quả xấu khôn lường.
Với Phật giáo, những người có lòng thành tâm, sống có trách nhiệm đều sẽ “đắc đạo” – đểu trở thành Phật. Bởi “Phật tại tâm, tâm là Phật”.
Vua Trần Thái Tông trong bài “Thiền Tông chỉ nam” được sư Phù Vân chỉ dạy: Núi vốn không có Phật, Phật ở ngay trong lòng, lòng lặng lẽ mà sáng suốt, đó là Phật đấy. Nay nhà vua nếu giác ngộ về chữ “Tâm” thì lập tức ra thành Phật, có cần gì phải đi cầu ở đâu.
Đây là chủ trương nhập thế để gánh vác việc đời, việc nước không chỉ của các nhà tu hành mà của cả bậc đế vương. Sống có trách nhiệm với dân, với nước, cống hiến công sức cho đời theo tinh thần đại từ bi. Đó chính là biểu hiện “Tâm” – cái “Tâm” trong sáng, thanh tịnh, theo đúng nghĩa của Phật giáo.
Hàng tháng, cứ ngày rằm, mùng một người dân lại thắp hương làm lễ trên chùa, tại nhà để mong được phù hộ độ trì, cầu bình an, phước lộc… Lòng thành kính, đó cũng là những biểu hiện của “Tâm” người Việt Nam mà ở đâu trên đất nước Việt Nam này chúng ta đều có thể bắt gặp và nhận ra một cách dễ dàng. Nó gần gũi, dễ thể hiện và ai cũng làm được, có được.
Đây là nét riêng, độc đáo trong sự biến chuyển của cái “Tâm” Phật giáo nói chung vào trong Phật giáo Việt Nam.
Thứ hai, “Tâm” là biểu hiện của lòng hiếu thảo, sự hiếu thuận, sống có tình, có nghĩa, có trước, có sau.
Phật dạy: muôn việc ở thế gian, không gì hơn công ơn nuôi dưỡng lớn lao của cha mẹ (Kinh Thai Cốt). Cho nên, con cái phải có hiếu với cha mẹ.
Tăng Sâm có nói: “hạnh hiếu đứng đầu trăm hạnh tốt”. Là người Việt Nam, đạo lý làm người đầu tiên phải học đó là hiếu kính với cha mẹ, ông bà. Nó đã ăn sâu vào tâm khảm người Việt Nam, trở thành bản tính tự nhiên.
Dưới sự ảnh hưởng của các tôn giáo mà lớn nhất là đạo Phật, đạo Phật là đạo hiếu, lời dạy của Phật về việc nhớ ơn và báo ơn cha mẹ đã khắc sâu hơn nữa trong mỗi con người Việt Nam. Đây chính là biểu hiện “Tâm” cốt cách của con người Việt Nam. Bởi hiếu tâm tức thị Phật tâm, hiếu hạnh vô phi Phật hạnh, làm tròn bổn phận của người con đối với cha mẹ chính là một trong những pháp tu của nhà Phật:
Tu đâu cho bằng tu nhà
Thờ cha kính mẹ mới là chân tu.
Đi về lập miếu thờ vua
Lập trang thờ mẹ, lập chùa thờ cha.
Với người Việt Nam dưới ảnh hưởng của tư tường Phật giáo, nhân dân luôn nhắc nhở nhau sống có tình, có nghĩa, có lương tri với nhau, để cùng nhau tạo lập một cuộc sống tốt lành, tránh bị quả báo theo luật nhân quả. Ca dao có câu:
Ai ơi hãy ở cho lành
Kiếp này chẳng gặp để dành kiếp sau.
Cây xanh thì lá cũng xanh
Cha mẹ hiền lành để đức cho con.
Sống có lòng với nhau, mong cho nhau gặp điều tốt lành, đó cũng là biểu hiện “Tâm” của người Việt Nam.
Thứ ba, “Tâm” còn biểu hiện ra ở lối sống từ bi, bác ái, không làm điều ác chỉ làm điều thiện, điều nhân đức.
Trước khi Phật giáo vào Việt Nam, ở nước ta đã có tính thương người, nó xuất phát từ chính cuộc sống của người Việt Nam cổ đại và phát triển theo lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam. Những nét đẹp trong truyền thống người Việt Nam thể hiện ở tinh thần:
Lá lành đùm lá rách
Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ.
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
Tư tưởng từ bi của đạo Phật, nguồn gốc vẫn là tình yêu thương rộng lớn đối với giai cấp lao động và cả những người cùng đinh trong xã hội. Nó chống lại giai cấp quý tộc, giai cấp đè bẹp tình người trong xã hội.
Phật dạy: “Mọi người đều có thể thành Phật”. Phật đã bao dung mọi người trong tình thương bao la huyền diệu. Khi tư tưởng từ bi của Phật giáo vào Việt Nam đã làm cho tình thương của con người Việt Nam được nhân lên, mở rộng.
Con người biết lo lắng cho người khác hơn bản thân, biết bao dung độ lượng, biết tha thứ cho người lỗi lầm biết hối cải. Tình thương ấy còn là tình thương muôn vật. Cấm sát sinh, làm bố thí bắt nguồn từ đó. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” đã trở thành phương châm sống của người Việt Nam.
Lòng yêu thương con người, sự độ lượng bao dung, luôn làm điều thiện, không làm điều ác, sống vị tha, đó chính là những biểu hiện của “Tâm” người Việt Nam. Trong kinh “Quán Vô Lương Thọ” chỉ rõ: người có tâm Phật là người đại từ bi. Sống từ bi (“từ” là làm cho người khác lạc quan và “bi” là làm cho người khác thoát khỏi đau khổ) đó là thể hiện “Tâm” của Phật.
Thứ tư, “Tâm” còn thể hiện ở cuộc sống an lạc, thảnh thơi, thăng bằng, sống hoà hợp với môi trường xung quanh và những người đồng loại.
Sống an tạc, thảnh thơi, đó là mục đích cao thượng trong đời sống để con người phấn đấu có được một lối sống tốt sống có ý nghĩa với đời. Nó không thiện cho con người giúp con người thoát khỏi những trói buộc của đời sống hiện thực nơi trần thế trở về với sự tĩnh tại, thanh tịnh trong tâm hồn. Con người biết gạt bỏ những ham muốn, dục vọng tầm thường để thanh lọc cõi tâm, giữ cho “Tâm” mình trong sáng, sống hoà hợp với thiên nhiên, môi trường và con người xung quanh.
Hình ảnh các ngôi chùa với những cảnh quan tươi đẹp là điểm dừng chân lý tưởng cho tâm hồn mỗi con người trong cuộc sống huyên náo nơi trần thế. Những kiến trúc và cảnh vật trong chùa đã mang đến với mỗi con người sự bình yên, thảnh thơi, thư thái, bỏ lại đằng sau những lo toan tất bật của cuộc sống. Tư tưởng sống an lạc, thảnh thơi, hoà hợp cũng là một trong những biểu hiện “Tâm” của Phật giáo Việt Nam.
Cái “Tâm” trong quá trình hoà nhập vào đời sống người Việt, bên cạnh những biểu hiện tốt đẹp như đã trình bày ở trên vẫn còn có cả những biểu hiện chưa tốt.
Thứ nhất, do quá đề cao chữ lòng, nên người Việt Nam nghiêng nhiều về cảm xúc, cảm nghĩ, tình cảm. Trong hành động của bản thân mỗi người, nhiều khi vì tấm lòng vì chữ tình mà thành ra hỏng việc, bị kẻ xấu lợi dụng để làm điều sai trái.
Quan niệm “một trăm cái lý, không bằng một tý cái tình” đã trở thành thói quen của người Việt Nam. Họ giải quyết công việc không theo lý mà chỉ luỵ tình. Người càng thân thì càng đúng hơn. Vì thế, ở rất nhiều làng quê Việt Nam với lối hành xử theo kiểu trọng tình hơn trọng lý đã khiến trật tự kỷ cương làng nước khó được thực thi.
Thứ hai, vì cái “Tâm” của người Việt thể hiện tư duy hướng nội, cho nên họ thiên nhiều về tình cảm, để cao tính thiện, cái thiện từ “Tâm” mà ra. Và để hướng tới cái thiện, theo Phật giáo, đó phải là sự tự phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng bản thân của mỗi người. Song, nếu chỉ thế thì cái ác sẽ vẫn tồn tại, hiện hữu phát triển trong đời sống của chúng ta.
Do đó, không thể chỉ bằng sự nỗ lực, rèn luyện của bản thân mỗi người, mà còn cẩn phải có sự đấu tranh để loại trừ cái xấu, cái ác khỏi cuộc sống của con người. Điều này, Phật giáo chưa thật nhấn mạnh. (đây là quan điểm phổ biến trong giảng dạy Triết học Phật giáo trong trường Đại học, cao đẳng tại Việt Nam – Phật tử Việt Nam chú)
Tóm lại, Phật giáo ra đời từ Ấn Độ vào thế kỷ VI (TCN), sau khi du nhập vào Việt Nam kết hợp với phong tục tín ngưỡng bản địa đã nhanh chóng thích ứng với đời sống của người Việt Nam.
Người Việt Nam tìm nhiều tới đạo Phật không chỉ bởi đạo Phật có những nét, những điểm tương đồng với văn hoá, truyền thống người Việt, mà còn bởi đạo Phật là “đạo Tâm” đề cao chữ “Tâm”.
Cái “Tâm” ấy, khi vào Việt Nam đã được cải biến đi cho phù hợp với đời sống con người Việt Nam, làm cho mỗi người dân Việt Nam đều thấy được cái “Tâm”của mình.
Nó cũng là một trong những yếu tố góp phần làm nên bản sắc độc đạo của Phật giáo Việt Nam so với Phật giáo thế giới. Đồng thời, cũng là một trong những nguyên nhân để người Việt Nam ngày một tìm tòi Phật giáo nhiều hơn so với các tôn giáo khác ở Việt Nam hiện nay.
Đạo Phật đã dạy cho con người biết ăn ở hiền lành, hiếu hoà, hiếu kính, chân thật, yêu thương đồng loại, thấy rõ lẽ phải, bỏ ác làm lành, cải tà quy chính, trau dồi đức hạnh thăng hoa trí tuệ, cho nên được quảng đại quần chúng chấp nhận.
Thạc sĩ Ngô Thị Lan Anh – Khoa Marx-Lenine, Đại học Sư phạm Thái Nguyên