Một con chó đói lả, suy nhược lần mò tìm đến một lò giết bò. Ở đấy có rất nhiều tay dao thiện xảo. Họ giết bò, khéo léo lóc xương – lóc cho đến không còn một chút thịt; khúc xương chỉ dính ít máu. Họ quăng khúc xương cho chó đói. Chó đói mừng lắm, tha xương đến chỗ vắng, dùng hai chân trước giữ chặt khúc xương, gặm lấy gặm để. Càng gặm, nước dãi càng chảy ra, ban đầu chó tự thấy sung sướng, nhưng rốt cục, nó chỉ nuốt nước dãi của mình, nhọc mệt, khốn khổ mà đói vẫn hoàn đói!
(Theo kinh Trung bộ, tập II, kinh Potaliya – Potaliya Sutta. HT. Thích Minh Châu Việt dịch)
Bàn thêm:
Ẩn dụ trên tuy hết sức súc tích, ngắn gọn – một hình ảnh bình thường diễn ra trong đời sống hàng ngày mà ai cũng có thể chứng kiến – nhưng nó bao hàm một ý nghĩa triết lý rộng lớn trong Phật giáo, vấn đề được xem là nguồn cội của khổ đau và sinh tử luân hồi: vấn đề tham dục!
Dục (kāma – lòng khát khao, ham muốn, mong mỏi) là một trạng thái tâm lý phổ biến, chi phối sâu sắc đến mọi hoạt động sống của tất cả chúng sinh. Đây là một trong những chướng ngại lớn nhất trên con đường giải thoát, giác ngộ. Đức Phật ví: “Dòng ái dục tuôn chảy khắp nơi như giống cỏ mạn-la mọc tràn lan mặt đất” (PC.340); hay: “Ở thế gian này nếu bị ái dục buộc ràng thì những điều sầu khổ càng tăng, như loài cỏ tỳ-la gặp mưa” (PC.335); hoặc: “Những người trì trục theo ái dục, vùng vẫy khác nào thỏ bị sa lưới. Càng buộc ràng với phiền não càng chịu khổ lâu dài” (PC.342).
Nhân duyên ẩn dụ trên khởi từ bài kinh Potaliya. Potaliya là tên gọi của một “gia chủ”. Potaliya không hài lòng và phẫn nộ khi Đức Phật gọi ông là “gia chủ”. Ông cho rằng “tất cả nghiệp vụ đã được tôi từ bỏ, tất cả tục sự đã được tôi đoạn tận”. Đức Phật khéo hỏi: “Này gia chủ, như thế nào tất cả nghiệp vụ đã được ông từ bỏ, tất cả tục sự đã được ông đoạn tận?”. Ông đáp: “Ở đây, này tôn giả Gotama, tài sản, ngũ cốc, hay vàng bạc, tất cả đều giao cho các con tôi thừa hưởng. Ở đây, tôi không khuyên bảo, tôi không can gián; tôi sống với tối thiểu đồ ăn, đồ mặc. Như vậy, này tôn giả Gotama, tất cả nghiệp vụ được tôi từ bỏ, tất cả tục sự được tôi đoạn tận”. “Này gia chủ, sự đoạn tận các tục sự mà ông nói khác với sự đoạn tận các tục sự trong giới luật của bậc Thánh”. “Bạch Thế Tôn, như thế nào là sự đoạn tận các tục sự trong giới luật của bậc Thánh? Bạch Thế Tôn, lành thay, nếu Thế Tôn thuyết pháp cho tôi về sự đoạn tận các tục sự trong giới luật của bậc Thánh”.
Nhân đó, Phật dạy: “Này gia chủ. Tám pháp này đưa đến sự đoạn tận các tục sự trong giới luật bậc Thánh. Thế nào là tám? Y cứ không sát sanh, sát sanh cần phải từ bỏ. Y cứ không lấy của không cho, lấy của không cho cần phải từ bỏ. Y cứ lời chân thật, nói láo cần phải từ bỏ. Y cứ không nói hai lưỡi, nói hai lưỡi cần phải từ bỏ. Y cứ không tham dục, tham dục cần phải từ bỏ. Y cứ không hủy báng sân hận, hủy báng sân hận cần phải từ bỏ. Y cứ không phẫn não, phẫn não cần phải từ bỏ. Y cứ không quá mạn, quá mạn cần phải từ bỏ…”
Để giảng rộng tám pháp này, Đức Phật đã đưa ra nhiều thí dụ, trong đó có thí dụ về chó đói gặm xương, nhằm để nói rõ hơn về lòng tham dục.
Trong một bài kinh khác, chư vị Tỷ kheo cũng đã nhắc lại: “Thế Tôn đã thuyết các dục vui ít, khổ nhiều, não nhiều, do vậy nguy hiểm càng nhiều hơn. Thế Tôn đã thuyết các dục được ví như khúc xương… Thế Tôn đã thuyết các dục được ví như một miếng thịt… Thế Tôn đã thuyết các dục được ví như bó đuốc cỏ khô… Thế Tôn đã thuyết các dục được ví như hố than hừng… (…) Thế Tôn đã thuyết các dục được ví như đầu rắn, vui ít khổ nhiều, não nhiều và do vậy, nguy hiểm càng nhiều hơn” (kinh Ví dụ con rắn, Trung bộ kinh I). Đây chính là những thí dụ đã được Đức Thế Tôn giảng giải cho gia chủ Potaliya trong bài kinh cùng tên.
Thực vậy, trong cuộc sống, chúng sinh quay cuồng ham muốn, ham muốn không bao giờ đủ, lòng tham vô đáy không bao giờ cùng. Được voi đòi tiên, được ít muốn nhiều. Không được thì khổ, mà được rồi cũng khổ vì sợ suy tổn, mất mát. Hẳn nhiên các dục cũng có “vị ngọt” của nó, nhưng đằng sau vị ngọt ấy là vị đắng, bởi vị ngọt nào – hay bất kỳ pháp nào – cũng chứa đựng sự vô thường, biến hoại.
“Này các Tỷ kheo, nếu thiện nam tử ấy nỗ lực như vậy, tinh cần như vậy, tinh tấn như vậy, nhưng các tài sản ấy không được đến tay mình, vị ấy than vãn, buồn phiền khóc than, đấm ngực, mê man bất tỉnh: ‘Ôi! Sự nỗ lực của ta thật sự là vô ích, sự tinh cần của ta thật sự không kết quả’. Này các Tỷ kheo, như vậy, là sự nguy hiểm các dục… là nguyên nhân của dục.
Này các Tỷ kheo, nếu thiện nam tử ấy nỗ lực như vậy, tinh cần như vậy, tinh tấn như vậy, và các tài sản ấy được đến tay mình, vì phải hộ trì các tài sản ấy, vị ấy cảm thọ sự đau khổ, ưu tư: ‘Làm sao các vua chúa khỏi cướp đoạt chúng, làm sao trộm cướp khỏi cướp đoạt chúng, làm sao lửa khỏi đốt cháy, nước khỏi cuốn trôi, hay các kẻ thừa tự không xứng đáng khỏi cướp đoạt chúng?’ Dầu vị ấy hộ trì như vậy, giữ gìn như vậy, vua chúa vẫn cướp đoạt các tài sản ấy, trộm cướp vẫn cướp đoạt, lửa vẫn đốt cháy, nước vẫn cuốn trôi hay các kẻ thừa tự không xứng đáng vẫn cướp đoạt chúng. Vị ấy than vãn, buồn phiền, khóc than, đấm ngực, mê man bất tỉnh: ‘Cái đã thuộc của ta, nay ta không có nữa’. Này các Tỷ kheo, như vậy là sự nguy hiểm các dục… là nguyên nhân của dục” (Đại kinh khổ uẩn, Trung bộ kinh I).
Thực nghiệm ngay trên bản thân với những chi tiết nhỏ nhặt nhất, dễ dàng nhận thấy rằng, trong từng sát na, chúng ta đã luôn truy tìm sự khả ái, dễ chịu và chối bỏ, trốn chạy những sự bất khả ái, khó chịu. Cuộc truy đuổi – trốn chạy ấy diễn ra không bao giờ cùng. Cái nhân này tiếp nối cái quả nọ miên viễn, nên vòng sinh tử luân hồi cũng không thể nào chấm dứt. Đơn cử như trong khi ngồi thiền: một làn gió mát, một trạng thái lâng lâng… luôn khiến ta thích thú; sự tê buốt, đau nhức, ngứa ngáy… luôn khiến ta khó chịu. Những sự truy đuổi, trốn chạy ấy càng diễn ra dữ dội hơn đối với những hoạt động khác.
Trong cuộc sống, chúng ta luôn phải đối mặt với tám ngọn gió đời (bát phong): mong ước được lợi lộc – lo sợ bị thua thiệt; mong ước được lạc thú – lo sợ khổ đau; mong ước được lừng danh, vinh quang – lo sợ bị thất sủng, ghét bỏ; mong ước được ngợi khen – lo sợ bị chê bai. Tám ngọn gió này luôn khiến chúng ta ăn không ngon, ngủ không yên, cứ luôn nơm nớp lo sợ.
Một giai thoại kể rằng, Tô Đông Pha, sau khi bị giáng chức và đày đi Hàng Châu, đã kết thân với Thiền sư Phật Ấn. Một hôm, ông sáng tác được bài thơ rất hay, ngợi ca Đức Phật: Khể thủ Thiên trung thiên / Hào quang chiếu đại thiên / Bát phong xuy bất động / Đoan tọa tử kim liên – (Đảnh lễ Bậc Giác ngộ / Hào quang chiếu vũ trụ / Tám gió thổi chẳng động / Ngồi vững tòa sen vàng). Vì quá tâm đắc bài thơ, ông ngâm đi ngâm lại suốt mấy ngày, rồi sai tiểu đồng chèo thuyền sang bờ sông bên kia, đến chùa Kim Sơn, trao cho Thiền sư Phật Ấn, hy vọng nhận được một lời ngợi khen. Thế nhưng, thay vì khen ngợi, Phật Ấn phê “Fang pi!”, tức “Cái rắm!”. Ông đã “đánh rắm” vào bài thơ! Quá tức khí, Tô Đông Pha vội đích thân bươn bả chèo thuyền sang sông, quyết gặp Phật Ấn để hỏi tội. Gặp nhau ở bến sông, Đông Pha liền lớn tiếng trách: “Bài thơ của tôi sai sót ở chỗ nào mà ngài lại phê vào hai chữ đánh rắm?”. Thiền sư Phật Ấn liền cười xòa: “Ông nói Tám gió thổi không động, vậy mà chỉ một cái đánh rắm thôi đã vội bay sang sông rồi!”. Tô Đông Pha hốt nhiên bừng ngộ.
Chung quy, các dục cũng chỉ là hư vọng – hư vọng nhưng lại có thể sai khiến chúng ta điên đảo, quay cuồng. Truy đuổi vị ngọt của các dục cũng như con chó đói ra sức gặm xương, tự sướng vì nước dãi của mình, song không thể thỏa được cơn đói. Do vậy, Đức Phật đã dạy: “Giả sử mưa xuống bạc vàng cũng chẳng làm thỏa mãn lòng tham dục. Người trí đã biết rõ ái dục vui ít mà khổ nhiều. Thế nên, dù sự dục lạc ở cõi trời, ngươi cũng chớ sanh tâm mong cầu. Đệ tử đấng Chánh giác chỉ mong cầu diệt trừ ái dục mà thôi” (PC.186-187).