Trang chủ Tuổi trẻ Gia đình Phật tử Cho Phật tử trẻ kiến thức và lòng nhân ái

Cho Phật tử trẻ kiến thức và lòng nhân ái

74

Tham gia hội thi này là những Phật tử trẻ thuộc các gia đình Phật tử chùa  Linh Sơn, Quang Thọ, Hoằng Pháp, Vĩnh Phước, Giác Nguyên và Nhật Minh (Hóc Môn).


Ngay từ sáng sớm các bạn đã cùng nhau tụ hội về chùa Giác Nguyên để chuẩn bị cho các phần thi. Đây là lần đầu tiên những thầy cô trẻ trong Ban Điều phối của NAV về giảm thiểu phân biệt, kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS tổ chức game show cho hơn 200 Phật tử tham gia.


Những cái tên rất nhân văn mà các đội nghĩ ra như Vượt khó (chùa Quang Thọ), Chia sẻ (chùa Nhật Minh), Nhân ái (chùa Giác Nguyên), Lắng nghe (chùa Vĩnh Phước), Thấu hiểu (chùa Linh Sơn) và Cảm thông (chùa Hoằng Pháp) cũng là thông điệp gửi gắm đến những người bị nhiễm HIV/AIDS.


Những câu khẩu hiệu được chuẩn bị khá công phu như “Hãy mở lòng yêu thương của mình với những người nhiễm HIV/AIDS”, “Không phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS”… Nhưng quan trọng, hào hứng nhất vẫn là phần chính của hội thi với các vòng: Hóa trang, giành quyền trả lời, giải mã ô chữ và ứng xử.


Với tiêu chí loại dần nên các phần thi được Ban Giám khảo chấm khá gắt gao, những câu hỏi có lúc cũng gây cho thí sinh lúng túng. Tuy nhiên, với những hiểu biết riêng của mình và được các thầy, sư cô trẻ đến trực tiếp truyền thông, chia sẻ nên phần lớn các Phật tử đều nắm được nội dung.


Những câu hỏi như HIV có thể tồn tại ngoài môi trường trong thời gian bao lâu?, HIV lây qua mấy đường? Khi phát hiện người bị nhiễm HIV các bạn phải làm gì…được các bạn hào hứng trả lời. Hầu như không có câu hỏi nào có thể làm “bó tay” những thí sinh.


Có được thành công ấy là nhờ: “Quý thầy, quý sư cô trong nhóm tình nguyện đã đến thường xuyên, có những phương pháp truyền thông thú vị làm các bạn tiếp thu nhanh”, ĐĐ.Thích Hạnh Tín (trưởng nhóm truyền thông) cho biết.


Còn ĐĐ.Thích Quảng Thiện, Trưởng phòng sinh viên vụ của Học viện Phật giáo VN và là chánh chủ khảo của cuộc thi thì nhận xét: “Tổ chức ra một sân chơi như vậy cho các Phật tử quả thật là ý nghĩa và đã khá thành công. Được sự hỗ trợ của NAV, hành trình chia sẻ với mọi người và trước tiên là Phật tử chắc chắn sẽ mang lại nhiều kết quả lớn hơn”.


Ở phần thi ứng xử với những câu hỏi tình huống tréo ngoe, được đặt ra như: Bạn trai bạn làm ở hộp đêm, làm sao xác minh anh ấy có bị nhiễm HIV? Trước khi kết hôn có nên mời vị hôn phu đi thử HIV/AIDS không? Tâm lý người nhiễm HIV ra sao? Người nhiễm HIV có quyền yêu hay không? Tại sao…


Những khán giả khi nghe những câu hỏi ấy cũng hồi hộp nhưng rồi bằng kiến thức và tâm hạnh của người con Phật các Phật tử trẻ đã giải quyết khá rốt ráo yêu cầu của câu hỏi.


Các bạn khẳng định: “Đối với người xa lạ bị nhiễm HIV/AIDS mình còn đem tình thương đến, chia sẻ với họ, không kỳ thị họ thì với người thương yêu của mình, mình càng cần phải thực hành điều đó…”.


Vâng, thật sự lý luận ấy là lý luận mà tất cả chúng ta – những người con Phật cần phải được thẩm thấu để hiểu rằng mọi bất hạnh, khổ đau trên thế gian này rất cần những bàn tay yêu thương đến chia sẻ trên tinh thần hiểu biết.


Và với căn bệnh thế kỷ thì những người làm công tác truyền thông cũng mong muốn một điều là: Giúp cho mọi người hiểu đúng về HIV/AIDS để có cái nhìn đúng, không phân biệt, kỳ thị người nhiễm HIV và những người thân của họ. Để chi? Để từ đó những nạn nhân, những người nhiễm HIV còn có một lối nhỏ vào đời, để họ “còn một ngày sống là còn một ngày có ích”…


Thông điệp ấy đã “thấm” trong rất nhiều Phật tử trẻ sau hội thi ngày 28-9.