Bài viết “Giữ gìn đạo Phật: Khi thánh ca Ki tô giáo lên sóng VTV” của tôi chỉ muốn lưu ý bạn đọc bối cảnh mới của việc gìn giữ đạo Phật, đến những nỗ lực càng cần thiết hơn nữa ở người Phật tử thuần thành.
Đoạn viết về lời chúc Noel gửi cho tôi có ý tế nhị nhắc khéo người gửi là một tu sĩ Phật giáo (Phật học Tịnh Quang Canada), rằng đã là người tu Phật, thì đừng nên tư duy như thế, cũng như đừng quảng bá tư duy đó đến tín đồ Phật giáo, vì nó không đúng với tinh thần Phật giáo.
Nhưng nhiều Phật tử, qua các phản hồi tỏ ra không hiểu các tầng nghĩa bên dưới, vốn là điều để bạn đọc tự hiểu, vì lý do tế nhị. Thế là lại nảy sinh ra nhiều cách lý giải khác. Bạn đọc Trang Trang đề nghị có ý kiến nói rõ hơn.
Chúng tôi coi trách nhiệm để bạn đọc không hiểu ý văn trước hết là do người viết, sau nữa mới đến vấn đề trình độ của bạn đọc. Vì vậy, chúng tôi xin bổ sung bài viết này.
Đã là người tu sĩ Phật giáo, có cơ duyên học hỏi Phật pháp thì người lời chúc Noel bằng hai câu thơ mà nhà thờ dùng phải biết rất rõ Đức Phật dạy chúng ta “Thiên chúa là gì?”
Theo lời Phật Thiên chúa trong kinh Phật thường gọi là Thiên chủ, nếu tôi không lầm trong chữ Hán, chủ và chúa viết cùng tự dạng, Thiên chúa chính là thiên chủ trong đạo Phật, tức vua trời, thiên đế, cũng là thượng đế. Thiên là một loài chúng sinh luân hồi trong lục đạo. Là cõi lành, như với cõi người, dù là an lạc hơn cõi người, nhưng ngoại trừ cõi Tịnh cư thiện, về đó sẽ tiếp tục tu hành để thành chính quả, còn các cõi trời khác có mặt hạn chế là vì quá sung sướng, nên không tu được để giải thoát, hết phước báu sẽ sinh lại xuống các cõi dưới, thậm chí có thể sinh vào địa ngục, ngạ quỷ hay loài cầm thú, nếu còn vướng nghiệp chướng.
Người tu đạo Phật chân chính được dạy là phải phát nguyện tu hành nhắm đến quả vị vô thượng chính đẳng chính giác, không nên phát nguyện sinh thiên, rất khó cho đường tu.
Một số thiên chủ trong đạo Phật là những vị hộ pháp, với phát nguyện hỗ trợ sự trường tồn của Phật pháp. Khi tôi sinh hoạt chúng La Hầu La, đạo tràng Pháp Hoa, các bậc trưởng thượng dạy khi tụng kinh thì mới giở kinh ra, không được giở kinh rồi đi làm việc khác vì khi giở kinh ra thì có chư thiên đứng hầu việc trì kinh. Như vậy, trời còn phải hầu con người nếu con người đang hành trì Pháp bảo.
Sách “Giáo trình Phật học” tác giả Chan Khoon San, mục V “Những cõi thiên thần và trời”, phần “Năm cảnh giới tái sinh”, nhà xuất bản TPHCM (trang 197) xác định “Ma vương (Mara) nổi tiếng là luôn đối đầu phá rối Đức Phật và những vị A la Hán” thì lại sống ở cõi trời Tha hóa tự tại thiên (Paranimmita – vasavati). Như vậy, ma vương cũng là một loại thiên chủ. Thiên chủ ma vương có thần thông quảng đại, hiện lên đối đáp với Đức Phật và thánh tăng, cản trở Phật sự, có khi không đạt kết quả nhưng cũng có khi đạt kết quả (như việc thúc đẩy Đức Phật hứa nhập Niết Bàn).
Thiên chủ là như vậy, nên đáng gì mà tu sĩ Phật giáo gởi lời khuyên Phật tử vinh danh. Khuyên như vậy là hoàn toàn trái ngược với Phật giáo, rõ ràng là chuyện người Phật tử không thể chấp nhận được, cũng thể không để chuyện đó lây lan mà im lặng không lên tiếng.
Trong các bộ kinh A Hàm và Nikaya, thường nhắc đến việc thiên chủ đánh nhau với Atula, có khi bị Atula bắt. Thiên chủ chỉ có năng lực của người đứng đầu một cảnh giới chúng sinh. Có vị là thiên chủ nhạc công trời, Dhataratha đối với Càn thát bà. Có vị là thiên chủ của Atula dị dạng, Virulha đối với Kumbhnas asura, có vị là thiên chủ của mãng xà, Virupakkha đối với Nagas. Thiên chủ có những năng lực nhất định, kể cả tác động đến người khác, như phù trợ cũng như gây trở ngại, nhưng chỉ trong vai trò chúng sinh, không phải là chúa tể vũ trụ. Dù là thiên chủ cũng có tuổi thọ, chịu sự chi phối của nghiệp báo, luân hồi, khi gần chết thì năm tướng suy hao hiện ra.
Còn niềm tin vào thiên chúa toàn năng sáng tạo vũ trụ, vạn vật có sự sống đời đời, trong đạo Phật gọi là tà kiến.
Vậy, hiểu thiên chủ theo kiểu nào, mà tu sĩ Phật giáo gởi lời đến Phật tử để vinh danh, thì cũng đều sai cả.
Còn câu thứ hai “Bình an dưới thế cho người thiện tâm” thì đúng, đối với lời chúc lành, nếu không liên hệ gì đến thiên chủ cả. Theo Phật giáo, tất cả đều do nhân quả nghiệp báo. Người thiện tâm tất nhiên là bình an, đó là điều chắc chắn, ắt phải, và người theo đạo Phật tin tưởng vào điều đó. Nó chỉ trở nên khó nghe, trái ngược với tinh thần đạo Phật khi gắn với câu thơ thứ nhất.
Trong một bài viết cũng trả lời bạn đọc, tôi đã giải thích cách hiểu nhân quả câu thơ trên là do một giáo viên đạo Ca tô La Mã dạy cho tôi, và buộc tôi phải “vinh danh” nếu muốn “bình an”. Gắn bình an với vinh danh là một kỹ thuật để cải đạo. Người ta đem “bình an” ra để làm mồi để “vinh danh” đấng người ta muốn. Một vị tu sĩ Phật giáo lại đi gởi cái khẩu hiệu cải đạo đến cho Phật tử một cách không công, tự nguyện.
Chúng tôi thấy cần lên tiếng, trước hết là vì không muốn để người tôn giáo khác khinh đạo Phật vì trình độ của tu sĩ. Đã là tu sĩ mà còn ngây thơ như thế thì huống nữa là một số tín đồ?
Người theo đạo Phật chân chính tin bình an hay không bình an đều do nghiệp chính mình tạo ra, không cần phải vinh danh một thứ chúng sinh nào trong lục đạo, dù thiên, thần hay quỷ, vật.
Vị tu sĩ Phật giáo ở Canada thường khuyên mọi người chánh tín, không nên mê tín, cầu cúng, nhưng nay sao lại gởi một lời chúc tà kiến đến như vậy? Do đó, nếu tà kiến đến như vậy? Do đó, nếu tà kiến, tin vào một đấng thiên chủ quyền năng, có thể ban phát bình an cho người vinh danh mình, thì hãy trả lời câu hỏi về thiên tai (tai nạn do trời gây ra).
Theo cái nhìn của đạo Phật, tai nạn đều có thể đến với tất cả mọi người, tùy theo nghiệp báo, và khi đó, dù trốn vào hang, chạy lên núi hay chui xuống đất cũng không tránh khỏi (Kinh Pháp cú). Nói đến thiên tai, thì ai cũng đều có thể bị, vấn đề là giải thích nó. Đã được biết, được học quan điểm nghiệp báo, sao còn tin vào cách giải thích là vinh danh ai đó sẽ có bình an?
Trình bày ý kiến phản bác lời chúc Noel của cơ sở Phật học Tịnh Quang, tôi đề nghị lời chúc lành cho mỗi dịp lễ, bất kể là tôn giáo nào, với nội dung thương yêu giữa loài người, hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc và tôn giáo.
Hoặc “Bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Vậy là đủ, không cần vinh danh ai. Người theo Đạo Phật chân chính chỉ cần thiện tâm, thiện nghiệp, thiện pháp.
MT