Sinh ngày 16/7/1970, Apichatpong "Joe" Weerasethakul là một đạo diễn, biên kịch kiêm nhà sản xuất phim độc lập. Anh đã dàn dựng nhiều phim truyện và hàng chục phim ngắn. Chủ đề trong các bộ phim của Weerasethakul thường mô tả những giấc mơ, thiên nhiên và sex. Dưới đây là cuộc chuyện trò của anh với báo giới:
* Dường như bộ phim của anh khiến khán giả phải tưởng tượng nhiều để hiểu được thế giới tín ngưỡng của người Thái?
– Tôi không lo lắng vì điều đó vì tôi nghĩ điện ảnh mang tính toàn cầu. Không phải phim nào cũng dành cho tất cả mọi người. Nếu lo lắng như vậy thì không nên làm phim.
* Uncle Boonmee được quay ở Đông Bắc Thái Lan, nơi anh trưởng thành. Anh mô tả nơi này như thế nào trong phim của mình?
– Đông Bắc Thái Lan là vùng khô cằn, nông nghiệp không phát triển, vì vậy người dân ở đây khá nghèo. Do đó họ phải di cư tới các thành phố lớn như Bangkok để kiếm sống. Chúng tôi tiếp thu ảnh hưởng văn hóa từ Lào và Campuchia vì vậy tôi lớn lên cùng nhiều tín ngưỡng, nhưng trước đây tôi chưa bao giờ khai thác những khía cạnh này.
* Cha mẹ anh giàu hay nghèo?
– Họ thuộc tầng lớp trung lưu. Cha mẹ tôi là người Bangkok, nhưng họ là những người tiên phong tới vùng này.
* Vậy họ làm gì để kiếm sống?
– Họ là bác sĩ. Thời đó khi tốt nghiệp, người ta được chọn thành phố để làm việc, nhưng không ai chọn nơi này. Tuy nhiên, cha mẹ tôi đã chọn tới đây. Cha mẹ tôi thuộc những người đầu tiên xây dựng bệnh viện ở Khon Kaen.
* Khi viết anh chỉ chú tâm tới kịch bản?
– Tôi chỉ viết kịch bản và thiền.
* Vậy thiền đã hỗ trợ anh như thế nào trong quá trình viết kịch bản?
Cảnh trong phim Uncle Boonmee |
– Nó hữu ích cho đời sống tình yêu của tôi (cười) và hỗ trợ tôi trong việc viết lách nữa. Thiền giúp tôi tập trung tư tưởng. Bình thường tôi làm việc gì cũng nhanh và thiếu cân nhắc, nhưng thiền giúp tôi tĩnh tâm. Vì bộ phim này làm về tình yêu cùng các mối quan hệ, cho nên thiền đã giúp tôi thể hiện những mối liên kết bề sâu.
* Liệu khán giả có thể đúc kết được bài học nào đó từ câu chuyện anh kể trong phim?
– Tôi không chắc khán giả sẽ đồng cảm với bộ phim này vì bình thường tôi không thích đưa thông điệp gì vào tác phẩm của mình, bởi tôi nghĩ phim còn hơn cả một thông điệp. Phim nên có nhiều cách giải thích khác nhau vì chúng ta tiếp cận với nó từ nhiều nền tảng khác nhau.
* Phim của anh đề cập tới đời sống siêu nhiên và cõi âm. Anh có sử dụng bất cứ kỹ xảo điện ảnh nào để dàn dựng bộ phim này?
– Chúng tôi cố gắng vận dụng cả đồ họa video và kỹ xảo kinh điển, chẳng hạn như khi tạo hình ảnh một con ma chúng tôi sử dụng một chiếc gương. Nói theo một cách nào đó thì đây là bộ phim nệ cổ…
* Bộ phim của anh có “cường điệu” các tín ngưỡng của người Thái, hay quá thiên về tính tâm linh không?
– Vì bộ phim này tôn vinh nền điện ảnh xưa cũ của Thái Lan nên trong phim có sử dụng một số yếu tố, đặc tính và phong cách ánh sáng, nhưng nói chung những suy nghĩ về sự đầu thai, cõi âm hay các vấn đề tâm linh đã ngấm vào máu của chúng tôi. Có thể nói rằng khoảng 90% người Thái tin vào điều đó.
* Khi nào thì phim Uncle Boonmee được phát hành ở Thái Lan?
– Ở Thái Lan, để tìm được một rạp chiếu phim là vấn đề tương đối phức tạp. Tôi đã tốn rất nhiều tiền cho chiến dịch quảng cáo và quảng bá mỗi khi phát hành phim, và tôi không biết là có đáng làm như vậy không. Nhưng dẫu sao, tôi vẫn muốn phim được chiếu ở quê nhà.
* Thời gian anh theo học ở Viện Nghệ thuật Chicago như thế nào?
– Tôi học ở đó từ năm 1994 đến năm 1997 và trong thời gian đó lần đầu tiên tôi mới tìm hiểu các thể loại phim khác nhau, đặc biệt là phim thử nghiệm. Ở trường, giáo viên chú trọng tới các bộ phim thử nghiệm của Mỹ. Ấn tượng của tôi về nước Mỹ có được từ những bộ phim đó.
* Anh có gia đình chưa, và gia đình có phải là một phần trong cuộc sống của anh?
– Ý anh là tôi kết hôn chưa ư? Tôi có người yêu. Cậu ấy là một sinh viên (cười), một nghệ sĩ kiêm nhiếp ảnh gia.
* Anh có nghĩ giới tính của mình tác động tới cách làm phim của anh?
– Tôi không nghĩ vậy. Tôi làm nhiều phim về đề tài này. Tôi nghĩ giới tính không là vấn đề.