Trang chủ Thời đại Xã hội Chữ đạo qua thế giới quan của Phật và Lão

Chữ đạo qua thế giới quan của Phật và Lão

153
Học thuyết của Ngài dùng hình thức tư duy lí luận lấy Đạo làm trọng tâm nên Ngài được xem là thuỷ tổ của học phái Đạo gia. Trong “Thần tiên truyện” nói Ngài thân cao tám thước tám tấc, lông mày vàng, trán rộng, cằm vuông, môi dày, răng sưa, hai sống mũi, ba lỗ tai, mẫu thân mang thai tám mươi mốt năm mới sinh ra, cho nên khi sinh ra tóc đã bạc phơ vì thế Ngài được gọi là Lão tử.
 
Tư tưởng của Lão Tử chủ yếu dạy chúng ta về cái Đạo “vô vi”, không làm gì trái với quy luật tư nhiên, trái với quy luật phát triển của sự vật. Dùng vô vi mà xử sự, không dùng tư tâm mà đan xen vào việc của người khác, không dùng lòng tham cá nhân mà can thiệp vào mọi việc. Sách “Lão Tử” được gọi là “Đạo đức kinh”, gồm có 81 chương, phân làm hai thiên, thiên thượng và thiên hạ.Thiên thượng gồm 37 chương đầu, gọi là “Đạo kinh”; thiên hạ gồm 44 chương, gọi là “Đức kinh”. Trong 37 chương đầu luận về Đạo,  Lão tử đã có những diễn giải rất sâu sắc, Đạo trong “Đạo đức kinh” của Ngài so với Đạo của Bụt quả thật rất gần. Điều này sẽ được kiến giải qua sự hiểu biết nông cạn của tôi về tư tưởng của Bụt và của Lão trong dòng chảy của hai luồng tư tưởng về Đạo suốt hàng ngàn năm lịch sử.
 
Trải qua thời gian, kể từ ngày Bụt nhập niết bàn cho đến nay, các hậu duệ của Ngài đã không ngừng kế thừa, nghiên cứu và thực hành Đạo của Ngài để giáo hoá thức tỉnh chúng sinh thoát vòng mê hoặc tìm về với an vui hạnh phúc. Nhưng cũng có những bậc trưởng tử Như Lai trong khi hành đạo không hiểu đúng tư tưởng của Ngài hay cố tình truyền bá sai tư tưởng của Ngài vì mục đích nào đó đã làm cho chúng sinh không những không thoát khỏi bờ mê, tìm về bến giác mà càng chìm sâu vào  vòng mê hoặc của địa ngục tử sinh khổ đau bất tận.
 
Hoà Thượng Tuyên Hoá, một bậc tu hành đạt được những thành quả lớn trong quá trình tu học và được nhiều tín đồ trong đạo tôn là bậc truyền thừa của Bụt về đạo giác ngộ của Ngài viết trong cuốn “Khai thị”:
Thị đạo tắc tiến
Phi đạo tắc thối
(Là đạo thì theo
Không là đạo thì thối lui)
Vậy nói như Hoà thượng thì phải hiểu thế nào là Đạo để theo và thế nào không là Đạo để mà thối lui?
Sinh thời, Bụt thuyết pháp vốn lấy con người làm đối tượng trung tâm. Vì chúng sinh có 84 ngàn chứng bệnh mà Ngài sáng tạo ra 84 ngàn pháp môn tu. Pháp nào cũng có khả năng trị bệnh, môn tu nào cũng có thể vào trong Đạo. Không kể tu Tịnh hay tu Thiền, Nam tông hay Bắc tông… nếu biết chọn đúng cửa mà vào thì chốn chốn đều thông, nếu không biết chọn đúng cửa mà vào thì hết thảy đều chướng ngại.
 
Trong quá trình hành Đạo, nếu mỗi Phật tử(dù là Phật tử tại gia hay xuất gia) biết chọn đúng chính Đạo mà theo thì có thể thoát khỏi mọi chứng bệnh, nghiệp chướng do tham, sân, si gây tạo; nếu không biết chọn đúng chính Đạo mà theo thì sẽ bị đoạ trong vô minh mê hoặc.
 
Chỉ một chữ Đạo nhưng ẩn chứa nhiều điều thật huyền bí thâm sâu. Ta không thể cho Đạo một định nghĩa rõ ràng giống như trong toán học hay một bộ môn khao học nào khác. Vì bản chất Đạo chỉ có thể được tìm thấy trong quá trình hành Đạo.
 
Vào thời Khổng – Lão, có hai người bạn hỏi nhau: “Tôi hỏi Vô cùng về Đạo, Vô cùng nói không biết. Tôi đi hỏi Vô vi, Vô vi nói biết, đồng thời còn nói rõ Đạo là như thế nào. Xin hỏi hai người họ ai đúng?”
 
Người được hỏi trả lời: “Người nói không biết Đạo, là bậc uyên thâm; người nói biết Đạo, là kẻ nông cạn. Người nói không biết Đạo, đã tiến vào trong Đạo; kẻ nói biết Đạo còn chưa tiến vào cửa Đạo. Người nói không biết Đạo, nắm bắt được chỗ tinh hoa của Đạo; người nói biết Đạo, chỉ nắm được bề ngoài của Đạo”.
 
Nói như thế. Biết là không mà không là biết. Biết – không ; Không – biết. Luận giải về Đạo theo tư tưởng của Lão giống với tư tưởng của Phật giáo Đại thừa: “phi hữu phi không, diệc hữu diệc không”, “sắc bất dị  không, không bất dị sắc…”, “sắc tức thị không, không tức thị sắc”.( Sắc không khác gì không, không chẳng khác gì sắc, sắc tức là không, không cũng tức là sắc). Thảy đều là một. Vậy là giữa Đạo của Bụt và Đạo của Lão đã gặp nhau trong một chiều sâu nhất định ở hai chữ “sắc – không”.
 
Khi luận về chữ Đạo, Lão tử ví rằng: “Đạo giống như nước, thuận Đạo thì sống mà nghịch Đạo thì chết”.
Quả thật, trên thế gian này chỉ có nước mới lớn đến vô cùng tận, sâu không thể dò lường. Sự làm lợi của nước đạt đến mức không thể lường tính. Nó bốc lên trời thành mây mưa, rơi xuống đất thấm nhuần cây cỏ. Vạn vật không có nó không thể sinh trưởng, mọi việc không có nó không thể thành công. Nó chứa mọi sinh vật, lại không có yêu thích ghét giận. Ân trạch của nó ban đến cả loài tiểu trùng, nhưng không cầu báo đáp. Nó giúp thiên hạ sung túc, dùng nó thì vô tận; đức trạch của nó ban khắp chúng sinh mà không cho là lãng phí. Nước vận hành vô cùng tận, nước nhỏ bé không thể dùng tay nắm bắt. Đánh nó không bị thương, đâm nó không bị vết. Dao chém không đứt, lửa đốt không cháy, đánh không biết đau. Nó nhu mì không gì bằng, nó sắc bén có thể xuyên phá kim thạch, nó mạnh mẽ có thể thấu suốt thiên hạ. Nó xao động ở nơi vô bờ bến, nó nhấp nhô ở nơi vô cùng tận. Cứu giúp vạn vật, không kể trước hay sau. Nó không phân biệt công tư, cuồn cuộn mênh mông, nối liền trời với đất; nó không phân biệt phải trái, luôn hoà chung cùng vạn vật. Đó là đức hạnh tối cao của nước và đó cũng chẳng phải của Đạo sao?
 
Đạo có thể làm lợi cho hết thảy chúng sinh. Nếu chúng sinh biết sống thuận với Đạo thì cái sự làm lợi của Đạo mới được thấm nhuần còn nếu chúng sinh sống nghịch với Đạo thì ắt sẽ gặp tai ương, nghiệp chướng đúng theo luật nhân quả của Bụt – gieo nhân lành thì được hái quả lành, gieo nhân ác thì buộc phải hái quả ác. Đây chẳng phải là điểm gặp gỡ thứ hai của Lão và Bụt sao?
 
 Xưa kia nước Tề ở phương Bắc có người họ Quốc rất giàu có, nước Tống có người họ Hướng rất nghèo khó. Người họ Hướng từ nước Tống lặn lội sang nước Tề hỏi người họ Quốc về cách làm giàu. Ngưới họ Quốc bảo: “Ta chỉ khéo ăn trộm thôi. Ban đầu ta ăn trộm một năm thì đủ dùng, hai năm thì có dư, ba năm thì giàu to. Từ đó trở đi, ta đem của cải đi cứu giúp người trong xóm làng”. Người họ Hướng nghe xong rất vui mừng, nhưng khốn nỗi anh ta chỉ nge được câu chuyện ăn trộm, chứ không hiểu cách ăn trộm ra làm sao. Lúc trở về, bèn trèo tường, đục vách lẻn vào nhà người ta, phàm cái gi mắt thấy được, tay sờ nắm được là lấy tất. Anh ta ăn trộm không lâu sau thì bị bắt quả tang, bao nhiêu của cải tích luỹ trước đó cũng bị tịch thu sạch. Anh ta cho rằng người họ Quốc lừa gạt mình, bèn đi trách mắng người họ Quốc.
 
Người họ Quốc hỏi: “Anh ăn trộm như thế nào?”.
 
Người họ Hướng bèn kể lại cách ăn trộm của mình cho người họ Quốc nghe. Người họ Quốc nói: “Chết thật! Cách ăn trộm của anh sai lầm đến thế kia ư! Nay tôi bảo cho anh biết. Trời có bốn mùa, đất có sản vật. Thứ mà tôi ăn trộm là bốn mùa của trời, sản vật của đất, sự thuận hoà của gió mưa, sự nuôi dưỡng của non sông, để tôi cấy lúa trồng cây, xây tường làm nhà. Trên cạn thì tôi ăn trộm chim thú; dưới nước thì tôi ăn trộm tôm, cá, ba ba… Không có thứ gì là không phải của ăn trộm cả. Nào hoa màu, đất cát, cây cối, chim thú, cá, baba… đều là của trời sinh ra cả, có phải của ta đâu. Tuy nhiên cách ăn trộm của tôi sẽ không xảy ra tai vạ. Còn như vàng bạc, châu báu, thóc lúa, của cải đều là của người ta kiếm được, đâu phải là của trời cho? Anh ăn trộm những thứ ấy của người khác là mang phải tội là đúng, còn trách ai chứ?”.
 
Người họ Hướng nghe xong còn nghi hoặc, cho rằng người họ Quốc lừa dối mình lần nữa, bèn tìm đến nhà một ẩn sĩ có tên Đông Quách thỉnh giáo. Đông Quách nói: “Chính cả cái thân anh cũng chẳng phải là của ăn trộm đó sao? Ăn trộm khí âm dương hoà hợp lại mới tạo ra đời anh, tạo nên hình thể của anh. Huống chi, vật ở ngoài thân có cái gì mà không phải của ăn trộm? Tất nhiên trời đất vạn vật không tách rời nhau, nếu cái gì cũng nhận là của riêng mình là hoàn toàn sai lầm. Cách ăn trộm của người họ Quốc là thuận theo Đạo cho nên không bị tai hoạ. Cách ăn trộm của anh là nghịch Đạo, cho nên mới bị tai ương.”.
 
Trong sự giao thoa giữa Phật giáo và Lão giáo về chữ Đạo, ta nhận thấy cả hai quan niệm đều gặp nhau ở đạo vô vi. Phàm sống trong trời đất, không được làm gì trái với quy luật tự nhiên, lấy vô vi mà sống thì ắt sẽ loại trừ được tham, sân, si – nguồn gốc của mọi khổ đau, nghiệp chướng. Đạo Phật vốn là Đạo của từ bi và trí tuệ, nếu hiểu rõ được sự làm lợi của Đạo mà nương theo chánh pháp, tu tập nghiêm túc thì sẽ tìm thấy được niết bàn, cực lạc ngay trong thực tại.
 
Khi còn tại thế, Bụt sớm đã nắm bắt được cái tinh hoa của Đạo. Ngài đã đến được với Đạo bằng sự giác ngộ hoàn toàn nên Đạo của Ngài được gọi là Đạo giác ngộ. Tên Ngài – Buddha có nghĩa là Đấng giác ngộ cũng là vì lẽ đó.
 
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, Đạo Pháp của Ngài được lưu truyền khắp thế gian như nước không ngừng bồi đắp, cứu giúp con người thoát khỏi vô minh, không còn bị ám ảnh bởi luân hồi sinh tử, đạt đến cảnh giới Niết bàn ngay trong thực tại chứ không phải đợi sang một kiếp luân hồi nào khác.
 
Đạo của Lão còn những hạn chế nhất định nên chỉ dừng lại trong sự ảnh hưởng nào đó, trong một giai đoạn nào đó, với những luồng tư tưởng nào đó chứ không được rộng khắp và trường tồn với thời gian như đạo của Bụt. Nhưng khi luận giải về chữ đạo thì Lão cũng đã cho ta thấy được cùng một chữ Đạo có thể gặp nhau ở sự làm lợi của Đạo nếu như đó là chính Đạo chứ không phải tà Đạo hay Đạo tư tâm.
                                                                                           
Danh mục tài liệu tham khảo:
Nguyễn Duy Cần, Trang Tử tinh hoa, Nxb Mũi cà mau , Năm 2000
Trí Tuệ, Lão Tử, tư tưởng và sách lược, Nxb Mũi cà mau, Năm 2004
Hoà thượng Tuyên Hoá, Khai thị, Quyển 4, Nxb tôn giáo, Năm 2004