Trang chủ Tết Việt Phong tục Chợ tết ở dương gian và âm phủ

Chợ tết ở dương gian và âm phủ

100

Ở Hà Nội, chợ hoa Hàng Lược làm xao xuyến nhiều thế hệ “hoa của đất”. Vì từ lâu đời, cứ vào cuối năm, Hàng Lược đã cùng Hàng Bông, Hàng Mã, Hàng Khoai rực rỡ những đào phai, đào bích, hải đường, thủy tiên, thược dược,… thành nơi thu hút những người đẹp như tiên đến ngắm hoa, mua hoa, hỏi tên hoa, trò chuyện về hoa, làm rộ lên “một trời hoa” từ 23 tháng chạp. Tới 30 tết hoa vẫn đợi người đến rước. Đêm trừ tịch thì hoa và hương trầm đã có mặt trên bàn thờ tổ. Giây phút thiêng liêng nhất của thời khắc giao hòa giữa năm cũ và năm mới vẫn có hoa, cần có hoa, thức cùng hoa và lễ lạy cùng hoa. Lúc ấy, trong mười phương như hồng tụ vào một phương duy nhất, tất cả hương đều hóa hương trầm, và kết thành một đám mây hương, như ý nghĩa mà thầy đã dạy:

– Này con, tất cả hoa đều là hoa sen, con có biết không?

Thầy chỉ nói một câu như thế, không giải thích gì thêm. Dầu tôi thành kính quỳ gối hỏi, thầy cũng chỉ cười không đáp. Thầy ngồi ngay ngắn, im lặng nghe tiếng chuông đầu tiên của năm mới gõ vào đúng giao thừa. Tôi vào đời một mình và biết thêm nhiều chợ hoa tết nữa. Ở đó các loài mang tên đào, mai, hồng, lan, cúc,… dù chúng có những mùi thơm riêng, màu sắc riêng, vẻ đẹp riêng, thì chúng cũng đều phải kham nhẫn, chịu đựng tự thành tựu chính mình sau một thời gian dài gân rung mạch chuyển. Chúng phải tự lớn mạnh cạnh những trợ duyên bên ngoài, tự khẳng định mình trong gió nắng thất thường. Chặng đường nỗ lực vươn lên để nở thành những bông hàm tiếu không khác cái nỗ lực dâng mình lên khỏi bùn đen để nở những nụ hồng thanh khiết như sen vậy. Và tất cả đều có thể có mặt trong các chợ tết trên nguồn dưới biển cho những con người đang đợi, đang cần đến chúng ở chợ Thanh Chiêm, chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Mới, chợ Bàn Thạch, Cẩm Lệ ở đất Quảng chẳng hạn. Ở phố cổ Hội An, chợ tết mở bên cạnh chùa Ông, có “mực tàu giấy đỏ”, có bánh tét, bánh tổ, bánh nổ, bánh in, bánh khô, bánh tráng, bánh thuẩn, bánh mè và hoa vạn thọ. Những năm gần đây hoa huệ được trồng ở ngoại ô phố cổ góp thêm sắc xuân cạnh nhiều loại hoa quen thuộc như thược dược, hồng nhung. Những thảm rau Trà Quế làm nền cho chúng khoe sắc. Xa xa phố cổ, người ta nhắc đến chợ tết vùng quê trung du, đó là chợ phiên Trung Phước ở huyện Quế Sơn với đủ trầm hương, mật ong, nấm mèo, cau khô, đường đen bên cạnh những mặt hàng quí như ngà voi, sừng nai, lụa là tứ xứ. Người đi chợ phiên từ phía Đông lên, hoặc từ thượng nguồn sông Thu Bồn đổ xuống : đôi ta kẻ bộ người thuyền – chợ phiên Trung Phước thành duyên một đời. Chợ họp từ sáng mùng 3 đến trưa đứng bóng thì tan: bóng ai mới đó đi mô – để anh lận đận thân cô một mình – mai ni dầu có tái sinh – thì cho anh tấm xuân tình của em. Tạm biệt, họ hẹn nhau đến mùa mai nở, mong chờ năm sau nhóm phiên chợ tết mới. Chợ tết có khi do một hoàng tử lập ra, như chợ Gia Lạc mỗi năm mở một lần ở Thừa Thiên-Huế. Hoặc do người dân tự động nhóm lại dưới những lều nhỏ lợp tranh, trên vách tre mắc đầy những tranh tết vẽ hình Quan Âm, Bát tiên, Lã Vọng, Ngũ phụng tề phi, hoặc sự tích trong truyện Thạch Sanh, Tam Quốc; dưới đất bày những con gà đất xanh vàng hồng tía mời gọi trẻ em. Tới phương Nam, chợ tết rộn ràng dưới nắng, có hoa Gò Vấp chở vào, Sa Đéc chở lên, Đà Lạt đem xuống… Cạnh những chợ tết dương gian, trong văn học cổ Việt Nam còn ghi lại đây đó một loại chợ âm phủ mở vào mỗi đêm 30 tháng Chạp. Chợ này khác với “chợ âm phủ” ở Đà Lạt (vốn là chợ dương gian dành cho người sống lui tới về đêm). Chợ này hàng quán cũng khác với quán “cơm âm phủ” ở Huế (thường đỏ đèn vào đêm khuya cho người sống tới ăn). Mà chợ này, mở cho người sống lẫn người chết – người sống gánh gạo muối, mang thúng bánh kẹo, rỗ hoa quả đến chợ lấy cớ mua bán, song kỳ thực mục đích chỉ để dò tìm linh hồn hình bóng của người thân đã khuất hiện về. Người ta tin rằng, đó là dịp duy nhất trong năm để linh hồn người chết cùng những thân quyến còn sống gặp mặt trò chuyện, hỏi han. Thầy tôi bảo chỗ họp chợ thường dưới một gốc đa lớn ở ngoại thành Thăng Long ngày cũ. Ở đó, vào đêm trừ tịch, trước giao thừa một chút, người ta nghe có tiếng cười tiếng khóc tiếng mừng tiếng vui vọng lên dưới ánh sáng của những ngọn đuốc lập lòe, ấm áp. Nó không âm u ghê sợ hoàn toàn như cảnh giới của địa phủ, vì nó được sưởi ấm bằng những tấm tình mong đợi. Nhờ đó thế gian một lần nhìn lại thân sơ. Có kẻ tin, người không, song một chợ âm phủ như thế vẫn được người ta truyền miệng lâu đời, mà với tôi, nhớ nhất là câu chuyện của thầy kể dưới đây. 


Có một đôi nam nữ nọ yêu nhau nồng nàn lắm. Sắp đến ngày cưới, bỗng chàng trai ngã bệnh nặng, chạy chữa khắp nơi không lành. Trước khi chết, anh ta cầm tay người yêu dặn dò: “Đêm 30 tết năm nay em hãy ra họp chợ ở gốc đa ngoài thành, anh sẽ đợi em nơi đó”. Cô gái đau lòng chôn cất người yêu rồi đợi đến cuối tháng Chạp năm ấy bồi hồi mang thúng rỗ đựng hương hoa, bánh mứt hệt như người đi mua bán đến chợ tết âm phủ để tìm. Cô ta đứng dưới gốc đa thấy kẻ qua người lại thầm thì, yêu đương, thề thốt, cười, khóc rưng rưng… Nhưng nhìn quanh tuyệt không thấy bóng chàng đâu. Đợi mãi, đợi mãi gần tới giao thừa, các bóng ma đã lui về cõi chết, người sống cũng về nhà gần hết, mà bóng người yêu của cô vẫn không thấy hiện. Nước mắt cô chảy dài lặng lẽ. Cô đoan chắc có một trắc trở gì đây khiến chàng không hiện hình lên chợ. Cô nghĩ thầm mình phải tìm rõ nguyên do mới được. Nghĩ như thế và nhớ tới lời thề với chàng rằng: “Sống không lấy được nhau thì chết sẽ tìm đến nhau” nên sau ba ngày tết, cô ta tự vẫn với mong ước sẽ gặp lại chàng bên suối vàng. Nhưng sau khi trút hơi thở cuối cùng, đến trước Diêm Vương, cô ta mới hay rằng chàng đã sớm đầu thai lên dương thế theo nghiệp lực của mình, chứ đâu còn ở cõi âm nữa mà tìm. Bẽ bàng hơn, cô ta được biết do nhân duyên nhiều đời tích tụ, nên khi đầu thai trở lại, chàng đã chuyển thành thân nữ, và làm công chúa của vua nhà Lý đương thời. Nghe vậy, hồn cô gái kia lúng túng, rối bời trước một thực tế trái ngang so với những mong chờ thao thức của mình. Dẫu vậy, cô ta vẫn giữ nguyên ý định muốn gặp lại chàng, dầu chàng đã thay hình đổi dạng, để thử coi còn nhớ mình không. Bởi tình thức nặng nề như thế nên cô cứ nài nỉ Diêm vương cho mình đầu thai gặp chàng càng sớm càng hay. Diêm Vương cười:

– Để làm gì chứ? Chàng ta đã chuyển ra thân nữ rồi, thành công chúa rồi, ngươi có gặp cũng hoài duyên thôi. 

Nhưng cô ta vẫn van xin mãi. Rốt cuộc Diêm vương chiều lòng nói: “Được. Nhưng muốn sống chung một nhà với người yêu đời trước của ngươi thì không có cách nào hơn là ngươi phải sinh ra làm con của người ấy. Một điều nữa, lần tái sinh này, do tác động của phước duyên nhiều đời, ngươi phải biến từ thân nữ thành thân nam. Nghĩa là ngươi sinh ra làm con trai của người yêu ngươi. Nói rõ hơn, ngươi phải đầu thai làm con trai của công chúa hiện đời, ngươi chịu không?”. 

Cô ta đồng ý. Và thế là, mười tám năm sau, công chúa (vốn là chàng) sinh được một trai (vốn là nàng). Họ sống chung một nhà nhưng không nhìn ra nhau, bởi ngũ ấm của họ đã thành bức tường ngăn che, không cho họ thấy lại diện mục ngày xưa, và bởi tình yêu kiếp nào nay đã chuyển sang tình mẫu tử. 

Thầy tôi bảo: “Người ta đi trên đời như đi vào chợ với bao nhiêu hàng hóa bừa bộn, ngổn ngang. Dù là chợ hoa thì cũng có ngày tan. Kiếp này làm nữ, kiếp khác làm nam. Kiếp này làm vợ, kiếp sau làm chồng. Kiếp này làm mẹ, kiếp nữa làm con. Cứ mãi trộn lẫn vai vế và chuyển hóa giới tính hoài hoài trong vòng nghiệp lực. Đó là sự thật đã, đang và sẽ mãi mãi diễn ra không loại trừ một ai”. Thầy căn dặn đừng ôm “cái tôi” của mình mà sống trôi lăn, và đọc cho tôi nghe mấy lời của ngài Phó Đại Sĩ: “Đêm đêm ôm Phật ngủ. Sáng sáng cùng Phật dậy. Nói nín đồng vừa vặn. Đứng ngồi chẳng lìa nhau”. Được như thế thì tuy là ngày thường cũng vui như ngày tết, phải không bạn, những người thân thương nhiều đời của tôi đang đọc dòng chữ cuối bài này?