Trang chủ Tu học Thiền Tứ Niệm Xứ Chính niệm-thực tập thiền quán (Chương Mười, Phần 2)

Chính niệm-thực tập thiền quán (Chương Mười, Phần 2)

110

 

5. Không tập trung được 
 
Chúng ta ai cũng đã từng kinh nghiệm một trạng thái lăng xăng, khi sự chú ý của mình không đứng yên được, cứ phóng nhảy khắp nơi. Vấn đề này có thể được đối trị bằng những phương pháp sẽ trình bày trong chương kế tiếp, bàn về sự xao lãng.   Nhưng bạn cũng nên biết rằng, có những nguyên nhân bên ngoài góp phần tạo ra hiện tượng này. Và cách hay nhất là chỉ đơn giản điều chỉnh lại chương trình của mình. 
 
Hình ảnh là một thực thể có rất nhiều quyền lực. Chúng có thể có mặt và sống trong tâm thức ta trong một thời gian rất lâu. Tất cà những nghệ thuật kể truyện đều trực tiếp sử dụng khéo léo các hình ảnh. Và nếu người kể có tài, họ có thể để cho những hình ảnh và các nhân vật có một ảnh hưởng rất lâu dài và sâu sắc trong tâm thức người nghe. 
 
Sau khi bạn đi xem một cuốn phim hay, giờ ngồi thiền của bạn tiếp theo sẽ toàn là những hình ảnh trong cuốn phim ấy. Nếu bạn đang đọc dở dang một cuốn chuyện kinh dị, giờ ngồi thiền của bạn sẽ đầy những con quái thú! Vì vậy, bạn nên khéo léo đổi ngược lại thứ tự ngồi thiền của những việc ấy. Ngồi thiền trước. Rồi sau đó mới đọc chuyện hoặc đi xem hát. 
 
Một yếu tố có ảnh hưởng quan trọng khác nữa là tâm trạng. Nếu đời sống bạn đang gặp mâu thuẫn, những khó khăn ấy sẽ được mang vào trong giời ngồi thiền. Nếu được, bạn hãy cố gắng giải quyết hết những khó khăn hàng ngày trước khi ngồi thiền. Cuộc đời bạn sẽ trôi chảy suôn sẻ hơn, và bạn không phải suy nghĩ vô ích trong giờ thiền tập.
 
Nhưng đừng lợi dụng lời khuyên này như một cái cớ để trốn ngồi thiền. Nhiều khi ta không thể giải quyết được hết mọi vấn đề trước giờ ngồi thiền. Cứ ngồi. Hãy dùng thiền tập để buông bỏ hết mọi thái độ chấp ngã hằng giam giữ ta trong những quan niệm nhỏ nhoi, cố chấp. Nhờ đó mà những vấn đề của ta sẽ được giải quyết dễ dàng hơn. 
 
Và cũng có những ngày mà dường như tâm ta không thể nào đứng yên, và ta cũng không xác định được nguyên nhân của nó. Bạn còn nhớ tôi có trình bày về một vòng quay thay đổi trước đây không? Thiền tập cũng đi theo những vòng xoay tròn. Ta có những ngày tốt, và ta cũng có những ngày xấu! 
 
Thiền quán vipassana chủ yếu là sự luyện tập chính niệm. Làm cho tâm ta được trống rỗng không quan trọng bằng có chính niệm về những gì đang xảy ra trong tâm ta. Nếu trong lòng bạn đang rối bời và không thể làm gì để yên xuống được, hãy cứ quan sát nó. Tất cả đều nằm trong ta! Kết quả là bạn sẽ tiến thêm được một bước nữa trên hành trình tự khám phá chính mình. Điều quan trọng là đừng bao giờ bực dọc về sự lăng xăng của tâm ý. Chúng cũng chỉ là thêm một đối tượng chính niệm cho ta mà thôi. 
 
6. Nhàm chán 
 
Thật khó tưởng tượng được còn có gì nhàm chán hơn là ngồi yên trong vòng một tiếng đồng hồ và không làm gì hết, chỉ theo dõi hơi thở ra vào nơi đầu lỗ mũi! Trong những giờ ngồi thiền bạn sẽ rất thường xuyên rơi vào tâm trạng nhàm chán. Ai cũng vậy. Nhàm chán là một trạng thái tâm lý, và cần được đối xử như vậy. Dưới đây là một vài phương cách giúp bạn đối trị:
 
a.            Thiết lập lại chính niệm thật sự 
 
Nếu bạn cảm thấy hơi thở dường như rất là vô vị và buồn tẻ, không có gì lạ để theo dõi, bạn nên tin chắc một điều này: Bạn đã không còn theo dõi hơi thở với một năng lượng chính niệm đúng đắn nữa. 
 
Dưới ánh sáng chính niệm, không có một cái gì là nhàm chán cả. Hãy nhìn lại đi. Đừng tự cho rằng mình đã thấy và đã biết hết tất cả mọi việc. Vì làm như thế là bạn đã đóng khung lại nhận thức của mình. Bạn không còn quán sát thực tại linh động của nó nữa. 
 
Khi bạn có chính niệm rõ ràng về hơi thở hay bất cứ một đối tượng nào, điều đó không thể nhàm chán. Chính niệm nhìn mọi vật bằng ánh mắt của một trẻ thơ, thấy điều gì cũng kỳ diệu.   Chính niệm nhìn mỗi giây phút như là một giây phút đầu thiên và là duy nhất trong vũ trụ này. Vì vậy, bạn hãy nhìn lại một lần nữa đi! 
 
b. Quán sát tâm trạng 
 
Hãy nhìn lại trạng thái nhàm chán của mình trong chính niệm. Nhàm chán là gì? Nhàm chán nằm ở đâu? Nó có cảm giác thế nào? Nó có những đặc tính gì? Nó có một cảm thụ vật lý nào không? Nó ảnh hưởng đến tư tưởng của tar a sao? Hãy xét lại sự nhàm chán đó với một cái nhìn mới, như là ta chưa từng biết nó là gì. 
 
7. Sợ hãi 
 
Đôi khi, trong lúc ngồi thiền sẽ có những cảm giác sợ hãi khởi lên mà không có một lý do nào rõ rệt. Đó là hiện tượng rất thông thường, và có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Có thể bạn đang trải qua phản ứng của một vấn đề gì bị đè nén từ lâu. 
 
Nên nhớ, tư tưởng phát khởi trước hết từ trong tiềm thức của ta. Phần tình cảm của một tư tưởng thường được hiển lộ trên tâm thức ta rất lâu trước khi tư tưởng ấy xuất hiện. Nếu bạn ngồi yên với nỗi sợ ấy, những ký ức về nó cuối cùng sẽ hiển lộ, giúp ta có thể chịu đựng được. 
 
Nguyên nhân thứ hai là có thể bạn đang trực tiếp đối diện với một nỗi sợ chung của tất cả chúng ta “sợ cái mà mình không biết.” Có một lúc trên con đường tu tập, bạn sẽ đột nhiên ý thức được tính chất nghiêm trọng của chuyện mình đang làm. 
 
Bạn đang phá đổ bức tường ảo tưởng đã từng bảo vệ bạn khỏi ngọn lửa đỏ của thực tại, và đã được bạn dùng để giải thích ý nghĩa của cuộc đời. Bạn sắp sửa nhìn tận mặt sự thật. Điều ấy rất đáng sợ. Nhưng cuối cùng thế nào rồi bạn cũng phải đối diện với nó. Đừng ngại, cứ việc lao thẳng vào đi. 
 
Và nguyên nhân thứ ba là: nỗi sợ ấy có thể do chính mình tạo nên. Nó có thể phát sinh do một sự tập trung thiếu khôn khéo của ta. Có thể bạn đã có sẵn một chương trình trong tiềm thức của mình đã “khảo sát bất cứ một điều gì khởi lên.” Và khi có một hình ảnh tưởng tượng sợ hãi nào khởi lên, bạn tập trung vào nó, và nỗi sợ hãi ấy lại lấy nhiên liệu từ năng lượng của sự tập trung, và tăng trưởng lên. 
 
Vấn đề chính ở đây là vì chính niệm của ta yếu đuối. Nếu như chính niệm của bạn vững mạnh, nó ghi nhận được ngay sự chú tâm thiếu khôn khéo ấy, và đối phó với tình trạng này như mọi thứ khác.
 
Không cần biết nỗi sợ của bạn là do nguyên cớ gì, chính niệm bao giờ cũng là phương thuốc. Hãy quán sát nỗi sợ như nó thật sự đang hiện hữu. Đừng bám víu vào nó, chỉ theo dõi khách quan sự sinh khởi và tăng trưởng của nó. Đối xử với tất cả như một người ngoài cuộc quan tâm đến vấn đề. 
 
Điều quan trọng nhất là đừng cố chống lại tình trạng ấy. Đừng cố gắng trấn áp những ký ức, những cảm thụ hoặc những tưởng tượng khởi lên. Chỉ việc đứng qua một bên, để cho nó sôi sục lên và rồi sẽ tan biến mất. Nó không thể làm hại gì được ta. Nó chỉ là ký ức. Nó chỉ là một sự tưởng tượng. Không có gì hơn mà chỉ là một nỗi sợ! 
 
Một khi ta để cho nỗi sợ diễn ra theo tiến trình tự nhiên trên bình diện ý thức, nó sẽ không còn rơi vào trong tiềm thức. Nó sẽ không còn trở lại và đe dọa ta nữa. Nỗi sợ ấy sẽ biến mất mãi mãi!
 
8. Kích động bất an 
 
Những bất an thường là sự che đậy cho những vấn đề đang còn nằm sâu kín trong tiềm thức. Con người chúng ta rất giỏi đè nén mọi việc! Thay vì đối diện với những tư tưởng hoặc kinh nghiệm khó chịu, chúng ta thường chôn dấu chúng đi để khỏi phải nhìn thấy. Không may là việc làm ấy không bao giờ thành công! 
 
Chúng ta cố gắng chôn giấu những tư tưởng của mình, nhưng những năng lượng của chúng vẫn còn có mặt ở đó, và cứ sôi sùng sục. Và kết quả là ta cảm thấy có một cảm giác kích động và bất an. Ta không thể xác định được vấn đề nằm ở chỗ nào. Nhưng ta không cảm thấy an ổn. Ta không thể nghỉ ngơi được! 
 
Trong lúc ngồi thiền, nếu có cảm giác này, bạn hãy cứ quan sát nó. Đừng để cho nó làm chủ mình. Đừng đứng dậy và bỏ chạy Cũng đừng chống cự lại hoặc cố gắng xua đuổi nó đi. Hãy cứ để cho nó có mặt và theo dõi cho thật chặt chẽ. Cuối cùng, những vấn đề bị chôn sâu sẽ từ từ hiển lộ, và ta thật sự biết được những gì làm cho mình lo nghĩ. 
 
Những kinh nghiệm khó khăn mà ta muốn tránh né đó, có thể là bất cứ một cái gì: một mặc cảm tội lỗi, tham lam, hay một khó khăn nào đó. Nó có thể là một cái đau ngấm ngầm, một chứng bệnh tinh tế, hoặc một cơn bệnh mới bắt đầu. Cho dầu nó là gì đi nữa, hãy cứ để cho nó hiển lộ lên và quán sát bằng chính niệm. 
 
Nếu bạn ngồi yên và theo dõi những kích động và bất an của mình, chúng sẽ tự động biến mất. Ngồi yên và đối diện được với những bất an của mình là một bước tiến lớn trên hành trình tu tập. Ta sẽ học được rất nhiều. Ta sẽ khám phá được rằng những kích động và bất an ấy thật ra là một trạng thái rất nông cạn. Nó không lâu dài và rất phù du. Nó đến rồi nó đi. Và không có một quyền lực gì đối với ta cả! 
 
  1. Cố gắng quá sức 
Những thiền sinh kỳ cựu thường là những người rất vui tính. Họ có một đức tính rất quý,đó là biết khôi hài. Nhưng đó không phải là một sự đối đáp khôn lanh, giả tạo của các nhân vật trình diễn trên sân khấu. Đó là tính khôi hài chân thật. Họ có thể bật cười trước những lỗi lầm của chính họ. Họ cũng có thể mĩm cười với những tai họa xảy đến. 
 
Còn những thiền sinh mới bắt đầu thường nghiêm trang quá mức. Bạn nên học giữ mình cho được thoải mái và thư thả trong lúc ngồi thiền. Điều ấy rất quan trọng. Bạn cần học nhìn bất cứ điều gì xảy ra bằng một ánh mắt khách quan. Bạn không thể làm được việc ấy nếu bạn căng thẳng và cố gắng quá độ. Đừng coi một việc gì là nghiêm trọng quá. 
 
Những thiền sinh mới thường hay quan trọng hóa vấn đề kết quả. Họ có những kỳ vọng to tát và bị thổi phồng. Họ nhảy vào thực tập, và lập tức muốn có những kết quả vĩ đại ngay. Họ thúc đẩy. Họ căng thẳng. Họ dụng công toát mồ hôi, rất quyết liệt và nghiêm khắc. 
 
Nhưng đó là một thái độ hoàn toàn đối nghịch với chính niệm. Lẽ dĩ nhiên, họ sẽ không đạt được kết quả tốt! Và rồi họ đổ thừa cho phương pháp thực tập là không có hiệu quả, không đem lại được những gì họ mong đợi. Họ coi thường và gác nó sang một bên. 
 
Ở đây, tôi muốn nói rõ điều này: Chúng ta học thiền bằng cách hành thiền. Chúng ta học biết thiền là gì, và nó sẽ dẫn ta về đâu, bằng một cách duy nhất là trực tiếp trải nghiệm nó. Vì vậy, các thiền sinh mới không biết mình đang đi về đâu vì họ chưa có kinh nghiệm qua sự thực tập của mình. 
 
Lẽ dĩ nhiên, những kỳ vọng của các thiền sinh mới bắt đầu thường không thực tế vì thiếu hiểu biết. Họ hy vọng những điều không đúng và không mang lại một lợi ích nào cả. Đôi khi chúng còn trở thành chướng ngại nữa. 
 
Cố gắng quá mức sẽ dẫn đến những sự cứng rắn, khắt khe, buồn bực, và còn mang lại cho ta những mặc cảm tội lỗi,thua sút. Khi chúng ta dụng công quá độ, sự cố gắng của ta sẽ trở nên máy móc, và đó không còn là chính niệm! Bạn nên buông bỏ đi. 
 
Hãy buông bỏ hết những kỳ vọng và sự căng thẳng. Công phu bằng một sự cố gắng bền bỉ và quân bình. Hãy có được hạnh phúc trong thiền tập và đừng tự đè nặng mình bằng những nỗ lực của mồ hôi và nước mắt. Chỉ có chính niệm. Thiền tập tự nó sẽ chăm sóc cho tương lai của chúng ta.  
 
  1. Nản lòng 
Kết quả của sự cố gắng quá độ là sự thất vọng. Bạn ở trong một trạng thái căng thẳng và không tiến đến đâu cả. Và khi thấy mình không tiến bộ như đã hy vọng, bạn đâm ra nản lòng. Bạn cảm thấy mình là người thất bại. Thật ra, đó là một hậu quả tự nhiên mà ta hoàn toàn có thể tránh được. 
 
Nguyên nhân là vì ta đã đặt những kỳ vọng không thực tế. Nhưng dù sao, đó cũng là một hiện tượng chung cho tất cả chúng ta. Dầu đã biết rồi đi chăng nữa, nó vẫn có thể xảy đến cho chính mình. 
 
Có một giải pháp. Nếu bạn cảm thấy chán nản hoặc thối chí, hãy quán sát tâm trạng ấy cho kỹ. Nhớ đừng cộng thêm vào đó bất cứ một điều gì. Chỉ theo dõi nó. Cảm giác chán nản ấy cũng chỉ là một phản ứng tạm thời và ngắn ngủi mà thôi. Nếu bạn vướng mắc vào, nó sẽ dùng chính năng lượng của bạn và trở nên mạnh mẽ hơn. Nếu bạn chỉ hoàn toàn khách quan theo dõi nó, nó sẽ đi qua. 
 
Nếu bạn cảm thấy chán nản vì nghĩ rằng mình đã thất bại trong việc thiền tập, việc ấy cũng dễ đối trị. Bạn thất bại là vì quên giữ chính niệm. Hãy có chính niệm về cảm giác thất bại ấy. Chỉ bằng một hành động đó, ta đã thiết lại được chính niệm của mình!  
 
Thật ra không bao giờ có chuyện thất bại trong thiền tập. Chỉ có những khó khăn và vấp ngã. Nhưng không bao giờ có sự thất bại, chỉ trừ khi nào ta bỏ cuộc hoàn toàn mà thôi. Cho dù bạn có ra hai mươi năm trời và cảm thấy không đi đến đâu hết, bạn vẫn có thể thiết lập chính niệm trong bất cứ giây phút nào bạn muốn.Tùy bạn quyết định. 
 
Hối hận chỉ là một trong những việc làm của sự thất niệm. Ngay khi ta ý thức được rằng mình không có chính niệm, thì chính giây phút ấy là giây phút của chính niệm. Vì vậy, cứ tiếp tục con đường mình đi. Đừng để bị lạc hướng chỉ vì một phản ứng của cảm xúc.
 
  1. Không muốn thực tập  
Sẽ có những lúc bạn cảm thấy mình không muốn ngồi thiền chút nào. Chỉ cần nghĩ đến việc ấy thôi cũng đủ làm bạn cảm thấy khó chịu. Thật ra, bỏ lỡ một buổi ngồi thiền cũng không có gì quan trọng, nhưng chúng dễ trở thành một thói quen. Vì vậy, chúng ta không nên khôn ngoan vượt qua sự “không muốn” đó.  
 
Cứ việc ngồi thiền.   Quan sát cảm giác “không muốn” ấy trong tâm. Trong hầu hết trường hợp, đây chỉ là một cảm xúc tạm thời, đến và đi, biến mất ngay trước mắt ta. Sau khi bạn ngồi xuống, chỉ cần năm phút là nó đã biến mất. 
 
Trong những trường hợp khác, khi nguyên nhân là tâm trạng không tốt trong ngày hôm ấy, cảm giác “không muốn” sẽ tồn tại lâu hơn một chút, nhưng chắc chắn rồi cũng sẽ qua. Dầu sao thì việc ngồi thiền trong hai, ba mươi phút để loại bỏ cảm giác ấy vẫn tốt hơn là mang theo nó trong lòng và phá hỏng toàn bộ thời gian còn lại trong ngày.  
 
Trong vài trường hợp, cảm giác không muốn ngồi thiền có thể là do những khó khăn bạn đang gặp phải trong việc thực tập. Bạn có thể biết hoặc không biết gì về những khó khăn ấy. Nếu bạn biết được khó khăn đó là gì, hãy sử dụng một trong những phương cách được trình bày trong sách này để đối trị. Khi bạn hóa giải được nó rồi thì cảm giác không muốn ngồi thiền cũng sẽ tự nhiên biến mất. 
 
Còn nếu bạn không biết được vấn đề là gì, bạn cần chịu khó đương đầu với nó. Hãy ngồi thiền với cảm xúc “không muốn” ấy và quan sát nó trong chính niệm. Rồi nó sẽ trôi qua. Và những nguyên nhân sinh khởi rồi sẽ hiển lộ, và từ đó bạn sẽ có thể đối trị. 
 
Nếu cảm giác không muốn ngồi thiền xảy ra rất thường xuyên, thì bạn nên xem xét lại cho kỹ thái độ thực tập của mình. Ngồi thiền không phải là một hình thức lễ nghi. Nó cũng không phải là một bài thực tập nhiều đau đớn, hoặc một thời gian dài nhàm chán. Và nó cũng không phải là một bổn phận hoặc trách nhiệm nặng nề. 
 
Thiền tập là chánh niệm. Nó là một cách nhìn mới và cũng là một hình thức vui chơi. Thiền tập là một người bạn. Hãy xem nó đúng như vậy, và mọi cảm giác phản kháng đối với việc ngồi thiền sẽ tan biến như sương khói dưới ánh nắng mặt trời trong buổi sớm mai.  
 
Và nếu bạn đã thử qua hết những đề nghị trên rồi những vẫn còn cảm thấy không muốn ngồi thiền, có thể là bạn đang gặp phải vấn đề. Có thể có một vài trở ngại liên quan đến vấn đề siêu hình không được đề cập trong phạm vi của sách này. Thông thường thì rất hiếm khi những thiền sinh mới lại gặp những trở ngại này, nhưng điều đó vẫn có thể xảy ra.
 
Đừng bỏ cuộc. Hãy tìm người giúp đỡ. Hãy tìm đến những vị thầy giỏi và có kinh nghiệm về phương pháp thiền quán vipassana, nhờ hô giúp đỡ bạn vượt qua những trở ngại ấy. Những bậc thầy như thế hiện hữu trên đời này chính là để giúp đỡ bạn! 
 
  1. Trạng thái đờ đẫn hoặc đê mê 
Chúng ta có bàn qua về vấn đề buồn ngủ hay hôn trầm. Nhưng có một con đường đặc biệt dẫn ta đến trạng thái ấy, và bạn nên để ý. Trạng thái đờ đẫn hoặc đê mê này có thể là một hệ quả phụ của định lực khi nó bắt đầu được sâu sắc. 
 
Khi sự thư giản của ta thâm sâu, các bắp thịt trong người sẽ buông thư, và những tín hiệu truyền trong hệ thống thần kinh của ta cũng bắt đầu thay đổi. Việc này tạo nên một cảm giác rất an tĩnh và nhẹ nhàng. Bạn cảm thấy rất yên, và dường như tách lìa khỏi thân xác mình vậy. Đây là một cảm giác vô cùng dễ chịu. 
 
Vào lúc đầu, sự tập trung của bạn vẫn còn vững mạnh, vẫn còn chú ý vào hơi thở. Một thời gian sau, khi cảm giác dễ chịu ấy tăng trường, chúng sẽ làm xao lãng sự tập trung vào hơi thở. Bạn bắt đầu cảm thấy thích thú với trạng thái ấy, và chính niệm sẽ giảm sút rất nhanh. Cuối cùng, định lực của bạn bị tản mác khắp mọi nơi, trôi dạt trong đám mây mù của một cảm giác lâng lâng. Và kết quả là sự thất niệm, cũng tương tự với một trạng thái đê mê đờ đẫn. 
 
Lẽ dĩ nhiên, phương thuốc chữa trị bao giờ cũng vẫn là chính niệm. Hãy quán sát những hiện tượng này trong chính niệm, và nó sẽ tự nhiên tiêu tán mất. Khi có một trạng thái đê mê phát khởi lên,chấp nhận nó. Ta không cần phải tránh né nó, nhưng cũng đừng để nó trói buộc. Đây chỉ là một cảm thụ vật lý, và hãy quán sát nó đúng như vậy. 
 
Quán sát cảm thụ như là cảm thụ. Quán sát sự đê mê như là sự đê mê. Nhìn chúng sinh khởi và nhìn chúng diệt mất đi.   Đừng vướng mắc vào! Bạn sẽ gặp phải những khó khăn trong sự thực tập của mình. Ai cũng vậy. Bạn có thể xem chúng là những khổ não hay là những thử thách cần phải vượt qua.    Nếu xem chúng như là những cơ hội giúp ta học hỏi và trưởng thành, triển vọng tâm linh của ta sẽ là vô giới hạn. 
 
Theo: Chính niệm – Thực tập thiền quán
Tác giả: Bhante Henepola Gunaratana
Người dịch: Nguyễn Duy Nhiên
Nguồn: Rộng mở tâm hồn
 
 
Mời bạn đọc đón xem tiếp chương Mười Một: Đối trị với sự xao lãng- Phần I