Trang chủ Đời sống Chính niệm để sống yêu thương

Chính niệm để sống yêu thương

89

Thông qua buổi giao lưu, thầy Chân Pháp Đăng chia sẻ với mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ tinh thần lạc quan, bình tĩnh đối diện với bệnh tật và khó khăn, bằng cách sống tỉnh thức trong từng phút giây, để tiếp xúc với những gì là lành mạnh và trong mát của đời sống.

Thầy Chân Pháp Đăng xuất gia tại chùa Từ Hiếu ( Huế), thầy sang Mỹ tu học và giảng dạy tại Làng Mai, bên cạnh đó Thầy cũng đi giảng dạy Phật Pháp bằng tiếng Anh tại Thái, Úc, Indo. Tuy nhiên đối với Thầy, dù đi bốn phương trời thì lòng vẫn hướng về VN, vậy nên dù Phật sự đa đoan, thầy vẫn về Việt Nam 2 năm một lần.

Năm nay thầy đã về TP.HCM từ 9/6/2014. Vì thầy đã xa quê hương VN từ năm 1979, nhưng Thầy luôn ý thức mình là người Việt Nam, nên mỗi lần về quê nhà, Thầy cảm thấy trong lòng ấm áp. Tại buổi chia sẻ, Thầy tỏ lòng cảm kích đối với sự đón tiếp nồng hậu chân thành của Phật tử miền Bắc, cũng như niềm biết ơn đối với công ty Sách Thái Hà đã trợ duyên cho cuốn sách “ Trị liệu ung thư bằng chính niệm” đến với được nhiều người, để giúp họ có thêm niềm tin và nghị lực sống.

Để viết nên được một cuốn sách như thế, cách đây 3 năm 7 tháng, Thầy đã phải chịu đựng một khối u ác tính trong dạ dày trong 10 năm. Thầy được khuyên phải mổ để khám nghiệm khối u. Dù thầy yêu cầu không gây mê nhưng bác sĩ vẫn tuân theo qui định khoa Phẫu thuật.

Khi thầy đang phải đối diện với căn bệnh hiểm nghèo, Thầy luôn quán chiếu về sự sinh diệt vô thường của một kiếp người, nhờ vậy tâm của thầy được giải thoát khỏi sợ hãi, an nhiên tự tại trước mọi tình huống của bệnh tật. Trong cuộc sống làm người, có thân là có bệnh. Để có thể từ bi với chính mình, mỗi người chúng ta nên ôm ấp bệnh tật và quan tâm yêu thương hơn đến mỗi phần cơ thể đang bị đau.

Con người hãy biết yêu thương và chăm lo cho chính mình, từ đó chúng ta sẽ biết đồng cảm và chăm sóc cho những người khác. Tình thương yêu lan tỏa trong tâm hồn giúp xoa dịu nỗi đau thể xác, và khiến tâm hồn thêm tinh tế nhạy cảm, biết cảm nhận và trân quý từng vẻ đẹp của cuộc sống.

Đối với những người đang đứng giữa ranh giới 2 bờ sinh tử, cuộc sống quý giá vô cùng, mỗi giờ mỗi ngày họ còn đang sống đều quý hóa, vì họ không biết mình còn bao nhiêu ngày được sống. Nếu con người sợ chết đến nỗi quên ăn quên ngủ, tinh thần tiêu cực khiến bệnh tình ngày càng nặng hơn. Ngược lại, nếu mỗi người lấy tâm vui tươi sảng khoái để cơ thể tăng sức đề kháng, không những vậy còn thu hút được năng lượng lành mạnh để chữa bệnh.

Thầy Chân Pháp Đăng thường ngồi thiền bên dòng sông hai lần một ngày, đó là sáng sớm và chiều muộn, thầy thả lỏng thân, mở rộng tâm hồn để thiên nhiên trị liệu bằng tia hồng tử ngoại từ ánh nắng mặt trời bổ sung vitamin D. Bên cạnh đó, thầy đi bộ và tập thiền hành đều đặn 2 lần một ngày.

Thiền là liều thuốc quý đối với sức khỏe, khỏe mạnh không phải tiêu tán năng lượng nhiều, mà là lưu giữ được nhiều năng lượng, thở sâu và đều từ huyệt đan điền giúp phân phối năng lượng đến từng phần cơ thể, trong khi trí não tiêu tán 20% năng lượng cơ thể

Đó là lý do vì sao chúng ta cần trị liệu thân bệnh & tâm bệnh bằng chính niệm. Chính niệm là khả năng ý thức nhận biết chuyện gì đang xảy ra, nhận diện nhưng không tưởng tượng gì thêm. Chính niệm là năng lượng làm tâm mình sáng, tỉnh thức để quan sát & cảm nhận cuộc sống rõ ràng, song bớt suy tư sâu xa, sao cho cái thấy và cái nghe của tâm hồn mình trong sáng hơn.

Ví dụ bạn thưởng lãm hoa sen mà trong đầu không tự hỏi vì sao hoa màu hồng, bao giờ nó héo..v..v..? tương tự như vậy, dùng trị liệu để trị liệu bệnh tật có nghĩa là, dù bạn biết mình đau nhưng bạn không tưởng tượng gì thêm, như thế bạn sẽ không còn sợ hãi phiền não. Chính niệm cho người nhận biết sự màu nhiệm trong cuộc sống, đó là tâm tỉnh thức của một vị Phật tương lai.

Không những vậy, chúng ta có thể áp dụng chính niệm để học tập và làm việc, vì nhiên liệu của chính niệm là hơi thở, hơi thở đều đặn, ngay đó tâm ý quay về đoàn tụ với thân, khi ấy sự sống trở nên toàn diện. Ước hẹn với cuộc sống nằm trong hiện tại : thở vào tôi biết tôi đang lắng nghe những giá trị nào là tinh túy, thở ra tôi biết tôi phải chọn những gì để ghi chép vào bài viết. Không chỉ nhà báo mới cần điều này, các sinh viên mọi ngành nghề khác cũng cần học chính niệm tập trung để biết cách lắng nghe & ghi chép bài giảng trên lớp.

Kì diệu hơn nữa là lối sống chính niệm lại có thể giúp ích cho những người không may gặp bệnh về thần kinh não bộ. Loại bệnh này tuy khiến người mất hoàn toàn ý thức. Chính vì vậy, những người có tình thương cần đủ kiên nhẫn để dẫn dắt người đó bằng chính cuộc đời có tinh thần tứ nhiếp pháp : lợi hành – đồng sự, nghĩa là cùng nhau làm từng việc một hàng ngày. Thời gian và may mắn sẽ mỉm cười với sự cố gắng và nhẫn nại của tình người.

Đặc biệt khi trả lời câu hỏi “ làm thế nào để con thanh thản đón nhận lời chỉ trích”, Thầy đã khuyên đại chúng hãy học hạnh của đất có khả năng đón nhận dung chứa mọi thứ sạch bẩn vào lòng để chuyển hóa. Thời Đức Phật còn tại thế, Đại Đức Punna đã không ngần ngại đến một ngôi làng có dân chúng dữ dằn để hóa độ, vì “ người ta mắng con nghĩa là người ta chưa đánh con, người ta đánh con nghĩa là người ta chưa giết con, người ta giết con nghĩa là người ta giải thoát cho con ra khỏi vòng luân hồi về với cuộc sống ở cõi Ta Bà này”.

Câu chuyện Thầy Chân Pháp Đăng vì muốn an ủi một chú tiểu gốc Do Thái tại Làng Mai mà bị chú ấy hiểu lầm và đánh thầy gẫy 2 cái răng đã khai mở tâm trí cho Phật tử sống tại Việt Nam về hạnh nhẫn của người tu Phật. Thầy là bậc tu sĩ đáng kính trọng, những người hiểu Phật Pháp đều muốn thị giả thầy để lấy phúc, một câu nói hỗn còn không có, huống chi là đánh thầy. Vậy mà khi bị đánh, Thầy vẫn chắp tay búp sen, để yên cho chú ấy đánh, trong tâm quán tưởng “ hãy như đất bị đào xới, đất không đau khổ”.

Trong khi, việc bất cứ ai phê phán, đánh đập người khác chỉ làm đức hạnh của người đánh mắng bị tổn thương. Mình nên thương người đánh mắng mình, vì tổn thương về đức hạnh nghiêm trọng và khó lành hơn về tổn thương về thể xác. Tinh thần người bị đánh mắng tràn ngập sự đồng cảm thương xót, thì nỗi tình thương tinh thần cũng chóng hồi phục.

Điều đó cho thầy, tinh thần bao dung của Phật giáo bao trùm suốt chiều dài nội dung cuốn sách đang được coi là liều thuốc quý cho con người, là nguồn động viên, là tấm gương mà mỗi người chúng ta đều có thể học tập theo. Thầy chia sẻ rằng, tinh thần hỷ xả rộng lượng quyết định tình trạng sức khỏe của mỗi người.

“Chỉ cần một suy tư giận hờn đã làm nong nóng, bất an trong cơ thể; bỗng nhiên mạch tim đập nhanh hơn, máu huyết kích thích chảy mạnh hơn, cơ thể xáo trộn. Ngược lại, một suy tư tha thứ, thương yêu tạo ra cảm giác bình yên, thoải mái, khỏe khoắn trong cơ thể”.